Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  LỤC BÁT ĐÁNH GIÀY - Thơ Nguyễn Thế Kiên - Lời bình Nguyễn Thanh Tuyên LỤC BÁT ĐÁNH GIÀY - Thơ Nguyễn Thế Kiên - Lời bình Nguyễn Thanh Tuyên , Người xứ Nghệ Kiev
 

                                           

 

 LỤC BÁT ĐÁNH GIÀY

Nguyễn Thế Kiên 

 

Bóng từ tay ấy bóng ra

Chân dung giày dép bóng qua phận người

Trưa quen hè phố ngủ ngồi

Miệng khe khẽ nhẩm mồ hôi nửa ngày

 

Mũ mềm úp mặt cũng say

Xù xì mài nhẵn gốc cây phố rồi

Kìa tay quờ lại chỗ ngồi

Hộp đồ nghề gọi: giày ơi, giật mình!

 

Nụ cười bảy vía yên bình

Ba hồn giày dép lung linh... thật là:

Bóng từ đầu óc bóng ra

Xù xì... nhẵn bóng ... lạy cha đánh giày!

 

GIÀY ƠI ! GIẬT MÌNH…

 

                          Lời bình: Nguyễn Thanh Tuyên   

 

        Quê tôi chuyên nghề nông kèm nghề thủ công dệt vải. Từ ngày biên giới phía Bắc thông thương, hàng ngoại ào ạt, ngập tràn… đã làm ngắc ngoải nghề dệt truyền đời xứ sở. Những cánh đồng bờ xôi ruộng mật đang co dần lại như “Tấm da lừa của Ban Zac “. Đất đai bị lấp cát, kên rào, ưu tiên cho cỏ hân hoan ngóng chờ bao dự án … đang “treo”.

        Dân thì đông. Cũng bởi miếng ăn mà bao người phải bỏ quê bươn bả tứ chiếng, hành đủ mọi thứ nghề cửu vạn, ô - sin… Không ít thanh niên trai tráng thiên di… tay xách tráp xi, tay mang đế lót, lượn lờ khắp ngõ ngách phố phường đô hội gạ gập đánh xi.

         Hiện thực canh cánh bên lòng, nên khi gặp bài “ Lục bát đánh giầy “ lập tức thi phẩm đã hút hồn tôi. Mắt sè cay, và tôi đã đọc đi đọc lại. Cảm động xót xa, thương cảm đong đầy. Ьặc dù vậy cũng chẳng dễ tìm ý tứ chìm khuất sau thơ. Vì thế, tôi chẳng dám tham vọng thẩm bình. Chỉ xin mọi người yêu thơ cùng xúm lại thưởng thức tác phẩm  để tham gia bàn luận xem chân dung người lao động bình dân chân quê ra tỉnh của nhà thơ Nguyễn Thế Kiên thuộc  loại hình nghệ thuật nào?

 

                                              “ Bóng từ tay ấy bóng ra

                                  Chân dung giày dép bóng qua phận người ”

   

        Câu mở, giới thiệu nghề nghiệp, rõ rồi. Nhưng ở câu lục đầu tiên mà có  tới hai từ

“bóng” . Thiết nghĩ anh không vung tay lãng phí . “ Bóng” không đơn nghĩa nữa. Tác giả chơi chữ chăng? Khẳng định từ đầu e hơi sớm. Thôi, tạm biết có cặp điệp tính từ  ấy để ta tiếp tục tìm hiểu bút pháp… dần dà.

         Và,  từ “bóng“ lại xuất hiện tới lần 3: “chân dung giày dép bóng qua phận người” Nó phản ánh gì đây? Cũng khó tách bạch! Phận người như giày dép ư. Vị trí ấy ở nơi thấp nhất của cơ thể. Song, lại là nơi nâng đỡ tạo dáng bề thế sang trọng cho người.

Nghĩ rộng thêm còn thấy:  khi mà chuốt chải qua tay bao đôi dày là bấy lần gặp gỡ những “Chân dung” đa dạng, mẫu mốt Tây - Ta. Gia công hay chính hiệu? Chúng còn khác nhau kích cỡ, màu sắc, xuất xứ (made in ). Cảm giác chạm tay biết chất da mềm, da cứng, nhẵn mịn hay thô sần. Sát mắt sẽ nhận ra hàng xịn hay đã cũ càng vẹt gót, mòn da… Hình như, giá cả thời trang đủ sức hắt “bóng” hiện hình thân chủ? Nếu ý tứ, người lao động cũng có thể phán đoán chút ít, còn nếu là họa sĩ hẳn có thể phác, nhấn được một số nét đặc tả ban đầu. Riêng mộc mạc quê mùa quen dong phố thị, thì tài đâu mà xem tướng,  đoán người. Âu cũng chỉ  cầu mong đổ mồ hôi, rạc cẳng, thoăn thoắt đôi tay, mau mắn nhặt nhạnh mưu sinh. Có lẽ thế nên tác giả chỉ lướt qua 2 câu đầu, phó mặc người yêu thơ như tôi so đo cho tốn giấy mực, dài dòng.

 Ta biết bản tính Thi sĩ đa cảm. Họ có thị giác, thính giác tinh tường, nhờ vậy ta được dẫn vào ngóc ngách hoàn cảnh, tìm hiểu thói quen và thực trạng người đời:

 

                                             “Trưa hè quen phố ngủ ngồi

                                  Miệng khe khe khẽ nhẩm mồ hôi nửa ngày”

 

         Vạ vật ! Đặc tả ở trên không chỉ tạo hình, mà còn ghi âm trực tiếp! Đúng, đâu còn ghế đá ngả lưng. Thời điểm hiếm khách vốn là giờ dành cho ẩm thực rôm rả hay yên ả giấc trưa nơi phòng lạnh thị thành.

         Vật vờ chỉ mệt người, thêm vô tích sự. Thôi, tiện chỗ nào kề lưng chỗ ấy, chợp mắt đợi chiều. Trước lúc nhân vật thiu thiu tác giả còn thấy “Miệng khe khẽ nhẩm “. Thói quen mãn tính của “anh thợ “ chẳng khác chi đã trót hệ lụy một loại thuốc an thần nhóm bình thản, không thể không dùng. Phút ấy, đâu phải tự ru thì thầm, mà bản thân đương sự làm “phép nhân” nhẩm giá mồi hôi thấm đất nửa ngày. Rồi nhẩm tiếp phép “ rừ ” khấu hao cho suất khẩu phần cơm bụi ban trưa. Xong xuôi mới nhắm mắt tựa lưng.

        Ô! Thế mà, thoáng chốc chàng đánh giày đã lịm giấc say. Sự mệt mỏi kéo hàng mi sập xuống cùng với những đồng bạc lẻ còn lại giắt lưng thiêm thiếp. Lịm đi bởi bách bộ chà chã, mệt say. Và, xét chủ quan còn do phản xạ giấc trưa quen nết. Vâng, mà rất cần thời gian cách bức, một chốc lát nghỉ ngơi thôi có thể phục hồi sinh khí, tái tạo sức lực cho cuộc trường chinh háo khát thoát nghèo.

 

                                              “Mũ mềm úp mặt cũng say

                                           Xù xì mài nhẵn gốc cây phố rồi”

 

“Xù xì ”, gốc cây đấy ư? Điều ấy không khó nhận ra. Nhưng thời tiết cay nghiệt nắng mưa và va chạm bụi ráp thị thành đã làm cho con người nông dân vốn chân phác, “xù xì” dần lên mà chịu đựng. Làn da thì táp nắng dày sạm, và tâm thức cũng bồi thêm góc cạnh, cộm cằn? Chả tránh khỏi! Đó cũng là một sự thích ứng đương nhiên trước tác động nghiệt ngã môi trường. Tuy vậy, đâu đây dường như vẫn còn hình bóng nếp sống thô sơ, gốc gác. Khoảng râm che phủ giấc trưa vẫn còn cậy nhờ chiếc mũ mềm giữ chức năng chặn nắng cũ kĩ thường ngày. Chỉ cần thế, cần chi lệ thuộc ô dù. Mà cũng chẳng có ô lọng rỗi hơi nào ở đây, để mà trông mà đợi. Đành hoạt động giản đơn tự thân. Lúc này hãy tự tìm lấy chốn cậy nhờ, kể cả nương dựa vào vật vô giác vô tri như "Gốc cây hè phố “.

         Ơi tác giả? Khi mà “Mài nhẵn gôc cây phố rồi “ thì sau tấm áo bạc sờn kia cái tấm lưng “chủ thể“ ra sao? Phải chăng tác giả dồn độ dày thâm niên của nhân vật trong thơ… về phía nước mắt đồng loại, người thân?

         Ai qua đây, thoáng nhìn anh thợ giày thật vô tư lự… mải bon bon lướt nhẹ sẽ tưởng rằng giấc điệp ngon, sâu. Nhưng thật ra nó chập chờn, nửa mơ nửa tỉnh, mộng du. Bất chợt anh quơ tay sờ mớ đồ nghề:

 

“ Kìa tay quờ lại chỗ ngồi

Hộp đồ nghề gọi: giày ơi, giật mình “

 

Chả phải ai giục giã, khua dậy. Khoảng tỉnh vẫn thường trực điểm giờ  báo thức chính xác theo nhịp sinh học tạo hóa cài đặt tự nhiên... Tiềm thức nghề nghiệp của người đánh giày cất lên tiếng gọi. Ô, hay là hộp đồ nghề thô sơ ấy cũng ghi lại được tiếng gọi của khách hàng “giày ơi “ chăng? Một cách nhân cách hóa thú vị giữa lúc tranh tối tranh sáng của giấc ngủ, lại xuất hiện hợp lý đúng lúc tinh thần đang còn nửa mê nửa tỉnh…?

Tôi vẫn  băn khoăn e nghĩ suy chưa thật  đúng. Có phải “giày ơi “ là do hộp đồ nghề đã lầm tưởng đó là tên của anh ta? Vâng, có thể tin như thế, bởi bao người muốn đánh xi đều gọi giật … “giầy ơi “! Và “giày”, chẳng biết từ lúc nào đã thành hẳn một chính danh. Nhiều lúc nghĩ cũng phật ý, buồn lòng! Cũng may còn có sự  an ủi từ tình cảm gần gũi thân tình giữa vật và người. Như bè bạn, vật bất li thân kia ròng rã hôm sớm bên nhau, tận tụy sẻ chia gian nan mưa, nắng.

Chính cái công cụ thô sơ cộng tác với bày tay thô ráp, ám muội xi ấy… đã gọi lại linh hồn đẹp đẽ cho bao đôi giày, cặp dép nhiều lúc nồng nặc mốc hôi, tưởng như xác rữa lìa hồn:

                                       “ Ba hồn giày dép lung linh…”

 

Và bàn tay lành nghề chẳng hề e ngại,  xuất hiện cả ở chốn cao sang, phồn thực… tận tụy chiều chuộng sự hài lòng cho nhiều tửu khách, nhất là các đấng “bẩy vía“ mày râu. Tất nhiên “bảy vía“ ở đây không ngoại trừ cả chính nhân vật lang bang kiếm sống, mỉm cười:

                                       “ Nụ cười bảy vía yên bình “

 

Cặp lục bát  đa tầng đa nghĩa, đọc kĩ mắt ta thấy cay cay, nhưng không chạm bi ai, tủi cực. Ngược lại, còn có phần an lạc tự tin nho nhỏ khi được tác giả nhào luyện hoàn cảnh trong văn phong trào phúng của mình. Điều ấy chính là nguyên liệu liên kết lát nền chắc chắn tạo chỗ đứng riêng rẽ mà vững bền cho Nguyễn Thế Kiên.

Có phải nơi xuất xứ tác giả trùng quê Nguyễn Khuyến, Tú Xương không mà nhiều bài thơ thâm thúy lắm, mà thơ cũng gần gũi đời thường, chia sẻ cảm thông với nhiều thân phận quần đùi chân đất, làm vợi đi không ít nỗi niềm.

         “Lục bát đánh giày“ là bài thơ thế sự hay, ám ảnh, không mang chất thời sự dễ trôi, phai như nhật báo.

  Người đọc sẽ nhớ “Ba hồn bảy vía “ của người lao động và cả vật dụng sau khi nhập xác hoàn nguyên thì nét đẹp và sự sang trọng được trở về. Cái xấu, cái bẩn đã được  phủi đi. Sự thô ráp bụi bậm nhờ bàn tay lương thiện thường dân miết xát, trát xi, rồi chà đi chuốt lại nhủ về vẻ lung linh nguyên thủy  ban đầu.

Công lao  tẩy lọc đánh bóng sạch sẽ từ trong ra ngoài “… ” xứng đáng được những

xù xì ” … “nhẵn bóng”…rồi đây bái lạy nhờ được may mắn đổi đời….

 

“Bóng từ đầu óc bóng ra

Xù xì… nhẵn bóng… lạy cha đánh giày”.

 

Thể loại “Lục bát đánh giày“ hao hao như một clip hình ảnh, ngắn mà đủ gợi, khá gần gũi, phản ảnh trung thực đời sống và khéo léo biến ảo. Bài thơ hiện đại bởi kín kẽ, giầu tầng, không phô lộ tình cảm cá nhân… thế mà hấp dẫn sự mổ xẻ khi tự thưởng thức của mỗi độc giả. Lục bát – thể thơ mang quốc hồn quốc túy của dân tộc đang được Nguyễn Thế Kiên (một người hợp tạng)  kế thừa và không ngừng chú trọng đổi mới qua những trang thơ. Tôi chờ đợi được tham khảo nhiều hơn thơ anh để rỗi rãi nhâm nhi tìm kiếm thú vị bồi bổ cho bản thân mình - một người cũng nặng tâm hồn yêu thơ truyền thống.

 

           BS. NGUYỄN THANH TUYÊN (Hội nhà văn Hải Phòng)

 

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 65192093

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July