Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  MÈN VÀ TRŨI - Chương 2 - Truyện dài kì cho tuổi học trò của Ngọc Châu MÈN VÀ TRŨI - Chương 2 - Truyện dài kì cho tuổi học trò của Ngọc Châu , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

         Chương này nói về chuyện hai đứa rất thích được là dế để đi chu du như  Mèn và Trũi trong cuốn truyện phiêu lưu ký .

Giờ tớ là Mèn

Giờ cậu là Trũi

Mèn, Trũi cùng nhau

Thăm  miền đất mới

Ha ha Mèn, Trũi

Không phải coi nhà!

Ha ha Mèn, Trũi

Giờ cùng đi xa…

Rủ nhau trốn nhà để "xuất hành" nên nếu có ai trên tàu hỏi chúng là ai, học ở đâu chẳng hạn thì chả dại gì hai đứa lại khai ra. Nhưng các bà Mụ thì biết vì chính tay các bà đã đỡ cho chúng lọt lòng, đã ngăn không cho chúng làm những trò nguy hiểm khi cả hai còn bé tí tẹo tèo teo. Nhưng không phải điều tốt lành nào các bà cũng làm đuợc cho con trẻ của mình vì còn có Nữ thần Ghen tỵ, có các Ác thần. Có thể việc xuất hành  lần này của hai đứa là do một bà Tiên Ác nào đó xui dục, ai mà biết được. 

Các bà Mụ biết rõ đứa nhận là Mèn tên Thăng, học lớp 5, tròn 10 tuổi. Việc nhận tên như thế chẳng phải là chuyện vô tình, nhưng không cần giãi bày dài dòng rau muống lợn, ai cũng đoán đuợc ngay là chúng học mót nhân vật của bác Tô Hoài. Bác nhà văn này trẻ con đứa nào chẳng biết, mà ngay cả bố mẹ hai đứa cũng biết vì ngày xưa bố mẹ chúng cũng từng là trẻ con cơ mà. Có điều cu Thăng đặc biệt thích chú Dế Mèn và lấy làm tiếc là sao mình không sinh ra làm dế. Nửa ngày trẻ con, nửa ngày là dế. Thế thì  Sướng ơi là suớng ơi, cực kỳ là mê tơi! Học bài xong cứ việc hoá dế bay tót ra ngoài qua khe chấn song cửa sổ, không phải  nhấp nhỏm trong nhà, thèm thuồng nghếch mũi qua cửa sổ nhìn đứa khác tự do đi lại ngoài đường. Chúng búng nịt, đá cầu, đánh bi, đánh đáo...  Xập xí xập ngầu, ăn gian rồi cãi nhau. Trông cứ tức anh ách mà không thể tham gia để lật tẩy thằng Toan đang bắt nạt mấy đứa thò lò mũi xanh. Thăng ta nói thế cho oai mà thôi vì bọn trẻ ngoài kia, trừ  Toan "nghiện" lớn hơn ba tuổi, đã ra vẻ thanh niên hoi, còn đều sàn sàn tuổi nó cả. Có điều toàn là lũ bị thịt và thỏ ngố, khi chơi với chúng chính Thăng ta cũng hay giở trò ăn gian. Nhưng đành quay mặt đi. Khinh cả lũ chúng  mười lăm phút!

         Sáng nào cũng vậy, chỉ trừ có ngày chủ nhật, bao giờ bố nó cũng cẩn thận khoá cửa bằng chiếc khoá to kềnh càng. Sau tiếng cạch chắc như gõ búa, Thăng thấy bố còn cầm chiếc khoá giật giật xem “vấn đề đã ổn chưa”- đó là câu bố nó hay nói - cất cẩn thận chiếc chìa vào túi áo ba-đờ-suy rồi đọc lời tạm biệt như sau:

         - Thăng này, nhớ học thuộc lòng hai môn Sử, Địa. Nhòm lại Thời khoá biểu xem có đúng chiều nay có hai môn ấy hay không. Rồi làm hết ba bài tập về nhà môn Toán đấy nhá. Xong sớm thì vào bếp lấy mớ rau muống ra nhặt, bóc một củ hành to và hai củ tỏi nhỏ để mẹ về xào cho mà ăn. Nghe chửa?

Đã nghe thấy tiếng xích xe lọc xọc nhưng đấy chưa phải là dấu chấm hết.

- Xem con Cun có khát thì đổ vào cái bát mẻ cho nó ít nuớc Thăng nhé!

Quá quen với những khúc “dạo đầu và láy đuôi” ấy rồi (là câu của anh Thiên nó hay nói vì anh ấy đang tập chơi đàn ghi ta) nên cu cậu chẳng bao giờ dỏng tai nghe cho đến hết. Tiếng cạch của ổ khoá mới phát ra nó đã giở quyển "Truyện tranh Buratino” ra xem con mèo Badilio đánh  lừa cu cậu Người Gỗ ra sao.

         Cu Thăng không biết và cũng chưa từng nghĩ là mình thông minh. Bởi vì nó học hành thất thường. Điểm số từ 2 - 3 đến 8 - 9, thậm chí có lần cả số 10 đều hiện diện trong sổ điểm hàng tháng, nhưng chúng nhảy lộn xà ngầu như lũ trẻ chơi trò giồng cây chuối ở bãi cát. Thế nên bố mẹ chưa khen nó bao giờ, lúc nào cũng mắng mỏ là chính. Nhưng giá bố mà giỏi và tinh như Ma Xó trong truyện cổ tích Mường, tức là đi làm mà vẫn biết mọi việc của nó ở nhà, thì chắc chắn ngày nào Thăng ta cũng bị đét đít bằng chiếc roi mây, treo ở dưới xích-đông, có bày các bát nhang thờ cúng gia tiên nhưng hơi chếch sang phải, ngay trên bàn học của cu cậu. Chỗ treo roi này bố nó đã chọn lựa kỹ càng lắm đấy. Khi có “vấn đề chưa ổn” thì bố sẽ lập tức đưa “vũ khí răn đe”này ra  sử dụng. Tuy bị đánh không nhiều, thông thuờng chỉ một roi thôi, nhưng cũng đủ quắn đít. Giá các bà Mụ cho nó biết rằng khoảng mươi, mười lăm năm sau nữa chuyện dùng roi để dạy con sẽ trở nên hiếm thấy, chắc nó sẽ xin với bà hoặc dở trò ranh ma tìm cách chưa chui ra vội. Vào thời của nó, các bậc cha mẹ đang còn  ảnh hưởng gen di truyền của cách thức dạy con từ bao đời “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” mà.

         Thăng thấy mẹ hay nói với bố rằng trẻ con không biết buồn, có buồn cũng chỉ tí tẹo tèo teo rồi lại quên ngay. Đúng là cu cậu ít khi buồn thật, chỉ bực với cáu sườn thôi. Bực không đuợc đi chơi, bực không đuợc ra ngoài sân đá cầu, búng nịt. Cáu sườn vì phải học những thứ "chán bỏ xừ đi được". Không buồn, đơn giản là vì lúc nào cu cậu cũng tìm được việc gì đó để chơi, để làm, hay tụ tập với mấy đứa bày chuyện này chuyện nọ. Này nhé, dẫu phải ở nhà một mình suốt buổi sáng sau khi bố khoá cửa đến cơ quan làm việc, mẹ đi bán hàng cho bách hoá tổng hợp - thường đi sớm hơn cả bố - nhưng bánh chiếc xe đạp của bố chưa lăn đuợc dăm vòng nghiêm chỉnh, cu cậu đã giở truyện tranh ra đọc rồi.

         Truyện tranh thì ai mà chẳng thích, người nhớn còn muốn đọc của nó nữa là. Có điều truyện tranh ít lắm, mà bố Thăng bảo nếu mua chui thì đắt chảy máu mắt ra. Truyện "Buratino" này là do bố nó quen với mấy cô bán ở cửa hàng "Sách Ngoại văn" nên đuợc các cô ấy giành phần cho đấy. Bố Thăng thường mua sách ở cửa hàng ấy về cho Thư viện Khoa học, toàn là những cuốn dày cộp. Cu Thăng vẫn thường tự hỏi người ta làm những cuốn sách dày như thế để làm gì nhỉ. Những cuốn dày như thế ở trong thư viện đuợc bố và các cô đóng bìa rồi xếp rất cẩn thận theo thứ tự ở trên giá đánh vec-ni. Mà chẳng thấy ai đọc, bụi bám đầy cả lên. Nhưng quanh quẩn dọc phố có hiệu sách Ngoại Văn thì Thăng và thằng Hoan lại thấy những quyển sách dày như vậy - nhất là những quyển giấy lụa mỏng tinh - được rọc ra để quấn thuốc lá điếu bán ở các quán chè chén. Lạ thật đấy! Thế thì người nhớn in những quyển sách dày ra làm gì nhỉ?

         Mà truyện tranh thì chẳng có. Cuốn truyện này mấy đứa ở lớp Thăng đã nhao nhao hỏi mượn, truyền tay nhau đọc đi đọc lại đến sờn cả bìa. Thằng lớp truởng còn phải lót tay cho Thăng một quả ổi Bo với quả cầu nhựa, mới đuợc muợn về nhà có ba hôm. Nó chẳng hám gì quả ổi Bo, nhưng cho tên ấy muợn ngay một cách dễ dàng thì rồi nó lại chuyền cho đứa khác, bao giờ mới đòi về đuợc! Nếu bố  mà  biết là nó có thể đọc gần như thuộc lòng cả một chương thích thú trong cuốn truyện thì bố sẽ bảo sao nhỉ?  Mà Thăng có thể học thuộc lòng vài ba chương ấy chứ, một chương dài ba trang chưa là gì cả nhá. Chắc bố sẽ cho hai roi vào đít vì tội lười học và ham đọc truyện. Nhưng có phải Thăng cố tình bỏ thời gian để học thuộc đâu, chỉ là cái gì thích thì nó rất mau nhớ, chẳng thế cu Hoan bên hàng xóm và mấy đứa ở lớp thường phục lăn Thăng ta về chuyện ấy.

         Đôi lúc Thăng ngạc nhiên thấy thằng Hoan chẳng nhớ đuợc gì cả. Chuyện hay thế mà nhiều lúc nó còn nhầm lẫn trò mèo của Badilio đối với chú Người Gỗ thành của con cáo bố láo Alisa. Nó thì không những nhớ ngay mà nếu có dịp còn đem thực nghiệm với mấy đứa quanh xóm. Các chuyện khác cũng thế.

Có một chuyện làm Thăng ta ngạc nhiên lắm lắm, là việc mẹ thằng Hoan chỉ bán bánh rán nhưng lại thuộc rất nhiều truyện cổ tích, cả những bài đồng dao, ca dao, hò vè gì đấy. Còn thuộc cả những câu đố nữa cơ. Thi thoảng có hôm rỗi rãi mẹ nó kể chuyện cho hai ba đứa nghe thì thôi rồi, chẳng còn muốn chạy nhông ngoài đuờng nữa. Chuyện về  các ông Tiên trên núi Tản Viên này, chuyện về các bà Mụ đã nặn ra trẻ con, luôn quan tâm nâng đỡ chúng cho đến khi chúng đã trở thành người nhớn. Vậy mà mẹ thằng Hoan chỉ làm nghề bán bánh rán, đầu tắt mặt tối suốt ngày như bà vẫn thường than thở, trong khi bố mẹ Thăng đều là cán bộ nhà nước, mà nghe chừng không giỏi bằng mẹ cu Hoan. Có điều thằng Hoan tuy sắp mười một tuổi rồi mà lại học kém Thăng một lớp. Học cái gì cũng không bằng nó. Những lúc hai đứa ngồi nghe mẹ nó kể chuyện, Thăng thấy bà nhìn con trai vừa buồn buồn, vừa yêu thương. Thăng thấy ghen với cu Hoan vì bố mẹ chả bao giờ nhìn nó như thế. Hay tại vì nhà Thăng có những hai anh em, còn thằng Hoan chỉ có mỗi một mẹ một con mà thôi. Nhà chỉ có mỗi hai mẹ con như nó mà hoá ra sướng, đôi lúc cu Thăng nghĩ vậy!

         Cả hai thằng đều thích truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" của bác Tô Hoài. Đuợc đi phiêu lưu như thế mới sướng đời chứ nhỉ? Vi vu là vi vu, xem  con công nó gù,  thấy con khỉ đánh đu... Hai đứa tưởng tuợng đến chuyện Mèn và Trũi trên chiếc lá sen trôi đi khắp nơi trên hồ rộng - chắc là rộng lắm chứ chẳng như cái hồ "Ký Mắm tôm", có lần nó đã đi dọc bờ bắt chuồn chuồn - Rồi thì làm quen với mọi người, mọi thứ hay ho, lạ lẫm, nhìn thấy đủ thứ, đủ loài. Về mà kể cho bọn trong xóm này thì  tăm phần tăm (nó bắt chước từ hay dùng của bà Mại Đủ Thứ)  bọn chúng sẽ lồi mắt ra nghe như một lũ ễnh ương. Trong khi hai thằng cứ phải ngồi ru rú trong căn nhà chật ninh ních suốt cả buổi sáng, bị "ông Bói Cá" chèn cửa hang bằng chiếc khoá to cồ cộ. Đấy là Thăng ta nói trộm vía bố nó, bố mà biết nó nói vậy thì tha hồ mà lươn xả ớt!

         - Hoan này, giá tao và mày như  Mèn và Trũi, cùng đi phiêu lưu một trận để biết đó biết đây, đi khắp nơi như họ hàng Châu Chấu Voi thì sướng lắm mày nhỉ? - Một lần Thăng thốt ra với thằng bạn cánh hẩu của mình. Thằng Hoan chỉ mỗi tội hơi đù đờ, chậm nhớ nhưng rất quấn quít và bao giờ cũng vào hùa với Thăng. Hơn có một tuổi mà nó cao hơn Thăng đến nửa cái đầu, chân tay cứng cáp ra phết nên nếu một mình Thăng thì Toan "nghiện" nó bóp mũi ra giun, có hai đứa hắn cũng phải chờn.

         Có một chuyện nữa mà Thăng ta thấy khoái chí tử. Đó là vào buổi tối thứ hai, tối thứ  tư hoặc thứ sáu, nhưng chỉ đuợc chọn một ngày trong tuần thôi, theo bố đến coi xe đạp cho lớp học tiếng Anh. Hồi này người lớn đua nhau đi học tiếng Anh, mà không chỉ người lớn, có cả đứa con gái chỉ nhỉnh hơn Thăng một chút. Nhìn thấy con bé ấy Thăng cũng đòi bố cho đi học nhưng bố bảo "nó là con ông Chủ nhiệm Uỷ ban, ông ấy giỏi ngoại ngữ lắm nên nó mới đuợc đặc cấp ưu tiên như thế. Ai người ta cho mày vào đấy học!". Cu Thăng buồn rũ cả người nhưng sau bố nó thương tình đồng ý mỗi tuần cho theo đến  Trung tâm Ngoại ngữ  xem người ta học, vừa giúp bố giao - thu vé xe cho học viên. Khi người ta đã vào yên trong các lớp, đến ngó qua cửa sổ nghe và xem thày giáo nói tiếng Anh thật là suớng. Thứ nhất là có khối chuyện để khoe với cu Hoan và mấy đứa ở lớp, thứ hai là dần dà Thăng ta cũng võ vẽ biết đuợc một số từ, thậm chí cả câu năm bảy từ tiếng Anh vì trí nhớ nó tốt.

Có chú công an ở đội "Cảnh khuyển" gần nhà, một lần khẳng định với chúng rằng con chó bình thường thôi cũng có thể nhớ và phân biệt được vài trăm mùi người quen, người lạ trong vòng vài năm không quên. Hai đứa không tin lắm. Chúng thay nhau thử ngửi mùi mấy quyển truyện của nó và thằng Hoan, nhưng chẳng phân biệt đựơc quyển nào của đứa nào nếu nhắm tịt cả hai mắt.

Chẳng nhẽ lại thua trí nhớ con Cun! Thế là Thăng ta cố học thuộc một trang Sử và một trang Toán. Mỗi trang có 320 từ - nó đếm hẳn hoi - trang Sử thì thuộc đuợc ngay, dễ ợt nhưng trang Toán phải nói là khó nhá. Tuy nhiên cuối cùng cũng thuộc lòng. Nó đố cu Hoan làm thử, Hoan ta ngắc ngứ đến ba ngày mới gần thuộc đuợc một trang Sử. Hai đứa quay sang đố con Cun vì vẫn tức chuyện thua nó môn nhớ và phân biệt mùi. Gí sách vào mắt nó mãi mà con chó cứ quay mũi đi, lại còn định chộp  nhai cuốn "Sách Toán lớp 4" nên được hưởng một "cuớc" của cậu chủ đang nóng tiết.

Chuyện nó biết được một số câu tiếng Anh đã làm "ông Bói Cá" - trộm vía, ông bố của nó -  dở cuời dở khóc về sau này. Nhưng đó là chuyện về sau, hiện tại cu Thăng phần nào cũng bớt bực bội vì bị khoá cửa ở bên trong nhà vào buổi sáng, khi đó cu cậu tự an ủi "tối nay đuợc theo bố đến lớp tiếng Anh". Thế là nó giở quyển "Newconcept tập 1" ra ê a một số từ: Gút mỏ-ning là chào buổi sáng; Gút-đát-te-lùn là chào buổi chiều...

         Ban đêm nó vẫn hay mơ thấy mình bay lên như  dế. Không có cánh mà chỉ vẫy vẫy hai cánh tay thôi cũng cất đuợc mình lên cao, khá cao là khác. Khi bạn còn trẻ bạn cũng thường hay nằm mơ thấy mình bay đuợc lên khỏi mặt đất, có điều về sau những giấc mơ bay sẽ biến mất. Chẳng thấy người trung tuổi nào nói là còn nằm mơ thấy mình bay trong giấc mơ. Chẳng lẽ những giấc mơ bay đúng là do các bà Mụ ban cho người ta?  Khi đã nhớn, không cần sự bảo trợ của các thiên thần hiền từ này nữa thì không bao giờ còn có giấc mơ bay. Cu Thăng mà biết đuợc điều ấy, chắc là nó sẽ không muốn lớn nhanh làm gì.

                            Bay, bay, bay, bay

                            Cao hơn ngọn cây

                            Ơi con chuồn ớt

                            Ơi gió heo may

                            Nào, cùng bay  nhé

                            Đuổi theo bóng mây...

*   * 

 

*

Theo bản của nhà văn Ngọc Châu - Hội nhà văn Hải Phòng gửi tặng


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65187516

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July