Ảnh nguồn - Internet
III
Tôi lớn thêm, Hà Nội rộng thêm dần
Đi về phía nào cũng gặp điều kinh ngạc
Hoa sen nở chân chùa Một Cột
Hương sen thơm tận chợ Ngọc Hà
Bách thảo làm rừng, làm núi giữa Thủ đô
Cây cũng như người mang tên tuổi
Đền Trấn Vũ gió hồ rười rượi
Bàn tay người sáng chân tượng đồng đen.
Tàu điện đi mang khúc nhạc thân quen
Cửa tàu thấp, trẻ con nhảy dễ
Bưởi – Đồng Xuân - Bờ Hồ - Phố Huế
Leng keng Yên Phụ - Cửa Nam.
Những vỉa hè rợp bóng, tôi quen
Những mặt hồ phẳng lặng, tôi quen
Quen mái phố cổ tựa nhau dựng nên Hà Nội
Nhưng không thể nào quen nổi
Nghênh ngang Tây trắng, Tây đen
Không thể nào quen
Cái thứ cờ sọc dưa như bao tải
Gió sông Hồng bao lần xé vải.
Tôi quen tiếng rao đêm
" Ai lạc rang, ngô rang, hạt dẻ"
Mang mùi thơm ấm cơn gió mùa đông
Tiếng tầm quất lên cao như gió vuốt
Lần đầu nghe tưởng món gì ăn được
Chạy theo nhìn người ôm chiếu đi đêm
Tiếng tào phớ vút lên, dừng đột ngột
Biết ngay ông gánh chạn bát ra đường!
Bao âm thanh Hà Nội tôi quen
Vẫn giật mình tiếng súng vỡ màn đêm
Tiếng Tây say ông ổng hát
Xe quân cảnh tăng tốc và tiếng hét
Mẹ ôm tôi vào lòng, chẳng muốn để tôi nghe.
Những gì quen ở lại
Những gì lạ qua đi
Đến một ngày Ngọc Hà như nín thở
Rồi niềm vui ùa về theo cơn gió
Việc tất bật, mẹ không đi chợ
Mặc hoa chờ quang gánh xếp trên sân
Chỉ một lời cua mẹ
Làm dáng bà trẻ lại mấy mùa xuân.
Vẫn những người quen của bà, của mẹ
Chưa bao giờ gặp nhau đông đến thế
Râm ran câu chuyện
Trong nhà, ngoài sân
Nói và cười như thể
Bù những đêm đi về âm thầm
Tiếng kéo lanh canh vải vàng, vải đỏ
Theo đường may, lá cờ hiện lên dần.
Mẹ tung tăng
Con lại bần thần
Tôi lặng nhìn lá cờ sao vàng, nền đỏ
Như gặp lại người thân lâu ngày cách trở
Ôi lá cờ nền đỏ sao vàng
Ai đã vẽ bằng gạch non lên tường phố cổ
Cũng đủ cho những người quyết tử
Trang nghiêm đứng hát Tiến quân ca
Trước lần ra đi không bao giờ về nữa.
Lá cờ của ta đây
Người chia tay cờ cũng chia ly
Cờ ra đi thương cờ ở lại
Âm thầm trong tủ, trong rương
Trong ngực áo người dân Hà Nội
Để bình minh chợt mọc ven đường
Nóc Nhà hát Lớn nổi sóng
Chót vót cột điện rực màu
Giặc hốt hoảng nháo nhào như phải bỏng
Lá cờ này chúng sợ từ lâu…
Mùa thu ấy bầu trời thẳm sâu
Chảy thành sông giưã hai bờ ngọn lá
Hoa Ngọc Hà không thức theo phiên chợ
Cờ gọi hoa tìm ra phố
Đường phố - sông người chảy giữa hai bờ cờ hoa
Chảy giữa hai bờ mặt người tươi rói.
Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội
Có một ngày thành phố nghiêng về phía cửa ô
Đón những người con trở về giải phóng
Những khuôn mặt hình dung trong khát vọng
Những dáng hình thương nhớ hiện dần lên:
Áo trấn thủ như vết rạch quả mìn
Điệp trùng mũ nan cài lá rừng Việt Bắc
Người còn mang theo ống bương làm bát
Gian khổ chiến khu sắt lại dáng gầy
Chỉ có niềm vui tràn ánh mắt
Bước hân hoan ríu chân dép, chân giày
Hoa ôm đầy vòng tay, hoa còn tặng nữa
Hoa hay mặt người gì đẹp hơn đây?
Thành phố chảy thành sông-người-chiến-thắng
Giữa hai bờ náo nhiệt, mê say.
Mẹ giữ lại bông hoa cuối cùng, bông hoa đẹp nhất, chẳng thể tặng ai đem về tặng nước mắt của mình. Mẹ úp mặt xuống gối bông trắng muốt, con lặng nhìn đôi vai mẹ rung lên. Vai mẹ rung lên, chiếc gối cũng rung lên, hoa không hiểu, bông hoa nhìn ngơ ngác. Tưởng nước mắt của ngày gặp mặt thấm vai người thương nhớ tám năm xa. Nào hay người thương nhớ không về, mang đi cả hẹn thề ngày ly biệt. Một tờ giấy nhỏ nhoi làm sao lấp được nỗi chờ mong trống trải lạnh chân trời. Di vật của cha vuông vuông tờ báo cũ, con gặp lại áo trấn thủ từ mùa đông tử thủ và chiếc ca lô cho độ nhọn xuyên tường. Áo mũ ấy hàng ngày con gặp trên bàn thờ nghi ngút khói hương.
Hà Nội đã về ta. Cờ đỏ sao vàng chiếm lĩnh trên đỉnh cao cột cờ tuyên ngôn với nắng. Mẹ vẫn nuôi tôi bằng gánh hoa đẫm sương ngày mấy lượt đi về, chỉ có khác là thay những bó truyền đơn bằng tập giấy, quyển sách cho tôi đi học. Tôi nuôi mẹ nguôi ngoai nỗi nhớ niềm thương bằng lưu giữ đường nét, ảnh hình người cha về với đất. Cha là gốc cây lẫn khuất, con là chồi non mập mạp vươn lên. Con là cốt lõi Thủ đô đời cha ký thác. Tôi mang ước mơ cha cùng hương Ngọc Hà đến trường, đến lớp và mang từ trường lớp về nhà những trang sách sáng như tấm gương soi. Thấy lịch sử kéo dài từ Bắc vào Nam, biết Tổ quốc bắt đầu từ Âu Lạc, Văn lang, hiểu Thăng Long mở ra tầm dân tộc.
Khi lau sậy Hoa Lư khó giúp vua mở mang được cơ đồ, Đinh Tiên Hoàng băng hà rồi còn muốn leo lên yên ngựa (*). Nhìn kinh đô bị bủa vây giữa ba bề núi đá, Lê Đại Hành ngỡ áo mình quá chật, níu cánh tay khó vung hết tầm gươm. Nhưng loạn ly, giặc giã triền miên, đổi thay lớn phải chờ triều Lý. Chiếu dời đô mở đầu thiên niên kỷ và Rồng Lên mang mơ ước ngàn năm.
Thuở ấy sông Hồng len lỏi giữa Thăng Long, quấn quýt cùng Kim Ngưu, Tô Lịch. Đâu cũng vũng, cũng hồ, nước nối liền với nước, thế mới nuôi được rồng cho rồng sinh sôi nảy nở mà bay lên thành tên của kinh đô. Thương nổi trôi, sông nhường lại làm hồ, Hoàn Kiếm, hồ Tây khai sinh từ đó. Lo lũ lụt ngập tràn mưa gió, đất oằn mình làm đê giữ Thăng Long. Nhưng tất cả chỉ là số không, nếu lịch sử không sinh ra những anh hùng và vị tướng. Xin đừng ai ngạc nhiên, bài thơ khai sinh ra nền thi ca chữ viết không phải là thơ của tiến sĩ, nhà nho mà là thơ vị tướng đã thắng dư trăm trận để một lần dựng tuyên ngôn độc lập bằng thơ. "Nam quốc sơn hà Nam đế cư…" câu thơ vang chiến hào Như Nguyệt ngàn xưa còn tấm đậm muôn đời như sông Hồng sóng đỏ..
Vương Trọng
|