Ảnh nguồn - Internet
Chuyện ở nhà thằng Sơn rồ C20. Xin mọi người đọc đừng chê người bạn tôi thô thiển hoặc không biết ý. Những chuyện lính cũ gặp nhau cũng là những xúc động vặt đó thôi nên thường không mấy lễ nghi. Bạn tôi cũng tuổi Nhâm Thìn, sau chiến tranh về lấy vợ đẻ liền tù tì 4 đứa con. Bây giờ hắn đã có đúng chẵn mười đứa cháu cả nội và ngoại. Tên hắn là Quách Minh Sơn lính C20 sư đoàn tôi, quê Bắc Ninh. Gọi nhau ôi ối trên điện thoại chỉ dẫn loanh quanh rồi cũng tới nhà. Xe vào tận sân sau khi đi qua dẫy chợ gỗ Phù Khê. Nó bảo mày cứ hỏi nhà ông Nguyễn Văn Cừ là họ chỉ cho. Tôi hỏi Cừ ở xê mấy? Nó gào lên, đồ ngu! Ông Nguyễn Văn Cừ tổng bí thư đảng ta ấy. Đảng viên mà không biết ông Cừ à? ôi dào, nào ai biết nhà mày gần nhà ông Cừ bí thư. Cứ tưởng Cừ nào… Nó nói đúng, mở cửa sổ nhà nó ra là gần chạm bức tường mới và mái ngói ta đỏ chói nhà lưu niệm Nguyễn Văn Cừ. Nó bảo hễ cứ ông nào mới lên bí thư Bắc Ninh là nhà ông Cừ lại phá ra xây lại một lần. Khiếp, lãng phí quá! nó hề hề, lãng phí không cần biết chỉ khổ nhà tao hứng bụi mất gần một năm mỗi lần gọi là trùng tu. Nhờ giời nhà nó ở làng nghề làm mộc nổi tiếng. Hai thằng con trai có xưởng, một cô con gái có cửa hàng tủ ỉ sập gụ hoành phi còn một cô lấy chồng trên Bắc Giang. Tất cả mười đứa cháu dồn tuốt về ông bà. Nghịch ngợm ánh ỏi váng làng nước. Nghiêng ngó thăm thú một hồi, nhòm vào bếp thấy vợ nó to như cối đá lỗ đang chặt thịt gà kênh kếch vừa chặt vừa chào các bác, gớm nhà em hí hửng từ mấy hôm nay. Miệng nói tay nói cứ chóng cả mặt. Mồ hôi trên trán người đàn bà tuổi Ất Mùi thật mãn nguyện. Các bác cứ ra uống nước với nhà em nhoáng tí nữa là các bác uống rượu rồi nghe ông nhà em hát cho mà nghe. Sơn thò cổ vào nói rõ phởn, mẹ đĩ nghe tớ hát thích bỏ mẹ thằng tây đi chứ lại… Vợ Sơn cười tít mắt. Nhìn cung cách và nghe đối đáp của vợ chồng nhà nó tất cả chúng tôi thấy nhẹ nhõm quá. Chả có chủ khách gì nữa nó giới thiệu bạn nó với vợ trong khi vợ nó vẫn trong bếp. Nó quát ra đây ra đây! vợ nó vừa lau tay vừa chạy ra. Đâu đâu bác nào là Luân đen? chà đen quá. Bác nào là Sỹ giáo sư bụng to? Chà bụng to thật. To như bụng báng. Thế bác kia là Toán rồ à? Có bao nhiêu khách thì bấy nhiêu cái mồm ngoác ra cười tất. Ối Sơn ơi là Sơn! Thằng Sỹ kêu lên ra là mày bảo với vợ mày là thằng Toán đại tá là thằng rồ à? Sơn khoái lắm, tao còn rồ hơn nó, ngày xưa tao thế nào bây giờ tao vẫn thế. Cả nhà tao chỉ dùng mỗi một đại từ mày tao thôi. Lại cười, thế thì hôm nay tất cả mày tao. Vợ Sơn giẫy nẩy, em chịu em chịu không dám mày tao đâu. Mấy thằng uống chè Thái . Quanh đi quẩn lại mỗi tôi hút thuốc bèn đứng dậy ra vườn nhả khói. Thằng Sơn đi theo. Nó ghé tai, thằng nào không ăn thịt chó thì có gà nhà rồi, mà này thằng Sỹ về hưu luôn hả, không ở lại làm thêm đến năm 65 tuổi à? tôi bảo, nó nhất quyết về nghỉ luôn, chả dại gì ở lại vạch quần hộ thằng Giám đốc kế nhiệm cho nó đái. Hê hê, đúng quá đúng quá. Sơn cười. Tháng sau thằng Sỹ nghỉ, đáng ra nó được đề nghị ở lại làm chuyên môn vì là Giáo sư viện trưởng. Nhưng, nghỉ là phải. Nó giãi bầy bao năm cứ bận bịu vai diễn công dân bây giờ phải quay về kí ức thôi, kí ức lính Tây Nguyên với chúng mày thôi. Nó bảo, nghỉ là mấy thằng đi lại về Tây Nguyên, đi xuống duyên hải đi về Củ Chi và lên Tây Ninh thắp hương cho bao nhiêu thằng lứa mình sang K không về. Có 6 thằng cùng trung đoàn 64, chỉ nhõn thằng Toán ở trung đoàn 40 pháo binh. Thế là mấy thằng bộ binh thi nhau nhả đạn, thằng pháo binh thỉnh thoảng được chen vào một quả. Thằng Sơn bảo thằng Toán bắn cầm canh thôi, đạn đ. đâu mà cấp tập như bộ binh. Toán rồ cười gượng gạo rõ thảm hại. Ngồi với bạn lính uống rượu với lính mà nó lại bảo mày nói ít thôi thì chịu sao được. Có tiếng gõ cửa. Ông hàng xóm ngó vào cười rõ tươi. Nghe bác Sơn có khách lính cựu đến chơi em sang thăm có nhời chào các bậc tiền bối. Rồi lại cười lại bắt tay phơ phơ. Biết chúng tôi lính Tây nguyên ông hàng xóm nói về mái nhà Đông Dương. Biết chúng tôi là lính nhưng cũng thích thơ phú văn chương ông ta nói đến Tứ Thư Ngũ Kinh. Chưa kịp hỏi ông rành thư nào kinh nào thì ông đã chuyển sang đề tài Hải thượng Lãn Ông vì biết thằng Sỹ làm nghề y. Công nhận hắn nói hay chỉ tội nhầm mỗi cái ông Lê Hữu Trác ở Hà Tĩnh thì lại bảo là Trác tiên sinh ở Thanh Hóa. Bị chúng tôi cải chính sự nhầm nhỡ ấy hắn cười he he như không. Ầy dà, em cứ thấy ai tài giỏi là nghĩ ngay là người Thanh Hóa he he. Ông hàng xóm về rồi thằng Sơn bảo, nó chả biết chữ nho nào đâu, làm đồ gỗ hay khảm chữ nho nên lỏm vài câu cho có khí phách cũng như tao đây này tao đ. biết chữ nho mà chỉ cần biết vài bộ: đinh, thủy, tài sóc, mễ, quai sước, giằng đầu… mà lòe được khối thằng. Cả lũ cười hơ hơ khen thằng Sơn giỏi giỏi. Khách về rồi thằng Sơn quay sang tôi: Hồi mày ở D8 mày lên Chư Rông Ràng nhiều không? Ơ, mày không nhớ là suốt1974 D8 ở Chư Groong Ràng à? Nó à à ừ ừ. Nó thẫn thờ, lúc chúng mày trên 784 thì tao đi bám địch nống ra Chư Gôi. Tổ tao 4 thằng gặp thám báo nó nổ súng và quăng lựu đạn ngay. Chúng tao bị hai thằng, một thằng chết kéo nhau được hai chục mét ấn thằng chết vào bụi chuối quay ra bắn vài loạt thì cối của nó giã ngay. Chúng tao chạy ngược về hướng 784, liên tục mấy hôm pháo và cối từ Chư Gôi, Chư Kinh giâu bắn và mưa thậm tệ tới 5 ngày sau đơn vị cử tao dẫn hai tổ C25 E vào lấy xác. Mắt thằng Sơn đã ộng ộng nước. Mấy thằng im thin thít. Thằng Toán rồ ngây thuỗn mặt nhìn Sơn. Thằng Sơn tiếp: Chúng tao bò vào tới vườn chuối, chưa nhìn thấy gì mà ngửi thấy thối khủng khiếp bảo nhau đúng rồi chúng nó nằm đây rồi. Mày ôi đến gần cái bụi chuối nghe rào rào ròi bọ nhung nhúc chen lấn trên xác đồng đội mình. Nước mắt, mồ hôi mùi thối tràn trề vào mồm mình. Tao lấy cái võng chặt cây chuối bé luồn dưới thân nó lồng võng vào buộc hai khúc rồi lôi nó ra, lôi đến đâu ròi bọ rớt lại thành đường đến đấy. Ra được hai chục mét tính buộc lại để bọn 25 khiêng thì thấy thiếu cái đầu. Mẹ kiếp xác người mùa mưa phân hủy nhanh thế cái đầu nó lết dưới đất rời ra. Tao quay lại chặt cái lá chuối gói cái đầu nó mang xuống… Cả lũ chúng tôi lặng ngắt, nước chè nguội tanh, cái quạt quay phù phù, trong bếp vợ thằng Sơn cũng đứng im như phỗng. Thằng Sơn thở dài tao nhớ mãi cái tên nó Lưu Sĩ Hồng người Đại Từ. Cách nay mươi năm tao tìm gặp được thằng anh nó dậy học ở ĐH Thái Nguyên tao kể chuyện về nó và khu vực nó hy sinh những mong anh nó quan tâm đi tìm nó, nhưng thấy anh nó nhạt nhẽo quá thế là tao chán tao buồn… Bây giờ mỗi đận họp mặt C20 tao lai rót cho nó một chén rượu xuống đất. Mẹ kiếp nó có được giọt nào không hay là ròi bọ lại làm hết… Nắng lên đỉnh đầu. Cái máy cưa ngoài xưởng nhà thằng Sơn không sòe sòe nữa. Vợ thằng Sơn kêu Bố nó ơi mời các bác vào mâm đi, vào đi thôi. Thằng Sỹ đưa ra chai Chivas có cái túi bằng vải buộc dây rút. Sơn cười hơ hơ, rượu này để đấy hôm nay chỉ uống rượu trắng nhà tao nấu. Rượu nhà tao say quá thì li vơ phun chứ không đau đầu. Vợ Sơn ngồi bên chồng, mỗi khi chồng nói lại ngước lên vênh một bên má, mấy giọt mồ hôi được dịp rớt xuống áo. Uống rượu là nó hát. Nó hát từ bài Tây Nguyên đến bài Sài Gòn. Từ bài trẻ con đến bài người lớn. Thằng Toán rồ làm nghề nhạc sĩ nhìn Sơn mà ngay đơ người. Nó hát đến bài... "gặp lại nhau đây, ai còn ai mất, để lòng tôi xao xuyến bồi hồi …” thế là nó khóc. Vợ Sơn vội lau mắt cho chồng rồi bảo thôi bố mày hát Quan họ đi. Sơn hề hề, ừ nhỉ thôi về Bắc Ninh thì tao Quan họ cho mà nghe. Bắt đầu là nó “mời trầu” tiếp đến là nó "mời nước" rồi nó "mời rượu". Ối giời ạ mắt thì toét cập bà là tóe mà cũng… đứng ở đằng xa đứng ở đằng xa… con mắt liếc lại bằng ba đứng gần...". Vợ nó chụm tay vào mồm cười rum rúm. Đang hát mời rượu, nửa chừng bỗng nó ngưng lại… Nó bảo: - Mẹ nó nghe tôi nói với mấy thằng Sỹ, Luân, Toán này. Chúng mình già rồi, đ. biết thế nào đâu, nay mai nếu tao đi trước thì chúng mày cùng lính TN với tao mà tao yêu quí là phải để tang tao. Còn chúng mày mà đi trước vợ chồng tao để tang chúng mày. Nó nghẹn giọng, còn vợ nó cúi mặt nhìn xuống bàn chân mình. Ối Sơn ơi, thằng Sơn rồ. Thằng lính trinh sát rõ ngang tàng dũng cảm mà động nói đến bạn lính là khóc. Nó quay sang nhìn vợ, hỏi Thế nào bu nó? tao nói có phải không? Vợ nó gật gật rồi lại lau nước mắt cho nó. Chúng tôi hát, chúng tôi uống rượu trong một ngày tháng chín nắng như màu trái bưởi rám ngoài vườn, đó là cái nắng màu mật. Thời ở với nhau đã bốn mươi năm như vẫn hiện hữu. Hiện hữu với mấy cái tên thằng đen, thằng rồ, thằng bụng báng.
15/9/2013, Nguyễn Trọng Luân - Hà Nội
|