Bức ảnh do chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Nga-Việt
Glazunov tặng (Lưu trữ của nhà thơ Nguyễn Quốc Hùng-
Hội Luật gia Việt Nam - Hội VHNT VN tại Liên bang Nga)
Đối với nhiều người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôi tụ đầy đủ những tính chất của vĩ nhân từ cặp mắt, vầng trán như nhìn thấu bốn cõi, đọc được ý nghĩ người đối thoại với mình khi họ chưa kịp nói ra, thấy giản đơn những điều người khác cho là phức tạp… Với cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông đã có những quyết định quan trọng, đưa đến thắng lợi vẻ vang cho Quân đội, nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống các thế lực xâm lược. Khó có thể thống kê hết được những quyết định sáng suốt của Đại tướng trong hơn ba mươi năm trời cầm quân, nhưng có lẽ hai quyết định quan trong nhất là ở chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyển từ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh trong hai ngày ba đêm, sang đánh lâu dài, và mệnh lệnh “ Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Thần tốc, thần tốc hơn nữa…” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975. Quyết định thứ nhất đã đưa lại chiến thắng “vang động địa cầu”, chấm dứt sự can thiệp của thực dân Pháp ở Đông Dương. Quyết định thứ hai đã đem đến toàn thắng trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, lập lại hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc Việt Nam.
Ngay trước khi từ giã cuộc đời này, Đại tướng đã có một quyết định làm bao người nể phục là sau khi mất được mai táng tại quê nhà. Ai cũng biết, với cương vị của Đại tướng thì sẽ được mai táng ở vị trí trang trọng bậc nhất ở nghĩa trang Mai Dịch. Nhưng vị trí đó, Đại tướng nhường cho người khác, còn mình trở về quê hương, cùng với họ hàng, bạn bè từ hồi thơ bé. Bao năm vì việc nước phải xa quê, lòng đau đáu nỗi nhớ quê, thương quê…thì khi đã về với đất, có hạnh phúc nào bằng được đất quê nhà ôm ấp?
Các cụ đồ Nho ngày xưa cũng như những người từng trải ngày nay vẫn coi chuyện mai táng trên quê người là điều bất đắc dĩ. Đại thi hào Nguyễn Du trong dịp đi sứ nhà Thanh, Trung Quốc cách đây tròn 200 năm có đến thăm mộ nhà thơ Đỗ Phủ, người mà ông yêu quý, mến phục bậc nhất. Trong dịp này, ông có làm hai bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú về Đỗ Phủ, trong đó có hai câu:
Cộng tiễn thi danh sư bách thế
Độc bi dị vực ký cô phần
Có nghĩa là: mọi người đều phục tài thơ ông, coi ông là thầy thơ của muôn đời, duy có một điều đáng buồn là mộ ông đang gửi nhờ ở nơi đất khách. Biết Đại thi hào Nguyễn Du suy nghĩ như thế nên năm 1820, ông mất tại Huế thì năm 1824, vừa đến kỳ cải táng, con cháu đã đưa hài côt ông về mai táng tại quê nhà. Nghe nói sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay đọc thơ, nhất là thơ cổ điển, thế thì chắc ý nghĩ của các vị đồ Nho, của nhà thơ thuở trước đã ngấm vào ông. Cũng không loại trừ khả năng, ý nghĩ của ông đã trùng hợp với ý nghĩ bao người đi trước!
Bản thân tôi là một người bé nhỏ, thuộc “thập loại chúng sinh”, nhưng vẫn ao ước sau khi qua đời, mộ mình được mai táng ở quê nhà, bù cho gần trọn cuộc đời đã phải xa quê. Nhân quyết định tuyệt vời của Đại tướng, tôi nhớ lại bài thơ mình viết cách đây 24 năm, và thấy thật hạnh phúc khi ý nghĩ của mình đã trùng hợp với quyết định của một vĩ nhân. Và tôi tự hỏi: không biết bài thơ tôi viết có ý nào chạm được suy nghĩ của Đại tướng trước để đưa đến quyết định mai táng ở quê nhà hay không, vì như ý “ Những vòng hoa thành phố quá chóng tàn/ So sao được với tình thương gốc rễ” chẳng hạn? Mời các bạn đọc lại bài thơ đó.
LỜI DẶN
Nếu đời tôi dừng lại chốn tha hương
Tang lễ xin đừng làm với lễ nghi cấp tá
Tiêu binh súng, lưỡi lê tôi không lạ
Màu cờ kia sẵn trong máu tim tôi.
Lời điếu văn nghe quá quen rồi
Hội Nhà văn xin cũng đừng bận rộn
Những trang viết suốt một đời vất vưởng
Các báo đừng tìm nhặt để đăng lên.
Khi mắt tôi khép lại cái nhìn
Hãy đưa tôi về nơi sinh nở
Làng tôi nhỏ, lối vào làng cũng nhỏ
Ô-tô về phải dừng lại đường quan
Thi hài tôi sẽ trở lại với làng
Trên sức lực bạn bè, xóm mạc
Những bàn tay lam nham cua cắp
Những bàn chân tập tễnh bước gai đâm
Núi Quỳ Sơn sẵn dành chỗ tôi nằm
Hoa ấm lửa, đất nồng hơi than cháy
Hạnh phúc lắm được nằm xuống đấy
Dù gió mưa, không biết lạnh bao giờ.
Chẳng cần bia khắc tên tuổi nhà thơ
Dân quê kiểng, trời cho bền trí nhớ
Trẻ chăn trâu vui đùa cùng cây cỏ
Sẽ chỉ cho ai tìm đến chỗ tôi nằm.
Những vòng hoa thành phố quá chóng tàn
So sao được với tình thương gốc rễ!
1989
Vương Trọng
|