Mẹ thả từ trời
Thỉnh thoảng
Mẹ thả từ trời
Một chiếc lá
Chiếc lá đơn giản
Hiển nhiên
Như tình mẹ
Chiếc lá bí ẩn
Vẻ đẹp
Những câu chuyện hoang đường
Chỉ tồn tại trong cổ tích
Đấy là ngôn ngữ
Nối
hai thế giới
Sự sống bất diệt sao
Sự chết nhẹ nhàng sao
Thỉnh thoảng, mẹ ơi
Con mơ
Những chiếc lá từ trời…
lời bình
Chiếc lá hiện hữu của thiên nhiên trong con mơ của Giáng Vân Mẹ thả từ trên trời bay vào thơ của nữ sĩ - là chiếc lá đơn giản mà bí ẩn
Đấy là ngôn ngữ
Nối
hai thế giới
Mỗi chúng ta, có lúc trong giấc đêm mơ mà ngỡ như thực, tỉnh dậy lâng lâng như vẫn sống trong mơ
Thỉnh thoảng
Mẹ thả từ trời
Một chiếc lá
Bài thơ ngắn không một chữ nhớ mà đầy ắp nỗi nhớ khiến ta cảm động đến nao lòng. Thỉnh thoảng thôi vậy mà như nhiều lắm, bởi lẽ có ai đếm được bao nhiêu chiếc lá thỉnh thoảng rơi, thỉnh thoảng mẹ thả. Có nhiều nhà văn, nhà thơ vận chiếc lá vào tình cảm, vào thân phận với chiếc lá cuối cùng. Giáng Vân đón nhận chiếc lá như đón nhận thông điệp từ cõi xa xăm nơi có mẹ. Chiếc lá hình tượng chủ đạo trong thơ. Chiếc lá rơi, từ từ rơi từ nơi mẹ tự nhiên như rơi từ cây xuống mỗi khi gặp gió. Là chiếc lá lìa cành mà như có hồn có vía. Mẹ đã đi xa, nhưng nơi mẹ đến ở trên cao – mẹ thả từ trời.
Mẹ của nhà thơ tuyệt vời như vậy đấy.
Cứ như thế, cứ hiển nhiên chiếc lá, cứ hoang đường chiếc lá. Mẹ đã về trời mà mẹ vẫn nơi đây
Sự sống bất diệt sao
Sự chết nhẹ nhàng sao
Hai câu thơ đọng lại một nhận xét, một kết luận, một triết lý hay chỉ là một ngẫm ngợi. Thực ra sự sống đâu bất diệt. Thực ra sự chết, có nhẹ nhàng – thanh thản chết và có nặng nề - chết không nhắm mắt. Nhưng ở thơ sự sống và chết tùy theo cảm xúc của nhà thơ, văn cảnh của bài thơ. Với Giáng Vân – mẹ và những ngày bên mẹ là sự sống bất diệt. Trong tình yêu, nỗi nhớ của người con, nhất là con gái thì tình mẹ và mẹ không bao giờ dời xa.
Thỉnh thoảng, mẹ ơi
Con mơ
Những chiếc lá từ trời…
Vẫn thỉnh thoảng nhưng ở khúc thơ kết này đã chuyển đối đối tượng, chuyển đổi cảm xúc. Không là một từ láy diễn tả số lượng mà gắn với tiếng gọi Thỉnh thoảng, mẹ ơi trở nên tha thiết, nhớ mong đến nghẹn lòng, vọng vào cõi hư không một niềm trông đợi. Không lời bày tỏ mà chỉ Con mơ – là giấc mơ, là ước mơ. Nhu cầu bộc lộ, nhu cầu gần gũi, nhu cầu nương tựa…bao nhiêu điều đến với ta trong cuộc sống hàng ngày mà thỉnh thoảng ta cần có mẹ ở bên
Nếu như có cõi bên kia và hình như có cõi bên kia – mong như Giáng Vân vậy, để có thực chiếc lá là ngôn ngữ/ Nối/ hai thế giới
Bài thơ ngắn, hình tượng thơ chỉ một mà tâm trạng thơ sâu lắng, mà thế giới tâm linh trong thơ mở rộng
Theo Bùi Kim Anh - Hội nhà văn Việt Nam
|