Cô bạn tôi – chủ một của hàng cắt uốn tóc, một hôm treo biển: “Ở đây đang cần tuyển thêm 3 thạc sĩ làm nhân viên cắt tóc”, vênh vênh mặt với mọi người đang qua lại trên đường.
Tôi ngạc nhiên, bảo hắn:
- Đồ dở hơi! Nghề cắt tóc đâu cần đến thạc sĩ.
Hắn lườm:
- Ngu! Hiện nay nhan nhản cửa hàng cắt uốn tóc ở các tuyến phố lớn sầm uất hay nằm khuất nẻo trong các ngõ phố nhỏ, thậm chí tọa lạc tít trên tầng cao của các tòa chung cư, muốn cắt tóc tạt vào đâu cũng có. Vì thế để khách hàng nể phục, tớ không thèm tuyển người có trình độ đại học mà phải tuyển có trình độ trên đại học, tức là thạc sĩ đứng cắt tóc, oai hơn các của hàng cắt uốn tóc khác mới chỉ có những nhân viên là cử nhân.
- Cắt tóc cần gì đến trình độ thạc sĩ, chỉ chịu khó, tỉ mỉ, học 2 tháng là có thể cầm dao kéo hành nghề được.
- Lại ngu rồi! nghề này cũng cần năng khiếu đấy. Thạc sĩ nói chung là người có nền tảng học vấn, tư chất thông minh, dạy ít nhưng hiểu nhiều, lắm lúc họ học bằng mắt, bằng quan sát, mới vào nghề mà học thợ rất nhanh, chỉ nhìn qua là biết còn hơn cả người đang làm.
- Kinh nhỉ! Nhưng tay thạc sĩ đứng cắt tóc ở cửa hàng cậu lấy bằng trên đại học ngành cắt tóc ở nước nào về vậy?
- Đâu có! Hắn chưa hề bước chân ra nước ngoài mà cũng không phải là có bằng thạc sĩ ngành cắt tóc ở Việt Nam. Nước ta làm gì có chuyên ngành đại học lĩnh vực này. Hắn là thạc sĩ ngành chế tạo máy, mới lấy bằng trong nước, nhưng thất nghiệp, chẳng xin được việc làm ở đâu, đói đầu gối phải bò, đành phải đi làm nghề cắt tóc sống cái đã, rồi tính sau.
- Cứ cho là như vậy, nhưng thạc sĩ mà thất nghiệp thì là chuyện hãn hữu, làm sao mà cậu có thể tuyển một lúc 3 thạc sĩ thất nghiệp đi làm nhân viên cắt tóc cho cậu?
- Đầy. có chàng được bố mẹ dồn tiền cho đi học đại học khi các anh chị em khác phải nghỉ ngang cấp 3 để mưu sinh. Tốt nghiệp, chàng mãi mới xin được chân bảo vệ ở khách sạn nên quyết chí thi cao học ngành Sử Thế giới, ĐH Khoa học Huế, với hy vọng có bằng thạc sĩ chính quy sẽ dễ xin việc hơn. Ra trường với tấm bằng thạc sĩ loại giỏi, chàng chăm chỉ lên mạng tìm kiếm thông tin nơi nào có chính sách thu hút cho thạc sĩ, anh lại tức tốc lên đường nộp hồ sơ. Tuy vậy, 2 năm trời đi làm phụ xe để lấy phí xin việc nhưng lang thang khắp các tỉnh mà vẫn chẳng cơ quan nào nhận. Biết tin có một trường cao đẳng sư phạm ở tỉnh nọ đang thiếu giáo viên chuyên ngành sử bởi năm nay có 2-3 người nghỉ hưu. Chàng vội tìm đến. Lúc tiếp nhận hồ sơ của chàng, Lãnh đạo trường tỏ ra rất hài lòng, hẹn một tuần sau sẽ điện lại để gặp phó hiệu trưởng trao đổi thêm. Đợi mãi không thấy hồi âm, chàng điện lại thì được biết nhà trường đã tuyển người khác là một cử nhân. Rõ ràng họ không biết trọng dụng nhân tài, vì vậy cửa hàng cắt tóc của mình treo biển tuyển thạc sĩ làm nhân viên cắt tóc là “chiêu hiền đãi sĩ ‘ đó. Hi hi …
Lại có một chàng từng là sinh viên xuất sắc của một trường đại học, được cử đi thi Olympic Toán quốc gia. Năm 2008 ra trường, chàng đi xin việc khắp nơi nhưng đành thất vọng ngồi nhà. Buồn chán, chàng cử nhân nộp hồ sơ đi học cao học và hoàn thành chương trình thạc sĩ. Nhưng hơn 2 năm qua, chàng chẳng xin được việc ở cơ quan nào, vẫn phải mưu sinh bằng nghề bán sim điện thoại.
Cũng lại có một nàng tốt nghiệp đại học, mãi không xin được việc làm nên lại thi cao học. Hoàn thành chương trình thạc sĩ, cô vẫn chưa tìm được việc, khi có người đến hỏi cưới, cô đành chấp nhận ở nhà sinh con, làm nội trợ, tấm bằng cao học để trong tủ dần dần phủ đầy bụi.
Nói xong, cô bạn nheo mắt nhìn tôi, cười: “Thấy chưa, thấy chưa! Cậu cứ lo hão. Thạc sĩ không có việc làm, đang nhiều cả đống. Mình treo biển cần tuyển 3 thạc sĩ làm nhân viên cắt tóc chứ 30 cũng đâu có lo không đủ số người đầu đơn.”
Tôi khoái: “Thời buổi hay nhỉ! Gia đình mình đang cần một ô sin. Vậy mình cũng phải học tập cậu, treo biển: “Cần một thạc sĩ giỏi, làm ô sin giúp việc vặt trong gia đình.”, cậu bảo ý tưởng ấy có được không? Hé hé …
Nguyễn Đoàn
(Nguồn Tân Văn số 4 - NXB Hội nhà văn, 2013)
|