Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  MÈN VÀ TRŨI - Chương 3 - Truyện dài kì cho tuổi học trò của Nhà văn - Dịch giả Ngọc Châu MÈN VÀ TRŨI - Chương 3 - Truyện dài kì cho tuổi học trò của Nhà văn - Dịch giả Ngọc Châu , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Chương 3

Những người lớn

 

Người lớn bao giờ cũng làm những điều để trẻ con có thể học theo, nhưng cu Thăng nhận  thấy họ hình như  ít để ý rằng có những việc trẻ con không muốn làm theo như vậy.

                   Giờ em đến lớp

                   Chào cô chào thày

                   Chào các cậu nhé

                   Có chuyện  rất hay

                   Khi nào hết tiết

Tớ kể chuyện này...      

Bù cho nỗi ước mơ chẳng bao giờ có đuợc, Thăng thường bắt bà mẹ thằng Hoan kể cho nghe những gì bà biết về loài Dế. Mẹ thằng Hoan biết nhiều chuyện  về dế lắm nhé, chắc hồi bé cũng chẳng phải tay vừa trong các trận chọi dế, hoặc phải có anh trai là chúa trùm môn này. Bà kể rằng dế có nhiều loại lắm đấy, không phải chỉ có Dế Mèn với Dễ Trũi đâu. Mùa hanh cứ ra lật các túm cỏ khô, thân đậu đỗ hay ngô khoai vứt lại trên bãi thì thấy đủ loại dế nhảy ra.  Ở  những khu cầy ải, bên dưới các tảng đất khô cũng có dế nhưng không có dế chiến, chỉ nhiều những con dế béo bụng, có người đem về rang lên nhắm rượu hoặc nuôi gà chọi thì dùng vỗ béo gà thôi. Thăng không thích nghe những chuyện như vậy, trong tưởng tượng của nó Dế là những nhân vật kiêu hùng, ưa phiêu lưu mạo hiểm, lại nghĩa hiệp đầy mình. Thình thình trống thình thình, hội làng giữa sân đình, đá bọ ngựa lăn kềnh… Những chú dế như thế phải ở nơi núi cao, hoặc bên bờ hồ rộng như Tây...Tây..., à Tây hồ trên Hà Nội cơ.

- Có, có những chú dế như vậy đấy - Bà bán bánh rán cười. Trông mẹ thằng Hoan cười Thăng thấy hoá ra bà rất đẹp. Ngày thường tối mắt tối mũi nó chỉ thấy các nếp nhăn nên nghĩ rằng bà đã già, thế ra bà chỉ bốn năm mươi tuổi gì đó thôi. Nhưng mà trẻ con chẳng  đoán đuợc tuổi người lớn bao giờ, chúng nghĩ rằng đã là bố mẹ thì đều phải già rồi. Ông bà thì khỏi phải nói, già cổ lai hy, già chẳng nhớ gì, suốt ngày ngủ khì... như bà cụ bà kỵ gì đấy bên nhà Toan "nghiện".

- Nếu ban đêm hai đứa lắng nghe tiếng côn trùng ở ngoài vuờn hoặc ngoài đồng sẽ thấy tiếng dế Mèn kêu rõ ràng hơn cả. Tất nhiên là không phải đêm trời mưa, có họ hàng nhà ếch nhái họp hội đồng. Khi đó thì cả làng, cả tổng chỉ nghe thấy mỗi tiếng anh ễnh ương thôi đấy. Đây này, có câu này nếu hai đứa nhớ đuợc thì đầy đủ cả họ hàng hang hốc của đám ấy nhá :" Cóc chết Nòng Nọc mồ côi, Nhái Bén ngồi khóc Chàng ơi là chàng. Ễnh Ương phồng má kêu vang: Chuộc ơi xem Ngoé nó đang làm gì ?"

Trong khi cu Hoan bắt mẹ đọc đi đọc lại vài lần cho nhớ thì Thăng đã thuộc nằm lòng, nhưng cậu chàng vẫn đang thích nghe chuyện dế.

- Bác ơi, thế còn dế, dế...

- À, đúng rồi, chuyện dế hở? Ngày xưa bố thằng Hoan có lần viết thư về nói là đơn vị bố nó trú đêm trong một thị trấn vừa được giải phóng. Đêm hôm ấy tiểu đội ngủ trong một căn nhà gạch ấm cúng hẳn hoi mà không thể nào ngủ được. Chẳng phải vì tiếng súng vẫn còn nổ ở đâu đó mà là vì một chú dế. .

- Sao lại có dế hở bác? Thế thì tại mọi người tranh nhau bắt con dế ấy...

- Không phải thế. Mọi người tắt đèn nằm lên giường đuợc dăm phút thì một con dế kêu rất to. Căn buồng kín, có cửa kính nên chú dế này kêu ong ong như ngay cạnh tai mọi người. Thế là bực mình trở dậy bật đèn. Soi tìm khắp nơi không thấy chú ta ở đâu, nhưng cứ tắt đèn nằm xuống khoảng năm phút lại thấy nó kêu váng lên...

- A, con biết rồi. Nó ở dưới gầm giường chứ gì, thế mà bố và các chú không tìm thấy - thằng Hoan ngắt lời mẹ.

- Không phải ở dưới gậm giường - Thăng cãi - Chắc chắn nó đậu ở bên duới giát giuờng thì mới không nhìn thấy nó chứ lỵ.

- Bố thằng Hoan kể là mấy lần cả phòng thức dậy soi tìm tỉ mỉ mọi chỗ mà không thấy. Mãi rồi có một chú cầm đôi giày chiến lợi phẩm duy nhất của mình lên giỗ xuống sàn nhà. Quả nhiên có một anh dế kễnh từ trong giày văng ra ngoài. Hoá ra hễ thấy đèn sáng lên thì nó chui tọt vào trong chiếc giày. Tối một tí lại chui ra ca hát, thế có ma lanh không!

- Khiếp, giày của các chú ấy thì mùi kinh lắm. Có lần con Cun ngửi  đôi giày đá bóng của anh Thiên cháu mà hắt xì hơi liền hai cái, va cả mũi vào chân giường.

- Còn thế nữa. Cháu lại phịa chứ gì! - Bà bán bánh rán cũng phải phì cười - Nhưng mà hình như dế không có mũi. Chúng nó cũng có hát bằng mồm đâu, chúng cọ và rung hai chiếc càng đầy gai vào cánh ở hai bên mạng sườn như người ta kéo nhị đám ma để phát ra tiếng kêu đấy.

Mẹ thằng Hoan tài nhỉ, cái gì bác ấy cũng biết - Cu Thăng nghĩ bụng - Mà bác ấy có lúc nào đọc sách đâu. Nó chợt nghĩ đến thư viện khoa học đầy sách của bố mà chả thấy bố nó đọc bao giờ.

- Có nhiều loại dế lắm - Bà kể tiếp - Dế Than đen như đít chảo mỡ, Dế Lửa vàng choé như  lư đồng mới đánh bóng. Có con cánh dài, râu dài, con ngoe ngoe tí hỉn. Có con to mồm, khệnh khạng còn hơn bọ ngựa nhưng chưa đánh nhau đã bỏ chạy, có đứa lầm lì cắn nhau đến chết. Có con dế thấy địch thủ đã thua thì thôi không đánh nữa, có con cố cắn đạp cho con kia kì chết mới thôi...

- Nhưng ngày bé nghe người ta kể nhiều chuyện sợ lắm - thấy hai đứa há mồm lắng nghe bà bán bánh rán lại kể tiếp - Họ bảo là có những con Dế Ma sống ở dưới mả hoang, nhất là dưới mộ những người bị sét đánh hay chết bất đắc kỳ tử, nơi thường có ma trơi hiện ra vào những đêm tối trời. Con dế này có thể tàng hình làm đối thủ không nhìn thấy gì, rồi bất thình lình cắn đứt cổ con kia để hút máu. A, ở miền núi đá có những con Dế Đá mình đồng da sắt, Xén Tóc chưa chắc xén đứt đuợc râu của nó. Ở xứ Cao Ly con dế nào gặm được rễ nhân sâm hay làm tổ ở chân cây nấm linh chi thì đánh nhau không biết mệt. Rồi dế sống ở miền người Mán, người Mèo trên Cao Bằng, Bắc Cạn nếu ăn củ mã tiền thì độc như rắn hổ mang, táp một răng là đối thủ  lăn quay...

Hai đứa bé vẫn còn muốn nghe nhưng mẹ thằng Hoan sợ rồi chúng ngủ mê giật thột, nên thôi không kể những chuyện li kỳ rụng rốn nữa.

Bà dạy cho chúng câu đố về con dế để hôm sau đến lớp học đố lại các bạn:

Con gì  đào lỗ dưới sâu

Bé  con mà rất cứng đầu, hung hăng

Trổ võ cắn với phốc càng

Thua chui bụng kiến, thắng nhe răng cười...

Hay thật đấy, người nhớn ai cũng như mẹ thằng Hoan thì hết xảy! Mặc dù mẹ nó cũng nhốt con ở trong nhà nhưng lâu lâu lại chạy về hỏi han, nhét cho nó cái bánh hay một con tò he, thỉnh thoảng bà ấy còn cho cả Thăng nữa. Lúc nào không bận xay bột, nhào bột - tiếc là ít lắm, vì những chuyện ấy tốn thời gian thấy mồ - mẹ nó luôn ngồi học cùng với con hoặc kể chuyện cho hai đứa, dạy cho chúng cách đặt câu đố nhau về cây cỏ loài vật, cách đặt và nói những câu đồng dao vần vần. Bố Thăng có vẻ cũng quý Thăng nhưng luôn luôn nghiêm nghiêm nghị nghị, chả bao giờ chơi với trẻ con. Thăng thấy bố rỗi rãi hơn mẹ thằng Hoan nhiều nhưng mẹ Thăng thường bảo "Bố mày bận lắm, không đủ thời gian cho ông ấy chơi ù với tiến lên, còn lúc nào nhìn đến con cái nữa!"

Có lẽ mẹ Thăng nói đúng. Bố nó tối nào không đến lớp ngoại ngữ thì nhất định phải tụ tập mấy người chơi ù hoặc tổ tôm. Chơi rất khuya, đánh ăn tiền hẳn hoi. Bố bảo "chỉ góp mấy đồng cho nó hăng, tiền nong gì" nhưng cu Thăng thấy giá nó có số tiền góp ở chiếu thì mua đuợc không biết bao nhiêu quyển truyện tranh, tranh màu hẳn hoi cơ. Bố cấm tiệt, không cho Thăng bén mảng đến chỗ chơi bài nhưng nó chẳng màng. Giả thử bố không cấm, nó cũng không thích đến chỗ ấy.

Tại sao người lớn lại thích chơi bài như thế nhỉ? Cu cậu tự hỏi. Người nào bận thì cứ bận. Bận như mẹ thằng Hoan với cối xay bột, trộn nhân bánh. Bận như mẹ Thăng với hàng đống bèo, ngổ cần phải băm ra để nấu cám nuôi hai con lợn, không kể bao nhiêu là quần áo cần phải vò xát xà phòng. Bố thì mặc kệ, chỉ đi làm ở cơ quan với coi xe ở lớp ngoại ngữ là hết. Người lớn không muốn trẻ con bén mảng đến chỗ họ đánh bài, nhưng có mấy đứa cũng bắt chước đánh ở góc nọ góc kia. Ngay anh Thiên cũng đã lén lén lút lút chơi với mấy đứa trẻ, ham chẳng kém gì bố nó, dạo này chẳng thấy tập đàn gì cả. Lạ thật đấy! Đã thích cái gì thì Thăng ta  thích mãi cơ. Giả dụ như có truyện tranh thì nó phải đọc ngay, không thèm chơi búng nịt với mấy đứa con gái nữa, dù nó có thể thắng cả một cuộn nịt tết to bằng cổ tay.

Nhưng không phải mọi người lớn đều thích chơi bài. Hồi đầu năm mới, sau khi chúc tết và ăn những quả mứt hồng dai dai, ngon ghê gớm ở cơ quan, Thăng được đi theo đoàn của bố đến chúc tết các cô chú khác. Đi một đoàn rồng rắn lên mây, có cả mấy đứa con cô Nhi, cháu cô Yên cũng là trẻ con như nó, sướng cực kỳ! Thích nhất là vào nhà bác Vân. Bác Vân là kỹ sư như bố Thăng nhưng bác ấy giỏi ngoại ngữ lắm, vẫn dậy ở Trung tâm Ngoại ngữ chuyên ngành, nơi bố Thăng chịu trách nhiệm quản trị kiêm luôn việc coi xe. Lúc này bác ấy đang dẫn đầu đoàn rồng rắn, ngoặt ngọeo mãi trong một ngõ hẻm dài và khúc khuỷu.

 - A! Đến nhà bác Vân rồi. Nhưng cũng chẳng to hơn nhà cháu! - Nó phóc xuống đất kêu lên - Bố cháu bảo bác nói tiếng Tây vanh vách, lại dịch sách nữa, cháu chắc nhà bác phải như nhà Tây cơ. Hoá ra thua xa nhà cô Yên! - Cu cậu thất vọng với ngôi nhà cấp bốn ở tít sâu trong ngõ.

- Này, cậu chàng ơi, nhà rách nhưng sách vàng đấy! Vào đây bác cho xem.

Trong khi chủ khách đang rối  rít chúc mừng năm mới, đun đẩy các tách trà, ấn bánh kẹo vào tay nhau thì bác Vân dẫn Thăng vào nơi để sách của bọn nhỏ nhà bác. Cu cậu thích mê tơi vì cơ man nào là tranh chuyện. Nhiều truyện tiếng Nga, có cả  tiếng Anh nhưng cũng đưa từ Liên Xô sang bán rẻ cho mình, bác Vân bảo thế.

 Cũng như bố Thăng, bác Vân quen mấy cô bán sách ở đó nên thường biết tin rất sớm về các đợt sách sắp có, thế là tha hồ mua các loại tranh truyện, in màu rất đẹp tiếng nước ngoài về cho con bác vừa chơi vừa học. Cái Vi cái Văn nhà bác bắt bố dịch chèn tiếng Việt vào giữa các đoạn văn từ và minh họa. Có thế mới hiểu được con lợn nói gì với con sói, con gà trống mắng con dê như thế nào chứ. Cu Thăng thấy rằng chỉ cần đối chiếu chữ in với chữ viết của bác Vân, là biết được vô khối tên con vật bằng tiếng Anh. Sướng ơi là sướng ơi! Cực kỳ là mê tơi!  Chưa hết đâu nhá, bác còn tặng nó một cuốn "Học tiếng Anh qua hình vẽ" nữa cơ.

Từ lần ấy bác Vân thường cho Thăng mượn truyện tranh với điều kiện là phải học giỏi. "Học không giỏi là bác cắt viện trợ luôn đấy" - bác ấy đe thế - "mà phải chịu  khó vừa học bài vừa coi nhà buổi sáng cho bố mẹ đi làm đấy nhá. Không cẩn thận thì coi nhà chỉ còn nóc thôi".

Người nhớn như bác Vân thích thật đấy. Thăng chỉ tiếc là không ở gần nhà để thỉnh thoảng sang nghe bác ấy kể chuyện cùng với cái Vi cái Văn. Những cuốn truyện tranh của bác làm cho cu Thăng có những giấc mơ mới, nhưng xuất hiện thường xuyên vẫn là các chú Dế.

Có con Dế Mèn

Thức trong đêm thâu

Hát sẩm không tiền

Nên nghèo xác xơ

                            Nên nghèo xác xơ...

                            Đền công cho Dế nỉ non

Trời cho sao sáng ngàn muôn

Có con Dế Mèn...

        Một lần Thăng mơ thấy cái Vi nhà bác Vân hát rống cò ke bài hát này ở    trong chiếc hang Bói Cá, bị đá chèn chặt ngoài cửa. Cái Văn thì đứng ngoài cửa hang vỗ tay cười hi hi ha ha, như thể chính nó vừa khuân đá lấp vào. "Bài này của bác nhạc sĩ gì giỏi lắm. Bác ấy sáng tác từ truớc khi bác Tô Hoài viết truyện Dế  Mèn cơ"- Nó bảo thế.

        Thăng định cãi rằng Dế Mèn phiêu lưu ký có từ truớc, nhưng có cái gì đập bộp vào bụng làm nó tỉnh giấc. Hoá ra bàn tay của anh Thiên nó. Ông anh nó dạo này rất khoái vỗ vào dây với bụng cây đàn ghi ta "Đệm cho nhạc Rock với nhạc Za phải vỗ thế mới oách!" Trông cái mặt anh Thiên nó lúc đó rất kém tắm, vênh vênh như mặt Toan "nghiện". Giá mà đấy là thằng Toan thể nào Thăng cũng xuỵt con Cun để nó thử răng vào mông cho bõ ghét!

       - Cua Rốc với Da gì, quăng cho con Cun nó gặm. - Thăng làu bàu rồi nằm dịch xa ông anh đang khò khò, tay vẫn còn muốn vỗ trong mơ.

*

 

*    *

Nhà văn - Dịch giả Ngọc Châu - Hội nhà văn Hải Phòng


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65190334

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July