Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  BUỒM NÂU BIỂN BIẾC - Thơ Anh Ngọc - Lời bình Nguyễn Hữu Quý BUỒM NÂU BIỂN BIẾC - Thơ Anh Ngọc - Lời bình Nguyễn Hữu Quý , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

                 Ảnh nguồn - Internet

 

BUỒM NÂU BIỂN BIẾC

Một nửa nhân dân tôi theo mẹ đã lên rừng
Một nửa khác theo cha xuống biển

Tôi là cánh buồm nâu cứ mỗi ngày tách bến
Lòng bâng khuâng đâu dưới biển trên ngàn
Cái gạch nối mong manh nối biển với đất liền
Lòng thương nhớ để tôi pha màu đất
Tôi tha thiết nối trời với nước
Nên tạo hình những cánh én, cánh dơi

Những cánh buồm đi trong nắng mai
Sóng thân mật vỗ mạn thuyền róc rách
Những cánh buồm đi dưới trăng thanh
Đi lặng lẽ trong sương mờ cổ tích
Buồm như thể chiếc lưỡi cày lật ngược
Vạch ngang trời những luống trăng sao

Và gió 
Gió lồng
Không biết gió từ đâu
Thổi phồng căng lồng ngực tôi rất trẻ
Những cánh buồm tìm gì nơi góc bể
Mà trọn đời thấp thoáng phía chân mây

Hạnh phúc xa vời ở cuối những tầm tay
Tôi là nỗi khát khao không mệt mỏi
Tôi biết cách ngược chiều con gió thổi
Gió nồm nam, tôi chỉ một con đường

Buồm ơi buồm, ngươi có thực hay chăng
Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự
Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ
Tự chân trời Tổ Quốc lại hiện lên

Biển sẽ ra sao nếu thiếu một cánh buồm
Mặt trời nào soi thấu lòng biển tối
Những cánh buồm như cánh cò lặn lội
Cứ lặng thầm đo hết mọi chiều sâu

Tôi thắp lên một ngọn lửa màu nâu
Ở giữa khoảng xanh trời xanh nước
Những trận bão cũng không làm tắt được
Ngọn lửa bình yên ấm áp tình người

Tôi đi qua sóng gió của đời tôi
Để đến gặp tấm lòng biển rộng
Biển giản dị và chuyên cần nuôi sống
Không thiếu ai, không sót một người nào

Bảy sắc cầu vồng đã lùi lại đàng sau
Chỉ còn tôi giữa bộn bề biển cả
Và trên đầu lũ mây bông trắng xóa
Như đàn cừu mê mải giữa đồng xanh

Hạnh phúc lớn lao ở cuối mỗi hành trình
Từng ngọn gió cũng ùa lên cập bến
Dân tộc tôi khi tìm về với biển
Gặp cánh buồm căng bát ngát TỰ DO! …

(Trích trường ca “Điệp khúc vô danh”, 1983)

LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN HỮU QUÝ:

Buồm nâu biển biếc trích từ trường ca Điệp khúc vô danh in năm 1983 của nhà thơ Anh Ngọc. Mấy mươi năm rồi mà cảm xúc, thi ảnh vẫn còn dạt dào tươi mới; khúc thơ như cánh buồm nâu vừa rời bến quê tìm ra mênh mông biển lớn.
Hình ảnh trung tâm của đoạn thơ là cánh buồm nâu. Cánh buồm nâu cứ mỗi ngày tách bến ấy chính là tôi, một công dân Đất Việt, hậu duệ mấy nghìn năm sau của những người con của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh ra từ trong bọc trứng. Rung động lịch sử ấy lại thêm một lần được nhắc tới ở Buồm nâu biển biếc của Anh Ngọc: Một nửa nhân dân tôi theo mẹ đã lên rừng/ Một nửa khác theo cha xuống biển.
Chưa có phát hiện nào mới mẻ nhưng đó chính là cái bến để cánh buồm nâu xuất phát ra dài rộng biển trời. Cái bến ấy chính là cội nguồn, gốc gác chung của tất thảy mọi người con Đất Việt với tâm thức thiêng liêng bền vững muôn đời: chúng ta là con Rồng cháu Tiên. Gắn liền cánh buồm nâu như Cái gạch nối mong manh nối biển với đất liền là hình ảnh Tổ quốc thân thương với những màu đất, cánh én, cánh dơi, với nắng mai và Sóng thân mật vỗ mạn thuyền róc rách. Hình tượng Đất nước và Nhân dân chợt trở nên cao rộng huyền ảo trong hải trình của cánh buồm trên biển lớn: Những cánh buồm đi dưới trăng thanh/ Đi lặng lẽ trong sương mờ cổ tích/ Buồm như thể chiếc lưỡi cày lật ngược/ Vạch ngang trời những luống trăng sao. Ngọn buồm trong con mắt nhà thơ là chiếc lười cày lật ngược vạch lên cánh đồng vũ trụ những luống trăng sao. Sự liên tưởng kỹ vĩ ấy gợi nhắc đến công việc quen thuộc bao đời của nông dân Việt Nam, những người đã dựng nên nền văn minh lúa nước trên dải đất cong cong hình chữ S này với bao thăng trầm vất vả không kể xiết cùng những khao khát ước mơ bay bổng mênh mang. 
Không dừng lại ở đó, không bằng lòng với những gì đã có, Đất nước ấy đã, đang và sẽ vươn ra biển lớn với bản lĩnh và ước mơ mang tên Việt Nam: Hạnh phúc xa vời ở cuối những tầm tay/ Tôi là nỗi khát khao không mệt mỏi/ Tôi biết cách ngược chiều cơn gió thổi/ Gió nồm nam tôi chỉ một con đường. Ra biển là sẵn sàng chấp nhận những thử thách hiểm nguy mới, nghiệt ngã hơn, to lớn hơn ở đất liền, đòi hỏi dân tộc ta phải biết cách ngược chiều cơn gió thổi để đi đúng con đường đã chọn. Trong hành trình thăm thẳm đi về phía mặt trời lên, Tổ quốc đồng nghĩa, đồng hành với tình yêu và khát vọng của ta: Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ/ Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên. 
Đó chính là những điều cao cả được nói lên bằng tình yêu Đất nước và trách nhiệm công dân và không chỉ dừng ở đấy, trong Buồm nâu biển biếc còn có một mạch thơ khác được triển khai như những tâm tình thế sự. Lời tâm sự ngổn ngang của những con sóng với cánh buồm nâu hay là những suy tư của tác giả về cuộc sống. Hãy nghe những thầm thì suy tư sâu lắng trong những ẩn dụ thi ca: Biển sẽ ra sao nếu thiếu một cánh buồm/ Mặt trời nào soi thấu lòng biển tối/ Những cánh buồm như cánh cò lặn lội/ Cứ lặng thầm đo hết mọi chiều sâu…/Những trận bão cũng không làm tắt được/ Ngọn lửa bình yên ấm áp tình người/ Tôi đi qua sóng gió của đời tôi/ Để đến gặp tấm lòng biển rộng…Rõ ràng ta đã bắt gặp ở đây những hé mở thuộc về con người bản thể với những trải nghiệm và lãng mạn, hoài nghi và tin cậy, khát khao và hy vọng . Và, tấm lòng biển bao la đã được nói cụ thể hơn sau những câu thơ mang tính khái quát cao: Biển giản dị và chuyên cần nuôi sống/ Không thiếu ai, không sót một người nào…
Cuối cùng, lại trở về với cái lớn lao của Đất nước, của Dân tộc, của Nhân dân. Hành trình nào thì cũng mong muốn gặt hái được hạnh phúc. Cái hạnh phúc lớn nhất của một dân tộc, một con người, không gì khác chính là tự do. Tự do như từng ngọn gió, tự do như cánh buồm lộng căng giữa biển cả bao la: Hạnh phúc lớn lao ở cuối mỗi hành trình/ Từng ngọn gió cũng ùa lên cập bến/ Dân tộc tôi khi tìm về với biển/ Gặp cánh buồm căng bát ngát tự do.
Có vẻ như nhà thơ Anh Ngọc đã có những phút thăng hoa bừng sáng khi viết đoạn thơ này; dòng suy tư tuôn chảy cùng mạch cảm xúc mạnh mẽ lẫn vào trong mỗi chi tiết đời sống, trong từng thi ảnh, trên nhịp điệu (chất nhạc) cổ điển để cánh buồm được triển khai ra tất cả mọi phía, đủ bát ngát mênh mông từ nối đất liền với biển cả, nối bầu trời với mặt nước, nối cái nhìn được và cái không thể thấy bằng mắt, nối hiện tại với quá khứ, nối đương đại với lịch sử, nối hiện thực với ước mơ, nối hy vọng với phấn đấu…
Vâng, cánh buồm căng gió đã trở thành biểu tượng của tự do. Hình ảnh ấy đã lưu giữ trong tôi rất nét sau khi đọc Buồm nâu biển biếc của Anh Ngọc.

Nguyễn Hữu Quý (Theo nhà thơ Anh Ngọc)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65194769

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July