TRĂNG THỀ - Thơ Phạm Khắc Xạ
Nhà thơ Phạm Khắc Xạ sinh năm 1945.
Quê quán Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương
Giải nhất Thi văn học sinh phổ thông Hải Dương năm1961
Dạy học tại trường PTTH Toa Xe thành phố Hải Phòng
Hưu trí năm 2005. Từ năm 2010 đến nay ở Hoa Kỳ.
Ảnh minh họa - Internet
Dưới Trăng đêm ấy anh thề,
Dù xa xôi mấy cũng về với em.
Lửa lòng âm ỉ ngàn đêm,
Chờ anh. Có mảnh Trăng nguyền sáng soi...
Mở thư lòng dạ bồi hồi,
Cái ngày mừng đũa thành đôi đã gần.
Tưởng đâu trời đất tối sầm,
Ngoài hiên vằng vặc Trăng Rằm vẫn soi.
“Chúng mình phận hẩm duyên ôi,
Xin em đừng nhắc những lời hẹn xưa”.
Trăng thanh... vàng vọt... sững sờ...
Người thề dưới ánh đèn mờ... đang quay.
Phạm Khắc Xạ, California - Hoa Kỳ
(Nguồn Tân Văn số 3 - NXB Hội nhà văn
tháng 3 – 2013)
Lời bình (Ngô Hồng Nhung)
Thi nhân hay xem vầng trăng là người bạn tri âm, tri kỷ. Họ có thể hát dưới trăng, viết dưới trăng, khóc dưới trăng và say cũng dưới trăng. Họ sẽ đắm mình trọn vẹn để sẻ chia, vun đắp, khơi nguồn cho mọi cảm xúc, cảm hứng sinh sôi và nảy nở.
Và cũng dưới ánh trăng ấy, những đôi tình nhân thủ thỉ, tâm tình, trao lời son sắt, thề hẹn sẽ bên nhau đến bạc đầu. Một vầng “Trăng thề” đẹp đến độ cứ tưởng sẽ trọn vẹn, đủ đầy và viên mãn. Đó chính là vầng “Trăng thề” trong thơ Phạm Khắc Xạ.
Với thể thơ lục bát gần gũi, âm điệu ngọt ngào, giống với âm điệu của ca dao, cả bài thơ đã cho ta những cảm xúc bâng khuâng, mơ mộng về một tình yêu hạnh phúc và cả nỗi thất vọng khi thần tượng “nữ thần tình yêu” trong lòng mình sụp đổ vào những giây phút cuối của bước đường tìm kiếm hạnh phúc.
Đến với khổ thơ đầu, tác giả đã khéo léo đưa người đọc trở lại quá khứ để kịp làm chứng nhân cho một trái tim chung thủy:
Dưới Trăng đêm ấy anh thề,
Dù xa xôi mấy cũng về với em.
Lửa lòng âm ỉ ngàn đêm,
Chờ anh. Có mảnh Trăng nguyền sáng soi...
Tác giả đã mong muốn, hứa hẹn và bày tỏ rất nhiều về nỗi lòng của một người đang yêu. Lời ước hẹn gửi trao đến “em”, mong “em” chờ đợi nhau dù cả hai người đang xa cách. Nhưng khoảng cách địa lý ấy làm sao ngăn cách được ngọn lửa tin yêu đã dồn nén “ngàn đêm” với lời nhắn nhủ “chờ anh” trở về trong một ngày không xa lắm.
Khi người ta xa nhau, trông nhớ nhau, họ gửi gắm nỗi nhớ, niềm yêu bằng những bức thư tay, một điều vốn giản dị nhưng lại là phương tiện nối kết biết bao trái tim đang trăn trở và thổn thức:
Mở thư lòng dạ bồi hồi,
Cái ngày mừng đũa thành đôi đã gần.
Bao nhiêu vui mừng, hồi hộp, chờ đợi khi nhận được lá thư chưa kịp trút hết ra thì sự bất ngờ ập đến khiến tác giả cứ “Tưởng đâu trời đất tối sầm” mặc dù vạn vật vẫn không thay đổi “Ngoài hiên vằng vặc Trăng Rằm vẫn soi” chỉ riêng lòng người đã đổi thay thật rồi!
Có lẽ, cái phong phú của tâm hồn ít khi tự nhiên mà có, mà là kết quả của một đời sống phong phú và con người ta thường có nhu cầu biểu hiện nó trước sự đòi hỏi của hiện thực.
Bởi thế dù rất hụt hẫng và đau lòng tác giả cũng đành phải thốt lên:
“Chúng mình phận hẩm duyên ôi,
Xin em đừng nhắc những lời hẹn xưa”.
Trăng thanh... vàng vọt... sững sờ...
Người thề dưới ánh đèn mờ... đang quay.
Vầng trăng từng là chứng nhân cho mối tình tuyệt đẹp giờ đây đã “Trăng thanh... vàng vọt... sững sờ...” như chính tình yêu xưa cũng đã hao gầy đến nỗi tác giả chỉ kịp “sững sờ” trước sự phũ phàng của thực tại.
Phải là con người thật sự có tình mới thấm thía hết trước sự đổi thay đến không ngờ ấy nhưng ông vẫn phải bằng lòng không cay cực, không chua chát, không trách hờn người ấy mà chỉ cho rằng hai người có duyên không phận. Có thể vì một mục đích cao thượng chăng khi tác giả phải nén kìm lòng mình lại để cho nhân vật “em” được thanh thản ra đi mà tìm kiếm hạnh phúc mới.
Đọc đến đây, ta thật khó nhận ra trong lời thú nhận “Chúng mình phận hẩm duyên ôi” là một sự nhìn nhận lý tưởng, sáng suốt của người trong cuộc, bởi có bao nhiêu người chịu bỏ xuống mà không phải thét gào, giành giật tìm lại cái mình sắp đánh mất!
Qua cách biểu ý và biểu cảm trong cả bài thơ ta nhận thấy ẩn bên trong tâm hồn tác giả Phạm Khắc Xạ một nhân cách đáng quý, tình cảm thuần hậu và vị tha. Dẫu trải qua cơn đau nhưng nỗi đau kia sẽ không làm ông chùng bước và ông mãi vững vàng trước cái cuồn cuộn của vạn vật, của thiên nhiên cứ trôi nhanh không chờ không đợi, của thời gian vô hình không kiêng nể một ai.
Và nghệ thuật, chân lí lại bao la như cuộc sống, như tâm hồn con người sẽ lan tỏa mãi.
(Ngô Hồng Nhung - Giáo viên Văn Trà Vinh)
|