Chương 8 :
Mẹo của "Chôm chỉa"
Mèn và Trũi lần nữa lại phải chạy theo "Chôm chỉa" như hôm qua bị nó kéo lên xe xích-lô. Đã hiểu tại sao nó thích đô-la đến thế.
Chôm chỉa hay đánh giày
Em biết hỏi ai đây?
Nhìn thấy nó chôm chỉa
Lại thấy nó đánh giày
Kiếm xu, hào nhét túi
Nhọ nhem suốt cả ngày...
Ngày còn bà nội Thăng, bà hay bảo trẻ con quên nhanh như ông Ba Mươi ở trên rừng. "Chỉ quẹt vào lá cây lim hay lá cây cỏ lau là ông Cọp quên ngay mọi chuyện. Có thế thì người ta mới bớt bị ông ấy rình rập trả thù vì nhớ chuyện cũ, nhất là với những thợ sơn tràng ở gần rừng..."- Bà nội cũng chưa bao giờ ở rừng, bà chỉ nói như ngày xưa đã nói, mà hoá ra đúng lắm đấy. Mèn và Trũi đêm truớc nghĩ một đằng, hôm sau chúng lại làm một nẻo.
Sáng hôm sau chúng nói với "Má nốt ruồi" rằng phải về nhà ngay không thì bố mẹ sẽ đánh đòn. Mèn và Trũi thấy rằng "Má nốt ruồi" quả thật tốt bụng, những đứa khác ở đây cũng thế, không đứa nào chọc ghẹo hoặc chơi ác với hai đứa - cũng có thể vì "Má nốt ruồi" đe nẹt bọn đàn em của anh ấy. - Hai đứa nhận thấy ở đây đứa nào cũng sợ anh ta, còn "Chôm chỉa" tuy hay trêu và dọa Mèn với Trũi nhưng chúng thấy nó vẫn tốt hơn chán vạn lần thằng Toan "nghiện". Hai đứa tuy không nói lời cảm ơn - chúng không quen nói vì nhiều lúc trẻ con thấy nói như vậy nó làm sao ấy - nhưng quả thật trong bụng rất có cảm tình với "Má nốt ruồi" vì đã không bắt nạt, còn cho chúng ăn tối và ngủ ở đây đêm vừa qua.
Bọn trẻ con Hải Dương tụ tập ở đây chẳng có thời gian để căn cơ nấn ná với hai đứa. Chúng cũng vội ra đường phố. "Má nốt ruồi" phải đến những nhà quen để hỏi xem họ có việc gì làm không, hoặc giới thiệu chỗ nào có việc vì mãi lâu về sau mới có cái gọi là "Chợ lao động" như bây giờ. Những đứa khác đều có nơi hành nghề quen thuộc, nếu xuất hiện muộn ở đó sẽ có một đứa nào đấy tìm đến tranh chỗ đánh giày hoặc bán phá-xa của mình ngay. Hoá ra dù chẳng phải cán bộ cán biếc gì, đứa nào cũng phải giờ nào việc ấy ra phết - Mèn có nhận xét với Trũi như vậy - Té ra khi bị nhốt trong nhà hai đứa vẫn còn tự do hơn chúng nó. Có thể học bài, xem truyện, vừa dạy vừa trêu con Cun với những bài huấn luyện lố lăng, tập tâng cầu một mình ở phòng học con con của mỗi đứa, đếm to số quả cầu tâng được để tính thành tích (thực ra khối lần cầu rơi xuống đất rồi mà Thăng ta vẫn tiếp tục đếm dõng dạc, trong khi ghé mắt qua lỗ vách xem thằng Hoan đang tiếp tục cố tâng để không chịu thua nó! Thằng Hoan chỉ có trí nhớ kém một chút nhưng chân tay nó khéo hơn mình, Thăng phải công nhận là thế.)
Sự việc xoay chuyển khi chúng sang chào ông Nam và ông Si-li-tau. Hai ông đang chuẩn bị lên Bắc Cạn theo chương trình nghiên cứu dược thảo các tỉnh ở đông bắc nước ta. Khi ông Si-li-tau hỏi hai đứa được nghỉ hè bao lâu, có thích đi và liệu bố mẹ có đồng ý cho đi chơi với hai ông mấy ngày không, thì cả Mèn và Trũi đều ngây ra vì đề nghị quá bất ngờ này.
Mèn nhìn Trũi, mắt nó sáng lên như mỗi lần nó định rủ thằng bạn chí thân đi chơi xa đâu đó, có khi đi bộ đến bảy, tám cây số tới một ngôi chùa hay cây đa có số gốc đếm không xuể chẳng hạn, vào những ngày có cơ hội đuợc nghỉ học bất thường mà người nhớn ở nhà không biết. Trũi hiểu ý của nó nên nắm chặt tay Mèn mà không nói gì, thông thường nó vẫn nhường cho thằng bạn tuy bé người nhưng lại học hơn một lớp này quyết định.
- Bố mẹ chúng cháu cho lên Hà Nội chơi một tuần ạ! - Mèn quyết định nói dối
vì ý nghĩ được đi chơi với ông Si-li-tau làm nó sướng đến mức run run hai đầu gối, có lẽ còn hơn cả trường hợp có bà Tiên nào đó tự dưng hiện ra cho ba điều ước.
- Chúng cháu thích được đi với hai ông lắm ạ! - Trũi nói khi thấy Mèn cứ run run - Câu này đúng là nó nói thật, quá thật là khác. Tuy hôm qua đến nay hai đứa toàn gặp những chuyện như ở trong mơ, nhưng suốt từ năm ngoái đến giờ Trũi ta mới gặp một chuyện bất ngờ lớn như thế này. Chuyện năm ngoái là khi có một người lạ đến nhà hỏi tên mẹ con nó, cho nó một phong kẹo rồi đi ngay. Lúc ấy mẹ không có nhà, nó cầm phong kẹo lên ngửi mãi rồi quyết định mở ra. Bên trong hoá ra là một thỏi sô-cô-la to vật vã, mà chưa bao giờ nó đuợc ăn mẩu nào lớn quá ngón chân cái. Thằng bé nhìn một lát rồi cắn hai cái, một cái vào ngón tay để xem mình đang mê hay tỉnh, một cái vào... thỏi sô-cô-la xem nó có thật là sô-cô-la hay không!
Ông Si-li-tau bàn bạc gì đó với ông Nam sau đó ông Nam nói:
- Ngày mai hai ông sẽ đi sớm, nếu hai đứa muốn đi cùng thì phải có người nhà đến đây gặp hai ông để cùng quyết định. Về hỏi cô chú các cháu xem thế nào đã.
Thế thì ba điều uớc lại là chuyện nằm mơ thật rồi! Hai đứa vừa bay lên chín tầng mây lại rơi bộp ngay xuống đất. Chẳng biết nói sao nên đành thất thểu đi ra, quên cả chào hỏi nhưng ông Si-li-tau gọi chúng lại, đưa cho một tờ bìa nhỏ mà Mèn ta đã biết là tấm nêm-các (name card), trong đó có tên ông, chức danh và số điện thoại. Nó đã có một tấm như thế hồi ông "Tây EC" đến thăm lớp ngoại ngữ buổi tối của bác Vân. Quá thất vọng nên thằng bé không hiểu lấy một từ trong mấy câu ông ta nói với nó nhưng ông Nam đã vẫy hai đứa lại, nói cho chúng rõ rằng khi người nhà định đến thì phải gọi điện thoại báo truớc để các ông biết mà chờ. Ông Nam còn ghi cả số điện thoại của nhà ông vào tờ card đó.
Hai đứa nói "bái-bai" đáp lại cái giơ tay "bái-bai" của ông Si-li-tau với ý nghĩ thế là hết, thế là vĩnh biệt "Ông Tây" đã nhóm lên trong chúng bao nhiêu hy vọng. Không nói gì với nhau mà cả bốn cái chân cùng lủi thủi buớc ngược con đuờng hôm qua. Cũng may là Mèn có trí nhớ tốt, nhớ đuợc một số phố chính trên con đuờng đã đi hôm trước, nên chỉ hai lần hỏi thăm với sáu mươi phút đi bộ chúng đã đến được nơi gặp ông Tây lần đầu tiên.
Hai đứa không ngạc nhiên khi thấy "Chôm chỉa" ở đó với hộp đồ nghề đánh giày.
- Sao bây giờ chúng mày mới tới đây. Tàu chạy cách đây nửa tiếng rồi. Ba giờ chiều mới có chuyến tiếp theo cơ. - "Chôm chỉa" hết sức ngạc nhiên khi thấy hai đứa cứ ngô ngô ngọng ngọng, khác hẳn hôm qua.
- Hay chúng mày không còn đủ tiền mua vé tàu? Thôi gọi tao là chú đi, tao sẽ cho vay đủ tiền để về Hải Phòng, bao giờ giả lại tao cũng đuợc!
Vẻ mặt "Chôm chỉa" cho thấy nó hoàn toàn không nói xạo đâu - Mèn và Trũi nhận xét vậy mặc dù vẫn đang buồn rũ - Nó lúc nào cũng thế, luôn luôn trêu chọc ai đó nhưng không ác ý.
Vài giờ sau nếu ai đi qua đấy sẽ nghĩ nhóm trẻ đánh giày có ba đứa. Quả thực Mèn và Trũi cũng hùng hục lau lau chùi chùi theo sự chỉ bảo của "Chôm chỉa". Chẳng có điều gì giữ đuợc lâu trong bụng đối với bọn trẻ ở tuổi của Mèn và Trũi, nên dần dà "Chôm chỉa" cũng biết hết mọi chuyện và nó đưa ra một ý kiến táo bạo đến mức hai đứa há mồm ra.
- Khó gì chuyện đó. Tao có ông bác họ đạp xích-lô ở trên này, nhưng ông ấy diện bộ vào thì có khi còn oách hơn bố hai đứa chúng mày. Mồm mép cũng cà kheo tép nhẩy. Tao sẽ nhờ ông ấy đóng vai chú thằng Thăng, à chú thằng Hoan, còn hai đứa chúng mày đều phải nói là anh em con chú con bác cơ. Ông ấy xin cho thì ông Tây nhà chúng mày đồng ý ngay đấy mà.
Nói xong là "Chôm chỉa" dắt tay hai đứa đi như chạy. Mặc dù cũng chưa hiểu đầu cua tai ếch, hệt như hôm qua lúc bị lôi lên xích-lô, nhưng Mèn và Trũi cũng phải vội vàng theo nó.
Có lẽ hôm nay nhờ các bà Mụ giúp đỡ, bà Tiên Thiện đã đến thay thế cho bà Tiên Ác theo dõi chúng nó nên cả ba đứa đều gặp may. "Chôm chỉa" không bị cú đạp nào mà còn có giày để đánh mỏi tay, xu hào rủng rỉnh. Trong khi nó đi gọi điện thoại báo trước cho ông Nam thì hai đứa kể lể tông ti hang hốc để ông "chú hờ" biết rõ tình hình. Thế rồi mọi sự đều trót lọt.
Mèn và Trũi có thêm một buổi tối với những đứa bạn lưu lạc. Chúng biết nhóm này có tên là "Bạch Dương" có nghĩa là bọn Hải Dương ở phố Bạch Mai, biết "Má nốt ruồi" cũng tên là Thiên như ông anh của Mèn. Có vài đứa tỏ ra ghen tỵ với may mắn của chúng nhưng đa phần đều hồ hởi, đứa nào cũng bảo "khi về phải có quà đấy nhá, quà gì cũng đuợc nhưng nếu quên thì bọn ông củ xeo luôn đấy". "Chôm chỉa" tỏ ra rất thật thà khi bảo riêng với Mèn và Trũi rằng "chúng mày cố xin ông Tây một tờ tiền đô, một đô hay bé hơn cũng đuợc. Tao chót hứa với em tao ở nhà là sẽ cho nó một đồng đô-la Mỹ hẳn hoi, con bé cứ mong mỏi mãi mà tao chưa kiếm đâu ra. Tao không cần chúng mày trả công cái gì khác nữa đâu".
Không ngờ "Chôm chỉa" cũng thật thà và chiều em gái nó ra phết - Mèn và Trũi đều nghĩ thế. Giờ đã biết tên nó là Dương nhưng khi hai đứa kể chuyện nhìn thấy trên tàu và việc đặt ra biệt hiệu thì nó chỉ cười, bảo "gọi thế cũng chẳng sao, hôm qua tao ghét thằng cha ấy vì lúc ngồi trên tàu nó cứ tìm cách chòng ghẹo, chọc chạch cái chị ngồi cạnh, nó còn định đuổi tao đi chỗ khác. Tao định bụng xoáy của nó một bao gì đó cho nó biết tay, nếu không xoáy được thì sẽ quẳng cái bao ấy xuống cống rồi tẩu, nhưng tên chó chết nhanh như bói cá ấy chúng mày ạ!"
Mèn và Trũi có một đêm ngủ như con Cun sau khi được thả chạy rông một lúc đã đời, không hề vẫy đuôi vậy tai ở chiếc chiếu trải xuống nền xi măng. Sớm hôm sau dưới sự hộ tống của "ông chú ", hai đứa sang nhà ông Nam. Chúng thấy cả hai ông đang chờ bên cạnh một chiếc ô tô con phủ vải bạt kiểu quân sự. Ông Tây nói với ông Nam rồi ông Nam nói với "chú " hai đứa là các ông sẽ đi khoảng ba bốn ngày, hai đứa trẻ sẽ giúp các ông một số việc như thu lượm củ và lá cây, ghi chép lặt vặt. Không phải lo gì việc chi tiêu, ăn uống, nhưng đi đường phải tuyệt đối không đuợc rời xa hai ông, nếu ngoan thì lúc về ông Si-li-tau sẽ thưởng cho" - Ông Nam quay sang nói với Thăng và Hoan như thế.
Hai đứa chợt nghĩ đến bố mẹ khi xe đã qua cầu Đuống, bắt đầu bon bon trên đường vắng, chúng thấy sợ khi nghĩ rằng lúc này ở nhà bố mẹ đang lo cuống lo cuồng. Nếu không phải kỳ nghỉ hè thì có khi cả cô giáo và các bạn ở lớp cũng sẽ nhốn nháo đi tìm. Nhưng Dế Mèn lúc đột ngột bị lũ trẻ bắt khỏi hang cũng có kịp báo tin gì cho anh em bố mẹ đâu, vì vậy mới có dịp phiêu lưu để bác Tô Hoài kể lại cho bao nhiêu trẻ con dúi mũi vào đọc chứ. Nghĩ thế nên Mèn quẹt mũi nhìn sang Trũi, thấy mắt nó cũng hoe hoe đỏ. Nó nói khẽ với thằng bạn chí thân "Lên đến nơi tao và mày sẽ viết thư về nhà ngay nhá. Tao quên mất số điện thoại cơ quan bố tao, nếu không thì nhờ ông Nam báo về hộ, nhưng như thế không đuợc mày ạ..." Nó chợt nghĩ rằng nếu hai ông mà biết sự thật thì chắc sẽ quay đầu xe đưa chúng về ngay...
Đi xa, đi xa
Là không ở nhà
Đến nơi đất mới.
Đi xa đi xa
Cái gì cũng lạ
Chưa từng thấy qua.
Đi xa đi xa
Nhưng em vẫn sợ
Quên đuờng về nhà...
Tiếng máy nổ và những nhịp xóc đều đều của chiếc xe U-oát hôm nay không làm cho hai đứa buồn ngủ. Chiếc xe do một anh bộ đội không đeo sao lái chạy băng băng trên đường, ông Nam cho biết là xe thuê của một đơn vị quân đội làm kinh tế. Hai ông rất mừng vì tìm được anh lái xe là người Mán ở Bắc Cạn, đi nghĩa vụ quân sự rồi bây giờ là chuẩn uý chuyên nghiệp, rất thông thạo địa hình nơi các ông định đến nghiên cứu. Lúc này cả hai ông đều đang chăm chú vào những tài liệu gì đó mang trên tay.
Sau khi ngắm nhìn cảnh vật bên đường đến chán chê mê mỏi. Mèn cũng dở quyển "Hội thoại Tiếng Anh" ra tìm những câu và từ, nghĩ rằng cần phải nhớ ngay để cố học thuộc. Nó bảo cả Trũi cũng phải học nhưng biết rằng thằng bạn mình sẽ chả nhớ đuợc bao nhiêu...
Theo bản của Nhà văn - Dịch giả Ngọc Châu
Hội nhà văn Hải Phòng gửi tặng Nguoixunghekiev
|