Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Vừng… ơi… mở cửa ra - Lê Bá Dương Vừng… ơi… mở cửa ra - Lê Bá Dương , Người xứ Nghệ Kiev
 

Thường thì hai từ Yến Sào luôn gắn với hai từ “vương giả”… chỉ có vua chúa mới có thể với tới. Ấy chỉ là  nghe vậy thôi, tuyệt nhiên không mấy ai mơ lúc nào đó được thấy tận mắt, sờ tận tay cái món cao sang ngất ngưởng đó.

Vậy rồi bất ngờ đến năm 1986, thời đang khoác áo lính tại tỉnh đội Khánh Hòa, tôi đã không chỉ được thấy, mà hơn thế, còn được sờ tận “gốc” những tổ yến sào được xây như dát vào vách những hang, những chẹt đá tại các đảo yến ở vùng biển Khánh Hòa, nơi hàng chục ngàn đôi lứa chim yến làm tổ, sinh con đẻ cái theo bản năng duy trì nòi giống, để rồi vô tình thay tạo hóa, ban tặng cho con người những cái tổ đặc trưng cả từ chất liệu, đến giá cả ngất ngưởng của nó với tên gọi: yến sào – vàng trắng của Khánh Hòa

  photo 1daohonNgoai_zps23ba04ab.jpg

 

                  Hòn Ngoại

 

Ký ức đảo “giấu” vàng

Mùa thu năm 1986, tôi được đích thân  đồng đội Nguyễn Thành Long, giám đốc Công ty liên doanh thủy sản Nha Trang đến tận cơ quan “rủ” đi cùng anh ra đảo yến. Vẫn nguyên chất lính biệt động thành Nha Trang thời chống Mỹ, Long bỗ bã:

- Dọc ngang trận mạc mãi rồi, giờ nếu còn máu ưa mạo hiểm, thích tìm tòi thì đi với tôi ra sống với… yến vài ngày.

Ưa mạo hiểm thì đương nhiên tôi, với nguyên chất lính vẫn chưa hề có dấu hiệu sút giảm. Còn như thích tìm tòi thì  càng không thể vơi với một gã nhà báo mặc áo lính như tôi. Hơn nữa, lại được ưu ái “gãi đúng” vào sở nguyện được một lần “mắt thấy, tai nghe, tay sờ… tổ yến”… Vậy nên chẳng cần đon trước tính sau, ngay sau  lời mời vài giờ để chuẩn dây leo, giày leo núi, với phim, máy ảnh… tôi đã được đón lên chiếc tàu gỗ cùng với hơn hai chục công nhân khai thác yến sào của công ty, bắt đầu chuyến hải trình ra các đảo yến. 

Lần đó, may trời yên biển lành, từ cảng cầu đá, khoảng gần 1 giờ,  đoàn chúng tôi đã “cặp” đảo Hòn Nội. Sau khi “hạ trại”, tôi theo nhóm công nhân chuyển hàng cho tổ bảo vệ hang yến ở Hòn Nội. Thấy tôi mải mê bấm may chụp những tổ yến ken dày dọc  theo vách hang, Nguyễn Thành Long  ngăn lại bảo: Đây mới chỉ là vài cái “chẹt đá” có yến thôi. Cả tuyến đảo yến này ngoài chục cái “chẹt”, cái hang tầm tầm vậy, còn có mấy cái hang lớn, trong đó đầu bảng là hang Trống của  Hòn Ngoại, nơi yến làm tổ nhiều nhất trong các đảo yến Khánh Hoà. “ông” nên  để dành phim đến đó mà chụp cho… đã tay.

 

           

                         Đảo Hòn Ngoại với hàng vạn con chim yến quần tụ

                        trên đỉnh hang Trống trước khi bay xa tìm mồi

Kéo tôi theo anh trở ra tàu để sang Hòn Ngoại, Long nháy mắt bảo: Đến  hang Trống ông không chỉ ngợp mắt tốn phim với cả một vòm trời tổ yến, mà còn được nghe, những câu chuyện rất “độc” về cuộc sống của  bầy đàn đại “gia đình” các anh chị yến…

Nghe vậy, và dẫu đã chuẩn bị tâm thế để tận mắt nhìn lên “một trời” tổ yến, vậy nhưng khi tàu đến neo ở cửa hang Trống để xuống  thuyền thúng “tăng bo” vào hang, tôi đã phải sững người bởi tiếng chim yến chíu chéc, réo ran thành thảm âm thanh, dội  ra từ phía vòm hang. Chưa hết ngẩn người với “tiếng vàng, tiếng ngọc” đó, sau  khi rời tàu,  lên chiếc “thúng” chai, và qua  mấy lần chao lắc điêu luyện của người thợ yến, tôi đã được mấy anh em bảo vệ hang “dìu” lên thềm hang Trống. Từ đây, ngước lên vòm hang… tôi thực sự phải dụi mắt mấy lần mới có thể định thần trước cả một… vòm trời  hằng hà sa số tổ yến như những vảy rồng bằng vàng trắng dát dày cả vòm hang chính, và xếp lớp theo các “chẹt” đá chảy thành mạch vàng từ đỉnh vòm xuống tận đáy hang. Bất giác, trong trạng thái bị hút hồn như lạc vào cái đảo giấu vàng trong truyện xưa  mà quên mất lời dặn không được gây tiếng  động bất thường nơi yên sinh sống,  tôi giang tay hướng về lòng hang, sảng lòng “gào” to nguyên câu thần chú: Vừng ơi.. mở... cửa... ra…

 

  photo 3Motchetdanhocohangtramtoyendeobam_zps0dc6ae2f.jpg

                   Thảm vàng trắng Khánh Hoà

Thoáng chút ngỡ ngàng vì cú... gào phạm quy, nhưng có lẽ thông cảm cho lần đầu chưa quen của khách, anh chàng đội trưởng bảo vệ tên là Hùng bỏ qua cho cái lỗi gây tiếng động bất thường của tôi với một mạch câu chuyện kể vần quanh những đảo yến mà hàng ngày anh và các đồng sự chăm nom, bảo vệ như bảo vệ… kho bạc. Rằng những con chim  nhỏ xíu, thường sáng chưa nhú mặt trời đã chíu chéc rời tổ, xẹc ngang một quãng đến vị trí thông với cửa hang lộ thiên thì đảo hướng bay như kẻ một đường thẳng đứng vút lên quá cửa hang,  nhập vào đàn hàng vạn chim yến hàng xóm. Để rồi sau mấy vòng quần quanh như chào hỏi nhau trước một chuyến “làm ăn” xa, từng đàn yến cứ lần lượt chấp chới đôi cánh nhỏ xíu bay hun hút về phía bờ. Và có lẽ do tập tính không đậu khi kiếm những côn trùng bay trên lưng trời làm mồi, và  uống những giọt sương ngưng tụ trong không khí... chẳng hiểu con vật bé nhỏ ấy lấy đâu sức lực để bay không biết mỏi trong liên tục trên dưới 20 giờ trong ngày? Nhưng chắc chắn, cái kiểu “ăn sương, hớp gió” đó, nên ngay cả cái chất nhầy tiết ra từ miệng chim yến để đan kết thành cái tổ đeo dính như cái tai nấm tuyết trên vách hang đá lại được con người khai thác, chế thành  món ăn đặc sản với cái giá của… vàng, để rồi truyền đời, những đảo yến như Hòn Hố, Hòn Đụn, Hòn Nội, Hòn Ngoại… mặc nhiên như những hòn đảo giấu vàng. Trong đó, chỉ riêng Hòn Nội, Hòn Ngoại, nếu biết bảo vệ và giữ cho chim tránh sẻ đàn, bỏ hang thì cũng đã chiếm đến 80% sản lượng “vàng” trong tổng các hang “đảo giấu vàng”!. 

 

 

Những nhà bảo vệ yến cheo leo trên vách đảo giấu vàng

 

Và khát vọng vươn xa

Mới đây, khi được mời làm giám khảo cuộc thi ảnh chụp về đảo yến do công ty yến sào phát động. Lúc vui chuyện với giám đốc Lê Hữu Hoàng, tôi đã nhắc lại chuyện cuối năm 1986, sau những chuyến đi thăm khắp các hang cùng chẹt đá trên đảo “giấu vàng” về, tôi đã tặng cho công ty Liên doanh thủy sản Nha Trang (đơn vị quản lý và khai thác yến sào thời đó) mấy tấm ảnh màu chụp hàng vạn tổ yến dát kín vòm hang Trống Hòn Ngoại với “tít” ảnh “Vàng trắng Khánh Hòa”. Khác với bản tính vui vẻ, xởi lởi thường ngày, lần này giám đốc Nguyễn Hữu Hoàng chậm rãi: Đúng  là trời “ban” yến cho con người, và công ty yến sào nói riêng, người Khánh Hòa nói chung, đã và đang sở hữu những đảo nuôi giữ vàng trắng đó thật sự. Nhưng rồi nói như các ông bà xưa, “Của đồng ăn không cũng hết”, dù rằng  có, và thậm chí có rất nhiều “vàng” trong các  đảo, thì việc giữ vàng vốn đã khó, càng khó hơn nhiều lần khi nhân đàn, phát lãi từ chính cái vốn trời cho này. Thực tế, chuyện bảo vệ yến tại các đảo tuy khó khăn và đòi hỏi những cán bộ công nhân viên làm nhiệm vụ ngoài đảo phải biết hi sinh quyền lợi riêng của mình mới trụ, bám được đảo, nhưng từng bước anh em đã làm rất tốt. Nhờ vậy, đã góp phần đưa sản lượng mỗi niên vụ thu hoạch yến sào từ 1230 kg năm 1986, đến trên 2 tấn sản phẩm (1990) với doanh thu ngoại tệ là 1,5 triệu đôla, và bây giờ khi chuyển từ Xí nghiệp Yến sào Nha Trang thành Công ty yến sào, con số sản lượng đã vọt lên trên 3 tấn/năm. Tuy nhiên, dường như không dừng ở việc giữ và thu hoạch sản phẩm trong tự nhiên. Từ một công ty quản lý, khai thác 8 đảo yến “chủ lực” của tỉnh Khánh Hòa, lần lượt công ty đã phát triển thành một công ty đa ngành  khai thác, chế biến các loại chế phẩm cao cấp từ… yến sào. Đặc biệt, bên cạnh sự  quản lý và khai thác yến sào rất chặt chẽ và hiện đại với nhiều giải pháp, phương án  chống mưa, ngăn đập chống sóng, chống di đàn… làm tăng nhanh sản lượng, công ty đã làm cái việc xưa nay chưa ai làm là chủ động nghiên cứu tập tính sinh trưởng của yến sào để  tổ chức di đàn, dụ yến về 72 hang yến mới, nâng tổng số hang yến lên 112 hang ở 27 đảo yến trải dài từ  huyệnVạn Ninh đến Cam Ranh.  Riêng việc  tổ chức phát triển nghề… nuôi yến trong nhà, đến nay ngoài hơn 30 nhà yến tại Khánh Hòa, công ty cũng đã  chuyển giao kỹ thuật công nghệ  nuôi yến trong nhà lấy tổ cho hơn 200 nhà yến ở các tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Định, Kiên Giang, Tiền Giang TP. Hồ Chí Minh. Một cách… nghiêm túc, với thành công trong việc di đàn và ấp nở yến nhân tạo, nuôi yến trong nhà… Chắc chắn mai này nếu như có việc tính hàm phẩm trạch, thì nhiều những cán bộ nhân viên công ty yến sào Khánh Hòa rất xứng vai… tiên chỉ của nghề ấp và nuôi yến trong nhà để lấy tổ.

 

         Hàng ngàn chim hải âu cùng sống chung trên đảo yến an lành

 

Nhớ dịp tháng 7 năm 2010, khi công ty được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và làm việc, giám đốc công ty Lê Hữu Hoàng đã báo cáo thành công về dự án “Nuôi chim yến trong nhà lấy tổ” đồng thời bày tỏ khát vọng mở rộng nuôi và khai thác yến sào thành hẳn một  ngành nghề khai thác và chế biến Yến Sào của Việt Nam. Muốn vậy, công ty yến sào Khánh Hòa đã  có bước khảo sát  lập ra bản đồ những vùng có thể nuôi yến trong nhà, và ngoài đảo với niềm tin, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển rộng nghề nuôi yến trong nhà lấy tổ, để người dân có thể làm giàu bằng nghề nuôi yến cung cấp cho thị trường nội địa và vươn tới xuất khẩu ra nước ngoài

Vâng, đó không chỉ là giấc mơ khát vọng vươn xa được dựng trên nền câu chuyện cổ tích. Với những thành công từ những phát kiến khoa học nghiêm túc qua thực tiễn, những người trông coi đảo giấu vàng ở Khánh Hòa sẽ lại tự tin tiếp tục mở toang cánh cửa vào kho vàng tương lai.

Bất chợt khi khép lại bài viết này, ngước nhìn những cánh én chao sang xuân, trong tôi lại vọng lên câu chú giản dị mà thần diệu:

-  Vừng… ơi… mở… cửa… ra!

 

Nhà báo Lê Bá Dương

Văn phòng thường trú báo Văn hóa

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65203966

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July