Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  KÝ ỨC MÙA ĐÔNG - Bùi Kim Anh KÝ ỨC MÙA ĐÔNG - Bùi Kim Anh , Người xứ Nghệ Kiev
 

               mua dong buon Ảnh đẹp về mùa đông (Tổng hợp)   

                        Ảnh minh họa - Internet   

Mùa đông đã về, chậm và vội vàng trên phố phường. Và rồi, đã hết năm mà từng đợt rét vẫn lạnh lùng thổi. Nắng yếu ớt, hanh hao và chưa có cảnh mưa phùn gió bấc tê tái lòng người. Bung ra đống áo rét tôi chợt thấy thiếu, thấy vắng, thấy nhớ những kỷ niệm về bà, về mẹ, về tấm áo bông gọn gàng ấm áp thuở ấu thơ. Tấm áo, ngày xưa, dành cho cả người già, người đứng tuổi và cho cả trẻ nhỏ. Trời giá rét, nếu chỉ mặc áo sợi, áo len thôi cái lạnh vẫn thấm buốt da, buốt thịt. Áo bông mặc vào thít chặt, không bị cảm giác gió lùa chống chếnh. Nhà nghèo chỉ một tấm áo như vậy là đủ lấp đi manh áo vải trống trải, sơ sài bên trong.

            Tôi vẫn còn nhớ ngày chỉ là cô bé tết hai bím tóc nhỏ, tết đến được theo mẹ lên phố may áo bông. Áo của mẹ may bằng một lớp vải màu xanh lá cây thêu loáng thoáng những bông hoa nhỏ màu trắng. còn một lớp kia được may bằng lụa Hà Đông, hai bên có thêu hoa păng xê nhỏ, toàn thân rải những bông hoa păng xê nhiều màu. Áo của tôi một mặt may bằng vải krép có in những bông hoa cúc, một mặt bằng vải chéo hoa. Tôi thích cái áo bông hoa ấy lắm, thích cái cảm giác đút tay vào túi áo đi tung tăng giữa những ngày gía rét. Áo bông mặc được cả hai mặt. Vài ngày tôi lại lộn mặt trong ra ngoài, lại có cảm giác mặc áo mới. Có mấy hào mẹ cho đút túi áo trong thấy chắc chắn yên tâm. Bà tôi thì chẳng bao giờ thích may áo, quần ở hiệu. Bà là người phụ nữ gia đình xưa xưa lắm, chỉ có biết chồng, con, bếp núc và kim chỉ vá may. Bà tự may áo quần. Quần của bà bằng vải chéo, vải láng, cắt ống chân què. Áo của bà nào là yếm, là áo cánh. Lên Hà Nội theo chồng từ khi còn rất trẻ nhưng bà quen mặc lối quê, bà chẳng chịu thay đổi. Bà bảo mặc quần chân què cúi lên xuống dễ dàng và kín đáo. Áo bông của bà cắt giản đơn với tay liền như áo cánh, cổ cũng là cổ cao nhưng chỉ khoảng một phân, phân rưỡi. Bà may áo bằng vải láng đen mà mẹ tôi thường mua cả cây về cho bà tiện dùng. Chất vải ấy giờ không thấy có. Áo được trần bông nhỏ li ti mà mãi sau này tôi mới biết đó là trần kiểu mắt sàng hay còn gọi là trần hạt lựu. Chiếc áo bông giản đơn của người phụ nữ Việt Nam xưa chẳng có cúc bấm, khuy tết mà chỉ buộc bằng hai sợi vải khâu luồn. Tôi chẳng thấy bà đeo kính mà mũi chỉ cứ nhỏ đều thẳng tắp. Bà bảo mắt bà già quá lóa rồi. Chiếc áo bông ấy chỉ có một túi khâu trong lần áo trước bụng liền dây buộc gọi là túi moi. Có lúc xỏ vào áo của bà, người bé, áo to, chùm đến tận đầu gối, rồi mải chơi lăn quay ra ngủ, chẳng đắp chăn cũng ấm.

Tôi muốn tìm về với mùa đông xưa còn bà, còn mẹ.  Hà Nội với những khu phố chuyên bán quần áo lại tấp nập hơn vào mỗi dịp xuân về. Quần áo bây giờ nhiều lắm. Dọc phố Trần Nhân Tông, Khâm Thiên và khu vải lụa xưa Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Trống và trong các chợ, nơi quầy bán ngoài đường nhiều hàng bán sẵn, nhiều hiệu may đẹp nhiều chất liệu vải, nhiều kiểu dáng. Áo may bằng vải nhung trơn hoặc nhung hoa có kim tuyến óng ánh. Giữa hai lớp vải trần bằng bông hoá học chứ không phải bằng bông gạo như áo của bà xưa, bông vải như áo của tôi ngày bé. Dùng loại bông hoá học nên áo bây giờ mặc nhẹ. Áo nhẹ lại may sẵn mặc ít khi vừa, mặc vào cứ có cảm giác mông mênh.

 Trước muốn may áo bông đẹp lên Lương Văn Can, Cầu Gỗ.. Nào hàng Mỹ Hoa, Mỹ Vinh, Vạn Mỹ...Nào còn đó, cụ ông cụ bà nguyên người làng Trạch Xá -  nào Đông Trạch, Vinh Trạch, Đức Trạch, An Trạch... rồi bao hàng với tên biển hiệu khác của con cháu người làng Trạch Xá đã định cư từ lâu ở Hà Nội, của những người nơi khác mở hàng may áo dài, áo bông thuê thợ làng Trạch Xá. Nay hàng mang dáng dấp xưa mở thêm ra các phố nhưng cũng chỉ quanh quanh một khu vực bên hồ Hoàn Kiếm.  Lang thang phố mùa đông, tôi chọn được cho mình một chiếc áo bông lụa thật nhẹ và mềm. Được kiểu, được vải mà áo thì dài rộng. Hỏi ra đó là áo may sẵn để bán cho người nước ngoài. Người ta thế đấy – người mình mặc đồ xách tay từ nước ngoài về. Người nước ngoài mua áo bông, quần lụa Việt. Người ta đều thích mới và lạ.

 Tôi tìm đến làng nghề may áo dài, áo bông, áo vét xưa. Từ Hà Nội qua Hà Đông xuống Vân Đình đi vào khoảng dăm cây số tới làng Trạch Xá. Làng nghê may truyền thống này chỉ còn vài gia đình giữ nghề. Một chiếc áo bông từ chủ hàng, đến người may, người bán buôn, bán lẻ, đến người mua là khoảng cách của mấy giá. Những chiếc áo bông may bằng nhung tím, đỏ, xanh được bán nơi chợ quê, phố huyện, tỉnh nhỏ. Đi ăn cỗ, ăn cưới, thăm gia đình với cuộc sống của người nông dân, người dân nghèo đã là đẹp và sang trọng. Bây giờ ở phố, ở Hà Nội còn ai đi may áo rét nữa đâu. Tiền công đắt hơn tiền vải nhiều lần, lại còn chờ, lại còn đi lấy, lại hay nhỡ hẹn. Những người đàn bà lớn tuổi cũng mặc đồ thời trang. Mặc như xưa nhìn già lắm, lạc hậu lắm chẳng còn ai muốn.

Thấy tôi tha thiết muốn tìm lại chiếc áo bông mắt sàng hạt lựu xưa, một cụ bà đã gần 80 tuổi lục rương mang ra. Áo đã rách, đã sờn bạc cả mụn vá nhưng còn giữ nguyên dáng cũ. Áo của người nông dân chỉ may bằng vải phin, vải gụ. Cụ còn mang cho tôi chiếc quần chân què. Chiếc quần nhìn rộng bởi cắt liền mông nhưng khi mặc thì thoải mái tiện dụng. Người nông dân khi đi cấy đi, gặt mặc áo bông thắt thêm sợi dây chuối bên ngoài cho gọn, gió khỏi lùa. Quần chân què cúi lên cúi xuống, ngồi bờ ruộng, ngồi bậc cửa dễ dàng. Nhìn cụ nhỏ nhắn dáng xưa, tôi lại như thấy bà ngoại mình trong tấm áo bông tự may ngồi bên thềm thong thả têm trầu. Cụ vừa đưa tôi xem quần áo cũ vừa cười nói, giọng tiếc rẻ: " Thế mà hồi trước có người muốn mua quần áo xưa mà tôi không gặp để bán được". Cái không được ấy của bà cụ là cái may của tôi trong chuyến đi này. Tôi có lại cho mình tấm áo bông bà ngoại khi xưa đã mặc, tấm áo khoác lên màu thời gian, làm ấm thêm nỗi nhớ khi ngoài kia những cơn gió đông bắc đang ràn rạt thổi về.     

Bùi Kim Anh - Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65203614

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July