Lời Tựa: Mẹ đã đi xa hơn ba năm, nhiều lần muốn viết về Mẹ nhưng mỗi lần định ngồi viết thì trái tim như đông cứng lại, nỗi đau như những cơn lũ quê mình ập đến. May sao ông bạn thân thuở thiếu thời đã nói hộ được phần nào về Mẹ, Xin Mẹ hãy an lòng con sẽ cố gắng sống tốt , học làm người tốt như Mẹ dạy
Hồ Sỹ Trúc
Một đời gồng gánh nuôi đàn con... và chờ đợi.
Tôi không phải là người sống bằng nghề viết lách, hoặc có muốn sống bằng nghề cũng chả được. Những gì tôi không quên, những gì ám ảnh trong ký ức của tôi, đối với bạn bè với quê hương là sự chân thực nhiều khi trần trụi. Nhà giàu trả nợ một lần, tôi trả nợ quê hương từng đồng lẻ…
Nhập ngũ năm tám ba, vào quân đội đóng quân nhiều nơi, vì nhiệm vụ, những lần về quê thưa thớt dần, hơn nữa gia đình tôi cũng đã chuyển hết vào Nam. Khi đi công tác Hà Nội, tranh thủ tạt qua vài tiếng. Dăm bảy năm, cắt phép về thăm nội ngoại mươi ngày…Quê hương không vì thế mà phai nhạt…
Năm đó tôi đi tập huấn ở phía Bắc, trên đường vào Nam tôi quyết định về quê vài hôm. Tôi có cái thú từ nhỏ là thích lượn chợ, vì hồi đó ra chợ có nhiều quà bánh, bà con trong làng thì nhiều, khi thì gặp Bà ngoại, khi gặp các Dì, dù nghèo, thiếu thốn nhưng thấy cháu, miệng mắng đuổi về nhưng tay thì kéo lại mua cho cái bánh rán, quả chuối… không thì tìm cách “đá” dăm quả ổi của mấy bà Quỳnh Văn, chẳng khi nào tôi phải về tay không. Bây giờ thì khác, Bà ngoại đã đi xa mười mấy năm, dì Từ vẫn chạy chợ… Chợ Nồi tấp nập, đầy hàng hóa, các mẹ các dì, cô bác, vẫn đi chợ đều đặn. Trong làng có thể nói ai cũng đi chợ nên việc ra chợ của tôi bây giờ cũng tiện nhiều đường, nếu như không có điều kiện đi thăm từng nhà, thì tranh thủ ra chợ sẽ gặp được rất nhiều người. Các Dì các O* các Bác chẳng ai quên tôi cả: ôi… thằng Ng… con anh cu D… ư, về khi nào đấy cháu… mới ngày nào còn hái trộm na nhà bác, tay nắm tay hỏi han chuyện cha mẹ, vợ con, tình cảm thật thân thương nồng ấm. Thú thật tôi rất thèm cái cảm giác đó, vì không ở đâu được như quê hương, hình ảnh của tôi trong mắt họ vẫn là thằng bé ở trần, nghịch ngợm, vẫn đáng được ôm ấp, chở che, dù tôi đã ngoài bốn mươi…
Tháng Tám là tháng mưa lụt, chợ Nồi với những dãy lều liêu xiêu, ngập nước, bùn đất lầy lội nhưng chợ vẫn đông đúc, xắn quần lên, tôi lượn mấy vòng qua hàng cá, hàng mắm, hoa quả, khi ra đến cửa hàng mua bán của Hợp tác xã đang đứng nói chuyện với cái Hoa bạn học thời cấp một. Bỗng tôi nghe ai đó gọi tên mình, tôi quay lại, cách vài mét trước mặt tôi là bác Tình mẹ thằng Trúc, bạn tôi… Bác Tình đấy ư ? bác vốn gầy, bên ngoại bác cũng toàn người gầy, nhưng tôi không ngờ bác lại có thể gầy yếu và hom hem đến thế, mái tóc bạc phơ vấn chiếc khăn nhung đã bạc màu xộc xệch, đôi mắt buồn mờ đục, da dẻ nhiều vết chân chim, lưng đã hơi còng xuống, tay phải bác kẹp cái mủng*, trong đó có mấy con cá trích, trên là ít hoa quả, bác ôm chặt lấy tôi, như người mẹ gặp lại đứa con đi xa lâu ngày mới trở về, bác khóc, nước mắt chảy dài trên gò má nhăn nheo. Tôi lặng người … Thằng Trúc nó không về, bác cũng chẳng được bao nhiêu nữa, sao nó không về hả cháu…
Ngày nhỏ tôi là đứa lém lỉnh nghịch ngợm, nhưng đối với người lớn thì rất lễ phép hay giúp các bà việc vặt như xâu kim, bóc hành, đuổi mèo nên được nhiều người thương. Nhà tôi chẳng có trâu bò gì nên cũng chẳng phải chăn trâu cắt cỏ, suốt ngày lê la, hết nhà thằng Bình, lại đến nhà thằng Trúc bày trò, đánh khăng, đọc ké chuyện Tam quốc diễn nghĩa. Tôi nhớ bác trai cũng có họ bên mẹ tôi, ông là người nghiêm khắc ít nói, thời đó hình như bác trai làm đội trưởng, đội phó đội sản xuất gì đó, suốt ngày lăn lộn ngoài đồng. Bác gái thì ngược lại tính tình cởi mở vui vẻ, thằng Trúc là út nên tất cả tình thường bác dồn hết cho nó, tôi là bạn thằng Trúc nên bác cũng coi như con, đi chợ về, có quả chuối luộc, đốt mía bác cũng chia đôi, khí thường, thì chỉ có một khúc, chị Đào chị Mận đã lớn nên nhường phần em. Thỉnh thoảng khi có miếng thịt, bát canh cua, bác thường giữ tôi ở lại ăn cơm. Nhà bếp sát chuồng trâu, cái mươn* tre cũ xỉn màu, bày thức ăn lên đấy, bác trai ngồi ở đầu mươn, tôi ngồi gần thằng Trúc, vừa ăn vừa sợ. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, bác là người kiệm lời, nhưng bác cũng thương tôi lắm. Bác gái thì giục ăn đi con… Tôi ăn nhanh lại bảo chậm thôi, kẻo nghẹn…
Người mẹ nhỏ bé nhăn nheo, đang ôm chặt lấy tôi đây, có phải là hiện thân của sự hy sinh mất mát, của sự vĩ đại, mà không có bút mực nào có thể tả hết. Có thể ai đó đã quên đi chiến tranh, quên đi những sự đau thương, đợi chờ khắc khoải về những đứa con, những núm ruột của những bà Mẹ đã hy sinh ngoài mặt trận hay trở về với những vết thương. Những người sống quanh ta có thể do muôn vàn lý do vì bộn bề cuộc sống. Họ có thể quên, nhưng tôi thì không, những gì thuộc về Bà, về những đứa con của Bà đã ra đi không bao giờ trở về và cả những đứa con đã trở về và chưa trở về…
Mùa hè năm bảy mươi hai, chiến tranh hai miền đang ác liệt, người ra trận thì nhiều mà người trở về thì ít. Một buổi sáng, chúng tôi đang tụ tập chơi ở sân xưởng xay xát lúa, tôi thấy bác Tình gái chạy như lao về phía một anh bộ đội vai khoác ba lô đang đi vội vã, hai người ôm nhau khóc, rồi họ dìu nhau về nhà, Anh Hải, con trai cả của bác trở về từ chiến trường Quảng Trị, địa danh chỉ nghe tên đã thấy máu chảy tràn sông Thạch Hãn. Suốt sáu năm không hề có tin tức, nghe nói anh cũng bị thương mấy lần, nhưng may mắn vẫn còn sống sót, nước da xanh mai mái vì sốt rét rừng, làng xóm mọi người tới hỏi thăm đi ra đi vào cười nói vui như Tết. Dân làng lạ vì anh từ Quảng Trị trở về - cái nơi ấy vốn đã nổi danh là “Cối xay thịt” của cả hai bên chiến tuyến, mười đi may lắm một trở về… Anh cưới vợ vội vàng, rồi lại ra đi. Đêm đêm, bác Tình gái vẫn thức với ngọn đèn dầu vặn nhỏ như hạt đỗ, đi đi, lại lại về phía buồng của người con dâu mới, chưa bén hơi chồng… khắc khoải… tiếng con thạch sùng tặc lưỡi trong đêm…
Tháng bảy năm bảy lăm, giải phóng Miền Nam rồi, những người lính từ mặt trận lần lượt trở về nhà... Thằng Chuyên, con trai mẹ, thằng bé con nhà nông mà trắng trẻo thư sinh, hiền như con gái… Lúc nhập ngũ tuổi mười bảy còn thiếu tháng, khai “gian” lên cho đủ nhưng cân lại thiếu, lẻn ra phía sau lận đá cuội vào lưng quần – thế là trúng tuyển và hăm hở lên đường, để lại quê hương với lời hẹn thề đầu đời dang dở… Tiếng ai mà ồn ào, kéo đi đông thế, Ủy ban xã và Đoàn thể kéo đến, họ làm cái việc mà trên đời này, trong các cuộc chiến tranh không ai muốn làm… Báo tử! Bác trai đứng lặng im như pho tượng, bác gái ngất lịm. Anh Chuyên đã ngã xuống, khi ngày toàn thắng đã đến rất gần. Đồng đội cùng quê kể lại: Anh Chuyên là lính trinh sát Trung đoàn, trong một trận đánh, bị thương được đưa về tuyến sau điều trị, dù chưa lành nhưng nghe tin ta chuẩn bị tấn công cứ điểm Diều Hâu, một chốt chặn của địch trên đường giải phóng Huế, anh đã trốn viện trở về đơn vị cùng tham gia trinh sát tác chiến và mãi mãi nằm lại ở một cánh rừng nào đó ở Thừa Thiên.
Anh Chuyên - (ảnh vẽ theo ảnh di vật còn lại lúc báo tử - hy sinh 28-12-1974)
Căn nhà trở nên u ám, một nỗi buồn bao phủ, bác trai vẫn lầm lũi đi về, bác gái sau thời gian đổ bệnh đã đứng dậy, ngồi trước bàn thờ con, cầm bức ảnh truyền thần, bàn tay run run ve vuốt. Ngày đó nếu ai đó trong làng chết thì tuổi như tôi và thằng Trúc biết là họ đã chết, nhưng đối với những người đi bộ đội hy sinh, lúc đó tôi và nó có cảm giác là các anh chưa về… lâu về chứ không phải là đã chết… vẫn cứ hy vọng một ngày trên đường làng, bác Tình gái lại lao về phía anh bộ đội khoác ba lô cũng đang hối hả lao vào lòng mẹ, trong một sáng tinh mơ….
Anh Cần đi công an vũ trang, đóng quân ở Nghi Thái – Nghi Lộc – Nghệ An. Đơn vị của anh được huấn luyện đặc biệt để luồn sâu vào chiến tuyến địch. Huấn luyện chưa xong thì Sài Gòn giải phóng thế là anh chuyển công tác sang cửa khẩu ở miền Tây Nghệ An, sát biên giới Lào. Anh Cần dáng người chắc khỏe như bác trai, làm việc gì cũng phăm phăm, hát hay, hay hát, chữ viết rất đẹp dù đang học dở bổ túc cấp ba. Anh thường lấy lá dừa tết thành con châu chấu cho tôi và thằng Trúc chơi. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy anh viết truyện ngắn hoặc chép lại từ báo Công an nói về các vụ án vượt biên, những trận truy quét phỉ cho tôi và thằng Trúc đọc, và những vụ án ly kỳ hấp dẫn từ những trang viết tay của anh đã tác động không nhỏ đến ước mơ nghề nghiệp chúng tôi sau này… Thống nhất rồi, ai cũng tưởng đã có ngày hòa bình thực sự, nhưng chiến tranh biên giới lại nổ ra…Nó không phải là vĩ thanh sau cuộc chiến mà là bản tráng ca bi hùng sôi sục, như một gạch nối mới giữa chiến tranh và hòa bình, mà ở đó trong từng nốt nhạc nỗi đau quặn thắt của người mẹ lại được rung lên da diết... đến tận cùng. Người Mẹ lại lầm lũi thâu đêm mòn mỏi đợi chờ…
Anh Cần trong một lần trả phép, khi xuyên rừng trở về đơn vị, bắt gặp lũ phỉ Vàng Pao luồn sâu vào đất ta. Bằng sự dũng cảm và mưu trí anh đã bắt sống được năm tên. Sau thành tích này anh được bồi dưỡng cảm tình Đảng, và cấp trên bố trí điều chuyển Anh vào Miền Nam công tác, nơi đang là điểm nóng chiến sự ở Biên giới Tây Ninh…
Một chiều mùa đông, heo may hun hút, bác Tình gái co ro trong chiếc áo bông đã bạc màu, bác ngồi đó, nơi bếp lửa có những gốc, rễ, cây phi lao do bác trai đào về chất đầy bếp để bác gái sưởi ấm trong những ngày lạnh lẽo.
Có tiếng những bước chân, khi lác đác, khi dồn dập, Ủy ban xã và đoàn thể lại đi đến từng nhà, lũ trẻ chúng tôi nối dài phía sau, qua nhà bà Kế, ông Dục… đã nghe cảm giác sống lưng ớn lạnh… đoàn rẽ vào nhà thằng Trúc… Lại kính thưa, lại… biến đau thương thành hành động cách mạng… chúng tôi không hiểu gì nhiều, nhưng biết là anh Cần đã hy sinh trong đêm đầu tiên nổ ra chiến tranh Việt Nam – Căm Pu Chia. Đêm đẫm máu của quân và dân ta dọc biên giới Tây Nam bởi bè lũ Pôn Pốt bất ngờ tập kích xua quân tràn sang bắn giết. Sau này chúng tôi được biết, anh Cần nhận công tác ở Tây Ninh, được vài tháng cấp trên gọi Anh cùng năm người khác về học ở trường trung cấp Cảnh sát Thủ Đức, đêm đó các anh từ Đồn đóng quân ra bến xe Tây Ninh để về Sài Gòn, chưa tới bến xe thì pháo địch đã tấp cập dội xuống và gặp đại quân địch tràn sang. Sáu người thành một tổ chiến đấu, họ đã chống trả đến viên đạn cuối cùng… Năm người hy sinh, một người bị thương nặng và được cứu sau khi quân ta đuổi địch chạy về bên kia biên giới. Anh bị thương quê ở Mỹ Tho được chuyển về cấp cứu tại bệnh viện 30-4 Sài Gòn, tỉnh lại anh đã cố gắng viết thư cho năm gia đình đồng đội báo tin và hứa khi lành lại, sẽ đi thăm tất cả các gia đình... Điều đó cuối cùng cũng chẳng thực hiện được. Sau một tháng điều trị bởi vết thương quá nặng – Anh cũng ra đi với đồng đội. Anh Cần chết… và chúng tôi lại chờ đợi. Làm sao mà chết được... ai sẽ tết châu chấu, ai sẽ viết chuyện ngắn cho tôi và thằng Trúc đọc ?..
Anh Cần Tháng 5/1977 ảnh chụp ở Quê trước khi vào Nam (Hy sinh tháng 10/1977)
Các chị thằng Trúc ngày ngày bón nước cháo loãng với chút đường cho bác gái… thỉnh thoảng lại nghe tiếng nức từ trong buồng vọng ra… con ơi… yếu ớt.
Không hiểu sức lực ở đâu trong thân thể gầy yếu kia, hay đó chính là sự tiềm ẩn của một sức mạnh, sức mạnh phi thường của một người mẹ, một người mẹ biết hy sinh. Bác gái đã đi lại, rồi chợ búa nấu nướng chăm bẵm cả nhà đặc biệt là thằng Trúc…
Rồi thằng Trúc cũng tạm biệt mẹ ra để ra đi, trong sự cô đơn trống trải, trong sự chờ đợi mà nỗi đau, vết thương thương của mẹ vẫn còn âm ỉ. Căn nhà nhỏ bỗng trở nên rộng lớn trống vắng đến vô cùng… Bác trai đã mất, khi thằng Trúc chưa kịp trở về… Đêm đêm bác Tình gái lại dậy thắp hương, trong khói trầm hương lan tỏa mờ ảo, dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu, ngoài kia gió vẫn thổi, tiếng con vạc đi ăn khuya bay qua mái nhà kêu lên thảng thốt… Nước mắt khóc con, khóc chồng đã cạn, từ hoen mắt chỉ còn rỉ ra những giọt đỏ bầm như máu cho tới khi đôi mắt bị mờ, chỉ còn thấy sự vật lòe nhòe. Từng đêm bà ôm cơi trầu ra ngồi bên hiên nhà lần mò chậm rãi têm rồi đợi chờ trong vô vọng, bà mong ngóng tiếng bước chân của những đứa con đi xa trở về dù đó chỉ là nỗi nhớ mong từ trong tiềm thức. Chiến tranh lùi xa mấy chục năm, đã có rất nhiều liệt sĩ trở về với người thân nhưng hai đứa con của bà vẫn không biết nằm đâu giữa những cánh rừng. Lạnh lẽo lắm các con ơi, ai hương khói cho các con, sao không về với Mẹ? Bác Tình gái chậm chạp run rẩy vuốt ve lên hai bức ảnh truyền thần, lại thì thầm... thì thầm… ánh mắt của các anh sâu thẳm nhìn mẹ… buồn man mác… Mẹ ơi!..
Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi, không biết cái triết lý đó nó đúng ở đâu tôi không rõ… nhưng đối với bác Tình gái thì nỗi đau, niềm thương nhớ đối với những đứa con không về, chưa về cứ nối dài, cứ khắc khoải không bao giờ nguôi ngoai...
Thưa các bạn trên mảnh đất hình chữ S này, chiến tranh đã qua đi, trên khắp mọi miền đất nước có hàng vạn bà mẹ mà sự hy sinh tên tuổi của họ đã được tạc vào bia đá, sử vàng đã ghi, nhưng ở một góc khuất nào đó trên mảnh đất Miền Trung nắng gió. Từ đáy lòng, tôi vẫn thấy có một chút gì đó xót xa, có điều gì đó thiêng liêng lắm mà chúng ta chưa hoặc không bao giờ chia sớt được. Ở đó nỗi đau không thành ngôn ngữ. Trước nỗi mất mát quá lớn lao của Người tôi thấy mình trở nên bé nhỏ. Vòng tay của Người vẫn ôm chặt lấy tôi… nước mắt của Người đã cạn...
Rồi thằng Trúc cũng trở về, nó về khi bác gái bị ngã gãy tay, người già bị ngã là nguy lắm, biết là bác khó qua khỏi, các anh chị thằng Trúc đã điện sang giục nó trở về cho thỏa nguyện vọng của Mẹ. Sau gần hai mươi năm lưu lạc xứ người, thằng Trúc về hiện hữu bằng xương bằng thịt trước mắt, như có một phép màu bác gái ngồi dậy được, bà giơ cánh tay run rẩy rờ rẫm lên mặt đứa con út ít mà bà đã dành rất nhiều tình yêu thương cho nó, bác gái bỗng khỏe ra, đi lại được trong sự vui mừng của cả nhà.
Thằng Trúc lại đi dù thương Mẹ đến xót lòng, nẻo đường mưu sinh vẫn kéo nó lê lết nơi phương trời nào đó… và rồi hằng đêm bác gái lại hời thằng chết, mong thằng sống trở về… Có cảm giác cuộc đời bà là như thế, suốt đời gồng gánh nuôi con và chờ đợi…
CÁC CON KHÔNG VỀ MẸ HÓA ĐÁ CHỜ CON
Ba năm trước ngày bác Tình gái sắp mất… thằng Trúc gọi điện nói với bác tết năm ấy sẽ về thăm và… Lỡ hẹn. Nó còn cặm cụi mưu sinh ở xứ người dưới cái lạnh âm 20 độ C, tuyết vẫn rơi lạnh lẽo trắng trời… bàn tay của Bác buông thõng, người không chịu nhắm mắt... Thằng Trúc chưa về…!
Pleiku, tháng 9/2013
Kiều Minh Ngọc
*O = Cô
* Mươn = cái chõng tre ở nông thôn các gia đình đông con thường dùng để làm mâm ăn cơm
* Mủng = cái rổ nhỏ
Ngọc và Trúc sau hơn ba mươi năm gặp lại ở Quỳnh Đôi
|