Bài 2: Rừng Báng
(Cổ Pháp lâm)
Già làng bảo: huyện ta xưa là huyện Đông Ngạn (bờ phía đông sông Thiên Đức). Sông Thiên Đức tên Nôm là sông Đuống, gọi trệch từ chữ "Luống" (tiếng Tày Thái cổ là Nậm Luông, là sông lớn). Người vùng ta quen gọi sông Hồng là sông Cái (mẹ), sông Đuống là sông Con. Xưa kia vùng ta là vịnh Bắc Bộ, Nhờ phù sa sông Hồng bồi đắp mà có cả một trung châu đất mật lúa vàng nuôi sống cho dân mình phát triển, nam tiến mở mang bờ cõi. Vùng ta xưa la vùng đầm lầy ao hồ bến nước, rừng rậm um tùm. Ngày trước toàn bộ đất làng nhà rộng tới trên 2000 mẫu, trong đó rừng chiếm 4/5 và ngót 100 mẫu đầm hồ ao sông ngòi. Trong rừng có nhiều cây tạp, cây Búng Báng, củ mài (Hoài Sơn rừng Báng nổi tiếng đặc sản quý tiến Vua) cùng các thứ chim muông cầy cáo.
Đến nay nhiều địa danh ở rừng Báng còn mang dấu tích của một thời xa xưa như: cánh đồng gà, đồng ngựa, đồng khuổi, đồng rĩa, đồng trầm, đường Thăn sắt, bãi Sim, bãi Chanh, bãi Găng ...ở cổng sông Ngò, trên có ghi 3 chữ "đại tự": "Nam phong huân" (gió nam tốt lành). Hai cột trụ có ghi 2 câu đối:
Hãn ngoại Tiêu Tương lai dẫn thủy
Điền tiền Cổ Pháp đắc lâm sơn
nghĩa là:
ngăn phía ngoài có sông Tiêu Tương dẫn nước
ngoành trước mặt có rừng Cổ Pháp đẹp thay.
Tiến sĩ Hoàng Văn Hòe, người làng Phù Lưu, là một tướng nhà Nguyễn kiên quyết chống Pháp, trước khi vào Thanh Hóa tử chiến với quân địch, ông về thăm quê, dạo chơi trong rừng Báng, đã sáng tác bài thơ"Cổ Pháp Lâm Hành"(Đi trong rừng Cổ Pháp), xin tạm dịch:
Sớm trong rừng tiễn bước nhanh
Bụi trần rửa sạch lòng xanh trong ngần
Gió ru ran tiếng chim ngân
Chiều buông còn nắng long lanh trên cành
Tiều phu ngang dọc thông thênh
Kể chi thằng nhỏ ngang mình túi đeo
Ai hay cô tịch bám theo
Có chăng là đám mây gieo chút tình
(Lý Thanh - dịch)
Đến hồi thực dân Pháp mới sang xâm lược nước ta, thời vua Khải Định, tên tư bản Pháp là Gôbe và Tổng đốc Bắc Ninh là Lê Hoan có âm mưu " mua" rừng Báng để lập đồn điền, dân làng không chịu, Lê Hoan dọa :"rừng Báng um tùm là nơi giặc Đề Thám, giặc Bãi Sậy dễ về ẩn náu, phải phá, không kẻ nào được ngăn cản". Làng nhà bầy giờ có cụ Nguyễn Tiến Giang, làm ở toà Sứ có hàm tước "hồng lô tự khanh" (Chánh tứ phẩm- nên gọi là cụ Hồng) đã khôn khéo nhanh tay xin cho dân làng phá rừng Báng làm ruộng, hạn trong 2 năm không xong thì phải để cho tên Gôbe được lập đồn điền. Cụ Hồng cùng bô lão, chức dịch của làng đã hô hào động viên bà con trong làng bỏ hết sức ra khai phá rừng làm ruộng (đốn hết cây vào năm 1904).Ai khai phá được bao nhiêu thì cho quyền sử dụng đất trong vòng 3 đến 5 năm không phải nộp thuế. Nhờ đó mà 1600 mẫu rừng thành 1600 mẫu ruộng tốt.Số ruộng này sau được chuyển thành công điền. Với lệ làng ở Đình Bảng nếu là con trai: từ 18 tuổi trở lên thì được chia 5 sào ruộng công để canh tác, nhà có 4 con trai thì được 2 mẫu, cấy hài thừa ăn(do vậy con trai ở Đình Bảng có giá trị là thế) đến khi lên lão 60 tuổi thì các cụ được ưu tiên hưởng 3 sào 5 thước ruộng thượng đẳng điền. Cứ 3 năm một lần, làng tổ chức"bốc thăm ở ngoài Đình để cha con nhận phần ruộng công tiêu chuẩn của người trai Đình Bảng.
Sồ 1600 mẫu ruộng công (rừng Báng cũ) đến thời cụ Tham Lai làm Tiên Chỉ đã cho đạc điền chia mẫu kẻ ô vuông vức có đóng cọc mốc, đánh theo chữ cái và số: trên bản đồ địa chính như thực địa là rất khoa học, dễ quản lý theo dõi. Số ruộng tư điền của cả làng có 360 mẫu, nhiều thửa là ruộng xâm canh do các nhà buôn giàu có người làng mua làm tư điền sang mãi giáp lũy tre các làng Trịnh Xá, Sặt Bính, Phù Ninh, Phù Chẩn...
Đình Bảng là làng nghề, làng buôn... ít gia đình chuyên nông tang (thu nhập nghề nông thường chỉ chiếm 10 đến 15%) do đó ruộng của các gia đình thường cho thiên hạ cấy rẽ (một kiểu phát canh thu tô) hoặc thuê người làm. Ở Đình Bảng đàn ông biết cày bừa là để trông coi thợ làm thuê, ít trực tiếp cày bừa, phụ nữ sinh con thì đem mướn nuôi:
Anh về vui với cày bừa
Để em tay nải gió đưa phương trời.
Chạy chợ, đi buôn ít ai biết cấy hái là vậy.
Sông cũ (Tiêu Tương) rừng xưa (rừng Báng) rày đã nên đồng... qua bao thời gian biến thiên của lịch sử, đến nay cảnh quan đã thay đổi hẳn rồi.Với hồn quê bảng lảng, tác giả đi giữa làng mà cảm tác:
Mình ra ngõ Cả hóng Tiêu Tương
Cười nói mà vương một chút buồn.
Hồn xưa, làng Cổ... đâu kẻ Báng?
Rừng đã về trời vọng cố hương.
(Nhà thơ Nguyễn Khôi - Hội nhà văn Hà Nội
Hội VHDG Việt Nam)
|