Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  HÀ NỘI CỦA TÔI - Thơ Vương Trọng HÀ NỘI CỦA TÔI - Thơ Vương Trọng , Người xứ Nghệ Kiev
 

Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô,

BBT Nguoixunghekiev.vn hân hạnh giới thiệu cùng độc giả
Nhà thơ Vương Trọng cùng Trường ca HÀ NỘI CỦA TÔI

Vương Trọng
Nhà thơ Vương Trọng

Tên thật: Vương Đình Trọng
Sinh năm: 1943
Nơi sinh: Đô Lương - Nghệ An
Bút danh: Vương Trọng
Thể loại: thơ, truyện ngắn

CÁC TÁC PHẨM:

- Thơ người ra trận. Nửa tập thơ.1972.
- Khoảng trời quê hương. Tập thơ.1979.
- Cánh chim Phai Khắt. Truyện thơ.1983.
- Những ngày xa. Tập thơ. 1986.
- Người săn gấu và mèo rừng. Tập truyện dịch.1990.
- Về thôi nàng Vọng Phu. Tâp thơ. 1991.
- Đảo chìm. Trường ca. 1994.
- Hồn quê. Tập truyện ngắn.1994.
- Tặng người trong mơ. Tập thơ.1996.
- Mèo đi câu. Tập thơ. 1996.
- Đảo mơ. Tập truyện, 1998.
- Lời trái đất. Tập thơ. 1999.
- Cướp biển vào hồ. Tập truyện dịch. 2000.
- Kơ nia xanh lá. Tập ký. 2001.
- Ngoảnh lại. Tuyển tập thơ. 2001.
- Thơ với tuổi thơ. Tập thơ. 2001.
- Hơi thở rừng hồi. Trường ca. 2002.
- Về thôi nàng Vọng phu. Tuyển tập thơ.2002.
- Năm ngắn, ngày dài. Tập thơ. 2005.
- Dòng suối bất chợt. Tập truyện ngắn. 2006.
- Một góc rừng cười. tập truyện vui. 2007...


 Hình ảnh

                                    Trường ca HÀ NỘI CỦA TÔI - NXB Quân đội nhân dân


(Trích trường ca)

HÀ NỘI CỦA TÔI là trường ca viết về những cuộc chiến đầu bảo vệ Hà Nội, từ thời Thống đốc Hoàng Diệu năm 1882, đến cuộc chiến đấu của Trung đoàn Thủ Đô đông xuân 1946 - 1947 và trận " Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. "Tôi" trong trường ca là cậu bé con của chiến sĩ cảm tử, sinh ra trong mùa đông năm 1947 và sau này lớn lên thành sĩ quan tên lửa bảo vệ Hà Nội năm 1972...
Nhân dịp kỷ niệm 59 năm giải phóng Thủ đô, tôi xin trích một số chương trong HÀ NỘI CỦA TÔI, trường ca đã được Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm năm 2004 -2009.

I

Đêm mẹ đau trở dạ sinh tôi
Cha đang bận đục tường thông từng khu phố cổ
Lửa mùa đông ủ lá bàng ửng đỏ
Đỏ mười ngón tay cha moi gạch máu bầm
Cơn vượt cạn mẹ quờ tay tìm nơi bám
Gặp mảng tường nham nhở mới khai thông
Tiếng tôi khóc chào đời hoà tiếng đạn rời nòng pháo Láng
Thay tiếng mẹ ru là tiếng búa đục tường
Các bà đỡ đã tìm nơi lánh đạn
Đồng đội cha đón tôi phút lọt lòng
Cắt rốn chẳng bông, cồn, kéo loáng
Lưỡi dao găm đốt lửa sát trùng
Thay tã lót chăn màn, nôi, võng
Áo trấn thủ cha dang rộng đón tôi nằm
Qua ẩm thấp, lách luồn, nham nhở
Lồng ngực tôi gặp hơi thở sông Hồng.

Chẳng độc quyền bế ẵm tôi đâu
Mẹ bận rộn xuyên tường cùng rau gạo
Mẹ tất bật niêu nồi xoong chảo
Lá bàng khô giúp bếp lửa mẹ nhen
Lửa bếp mẹ trong mắt tôi nhảy múa
Thương mẹ nhiều, tôi không khóc, nằm yên
Những đôi tay rắn chắc, lấm lem
Thường bất thần bế bổng tôi lên 
Và áp vào ngực rộng
Áp vào nụ hôn nồng khói đạn
Bế tôi len qua những lỗ xuyên tường.

Quá ngây thơ tôi chẳng biết rằng
Nền Cộng hoà như tôi còn trứng nước
Cha thường đọc lời Tuyên ngôn độc lập
Sau trận đánh về, xốc nách bế tôi lên:
" Sinh ra ai cũng có quyền…"
Cái quyền ấy lấy máu mình mà giữ!
Đồng đội cha ngồi lặng lẽ nhồi mìn
Những sợi dây dọc ngang, nén chặt
Áo trấn thủ mỗi lần cha mặc
Cứ ngỡ cha là một quả mìn!

Quá ngây thơ tôi cứ tưởng rằng
Tay người lớn xoè ra thì bỏng rát
Mặt người lớn phải mồ hôi nhỏ giọt
Cái quệt tay là khói đạn vương
Lời nói thường ngày thì phải ngắn
Phút lặng yên chỉ là chuyện bất thường
Tưởng bữa ăn hàng ngày thì phải đứng
Mọi đường đi phải dùng búa mở tường…

Mắt thơ ngây tôi đã quen nhìn
Dáng cha chú đi về trong gạch vỡ
Lúc xám như tro, khi hồng như lửa
Khi lặng lẽ cúi đầu
Lúc sôi nổi tranh luận về sự khác nhau
Giữa moóc- chi- ê, Ba- dô- ca, ĐKZ
Nhiều câu hỏi không có lời giải đáp
Các chú ôm nhau cười xoà.

Có lần tôi nhìn gặp
Cha giạng chân ngồi lau bom ba càng
Rì rầm bài gì cha hát
Đứng nhìn cha
Mẹ ngoảnh đi
Lau nước mắt
Người chỉ huy khi ấy bước vào
Cúi lặng nhìn tôi
Cắn chặt vành môi
Rồi ông lấy quả bom từ tay cha 
Trao cho người khác
Cha đứng lặng trên nền như hoá thạch
Thừa hai bàn tay chẳng biết đặt vào đâu!

Những tiếng nổ nối nhau
Vôi vữa rơi cạnh nơi tôi nằm ngửa
Băng trắng nhòe máu đỏ
Cáng thương binh theo nhau xuyên tường
Những khuôn mặt nhợt nhạt trong lờ mờ bóng tối
Mẹ trở thành người nữ cứu thương
Tôi biết mình không có quyền vòi mẹ
Người lớn đau rên đâu phải chuyện thường?

Tôi biết đâu trên những ngả đường
Nào giường, nào tủ
Tràng kỷ
Xa lông
Sập gụ
Cả câu đối, hoành phi
Gọi nhau ra đường làm chướng ngại
Có cụ đồ
Khăn đóng, áo lương xếp lại
Theo vợ con khênh đồ đạc chắn đường
Ngâm nga câu thở cổ:
" Câu sấm tiền triều phi chiến địa
Sai rồi, ôi cố đô Thăng Long"!

Phản thịt chợ Đồng Xuân
Quây thành nơi cố thủ
Máu lợn chưa khô
Máu người đã đổ
Máu ta và máu Tây
Từ mảnh đạn
Từ mũi dao phay
Máu in dấu bàn chân lên mái chợ.

Bác thợ cạo ngày thường vui tính thế
Một chiều ngồi trầm ngâm
Đâu rồi tiếng kéo lanh canh
Tiếng dao cải vào dây da cũng thành tiếng nhạc
Đâu rồi "ngàn lẻ một"chuyện đời hầu khách
Ba mươi năm tuổi nghề
Trai Hà Thành bao kiểu tóc
Tươi cười từ hiệu bác bước ra...
Nay giặc đến
Quán nghiêng
Gương vỡ
Trai phố nhập đoàn quân quyết tử
Mình còn ngồi chờ đợi ai đây
Quanh bốn bề súng nổ?
Dao sắc và kéo nhọn
Cạo, tỉa chỉ là chuyện thường
Bác nghĩ khi xếp đồ nghề vào hộp
Rồi lao ra đường
Lẩn vào phố cổ.

Quán phở không bán phở
Gánh rong qua lỗ thủng xuyên tường
Thay cháo người bị thương
Thay cơm người nhỡ bữa
Là lần đầu tôi hay vị phở
Khi mẹ xa
Khát sữa khóc vang...

Cha trở về tóc tai cháy sém
Bước thập thững, vai chạm vữa rơi
Mấp máy từng lời đứt đoạn:
- Chợ Đồng Xuân giặc chiếm mất rồi!

Oa oa oa tôi hỏi
Bao giờ, bao giờ
Tôi mặc áo trấn thủ
Tôi đội mũ ca lô
Cùng đồng đội cha vào trận
Bom ba càng tay tôi đón nhận
Chiều ngồi lau, miệng hát thầm thì?

Rồi mùa đông qua đi
Mùa đông xuyên tường năm Bốn Sáu
Mùa đông gạch vỡ, mùa đông máu
Đón mùa xuân không ai biết Giao thừa
Cành đào Nghi Tàm không hé nụ
Bờ Hồ không ai kết đèn hoa
Chỉ nòng súng giặc tròn mắt cú
Lá rụng vỉa hè thảng thốt chân qua.

Một đêm mùa xuân, khuya lắm
Tiếng súng lặng im trên các ngả đường
Cha trở về đột ngột
Mẹ định trao tôi cho cha hôn
Nhưng cha dang tay ôm quàng cả mẹ
Vòng ôm riết ghì ngỡ làm nghẹt thở
Tôi bất chợt khóc oà
Tôi không biết và mẹ cha không biết
Cái ôm này tạm ứng một đời xa!

Cha cùng đồng đội ra đi
Ngây thơ con đã biết gì mà lo
Ôm tôi, mẹ đứng sững sờ
Nhìn theo hẻm phố khuất mờ bóng cha
Trời cho đêm ấy mù sa
Bưng che ngã bãy, ngã ba mịt mùng
Bao người khóe mắt rưng rưng
Nửa đi nhanh, nửa muốn dừng lại lâu
Ngước lên mắt chạm gầm cầu
Xa dần Hà Nội, nhói đau tận lòng
Bàn chân chạm bãi sông Hồng
Người hay đất thở phập phồng đêm nay?
Long Biên chới với cánh tay…

Long Biên chới với cánh tay
Tiễn đưa hay níu giữ ?
Những ô cửa Thủ đô mở về phía đó
Người bị thương đầu
Vòng băng to sụ
Chẳng thể nào đội được mũ ca lô
Người bị thương lưng
Ba lô đeo trước ngực
Người tay treo, chân cụt
Đồng đội cáng
Dìu
Xốc bước
Những bàn chân đóng dấu bãi sông Hồng
Mắt ơi đừng ngoái nữa rưng rưng
Cắn chặt đôi hàm răng
Thầm hẹn ngày về Hà Nội
Có giọt nước mắt nóng hổi
Lặng thầm rơi
Trách không có cách gì mang theo Hà Nội
Để thiêng liêng giặc xéo tơi bời.

Bao giờ, bao giờ
Quân ta tiến vào năm cửa ô
Người ngã xuống vì Thủ đô được quây quần trong nghĩa trang liệt sĩ?
Cha nghĩ gì, cha ơi đêm lạnh ấy
Mỗi bước xa dần Hà Nội
mẹ
và con ?

Vương Trọng

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65188354

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July