Các bạn ơi!
Vừa nghe tin nhà thơ Lò Ngân Sủn mất. Thế là, thêm một tài hoa thơ đất Việt về cõi thiên thu. Ông là tác giả của bài thơ “Người đẹp” rất nổi tiếng. Tôi cũng thích bài thơ “Tắm máng” của ông và đã thẩm bình thi phẩm đó cách đây ít lâu.
TẮM MÁNG
Trên bản có một cái khe
Trên khe có một lùm cây
Ở dưới lùm cây có một cái máng
Chảy ra một dòng tươi mát
Chảy ra một dòng ánh sáng
Mơn man làn mây buông xõa
Mơn man vầng trăng nõn nà
Làn mây ấy
Vầng trăng ấy
Cả ngày dấu mình trên nương ruộng
Cả ngày dấu mình trong nắng lửa
Để bây giờ hiện ra
Làm dịu mát cả bầu trời mùa hạ
Để đêm lại bay vào cổ tích dân ca.
Lò Ngân Sủn
Lời bình của Nguyễn Hữu Quý:
Tắm máng là một cách tắm quen thuộc của các cô gái vùng cao phía Bắc. Những dòng nước trong lành từ khe, từ suối chảy vào máng rồi tiếp tục chảy xuống người tắm. Trong bài thơ này, Lò Ngân Sủn đã vẽ ra cho ta thấy một chiếc máng tắm như thế: Trên bản có một cái khe/ Trên khe có một lùm cây/ Ở dưới lùm cây có một cái máng. Dễ hình dung quá, đúng không! Chỉ lưu ý thêm hình ảnh Ở dưới lùm cây có một cái máng. Nơi tắm của các cô gái cần phải kín đáo, do đó cái máng tắm không thể không có một lùm cây che. Lùm cây như chiếc ô của núi che các cô gái bản thuần phác hồn nhiên.
Nhưng điều chúng ta phục nhất ở nhà thơ miền núi này là nói đến tắm mà không hề dùng một chữ nào về nước và người. Thế mà khi đọc bài thơ thì hình ảnh nước và hình ảnh cô gái vùng cao đẹp người, đẹp nết đang tắm máng cứ hiện lên mồn một trước mắt ta.
Nước được thay thế bằng các hình ảnh: Chảy ra một dòng tươi mát/ Chảy ra một dòng ánh sáng. Nước khe trong vắt chảy từ máng ra đúng là mộtdòng tươi mát rồi nhưng khi nó được ví như một dòng ánh sáng thì lung linh, ngời ngợi quá. Ánh sáng đây là ánh xạ của nước, của bầu trời, của vầng trăng hay là từ thân thể của các cô gái tỏa ra? Có lẽ tất cả, tất cả hòa lẫn vào nhau tạo ra vẻ đẹp long lanh nơi chốn sơn khê xa tít. Và, cái dòng tươi mát, cái dòng ánh sáng ấy Mơn man làn mây buông xõa/ Mơn man vầng trăng nõn nà. Người đẹp giấu mình trong mây, trong trăng. Tóc nhưlàn mây buông xỏa, thân thể như vầng trăng nõn nà. Một cách so sánh ngầm ý tứ, kín đáo vừa đủ cho ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên mượt mà đằm thắm của các cô gái vùng cao.
Nhưng, đấy không phải là người đẹp ở trong lâu đài đâu nhé. Nét đẹp, nét duyên ấy là của những cô gái chịu thương chịu khó làm lụng vất vả. Trong nắng gió miền rừng, bóng người đẹp in trên những thửa ruộng bậc thang, những nương lúa nương ngô chênh vênh sườn núi. Họ cần cù làm ra cái ăn, cái mặc cho đời và dù gian lao, cực nhọc đến mấy vẫn không đánh mất cái duyên, cái đẹp của mình. Làn mây ấy/ Vầng trăng ấy/ Cả ngày dấu mình trên nương ruộng/ Cả ngày dấu mình trong nắng lửa. Và chính họ, những cô gái tắm máng ấy tỏa vào bầu trời mùa hạ những dịu mát bao la và chắp cánh cho đêm vùng cao bay vào miền cổ tích dân ca thăm thẳm.
Không nhiều câu chữ, khi mộc mạc nôm na, khi kín đáo mượt mà, sử dụng rất giỏi phép hoán dụ, so sánh, Lò Ngân Sủn, tác giả của bài thơ Người đẹp rất nổi tiếng lại cho ta một thi phẩm Tắm máng thật bay bổng, mơ màng. Có thể xem đây là một Người đẹp khác của Lò Ngân Sủn chăng?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Hội nhà văn Việt Nam
Hội nhà báo Việt Nam
|