Thế rồi Đại tướng, tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp – Cũng đã trở về đất Mẹ Quảng Bình. Thay vì cưỡi ngựa về trời như Thánh Gióng trong truyền thuyết xưa, thì sự trở về trên chuyến bay như một sư hiển thánh của một Võ Tướng thao lược, tâm đức khi Người chọn đỉnh cao điểm Mũi Rồng, thuộc núi Thọ Sơn phía đông bắc Quảng Bình mà hóa linh – Để rồi từ vị trí đắc địa, tựa lưng vào dãy Hoành Sơn này mà người tiếp tục dõi bao cả ba bề phía biển Đông!
Chợt nhớ hôm đọc thông tin rằng người con trai từ đất Mẹ Quảng Bình - Võ Nguyên Giáp sau một chặng đời dấn thân, trả nghĩa nước non... đã không chọn Nghĩa trang Quốc gia, mà chọn quê nhà để về với thiên thu trong lòng đất Mẹ! Tôi đã rưng rưng thốt lên thành lời:
Người từ rơm rạ quê xưa
Nước non trọn nghĩa, lại đưa Người về…
Vâng, một chọn lựa như không thể khác được của một người con quê hương khi về với tổ tiên. Vậy nhưng khi nhận thêm thông tin cụ thể: Mũi Rồng thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình, đã được xác quyết là nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi chợt giật mình với câu hỏi: Phải từ một lẽ sâu xa nào đó, nên Người đã không chọn chính quê Lệ Thủy phía nam tỉnh, mà lại chọn hòn đảo phía biển Quảng Trạch nơi đầu bắc tỉnh Quảng Bình để dừng bước trần, như xác tín từ gia đình đại tướng, đây chính là nơi sinh thời đại tướng từng thể nguyện làm nơi dừng khi trở "về quê" !?
Lần theo câu hỏi, rồi tự tìm trên bản đồ đến cái chấm nhỏ khiêm nhường nơi quan yếu trong hình hài đất nước Việt Nam có cái tên tên Mũi Rồng - Vũng Chùa - Đảo Yến - Quảng Trạch - Quảng Bình. Để rồi giật mình sững sờ khi nhận cái dáng mũi Rồng trong thế "rồng chầu, hổ phục" của dãy núi Thọ Sơn tựa hẳn vào dãy Hoành Sơn mà thẳng mặt về hướng biển đông!
Xét về vị trí cụ thể, vị trí được chọn tuy không nằm ngoài đảo Yến (cách bờ hơn 1 km), mà tọa lạc trong đất liền, ngay trên ngực núi thiêng, nơi có thể thống quát cả về phía biển Đông. Một lựa chọn như chỉ có ở một vị võ tướng tâm văn, không chỉ nhìn xa, trông rộng, mà còn là một sự thể hiện bổn phận con dân đất Việt, đến khi thân xác rời cõi trần, hồn vẫn canh cánh nỗi nước non.
Toàn cảnh đảo Chùa
Chợt ngẫm, như một lẽ tự nhiên của một đời người, sau một chặng dài dấn thân không ngưng nghỉ, anh học trò, anh giáo, người chiến sỹ cách mạng và vị tướng quân thao lược Võ Nguyên Giáp đã theo luật đời, trở về với lòng đất mẹ Quảng Bình. Với sự trở về trong lẽ tự nhiên đó, đã quá đủ để những người yêu ông, kính trọng ông. Nhưng sự yêu quý, kính trọng dành cho ông lại được nhân lên nhiều lần khi ông không chọn Lệ Thủy, nơi 103 năm trước ông cất tiếng khóc chào đời, mà chọn “điểm cao” 110 mét trên đỉnh Mũi Rồng – trong cụm vịnh biển Vũng Chùa – Đảo Yến, xã Quảng Đông - Quảng Trạch (Quảng Bình) mà về. Một sự lựa chọn nơi “về” chỉ có một đại tướng, từng trong tư thế của một vị võ tướng thao lược khi cầm quân vung gươm, thúc ngựa trong cuộc trường chinh cứu nước, mà ngay khi về với lòng Mẹ ngàn thu, vị Võ tướng, tâm văn Võ Nguyên Giáp vẫn như không thôi trả nghĩa nước non khi chọn cho mình một vị trí trên mũi quan yếu trong thế trấn Quốc yên dân!
“Sinh vi tướng, tử vi thần”, từng như đấng tiên quân Đức thánh Trần hiển Thánh nơi cửa Suốt (Quảng Ninh) mà hóa nhập vào Đền cửa Ông, trấn ải vùng Đông Bắc. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trọn hơn một trăm năm cuộc đời vì nước, vì dân, cho đến khi về cõi vĩnh hằng vẫn chọn nơi đầu sóng, ngọn gió làm chốn tiền quân mà tiếp tục lo đường dài cho mệnh nước của muôn dân, thì Người đã thực sự hiển thánh và hóa thành ngôi đền trấn Quốc, yên Dân thời đại Hồ Chí Minh nơi mũi Rồng thiêng.
Trung cảnh mũi Rồng
Ngày tiễn người lên Mũi Rồng, giữa hàng vạn đồng bào, chiến sĩ như kết vào nhau thành một dòng chảy về Quảng Bình tiễn Người, tôi với tư cách một người lính nhỏ nhoi, từng trong đội hình do Người cầm quân, xin khấu đầu cúi lạy và dâng lên Anh linh của Người mấy lời trân kính thay nén hương lòng.
Tác giả Lê Bá Dương bìa phải, bên cạnh Đại Tướng VNG khi
Người về dự hội thảo Mặt Trận 23/10 Nha Trang (12/10/1987)
Ngày đi một lòng vì Dân, vận Nước
Ngày về một dạ trấn Quốc yên Dân
Nha Trang chiều 12/10 /2013
Nhà báo Lê Bá Dương - Văn phòng Thường trú báo Văn hoá
tại Nam trung bộ và Tây Nguyên
|