(Thay cho lời ngỏ năm mới)
"Vạn mộc xuân vinh". Muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt vốn là quy luật của thiên nhiên. Nhưng sự tươi tốt ấy, theo thời gian trôi đi sẽ không bao giờ giữ mãi được mà nó cũng phải bị tàn úa héo rụng khi thu tới đông về. Cũng như con người vậy chẳng ai trẻ mãi không già, cũng như thế cuộc vậy, có thịnh ắt có suy.
Hơn nghìn năm trước, phải rồi, thiền sư Vạn Hạnh đã chỉ ra: "Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô". Chao ôi, minh triết Việt, minh triết đời là đây chứ ở đâu xa xôi nữa. "Thân người như bóng chớp, có rồi lại không/ Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt đến mùa thu khô héo/ Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy lòng không sợ hãi/ Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ."
Ngẫm xem, một đời người, nếu xé lịch tính từng ngày trôi qua thì đằng đẵng lắm nhưng tính tháng tính năm thì xem ra cũng không là mấy. Như tôi và bạn bè cùng trang lứa, mới oe oe đỏ hỏn chào đời đã thấm thoắt tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu rồi quá niên trạc ngoại tứ tuần đùng đùng kéo đến lúc nào chẳng hay và bây giờ đã vượt độ "ngũ thập tri thiên mệnh". Bạn cùng học, cùng đi lính, bạn viết lách đôi ba năm gặp lại, nhìn nhau đã thấy mây bay khói tỏa trên đầu, những con sóng ưu tư ngày thêm dày trên trán. Diễn đạt theo ngôn ngữ hiện đại là đã được xếp vào độ U60, chẳng mấy chốc là nhân sinh thất thập cổ lai hy…A hà, chuyện về em út có vẻ còn rổn rảng tưng bừng nhưng xem ra cái tuổi hoa râm chiều xế này chẳng bao nhiêu sung sức nữa nếu không muốn nói gối đã mỏi chân đã chồn. Văn chương cũng vậy, kiêu hãnh tự phụ bấy nay giờ tĩnh tâm xem lại thấy không ít nông nỗi nhạt nhòa lấy đâu ra tác phẩm để đời như từng đau đáu hy vọng. Buồn không? Buồn! Nhưng chẳng có gì não nề cả. Ta như cây cỏ vậy mà, sắc diện biến đổi cùng xuân hạ thu đông, đời người trải đủ bốn mùa, tươi héo tốt xấu lành dữ đều phải chịu đựng, chắt chiu được chút hoa trái nào cũng đều đáng quý, đáng trân trọng cả. Thành bại, thịnh suy cứ nối tiếp nhau, trong cái này đã có mầm mống cái kia, luân phiên chuyển đổi không ngừng. Ồn ào hay lặng lẽ nó cũng phải thế cả, phải tuân thủ theo cái lẽ xưa nay: Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa. Nói xa xa một chút để hiểu thêm cái sự khăng khít ràng buộc giữa thiên nhiên với con người. Chẳng phải vô tình, ngẫu hứng khi từ rất lâu dân ta đã tôn thờ Mẫu. Mẫu là Mẹ. Mẹ Trời, Mẫu thượng thiên. Mẹ Đất rừng, Mẫu thượng ngàn. Mẹ Nước, Mẫu thoải. Mẹ Người, Mẫu Liễu. Sinh ra từ Mẹ, trở về với Mẹ, đó chính là hành trình bất diệt của mỗi cá thể trong vũ trụ bao la này. Mẹ là khởi phát và vô cùng, vắn dài mỗi cuộc đời đều gắn vào đó, thật ấm áp an lòng hơn khi ta nghĩ về Người.
Tự nhủ: thêm một lần được thấy lá rụng trong se lạnh mùa đông, thêm một lần được thấy đào mai đi qua ngõ là thêm một hạnh phúc cho mình. Cũng là lẽ thường thôi những may rủi, vui buồn, thành bại trong một đời người, so với biến thiên vũ trụ chỉ là hạt bụi, so với vô cùng thời gian chỉ là ánh chớp. So với thời khắc đã qua thời khắc này đã khác. Trước ta đã có một ta rồi, sau ta sẽ có một ta khác nữa.
Qua nhưng sẽ trở lại. Tàn nhưng sẽ mọc lên. Như mùa. Như cây cỏ. Đó cũng là một cách nhìn về sự sống. Một nghìn năm trước đã tỏa thơm, đến bây giờ vẫn vậy, ló lé những nét xuân tươi qua tâm cảm Mãn Giác thiền sư làm ta xúc động: "Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai". Ta gặp gỡ một thế giới quan, nhân sinh quan lãng mạn: "Xuân qua, trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa tươi/ Trước mắt việc đi mãi,/ Trên đầu, già đến rồi/ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,/ Đêm qua sân trước một cành mai." (Ngô Tất Tố dịch thơ)
Thơ, không nhiều dẫn giải lý sự vẫn đủ cho ta yêu và tin vào cuộc sống vốn nhiều bộn bề và không phải lúc nào cũng làm cho mình toại nguyện vừa ý. Xuân qua, xuân tới, hoa rụng, hoa tươi là vòng luân hồi của tự nhiên. Sinh – Lão… là quy luật của con người. Trẻ - già không phải là cái gì lạ lẫm. Điều thu hút ta chính là: giữa tàn xuân vẫn lấp ló một cành mai tươi tắn rung rinh trong gió sớm. Trên cỗi cằn khô héo của tuổi tác một mầm đẹp đã được gầy dựng. Nó không phải là sự gắng gỏi cuối cùng mà chính là sự bật dậy của cái đã có, tựa hồ một cung bậc mới của chắt lọc tinh hoa. Một nhưng sẽ là nhiều cho mùa sau. Trăm hoa tươi sẽ thay thế cho trăm hoa rụng. Thế hệ mới sẽ gánh vác phần việc của thế hệ cũ để lại. Lịch sử loài người, các dân tộc, các dòng họ, các gia đình là hành trình tiếp nối của các thế hệ. Cây cỏ, con người đều được tồn tại và phát triển bởi sự nối tiếp của các thế hệ. Tuy nhiên, ai cũng muốn giữ được cốt cách mai cũng như phẩm giá người theo nghĩa đẹp đẽ tinh túy nhất.
Mùa xuân chẳng bao giờ hết cũng như cuộc sống con người mãi mãi nối tiếp nhau trong dòng chảy nhân văn bao dung và hòa hợp không bao giờ cạn…Tìm thấy trong thi tứ cổ nhân những ngẫm nghĩ sâu xa nhưng cũng vô cùng gần gũi về nhân sinh. Sống an nhiên nhẹ nhàng giữa thân thuộc thiên nhiên đó chính là bài học làm người không bao giờ cũ.
Nhà thơ, Nhà báo Nguyễn Hữu Quý
Hội nhà văn Việt Nam
Hội nhà báo Việt Nam
|