Tôi được chú Ngô Quang Nam, là chắt nội của cụ Nguyễn Quang Bích – gọi đi lên Phú Thọ để đặt bát hương nơi thờ CỤ
Mẹ tôi con gái họ Ngô, bên ngoại của tôi có họ 2 bề với gia đình chú. Cái lúc tôi còn nhỏ, ông Cả Trình là đích tôn của Cụ Ngô Quang Bích, là bố chú Nam mỗi lần về Hà Nội đều đến nhà tôi. Ông quý và hợp với mẹ tôi lắm. Khi các chú đi học ở trên Hà Nội thường về chơi và ở nhà tôi. Không chỉ là họ hàng kính trọng mà tôi còn thân và quý các chú lắm. Mẹ tôi giờ đã đi xa. Với quê hương Thái Bình mà cụ thể với làng Trình Phố tôi chỉ còn người quê gần gũi là các chú. Tập thơ văn NGÕ VĂN TRÌNH PHỐ, nhờ có mẹ tôi được góp tiếng thơ của đứa cháu ngoại. Tôi viết văn còn ký bút danh Trình Phố nơi làng quê của mẹ.
Tôi được theo chú lên xã Xuân An, huyện Yên Lập – Phú Thọ, lên Khe Cháu nơi Cụ và bao tướng lĩnh, nghĩa sĩ đã ngã xuống trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Một ngày mưa, một đêm mưa và những ngày mưa trước đó khiến cho còn hơn 1 cây số đường dốc núi vào nơi thờ lầy sục, dính bết đất đỏ. Công trình làm đường vào nơi khe sâu thờ Cụ còn đang dang dở. Đoàn cháu chắt Cụ do chú tôi Ngô Quang Nam dẫn đi chuẩn bị suốt mấy ngày nào là bát hương, chuông đồng, lễ vàng mã, lễ hoa quả, rồi mang theo cả máy nổ, đèn chiếu sáng… Cán bộ huyện Yên Lập từ bí thư, chủ tịch huyện đến các phó chủ tịch, các trưởng phòng ban huyện, cán bộ xã từ bí thư chi bộ, chủ tịch, xuống trưởng thôn, phụ nữ, thanh niên xã Xuân An không chỉ về dự lễ mà còn lo chuẩn bị đồ lễ theo phong tục địa phương. Từ ngày hôm trước, từ 3,4 giờ sáng ngày lễ, tất cả dậy nấu xôi, luộc thịt, luộc gà, nấu cơm cháo, luộc khoai sọ, luộc sắn… rậm rịch cả đêm… Trời mưa nhẹ, đường trơn dính đất đỏ, người khiêng, người đội, người xách lần lượt lên núi tiến vào khe núi sâu. Mỗi người một việc. Thanh niên cùng chú Nam lo treo tranh, đặt hoa, lo xếp ngai thờ. Phụ nữ lo sắp lễ, bày lễ. Mọi việc phải nhanh chóng cho kịp giờ, nên cứ râm ran huyên náo cứ như ngày xưa nơi đây nghĩa quân chuẩn bị chỉnh đốn trước giờ ra trận. Đồ thờ Cụ từ ngai, từ ban thờ đến mọi lễ vật là sự đóng góp của mọi người trong huyện, xã. Người chủ tế là bí thư huyện, người lễ, người rót rượu lễ là các lãnh đạo huyện, xã. Lễ ngắn gọn, trang trọng và cảm động. Trên nhà sàn lễ Cụ và các tướng hữu ban, tả ban. Lễ ngoài trời trên là các nghĩa sĩ, dưới là các chúng sinh. Hàng tệp bộ quần áo nghĩa sĩ, dép, mũ màu xanh cây lá. Là tấm lòng thôi còn nghĩa sĩ xưa trang bị áo quần sao đâu rõ. Lòng người hướng về cõi xưa bằng cả sự biết ơn, kính trọng chân thành và mộc mạc. Thày cúng vốn là người chữ nghĩa, xưa làm cán bộ văn hóa đã nghỉ hưu đọc bài Văn tế thập loại chúng sinh khi cúng các cô hồn. Chủ lễ là bí thư huyện ủy, như xưa kia là chân tri phủ, là tri châu rất thành tâm chắp tay ngồi nghe. Bài văn tế xưa lay động lòng người hôm nay. Bà con bản lắng nghe, bí thư huyện ủy mấy lần rút khăn lau nước mắt. Một lãnh đạo xã đã cao niên ngồi cạnh tôi nói nhỏ cho đủ tôi nghe: - Ông mới 40 tuổi. Ông tâm linh và gần dân lắm. Ông có lòng thương người thế mà lên to thì dân được nhờ đó. Linh thiêng thay, khi đốt mã quần áo cho nghĩa quân trời vẫn đang lắc rắc mưa, vậy mà khi người châm lửa lầm rầm khấn mời, gió nhẹ bỗng về làm mã cháy đùng đùng cuộn cả tàn lên không trung. Lòng người reo lên. Nay các nghĩa sỹ chắc vui mừng lắm. 123 năm nay con cháu mới gửi được tận nơi khe sâu quần áo tới cho người… Lòng người rưng rưng.
Trên đường lội qua suối, tôi gặp một gốc cây trầu không phủ kín hòn đá cực lớn, gốc trầu phải bằng cổ chân. Tôi hỏi, thì Chú Nam tôi đọc cho luôn mấy câu:
Dây trầu hơn trăm tuổi
Ai đã chăm đã trồng
Giữa rừng hoang suối vắng
Để nay người viếng thăm
Dây trầu của nghĩa quân
Mang dưới xuôi lên trồng
Cho những đêm tụ nghĩa
Khói thuốc lào giầu không
Đêm lạnh vây đồn giặc
Miếng trầu thêm ấm lòng
Gặp buổi giặc vây lùng
Nhai trầu chắc tay súng…
Thế là chú lại giảng tôi thêm hiểu chiều sâu thẳm của di tích đã đi qua hai thế kỷ…
Ra hết dốc rồi, cả đoàn gặp lại anh Quân. Anh Quân từ quê Thái Bình lên, đi trong đoàn chúng tôi, là chắt chút ngoại của Cụ, lo lắng vất vả mấy ngày nay sắm lễ hoa quả, giò chả mà vẫn phải ngồi dưới lán công trường chân dốc. Anh Quân là thương binh còn có một chân mà dốc thì cao đường thì trơn nên nhờ gửi lễ vào rồi ngồi dưới chân núi nhịn đói bái vọng. Cụ ơi, thế là Cụ vẫn còn một “nghĩa quân”, và lại là đứa cháu chắt Cụ ngồi đây thành kính…
Hôm nay con đường còn đang làm dở. Hôm nay khe suối còn lội ngang chân. Hôm nay là mái nhà sàn đơn sơ, là nhà lưu niệm, là nơi thờ cúng Cụ và các tướng lĩnh, nghĩa binh. Tất cả đang bắt đầu nhưng chỉ ít ngày tháng nữa thôi hoàn tất. Nơi khe sâu lòng núi – Khe Cháu Yên Lập – Phú Thọ, đón người về thắp hương cho Cụ, lên kính vọng hương hồn các nghĩa sĩ yêu nước Cần vương, thắp hương nơi nguồn cội lịch sử, thắp hương vọng về cõi anh linh
khe suối
bên giếng xưa
Theo Bùi Kim Anh -
Hội nhà văn Việt Nam
|