Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet
Lá đã rụng đầy ở trước sân
Gió thu man mác thổi xa gần
Rừng xa hiu quạnh buồn thu hỡi
Góc biển, chân trời nhớ cố nhân?
Đọc thơ của Đỗ Thị Hoa Lý tôi lại thấy lòng mình xao xuyến lạ như chính những giai điệu mà bài thơ mang đến. Từ thơ chị tôi hiểu được bên trong ấy là một nội tâm phong phú, không bao giờ để lòng khép kín mà luôn rộng mở với trời đất, với cuộc đời.
Cảnh và tình trong bài thơ thật đẹp. Tôi mường tượng đó là một buổi chiều bởi thời gian, không gian ấy là những phút giây và khoảnh khắc dễ gieo sầu và dễ để cho nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc nhất.
Trong bài thơ, thiên nhiên và con người vừa có sự giao hòa mầu nhiệm bởi lớp trường nghĩa về không gian thu và tâm trạng: lá rụng, gió thổi; xa, góc biển, chân trời; buồn và nhớ.
Đối với nhà thơ, giao cảm với cuộc đời là niềm hạnh phúc tuyệt diệu mà con người ban tặng cho cuộc sống.
Tác giả đã nhìn cảnh vật bằng những nét chấm phá nhưng lại rất tinh tế và chân thật:
Lá đã rụng đầy ở trước sân
Gió thu man mác thổi xa gần
Mùa thu có lá rơi rụng theo làn gió thổi thì có gì lạ nhưng trong mắt thi nhân thì lại trở nên giàu sức gợi hình và gợi cảm. Thế nên nỗi buồn man mác cứ nhè nhẹ len lỏi vào trong tâm tưởng nhà thơ để rồi chị lại bật lên tiếng gọi đến nao lòng:
Rừng xa hiu quạnh buồn thu hỡi
Phải chăng giữa thu và người đang thủ thỉ, tâm tình bởi thu được nhân cách hóa giống như một con người để cùng tác giả san sẻ những nỗi bâng khuâng và cô đơn?
Đến đây nỗi cô đơn và buồn nhớ đã lên đến tột cùng:
Góc biển, chân trời nhớ cố nhân?
Nỗi nhớ của tác giả về đất Việt thân yêu hay cũng là nỗi nhớ của những người con xa xứ? Tôi trộm nghĩ hay đó cũng chính là nỗi nhớ về một người yêu - một mối tình không trọn vẹn vẫn luôn ấp ủ và thỉnh thoảng lại sống dậy tươi nguyên trái tim đa cảm của nhà thơ?
Bài thơ đã khép lại rồi với những chắt lọc, tinh túy và súc tích nhưng vẫn cho tôi yêu lắm một hồn thơ gần gũi, bình dị và đằm thắm.
Ngô Hồng Nhung - Giáo viên Văn tỉnh Trà Vinh
|