MỘT MÌNH ĐONG GIÓ CHIỀU ĐÔNG
Ảnh minh họa - Internet
Thơ: Phạm Minh Trâm
Đò quê vẫn chuyến vơi đầy
Chiều đông trở gió, hanh gầy bóng đêm
Ngóng tìm kẻ lạ, người quen
Mà sao chẳng thấy người em đợi chờ?
Bờ sông hoa cải vàng mơ
Vàng như chưa thể bao giờ vàng hơn
Lấy gì đong nổi cô đơn?
Mênh mang gió thổi chập chờn cánh chim
Người về chộn rộn con tim
Em ngồi đong gió đãi tìm vu vơ…
P.M.T
Lời bình: Nguyễn Thanh Tuyên
Tâm trạng chờ đợi, ngóng tìm người thân trên mỗi chuyến đò sang của một người phụ nữ được Nhà thơ Bs Phạm Minh Trâm khắc họa khá rõ nét qua bài " Đong gió chiều đông ". Nỗi lòng tê lạnh được tác giả khai thác bố trí rất hợp lí, tận nơi bến sông trở gió heo hút cuối chiều. Thời gian ngóng trông được kéo dài ra đến gầy vẹt, mòn cả đêm đông. Người đợi bồn chồn nhưng kiên nhẫn nhìn khắp lượt người lạ người quen lên bến, mà nào đâu thấy bóng người thân...! Điều ấy đã làm cho tâm trạng đọc giả hoà vào nỗi buồn riêng và dềnh lên một nỗi cảm thông sâu sắc. Hai cặp lục bát khổ đầu tải trọn vẹn tứ bài thơ, chặt chẽ, hầu như không lộ một hư từ. Mới đọc ta đã thấy khả năng điều khiển con chữ của tác giả khá nhẹ nhàng, điêu luyện.
Ở khổ giữa, người viết dành lại cho sự cảm nhận thân phận, nỗi niềm :
" Bờ sông hoa cải vàng mơ
Vàng như chư thể bao giờ vàng hơn "
Thân phận thì buồn, nhưng câu thơ thì đẹp về màu sắc và sự ẩn dụ tinh tế. Chỉ có cải ngồng mới trổ hoa vàng. Khi mà màu tới độ "hết" vàng thì hẳn là đã vào giai đoạn cuối mùa lạnh giá đông ken. Tác giả thầm mách cho độc giả về sự luống tuổi được mã hoá khéo léo chỉ qua hai câu lục bát như thế đó. Giúp ta ta tưởng tượng ra quá trình nén tâm trường diễn, trông chờ sắp ngún trọn một đời phụ nữ mà không thể hoá Vọng Phu! Tính khái quát của câu thơ toát lên sự ngóng đợi đằng đẵng của biết bao thân phận phải gánh chịu sau cuộc chiến tranh tàn khốc một thời !
Hoàn cảnh cô đơn ấy giữa đêm đông lộng gió thì có dụng cụ nào mà đo lường, cân đong nổi nỗi buồn dâng...? Thật vậy, thân phận mỏng manh kể trên khác nào một cánh chim yếu ớt giữa không gian mênh mang, mờ dần, dường như không thể nhìn thấu tới điểm tận cùng:
Lấy gì đong nổi cô đơn
Mênh mang gió thổi chập chờn cánh chim
Kết bài chỉ một câu 6 và một câu 8 tác giả tìm ra một sự tương quan so sánh không thể cân bằng, đối nghịch bới hai cặp từ ghép “ chộn rộn ” - “vu vơ” . Nỗi buồn không thể khép lại :
" Người về chộn rộn con tim
Em ngồi đong gió đãi tìm vu vơ ... "
Bao người lên bến đã trở về gập gỡ người thân trong không gian đầm ấm đông vui,chỉ còn sót lại một người phụ nữ lẻ đơn nơi heo hút gió. Nỗi buồn tủi vô hạn ấy, mấy ai có thể định thần?
Bài thơ gọn gàng 10 câu khép lại, song dư ba của nó lan toả mãi trong lòng người, chẳng khác gì sóng gợn lăn tăn trên mặt sông đêm đông đầy gió lạnh. Buồn thương trải ra và được gắn vào nỗi nhớ niềm thương của mỗi người yêu thơ nhờ những câu lục bát chân cảm tới xót xa của Tác giả Phạm Minh Trâm.
Trên thế gian này ta gặp biết bao Bác sĩ như mẹ hiền, không tư túi, mang hết trí lực của mình chia sẻ nỗi đau thể xác cho bệnh nhân, giữ lại sự sống cho con người. Thật quí giá vô cùng! Nhưng số Thầy thuốc như Lê Hữu Trác, Sô-lô-khốp, Lỗ Tấn…Những người mà trọn đời dằn vặt với nỗi đau tinh thần của đồng loại không nhiều. Phải chăng Bs Nhà thơ Phạm Minh Trâm bấy nay phụng thờ những bậc Tiền nhân ấy …?
N.T.T
|