Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Giai thoại Văn nghệ: QUANG DŨNG TRONG KÝ ỨC NGƯỜI THÂN - Vân Long Giai thoại Văn nghệ: QUANG DŨNG TRONG KÝ ỨC NGƯỜI THÂN - Vân Long , Người xứ Nghệ Kiev
 

       

 

LTS- Năm nay, để kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ Quang Dũng  (10- 1988 – 10 – 2013) và 65 năm ra đời bài thơ Tây Tiến, Ban liên lạc cựu chiến binh Tây Tiến phối hợp với Hội Nhà văn Hà Nội và gia đình nhà thơ, tổ chức tại tỉnh Hòa Bình lễ kỷ niệm, nơi còn nhiều dấu tích lịch sử của hành trình trung đoàn 52 Tây Tiến, vào ngày 6 tháng 10 – 2013. Nhân dịp này, gia đình nhà thơ cho in một tập sáng tác văn thơ họa nhạc của cả 3 thế hệ gia đình ông: Nhà thơ Quang Dũng trong ký ức người thân. Nhà thơ Vân Long giới thiệu với bạn đọc cuốn sách ấy như một tưởng nhớ của chúng ta với nhà thơ Quang Dũng.         

 

         Có thể nói: Gia đình nhà thơ Quang Dũng là một hội Văn học        Nghệ thuật thu nhỏ, tôi nghĩ vậy khi nâng trên tay tập sáng tác nói trên.

         Mở đầu tập là bài thơ của phu nhân nhà thơ, bà Bùi Thị Thạch. Bao nhiêu năm quen biết, bạn bè của ông không thấy bà làm thơ bao giờ. Nhưng chỉ khi ông ngọa bệnh, nằm im không nói được nữa, bà ngày đêm chăm sóc ông, có lẽ bà mới nhận thấy chỉ có thơ mới cô đúc được những điều bà nghĩ      ngợi, yêu thương, hờn giận, xót sa từ thuở thiếu thời.

         Bài thơ như từng mảng đời được nhớ lại, những chờ đợi, thiếu vắng trong nỗi cách xa, nỗi mong chờ của người vợ lính thời trận mạc xen vào nỗi chờ mong người thi sĩ luôn sải cánh chim xanh trên sông núi rộng dài…Nay mới có thì giờ để...trách với bài thơ mang tên Trách ai. Ngôn ngữ Việt thật thần tình ở chữ “ai” phiếm chỉ thường đặt cuối câu hỏi. Nhưng ở câu hỏi này chẳng cần ai trả lời mà ai cũng biết ai đó là ai.  Và lạ lùng là chữ ai này đã làm dịu nghĩa trách cứ, trách móc đi nhiều lắm, ta có thể diễn dịch ra đó là lời trách yêu, tuy có đôi chút ngậm ngùi. Bài thơ 5 khổ nhưng lại là 3 mảng hoàn cảnh khác nhau. Hai khổ đầu rất đúng với tên bài, tách ra đủ trọn vẹn một bài thơ. Ta xem người vợ trách những gì?

                               Trách ai san sẻ nhiều vương vấn

                               Ngậm tủi hờn cho kiếp má hồng

 

                                Ngày cưới còn xa mộng chửa thành

                                Đường dài gió bụi cánh chim xanh

Chỉ đọc hai câu trên ta ngỡ người vợ có ý ghen với những “má hồng” khác, ông vương vấn dọc đường, nhưng hai câu sau cho thấy ông còn “ngoại tình” với cả Đường dài gió bụi cánh chim xanh, mà cái đó như là kiếp nạn của thi nhân, ghen làm chi cho phí sức! Sự trách móc có phần âu yếm, chia sẻ với “kiếp nạn” ấy của chồng. Và cuối đời, bà cũng có chút tự hào về công mình đóng góp: Tay em: chìa khoá của đời anh!

         Bốn câu giữa bài:

                                      Cái nghèo đeo đuổi mãi không thôi

                                      Chăn không có đắp, tiết đông rồi

                                      Các con oán mẹ không tháo vát

                                      Các con oán cha không thức thời

đủ thành bài thơ tứ tuyệt. Tuy có đến 3 câu khái quát, nhưng chỉ một câu có chi tiết đắt Chăn không có đắp, tiết đông rồi! đủ nói hết cảnh nghèo của một gia đình xứ Bắc, mà tấm chăn dạ, chăn bông dù nghèo cũng không thể thiếu.  

         Hai khổ cuối tách riêng cũng thành một bài thơ, trong đó có câu:                                        Mở nắp quan tài lần cuối cùng/    Hôn lên vầng trán lạnh như băng/                                       Bến nào cát bụi ai thương nhớ/  Mỉm cười thầm hẹn: cõi hư không   

         Tôi thật sự thán phục hai câu cuối bài: Bến nào cát bụi ai thương nhớ/ Mỉm cười thầm hẹn: cõi hư không. Bà đã hoá giải được tất cả sau sự thông cảm tột cùng với nỗi đau cuối đời của chồng bằng nụ cười thiền, bình thản. Rồi hai chúng ta đều trở thành cát bụi cả thôi! Và cũng đừng mong có thiên đường, địa ngục gì! Chúng ta đã sống trọn kiếp người với cả nỗi đau, niềm vui và không hiếm lúc tự hào đã vượt qua ngần ấy gian truân!...

  Con trai cả của nhà thơ: Bùi Quang Vĩnh, lại chọn con đường âm nhạc, bản nhạc phổ bài thơ của bố: Ta mãi là mùa xanh xưa đã được phổ biến trên chương trình văn nghệ đài Tiếng nói Vịệt Nam do ca sĩ Kim Phúc trình bầy và in trên tạp chí Văn Nghệ thành phố Thái Nguyên, anh thứ hai Bùi Quang Thuận thì phỏng thơ của em gái Bùi Phương Thảo phổ nhạc bài Ba Vì vương vấn. Từ tranh bìa Gốc bàng của bố đến hai bản nhạc trên đây tôi xin dành cho giới chuyên môn đánh giá bằng ngôn ngữ chuyên ngành, ta chỉ cần biết chất nghệ sĩ của ông bố đã lan toả đến đời các con, cả đời cháu nữa: cháu nội Bùi Thanh Dung ngày nào còn ngây thơ đã viết: Ông ơi! ông còn nhớ / Những ngày cháu còn thơ/ Ông dắt cháu đi chơi / Đi máy bay chụp ảnh/ Ngồi ghế đá, con trâu/ Bây giờ con trâu đó/ Vẫn còn nhớ ông cơ/ Bây giờ khuất bóng ông/ Nó buồn lắm ông ạ! /Ông ơi ông còn nhớ/ Ông dắt cháu qua cầu/ Đi vào xem con cá/Bây giờ khuất bóng ông/ Cá cũng buồn theo đấy!  (Thương nhớ ông Quang Dũng) Đọc bài thơ, ta biết cháu rất nhớ ông, nhưng lại nói thác là con trâu nhớ, có cá nhớ, con cá nó buồn…  Bài thơ viết từ tháng 11 năm 1988, ngày ông vừa mất, hôm nay cô bé đã thành người lớn. Như để trả thù chuỗi ngày nghèo khổ của ông bà, bố mẹ, nay cháu đã là giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và thương mại DDC.         

         Cô gái út của nhà thơ dẫu chưa phong lưu gì ở cuơng vị một cô giáo (hiệu phó) một trường tiểu học, nhưng đã không phải chạy gạo từng ngày như mẹ, cô được hưởng đầy đủ niềm vui của con một nhà thơ nổi tiếng, lại được mọi người yêu  mến, là nhà thơ Quang Dũng.  Quang Dũng được mến mộ không chỉ nhờ tài năng, có những bài thơ, câu thơ kiệt xuất, mà còn ở tính tình hồn hậu, hồn nhiên cả trong hoàn cảnh bị đối xử bất công. Đến khi giá trị nghệ thuật của thơ ông được đánh giá lại, cùng tư cách nhân văn của ông, thì ông không còn sức, không còn thời gian sống mà an hưởng…Những người xa ông được hưởng thơ ông, chúng tôi ở gần, còn được “bội thu” thêm cả những trận cười qua những câu chuyện vui, tếu, kể bằng một giọng trầm ấm và hóm hỉnh…              

         Đọc bài văn Đi tìm bút tích của cha tôi, tôi hình dung rất rõ cô giáo Bùi Phương Thảo trên con đường nhỏ ngoằn nghoèo đầy ổ gà vào làng Mơ Táo, phường Mai Động, vào nhà bác Ngọc Chương, người bạn học của bố cô thuở thiếu thời, vừa là bạn học lại vừa là người “đi hỏi vợ” cho ông Quang Dũng. Mục tiêu của cô là tìm thêm di cảo của cha, để kiện toàn tập thơ Tuyển sắp xuất bản, mà cái “kho” còn khả năng tìm được nhiều di bút nhất, là nhà bác Chiêu Dương. Tuy bác đã mất, nhưng người  con trai hiện đang trông nom tủ sách của cha mình dường như lúc nào cũng sẵn sàng mở rộng cửa…

         Thật hiếm có người yêu quý bạn như ông Nguyễn Ngọc Chương yêu quý Quang Dũng: Những cuốn sổ từ năm 1940, gáy đã sờn, lần vải bọc đã mủn, nhưng giở ra thì những nét chữ còn nhìn rõ.Hầu hết những cuốn sổ đều ghi dấu mối quan hệ đôi bạn Chiêu Dương - Quang Dũng  hoặc chữ Quang Dũng tự chép một bài thơ, một câu thơ tặng bạn. Ở bài viết này, Bùi Phương Thảo mới hoàn toàn xác nhận những điều bạn bè ông từng nói về cá tính nhà thơ Quang Dũng:

Cha tôi vốn là người không lưu tâm giữ lại những tác phẩm của mình sáng tác, có những bài thơ làm xong thì tặng lại ngay cho một người bạn mình quý mến, hoặc tự chép thơ mình vào sổ tay bạn mà quên mất mình có những bài thơ như thế!”                

         Bùi Phương Thảo in lại nguyên văn bài Nhớ chuyện xa vừa tìm     được để ta thấy  một mảng khác của thơ Quang Dũng: thơ tình. Ông không chỉ có:

                             Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

                             Heo hút cồn mây súng ngửi trời

mà từng có thuở:

                                      Hai mươi tuổi mộng êm đềm

                              Ta mang trong trắng đi tìm thanh cao

                                      ………………………………..

                                       Ta đi mùa cỏ đằm sương

                               Hoa ngâu buổi ấy thơm đường mừng em

                                        Hai mươi tuổi mộng êm đềm

                               Vườn xưa dẫu muốn đi tìm được chăng           

      Ta để ý sẽ thấy ông xử dụng thể 6/8 cho hợp với tình cảm, nội dung     bài thơ, khác hẳn thể thơ 7, 8 chữ nhiều vần trắc trong Những làng đi qua đọc lên có không khí như một bài hành…Trong bài có câu thơ đặc biệt: Ta mang trong trắng đi tìm thanh cao đã khái quát được tình yêu trong sáng như guơng của tuổi đôi mươi ấy!

Bài thơ chảy ra từ nguồn Thơ Mới, nhưng lại tránh được sáo ngữ  dễ gặp trong nguồn thơ này.Vì vậy, bài thơ như một viên ngọc trong veo, qua đó,  tôi bảo đảm hai người yêu nhau ấy có thể cũng chưa dám cầm tay nhau, nói chi đến một nụ hôn đắm đuối! Quang Dũng không chỉ tặng thơ, mà còn tặng tranh cho bạn. Thi phẩm thì có thể nhân bản thoải mái, nhưng họa phẩm thì giá trị của nó là độc bản. Chính tác giả cũng không thể nào vẽ lại được bức tranh nổi tiếng của chính mình! Vậy mà Quang Dũng vẫn nghĩ ra cách tặng tranh “có kỳ hạn”, như ông từng nghĩ ra cách ăn, nhai thật kỹ, chỉ ăn thế thôi mà no lâu!

Đến nhà bác Chương, cô Thảo mới phát hiện ra cách tặng tranh độc đáo của bố, khi thấy bố vẽ khá nhiều tranh, mà có lúc hỏi đến thì bố chỉ tủm tỉm “Bố tặng rồi!” Ít lâu sau, có khi lại thấy bức tranh treo lại trên tường.

Thảo tìm thấy lá thư của bố Dũng viết cho bạn: “Anh Ngọc Chương! Tôi mang 3 bức tranh đến để biếu anh trong đó có bức Cây bàng tôi rất quý và chắc anh cũng vừa ý. Chỉ xin phép anh tới năm 1985 thì anh lại cho tôi được giữ, chắc lúc đó thì tôi cũng có cuộc họp mặt vào quãng 65 tuổi, giống như anh hôm  nay…”  

.        Tản văn Bùi Phương Thảo có một câu khá hay: “Cha như người bị lạc vào một cõi tạm!” Với một góc nhìn tôn giáo, cõi đời cũng chỉ như cõi tạm, nhưng cảm giác đó không phải với ai cũng đúng. Mà dường như quá  đúng với một người, ai cũng muốn níu giữ ông lại mà ông bỗng bay đi xa hút với niềm tiếc nuối vô biên...  Quả là nhà thơ Quang Dũng xuất hiện ở cõi đời này, gây một ấn tượng thật đậm về Thơ, về Đời, về cá tính, rồi bỗng ông biến mất! Y như chú Hoàng tử bé của Saint Exupery, hay như chính nhà văn S. Exupery, bay vút lên trời, rồi biến mất trong sa mạc!

 Còn tình bạn lý tưởng giữa Trần Lê Văn - Quang Dũng là của hai nhà thơ đồng điệu, đồng đẳng, giang tay nhau mà bước trên đường đời, khiến phút cuối cùng, Quang Dũng cũng phải bật thốt lên bằng chút tàn lực của mình, sau khi bặt tiếng mấy năm trời: “ông Văn!” rồi mới chịu ra đi!

 Ở cuối bài tản văn Cha tôi, Bùi Phương Thảo có câu: “Cha ơi, con mong mãi mà chưa nhận được món quà cổ tích của cha. Dẫu vậy, con vẫn      chờ và biết đâu, vô thức, con đang đặt bước chân đầu tiên lên  con đường cha đã đi…”                

Không rõ con đường cha đã đi Phương Thảo có ý nói là con          đường thơ  mà cô còn khiêm tốn cho là mình vẫn đang chờ đợi, và biết đâu…

Nếu vậy, không cần phải chờ nữa Phương Thảo ạ! Cái “gien” thơ của bố, cháu đã cho xuất hiện ngay ở chùm thơ ký ức này, và rải rác trong những bài cháu đã in báo, in sách khoảng chục năm nay. Đó là thơ chứ còn chờ chi nữa!

                           Khẽ khàng thôi bước chân trần trên cỏ

                           Thắp nén hương con thấy bố về

                           Cửa trời đất xin một lần hãy ngỏ

                           Bố nhận bài thơ con mới viết đêm qua…

                                    ( khổ thơ cuối bài Rằm tháng bảy – 2003)

Bài thơ Hoa phong lan cũng có một khổ thơ nương ý ấy, nhưng hình tượng thơ thì thênh thoáng rộng dài hơn cả về không gian lẫn thời gian:                                Hai mươi mùa thu mơ thấy cha/    Gần tấc gang mà xưa như cổ tích/ Ba Vì xanh gửi mây cài trên tóc /  Trắng bồng bềnh phiêu lãng giữa ngàn không…

Bài thơ Chiều Đan Phượng còn mở ra một quê hương phong phú thiên nhiên hơn nữa:

                 Nắng rải mật trên bờ đê ngút ngát

                 Bếp khói rơm thơm đến nao lòng

                 Bông hoa cỏ đậu nhẹ nhàng lên tóc

                 Buông dài khung cửa đẫm hương cau

Cảnh sắc quê hương dù đẹp đến mấy cũng không thay thế được tình người, nên khổ cuối bài ta vẫn thấy tấm lòng một người con lúc nào cũng tha      thiết với bóng dáng người cha, nhất là ở nơi đây, cả trời đất làm cái nôi bố đã ra đời.               Hành trang vào đời con mang theo tên cha

                    Bấy nhiêu yêu thương trái tim thành chật chội…

Chính vì thế mà ta mới được đọc những dòng chữ ân tình tràn ra từ trái tim người con đang bước tiếp con đường của bố…

 

                                                                            Vân Long

(Nguồn Tân văn số 4 - NXB Hội nhà văn, 2013)

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65201842

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July