VÀI NÉT VỀ DỊCH GIẢ NGỌC CHÂU
Giai đoạn 1986-1988: Dịch (qua tiếng Nga) và xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết cho người lớn và trẻ em như: "Mũi tên đen" (R.L. Xtivenxơn), "Rời khỏi quá khứ" (A.M. Sâynhin), "Chú chồn nhỏ Ricky" (Rudiard Kipling),"Con gà đen hay vương quốc duới mặt đất" (Antoni Pogorelski), "Cuộc phiêu lưu của Arbudich và Bebexka" (Eduar Xcôbêlep), "Khi con Xphanh cười" (Phôt-khôn-đin), "Chàng lùn mũi dài", "Nhóm tam tấu tâm hồn và cô em gái Lu" (Kristin Hunter), "Gian và Giana" văn học Tiệp Khắc, "Tiêu chuẩn Anh quốc về Xây dựng công trình hàng hải".
Do bận việc nên không hoạt động văn học trong gần 20 năm.
Giai đoạn từ 2005- 2011: Xuất bản 9 cuốn (cả dịch qua tiếng Anh và sáng tác):
Dịch: Chuyện không công bố của Sherlock Holm" (Enleri Kuin) và "Ba người cùng hội cùng thuyền" (Truyện hài nổi tiếng của Jord Jerome Clapka) do nhà Văn Học xuất bản
THƠ TÌNH NƯỚC NGA (70 bài song ngữ Nga Việt) và 101 BÀI THƠ TRỮ TÌNH NƯỚC NGA dịch hoàn toàn sang thể lục bát truyền thống Việt Nam, do nhà Xuất bản Thế giới xuất bản quí II và III năm 2012
Sáng tác cho tuổi teen:
Mèn và Trũi, Mài sắt, Bạch dương (NXB Văn Học), Bé Mây, Lũ quỷ (NXB Thanh Niên), Người mẹ và con quỷ (NXB Văn Học, nhà XB Dân Trí vừa in lại), Hang Ma (NXB Kim Đồng), Ma xó đi học (tập truyện cho thiếu nhi- NXB Dân Trí)
BBT Nguoixunghekiev.vn trân trọng giới thiệu cùng độc giả:
Mèn và Trũi (Chương 1- tập 1của bộ truyện 3 tập)
|
MÈN VÀ TRŨI
Chào các bạn nhé!
Khi cầm đọc cuốn này của bộ truyện "PHÍA NGOÀI CỔNG " các bạn bắt đầu làm quen với ngữ cảnh và các nhân vật, là những cô cậu bé còn đang cắp sách đến truờng. Tất nhiên cũng có những người lớn, vì không có người lớn thì làm sao trẻ con có thể tự duy trì những gì mà các bạn ấy đang có. Đúng không nhỉ?
Ở trong truờng và trong nhà các bạn đó cũng đã có biết bao việc đáng quan tâm,
|
nhưng khi buớc ra PHÍA NGOÀI CỔNG thì những chuyện lạ phải nói là nhiều lắm lắm. Các bạn sẽ biết họ nhìn thấy gì và cảm nhận ra sao trong lần đầu tiên buớc ra PHÍA NGOÀI CỔNG
Bước ra phía ngoài cổng
Gặp khung trời bao la
Có chim bay buớm luợn
Rộn ràng những bài ca
|
Buớc ra phía ngoài cổng
Như vào giấc mơ hoa
Chào cuộc đời rộng mở
Mang cánh diều bay xa...
|
NGỌC CHÂU
Chương 1
Xuất hành
Chương này viết về chuyện hai đứa trốn nhà đi chơi. Cũng sợ bị đét đít lắm nhưng Mèn bảo "Anh tao có lọ thuốc cao "Sơn Đông" rất đặc biệt, nếu bôi truớc vào mông thì roi đánh không đau mà lại mau lành, anh ấy xin đuợc ở lớp học võ tê- cun- đô. Cực kỳ lắm!"
Các bạn ơi!
Xuất hành là đi chơi
Xuất hành là không phải ngồi
coi nhà như cún xích
A ha! Thật là thích...
Thăng và thằng Hoan đều ăn mặc tuơm tất, rất tươm tất ấy, hệt như hôm đi khai giảng năm học mới. Nhưng không đứa nào mang cặp sách.
Hai đứa xách hai chiếc túi. Của Thăng bằng vải xanh, còn thằng Hoan có chiếc túi ni-lông in loè loẹt những quả cam, quả táo, là túi đựng hàng Tết từ hồi năm mới. Nhiều hôm nhăm nhe xuất hành lắm rồi, nhưng hôm qua hai đứa quyết định, dứt khoát là quyết định: xuất hành vào ngày hôm nay. Hai đứa len lén đi ra ga sau khi đã cẩn thận khoá lại hai chiếc khoá cửa. Gì thì gì nhưng khoá cửa là phải cẩn thận. Khoá cẩn thận có khi lúc về bố mẹ chúng sẽ bớt đánh đi một hai roi, với lại cũng phải cẩn thận với thằng Toan "nghiện". Cả hai đứa đều không thích, và đều không muốn tên này lọt được vào nhà mình.
Giá khoá ở móc bên ngoài thì còn dễ. Nhưng đó là khi có trẻ con ở bên trong trông nhà cơ. Bây giờ cả Thăng và thằng Hoan đều sẽ xuất hành nên phải khoá bên trong. Hai đứa cùng loay hoay mấy lần, luồn tay qua lỗ khoét hình vuông ở cửa gỗ, méo môi, vận gân tay mới bập được còng vào vì khoá to cồ cộ, lại rỉ nữa. Đầu tiên định vứt tọt chìa vào trong nhà theo khe cửa sổ, nhưng sau chẳng hiểu sao lại cùng đút vào trong túi xách. Hai chiếc chìa này vốn không phải đồ xịn, phải kiếm cớ mãi mới nhờ được bác Khoá Buồn đánh cho.
Bác thợ khoá này cóc phải tên là Buồn đâu. Buồn làm sao đuợc khi suốt ngày cứ thấy bác ta cười hô hô hê hê, lúc không có việc còn sà xuống đánh đáo hoặc búng nịt cao su với trẻ con. Nhưng chúa là hay ăn gian. Với lại hay bắt nọn nữa. Khoe tài cũng gớm cóc cụ. Khi rỗi việc lâu lâu, uống chịu một chén tống rượu của bà Mại Đủ Thứ xong, bác ta cho lò xo lưỡi hoạt động liên tu ti tù tì. Toàn "lời hay ý đẹp cả đấy nhá"- bác ta vẫn hay nói thế. Bài diễn văn dài hàng nửa giờ ấy, như thế này này:
- Nhãi ranh bay có biết không! (cái bác mũi đỏ cà chua này bao giờ cũng mở đầu với bọn trẻ con trong khu tập thể bằng kiểu xưng hô như thế, nhưng kệ bác ta). Gặp tớ thì khoá nào cũng đâm buồn. Buồn là vì từ loại KHOÁ không-chê-chìa do các tổ hợp tác nhăng cuội sản xuất cho đến KHOÁ ngoại-chính-hiệu-bò-cạp, dùng cho két sắt đấy nhá, đều biến thành MỞ hết. Tớ chỉ thổi vào lỗ rốn chúng vài cái, xoa xoa đập đập tí ti là chúng đều biến thành loại khoá có máu buồn cả. Khoá có máu buồn là thế nào, nhãi ranh bay có biết không? Nghĩa là sau đấy chỉ khẽ cho cái que vào rốn nó thọc lét là lập tức cu cậu phì cuời, bật tung còng hoặc lẫy ra ngay! Nghe bác ta nói thì ngay bà Mại Đủ Thứ cũng phải phì cuời, nói gì đến những chiếc khoá.
Thực ra "các nhãi ranh" như Thăng và Hoan cũng chưa lần nào xem đến đầu đũa bác ta mở những chiếc khoá ghê gớm như thế nào. Chẳng hiểu sao người nhớn lại gọi việc xem kỹ cái gì là xem đến đầu đũa nhỉ? (thực ra là đến đầu đến đũa cơ, cậu chàng này quên mất một từ đấy) Nhưng ngay bà Mại Đủ Thứ cũng bảo "đúng đấy" nên hai thằng đều tin. Đâm ra hai đứa cũng chẳng bao giờ hỏi bác ta tên gì, cứ nói bác Khoá Buồn là ai cũng biết mà. Còn bà Mại thì đúng tên là Mại, thậm chí còn là chỗ họ hàng xa với bà bủ của một trong hai đứa. Là do cái gì bà ta cũng mua nếu như bán đuợc, xếp tất vào "kho ngoại quan" nên "các nhãi ranh" mới bắt chước bác Khoá Buồn gọi là bà Mại Đủ Thứ. Cũng là để phân biệt với bà béo, mắt lác, chân vòng kiềng, cùng tên Mại nhưng chỉ bán dầu hoả ở ngã Năm thôi.
Hai chiếc chìa là do bác ta đánh cho. Chúng mỏng dính vì hai đứa không có đủ tiền theo giá bác ta niêm-yết-mồm. Khoá Buồn bảo thế, "bao giờ tớ cũng niêm- yết-mồm truớc giá cả. Làm ăn là phải đàng hoàng. Đúng giá thì phô-tô cọp-py cho ngay một bản, tuy nhiên các nhãi ranh chỉ có bây nhiêu tiền thì không đủ thật. Hay về nhà lấy thêm tiền đi?”
Thấy hai đứa ngần ngừ bác ta bảo: - Hay là làm bằng tôn mỏng thôi. Thợ to chấp gì chuyện nhỏ! Giải quyết vấn đề tắp lự. Đảm bảo mở đuợc nhưng phải he hẽ tay thôi đấy nhá!.
Đối với Thăng và thằng Hoan, đánh thêm chìa khoá này là việc cấm kỵ. Cả hai đều không muốn lôi thôi dài dòng nên nghe nói mở đuợc là gật ngay.
Dọc đuờng cứ lấm lét, tim đập banh bách trong ngực, tìm cách lẩn lút sau gốc cây hoặc núp bóng mấy người lớn đi cùng chiều, chỉ sợ có người quen nào đó bắt gặp. Mãi đến khi đã khép nép ngồi yên ổn ở một góc toa đen có hai hàng ghế gỗ cứng với những bao tải rau cỏ, khoai củ gì đó ngổn ngang mới dám thì thào với nhau:
- Nhớ từ giờ tao là Mèn, còn mày là Trũi đấy nhé. Gọi tên thật ra nhỡ có người quen thì người ta bắt về nhà ngay, hiểu chưa.
- Nhớ rồi, nhớ rồi. Nhưng...
- Nhưng cái gì nữa, cứ theo như đã bàn. Đầu tiên đến nhà cô mày, xem tình hình thế nào rồi sẽ hỏi đường đến nhà chú tao. Phải nhấn nhá ở trên đó đuợc một tuần thì mới bõ công xuất hành nghe chửa.
- Nhưng tớ sợ lắm, lúc về thế nào cũng bị đòn...
- Sao hôm qua mày bảo không sợ ?- Cu cậu nhận tên Mèn gắt lên nhưng thấy vẻ mặt thồn thộn của thằng kia nó dịu lời an ủi - Đã dám đi chơi thì phải gan chịu đòn chứ lỵ. Cóc sợ đâu. Anh tao có lọ thuốc cao "Sơn Đông" rất đặc biệt, nếu bôi truớc vào mông thì roi đánh không đau mà lại mau lành, anh ấy xin đuợc ở lớp học võ tê-cun-đô. Cực kỳ lắm!
Cái việc "xuất hành" này nẩy ra trong đầu Thăng - cậu chàng tự nhận là Mèn - từ hồi đầu năm mới. Đến nay đã gần nửa năm, nhưng mồng ba tết năm đó đúng là một ngày không thể nào quên, vì đấy là lần đầu tiên cu cậu đuợc theo bố đến cơ quan chúc Tết.
Sướng và oách lắm nhá! Quần xanh sĩ-lâm mới coóng, áo trắng dì cắt cho bằng vải phin pha ni-lon hẳn hoi. Chỉ đôi dép nhựa Tiền Phong là cũ vì là đồ mót lại của anh, là đồ se-cần-hen như người nhớn hồi ấy bắt đầu gọi các thứ đồ mua lại của người ta, thậm chí Thăng còn biết cái từ này bằng tiếng Anh chính cống vì bố nó có ghi chữ "Secondhand" ở bìa sau cuốn sổ "Danh sách học sinh lớp A1- tiếng Anh". Tuy nhiên đi đôi dép "se-cần-hen" vẫn khoái hơn là đôi "dép cũ" của anh, chỉ tiếc là màu trắng đã đổi sang ngà dù nó đã rửa, thậm chí nhổ nuớc bọt vào vết đốm ở cạnh móc khoá của chiếc dép bên phải, rồi chùi đi chùi lại mà cũng chẳng hơn gì.
Cu Thăng cứ nhăm nhe định leo lên chiếc boóc-ba-ga to đùng từ lúc bố đặt rồi chằng buộc thêm cái gối cũ, để cậu quý tử không bị đau mông và đỡ lấm bẩn chiếc quần xanh mới may.
- Thăng ơi, bố mày chở đi chơi đấy à? - Thằng bạn có thể coi là thân nhất, tên là Hoan, con bà bánh rán ở căn hộ bên trái nhà nó hỏi với vẻ ghen tỵ.
- Chứ còn gì nữa! Xuất hành! Hôm nay tao đuợc xuất hành nhé, bố tao bảo thế. À này, hôm nay xuất hành phải đi về hứơng tây bắc mới đắc... đắc... phúc, còn đắc những gì nữa cơ. Ông Bôn nói với bố tao thế. Nghĩa là phải đi qua nhà thằng Tèo - cu cậu hăm hở giải thích khi thấy thằng Hoan mặt nghệt ra như ngỗng ỉa - vòng qua hồi đầu nhà nó rồi theo ngõ phía sau dãy nhà mình mà đi ra phố, mày hiểu chưa?
- Nhưng tao có đuợc xuất hành như mày đâu. Mẹ tao cũng chẳng đi đâu cả, hôm nay ở nhà cúng hoá vàng! - Hoan ta mặt buồn ruợi chẳng khác gì con Cun ngong ngóng mãi cái chân gà luộc, cậu chủ đang vừa gặm vừa nhứ rồi bỗng quẳng tọt vào chuồng lợn, trả thù vụ quả cầu đuôi lông gà bị nó nhay nát hôm nào.
- Đi nào, Thăng ơi! - Bố đang gọi cu cậu. Thế là nó tót một phát lên booc-ba -ga làm chiếc xe đạp Phượng Hoàng đảo như lên đồng, còn bố nó thì phải gồng cả hai khuỷu tay chống đỡ. Ngày Tết đấy, chứ không thì cu cậu khó mà thoát đuợc
chưởng (tức là cái bợp tai) hoặc chỉ (tức là một cú cốc vào đầu) của ông bố vốn nóng tính và dễ dàng ban phát.
"Xuất hành". Hai từ này sao nghe suớng lỗ tai thế không biết?! "Đi chơi" nghe đã thấy suớng nhưng "xuất hành" thì còn trên tài lắm nhé. Xuất hành nghĩa là buổi đi chơi đầu tiên vào ngày Tết mày hiểu chưa, nếu xuất hành may mắn thì cả năm còn đuợc đi chơi luôn luôn. Thăng quên là đang đi với bố, nó vẫn đang nghĩ cách giải thích cho cu Hoan dù chiếc xe đạp đã ra đến đường phố. Đó là việc nó hay làm hàng ngày với thằng bạn hơn một tuổi nhưng lại học kém một lớp, con bà bán bánh rán ở căn hộ bên cạnh, vì suốt sáu tiếng buổi sáng cả hai đứa đều bị nhốt trong nhà.
Két - sập - cạch. Đó là những âm thanh cuối cùng báo hiệu cho giai đoạn cấm cố suốt buổi sáng bắt đầu. Két là tiếng cánh cửa vênh bản lề đuợc bố nó kéo từ hai bên cho khép lại với nhau, sập là tiếng va khi hai cánh cửa tạo thành mặt phẳng, còn cạch dĩ nhiên là tiếng bập lại của chiếc khoá rỉ vàng như da bò. Thực ra chiếc khoá còn mới vì bố Thăng cũng như bà bán bánh rán, mẹ thằng Hoan, rất quan tâm đến việc thay hoặc sửa khoá khi cảm thấy thiếu độ tin cậy. Nhưng chính hai đứa chúng nó đã làm đổi màu khoá bằng cách hứng nuớc đái con Cun đổ vào, vì thằng Toan "nghiện" một hôm đi qua thấy hai chú thỏ bị nhốt đã mách nước rằng "Chúng mày muốn ra ngoài chơi thì cứ đái vào khoá ấy. Nước đái nó có chất a-xit hiểu chưa? Chỉ mấy hôm là cựa khoá mòn đi, chả cần nhờ Khoá Buồn nó cũng tự biến thành khoá có máu buồn. Trông hai con tò te ngố kìa, mặt cứ nghệt ra! Tao nói bao giờ cũng chắc như cua gạch. Nhân bảo như thần bảo nhá!"
Cả hai thằng đều biết Toan "nghiện" là thành phần bất hảo nên nửa tin nửa ngờ, tuy nhiên ham muốn đuợc ra ngoài sân truớc cửa đá cầu với nhau đã khiến chúng quyết định làm thử. Hoan tè mấy giọt vào khoá nhà nó, còn Thăng láu cá hơn nghĩ ra cách lấy nước đái của con chó Cun đổ vào lỗ khoá. Như vậy thì bố sẽ không đét đít vì mùi nước tè của chó đặc biệt lắm, ai chả nhận ra, với lại lũ chó luôn luôn có cái thói ghếch cẳng tè lên tường mỗi khi xổng xích chạy loăng quăng đây đó.
Nhưng đó là chuyện mấy tháng sau mới xảy ra, khi Tết qua đã lâu và kết quả cũng không như hai đứa mong muốn. Hai chiếc khoá chỉ rỉ vàng ra như da con bò vẫn kéo xe của ông già hói, thường chở than tổ ong đến cho bếp tập thể của công nhân gần đó, nhưng không chiếc nào chịu biến thành loại có máu buồn! Cũng có thể do hai đứa không đủ kiên nhẫn, hoặc tại Thăng ta đã lấy nước và giẻ lau chùi khi thấy bố nhìn chiếc khoá với vẻ nghi ngờ, dù rằng xưa nay mẹ nó vẫn bảo đứa con út là "ông tướng này gan lì lắm". Chờ mãi không được dịp xuất hành tiếp, vẫn cứ liên tục phải ngồi trong nhà suốt buổi sáng để vừa coi nhà vừa học bài theo nghiêm lệnh của bố nó. Thằng Hoan cũng vậy. Cuối cùng khi mùa hè đến hai đứa đâm liều bàn nhau trốn lên Hà Nội chơi mấy ngày.
Chuyện động trời này là do Thăng đầu têu, Hoan ta chỉ a dua, run nhưng mà thích. Hai đứa đâu biết rằng lần "xuất hành" này rồi sẽ làm thay đổi biết bao cuộc đời mai sau của chúng, có thể dẫn đến thảm hoạ, vượt ra ngoài những lo toan thu xếp của các bà Mụ cũng như của bố mẹ. Nếu biết được thế, có thể chúng không trốn nhà để xuất hành như thế này. Nhưng liệu rằng khi đã biết điều gì không hay thì mọi người sẽ tìm cách tránh đuợc nó hay không? Không phải ai cũng làm đuợc điều ấy đâu nhá. Lại là với hai đứa bé mới ra ràng trên cuộc đời này chừng chục năm mà thôi. Bà Mụ nào bảo hộ cho thằng Hoan thì còn đỡ, chứ bảo hộ cho cu Thăng chắc là bận và mệt hơn là cùng lúc phải xay bột, phải canh chừng nồi cháo vừa sôi đang muốn hất vung xuống đất và ngăn một thằng cu con đang hăng hái bò đi bò lại, không để nó lộn cổ khỏi giường.
Hãy lắng nghe đi, lắng nghe bằng những đôi tai bé nhỏ, bằng tất cả chăm chú của mình, có thể sẽ nghe đuợc đoạn đồng dao các bà Mụ đang hát ru hai đứa:
Xuất hành, xuất hành
Gập ghềnh, dập dềnh...
Ơi mây lãng đãng
Ơi ngọn gió lành...
Đừng dẫn đường lạc
Cho mái đầu xanh
...Đi mau về nhé
Mau về an lành
Gập ghềnh, dập dềnh...
Hai đứa chẳng hiểu có nghe thấy hay không, có thể chúng nghĩ đấy là tiếng của bánh xe hoả va đập đều đều vào đường ray. Chỉ biết là sau chừng non nửa tiếng thì cả hai đã ngủ, ngủ vì cơn mệt mỏi chợt đến sau khi những căng thẳng đã qua đi, mặc dù lúc tàu mới chuyển bánh hai đứa cùng đều cố nhỏm cổ ra ngoài nhìn ngắm…
Theo bản của nhà văn-Dịch giả Ngọc Châu gửi tặng
|