Trong một cửa hàng tơ lụa ở Mumbai (Bombay) tôi thấy một tượng ngựa đồng kỳ vĩ. Thấy tôi ngắm nghía pho tượng, chủ cửa hàng, một người Ấn - Hồi giáo hồ hởi giải thích đó là phiên bản pho Mã đạp phi yến được tìm thấy ở Cam Túc (Trung Quốc) trên Con đường tơ lụa cổ. Không hiểu vì những tấm lụa mê hồn tôi mang về từ Mumbai hay vì lẽ gì mà Mã đạp phi yến luôn ám ảnh tôi.
Mã đạp phi yến - Ảnh nguồn Internet
|
Pho tượng đồng
Mã đạp phi yến còn được gọi là Thiên mã long tước là pho tượng đồng con tuấn mã tung vó bay lên. Ba chân vút cao, một chân sau đặt trên lưng hồng yến đang tung cánh lao vút lên trời xanh. Con tuấn mã hào hùng, lực lưỡng, hình dung mau lẹ, nhẹ nhõm, ngẩng đầu cong đuôi bay vút trên Con đường tơ lụa cổ xưa ngàn trùng nhiều lụa là, gấm vóc, bạc vàng, mỹ nhân và yêu quái.
Pho tượng đồng cổ Mã đạp phi yến lừng danh thế giới đã được triển lãm tại Luân Đôn, Paris, New York, Bắc Kinh và nhiều thủ đô nghệ thuật thế giới… đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Trung Hoa - nơi sáng tạo Con đường tơ lụa cổ đại. Tượng được đúc bằng đồng đen, cao 34,5cm, dài 45cm, rộng 10cm. Mã đạp phi yến được phát hiện trong ngôi mộ cổ Lôi Đài, Vũ Uy, Cam Túc. Theo giám định khảo cổ, tượng được đúc vào thời Đông Hán. Pho tượng hiện được lưu giữ tại Viện bảo tàng Cam Túc.
Đông Hán là một thời kỳ lịch sử cổ đại hào hùng và bi thương của Trung Hoa với những cuộc chiến tranh tàn khốc triền miên, với sự khai phá thông thương Đông - Tây của Con đường tơ lụa. Phương tiện giao thương, dịch chuyển thời đó chủ yếu là ngựa và lạc đà. Lạc đà là phương tiện vận tải, còn ngựa không chỉ là phương tiện vận tải mà cơ bản hơn là chiến mã tác chiến.
Với đường xá giao thông cổ đại, tuấn mã được tôn vinh đệ nhất. Ngựa vừa là phương tiện tác chiến, vận tải, vừa là công cụ để truyền thông. Thời Đông Hán, không có con vật nào được tôn sùng bằng ngựa. Bởi lẽ, khi đó, Trung Hoa luôn bị các bộ tộc Hung Nô hùng mạnh xâm chiếm, ngựa trở thành chiến mã vua chiến trường. Không có anh hùng nào thời đó không lập chiến công oanh liệt trên lưng ngựa. Cũng thời đó, không có chuyến hàng chất ngất tơ lụa, giấy, gốm sứ, thuốc súng, mỹ phẩm, hương liệu… nào của nhà Hán và ngược lại vận chuyển trên Con đường tơ lụa không gắn liền với ngựa. Ngựa không chỉ chở hàng cùng lạc đà, ngựa còn chở các vệ binh, chiến tướng hộ tống, áp tải hàng hóa.
Con đường tơ lụa
Thực ra, Con đường tơ lụa được biết đến từ khi Trương Khiên (được suy tôn là Tây Hán đại hành gia) vào năm 138 trước công nguyên nhận lệnh của Hán Vũ Đế đi về phía Tây tìm đồng minh liên kết để chống Hung Nô. Sau hơn mười năm lưu đày, tù đày, lặn lội với vô vàn bất trắc, hiểm nguy, Trương Khiên đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Sự vĩ đại của chuyến Tây du ấy của Trương Khiên, không chỉ là tìm được đồng minh mới người Nguyệt Chi (miền Bắc Ấn Độ) mà cơ bản hơn chính là khai phá con đường thông thương Đông - Tây. Sau này người đời định danh Con đường đó là Con đường tơ lụa. Chính sự khai phá vĩ đại này của Trương Khiên đã tạo ra một thời đại mới - khởi nguyên của toàn cầu hóa. Thực vậy, trong đêm dài cổ đại tăm tối bế quan tỏa cảng ấy mà khai mở một con đường kỳ vĩ thông thương Đông - Tây và kết nối với phần lớn thế giới ấy quả là thần kỳ.
Con đường tơ lụa nối liền Trung Quốc rộng lớn và giầu có với thế giới. Thời cổ đại, Trung Hoa là một quốc gia phát triển rực rỡ với những phát minh vĩ đại: tơ lụa, gốm sứ, giấy, mực in, thuốc súng... Con đường tơ lụa khởi đầu từ Hàng Châu, Phúc Châu, Bắc Kinh trải dài qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakstan, Iran, Iraq, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đến tận các quốc gia châu Âu xa xôi,... và đến cả Triều Tiên, Nhật Bản. Theo ước tính nó có chiều dài khoảng 6.500km.
Đây là con đường vĩ đại nhất thời cổ đại. Nó hầu như kết nối toàn bộ châu Á với châu Âu - hai trung tâm văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại của nhân loại. Lúc đầu, đúng ra, sự khai phá ra con đường này với mục đích quân sự, nhưng rồi với sự vận động của lịch sử, nó đã trở thành Con đường tơ lụa huyền thoại và kỳ bí. Cùng với những chuyến hàng trùng trùng điệp điệp vàng bạc, ngọc ngà, gấm vóc,… là những tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn ngữ, chính trị, văn hóa, thi ca, nghệ thuật, phong tục, tập quán, lối sống, kiểu nghĩ, cách ăn, nếp ở,… cũng được giao lưu, truyền bá, hội tụ và phát tán. Sự lan tỏa và tiếp biến văn hóa, sự tiếp nhận và chồng lấn, sự dung hòa và sinh tạo văn hóa đã tạo lập đời sống của các quốc gia dọc Con đường tơ lụa sự phóng phú, đa dạng, hài hòa tương thích và đặc sắc, khác biệt. Đối với đời sống nhân loại, sự giao thương, trao đổi hàng hóa, vật phẩm vật chất bao giờ cũng quan trọng, nhưng sự giao thương, tích hợp, tiếp biến văn hóa tinh thần bao giờ cũng quan trọng hơn.
Không chỉ thương mại và quân sự, cạnh tranh và chiến tranh, anh hùng và nghệ sỹ, đại gia và mỹ nhân, Con đường tơ lụa trở thành xa lộ thông thương Đông - Tây với đầy đủ ý nghĩa của sự khởi nguyên toàn cầu hóa toàn diện. Một sự toàn cầu hóa đặc sắc thấm nhuần văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, tư tưởng và văn minh. Ở đó, hình như sự tự do được tôn sùng, hoàn bình được đồng thuận, sự cùng hưởng lợi là nguyên tắc, sự bình đẳng được tôn trọng, sự hợp tác được đề cao, sự cùng giầu sang được nhất trí, không có sự áp đặt, sự chia rẽ, sự cấm đoán, sự gian dối. Những nguyên tắc sơ khai và hồn nhiên của sự thịnh vượng tuyệt vời đó mà nhân loại có được trên tiến trình trưởng thành của mình trên Con đường tơ lụa đến thời nhà Minh thì chấm dứt.
Đó là vì lợi ích của vương triều mình, của quốc gia mình, nhà Minh (1368-1644) đã khống chế, ngăn chặn, cấm đoán và bắt các thương gia phải nộp thuế cực cao. Không chịu đựng được sự hành xử độc đoán, chuyên quyền, bá quyền của nhà Minh, các thương gia đã dần dần từ bỏ Con đường tơ lụa huyền thoại và thịnh vượng. Họ đã đi tìm được con đường giao thương mới. Đó là đường biển. Thời đại của đường thủy đã bắt đầu.
Thay lời kết
Một cách khách quan, với sự phát triển rực rỡ cả nghìn năm, Con đường tơ lụa đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử của mình. Nhân loại đã bước vào một thời đại mới, cần phải có phương tiện, công cụ và kỹ thuật giao thương toàn cầu mới. Sức mạnh cơ bắp của người và động vật không thể đảm đương được những nhiệm vụ mới của sự giao thương, hội nhập quốc tế. Giao thông đường thủy với những chiến thuyền vượt thác ghềnh, với những hạm đội hùng mạnh vượt đại dương đảm nhiệm vai trò mới của lịch sử. Và rồi, sự xuất hiện của động cơ hơi nước - sau đó, càng khẳng định thời đại của giao thông đường thủy. Với những thành tựu trong kỹ thuật đóng tàu, sáng chế máy móc, giao thông đường thủy có rất nhiều ưu thế. Đặc biệt, trái đất ¾ là biển cả, vì vậy, vào thời đó, giao thông thủy hoàn toàn đáp ứng mọi nhu cầu giao thương mới của nhân loại. Con đường tơ lụa trên bộ từng bước nhường vai trò của mình trong đời sống nhân loại cho Con đường tơ lụa trên biển.
Với Con đường tơ lụa trên biển, sự toàn cầu hóa và hội nhập được khởi nguồn từ Con đường tơ lụa trên bộ ngay càng hoàn thiện và sâu sắc. Nó hoàn toàn đủ năng lực đưa nhân loại bước vào một thời thịnh vượng mới.
Mặc dù, lạc đà, ngựa và những bước chân trên sỏi đá, giá băng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình nhưng Mã đạp phi yến muôn đời vẫn là một biểu tượng văn hóa rực rỡ của con đường thịnh vượng mà nhân loại đã đi qua. Mỗi lần ngắm nhìn Mã đạp phi yến ta lại thấy hiển hiện trùng trùng điệp điệp những chuyến hàng chất ngất tơ lụa, gấm vóc, ngọc ngà, bạc vàng và lấp lánh những nụ cười rạng ngời đài các, giầu sang, thịnh vượng.
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu - Hội nhà văn Việt Nam
|