Lời giới thiệu của Ngọc Châu
Thú thật với mọi người rằng Ngọc Châu rất thích đọc truyện ngắn của Bão Vũ, trước đây tôi chỉ dịch tiểu thuyết (qua tiếng Nga là chính), mà hồi đó anh Bão Vũ còn đang mê mải với nghề Kiến trúc. Khi tôi vì sinh kế phải bỏ bút đã dăm năm thì anh ấy đột ngột cho ra mắt những truyện ngắn khiến tôi thấy mê liền, nên khi cầm lại bút tôi cũng ngưng dịch mà chuyển sang sáng tác.
Mặc dù truyện sáng tác của Ngọc Châu không bị nhà xuất bản nào chê (một phần vì tôi chọn viết cho tuổi teen mà lĩnh vực này các tác giả chưa đông đúc cho lắm), nhưng quả thật cố mãi vẫn chưa có truyện ngắn nào dám sánh với truyện của anh ấy.
NHỮNG ĐÁM MÂY tuy đã viết lại (như anh tự giới thiệu) nhưng cái thần của nó vẫn như truyện đầu tay viết ra từ 30 năm trước, mang đặc trưng Bão Vũ ngay từ ngày đầu cầm bút: TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CAO, TRÍ TUỆ, CHẤT THƠ VÀ CHẤT HÀI QUYỆN VÀO NHAU RẤT HÀI HÒA.
Mời mọi người hãy đọc rồi nhận xét xem tôi có "khoe" bạn mình quá hay không. Chỉ kể thêm rằng một hôm tôi đến chơi nhà anh thì thấy có bức tranh mới xuất hiện còn tạm treo lên chiếc đinh có sẵn trên tường, liền hỏi "Tranh này của ai vậy?
- Của tay bạn họa sĩ có thằng con mà tôi viết trong truyện NHỮNG ĐÁM MÂY, hắn mới từ Hà Nội xuông thăm tôi hôm kia.
- Sao anh viết là anh ta chết rồi cơ mà? - Tôi thực sự ngạc nhiên.
- Thì phải thế truyện mới hay được chứ?! - Bão Vũ cười rồi nói thêm "Hắn xuống thăm, cho tôi bức tranh nhưng bảo là "tao phải xuống trị tội mày đã độc mồm rủa tao chết sông chết biển…!!!"
Quả thực qua "vụ" này tôi học được ở Bão Vũ nhiều điều vì tôi cũng đã viết vài ba tự truyện đưa cho anh ấy xem và bị "người" phán: "Chỗ này mà bịa thêm tí thì hay" nhưng lúc đó tôi còn chưa dám và cũng chưa biết bịa! NC
Dưới đây là bắt đầu câu chuyện:
Ảnh minh họa- Internet
Hơn ba mươi năm trước, lần đầu tiên tôi viết hoàn chỉnh được một truyện ngắn và viết trong một hoàn cảnh không bình thường. Đó là vào thời chiến, thời mà mọi chuyện đều được khẳng định một cách đơn giản và diễn đạt ngắn gọn như quân lệnh. Người ta ăn cùng một loại thức ăn, mặc quần áo cùng kiểu mẫu. Cắt tóc như nhau. Trên sân khấu, ngoài mặt trận và trong những cuộc hôn lễ hát cùng những bài hát.
Khi ấy người ta quen với một sự thống nhất của cả cộng đồng, cho như thế là cần thiết, không thấy buồn cười gì. Vậy mà tôi được biết có một gã kỳ quặc, khác biệt mọi người về mọi phương diện, đến mức khó tin trên đời lại có một kẻ như thế. Nhưng người ấy có thực, và hắn ta còn là bạn tôi.
Đó là một hoạ sĩ, trung cấp mỹ thuật. Hắn làm ở ty Y tế, chuyên trang trí cho các cửa hàng thuốc và làm các loại nhãn dược phẩm. Hồi ấy tôi để tóc trùm gáy vì tôi thấy khuôn mặt mình ngây ngô nếu cắt tóc ngắn. Do đó tôi bị coi là một thanh niên chậm tiến. Còn hắn trước cũng tóc dài, sau bị phê phán nhiều nên bực mình cạo trọc luôn. Nhưng dù có kiểu tóc trái ngược với tôi, hắn cũng không được coi là tiến bộ hơn tôi. Vì hắn còn khác thường hơn tôi nhiều. Hắn mặc theo mẫu tự vẽ: Quần ống bó để khỏi phải là. Áo rộng thùng thình, cổ đứng chui đầu; đỡ tốn thời gian cài khuy, đính cúc; vì vợ hắn đã chết, và hắn chỉ có một đứa con trai mới lên bảy. Thằng bé mang tên tôi, vì tôi là bạn thân của hắn.
Có hôm trời nắng to, hắn đến thăm tôi ở nơi sơ tán, cái đầu trọc nhẵn thín đội một tấm pa-nô gần bằng mặt bàn. Tôi mừng rỡ, tưởng được hắn tặng một bức tranh mới vẽ. Nhưng đó là tấm bảng vẽ mẫu nhà vệ sinh cải tiến đã treo ở một cuộc triễn lãm. “Đem cái này đến làm gì?” - Tôi hỏi và hy vọng có thể dùng tấm pa-nô làm bàn viết trong màn ban đêm, cho đỡ muỗi. Nhưng hắn giải thích ngắn gọn: “Nắng!” Tôi cụt hy vọng. Bao giờ về, hắn sẽ lại đội cái “mũ” ấy lên đầu.
Trưa ấy, trong nhà ăn tập thể cơ quan, mọi người nhìn hai chúng tôi như nhìn một tên tù trốn trại đầu trọc và một tên biệt kích lạc rừng tóc trùm gáy. Những ánh mắt hứa hẹn một cuộc phê bình nảy lửa dành cho tôi vào dịp sơ kết sắp tới. Hắn phớt tỉnh, ngon lành ăn gần hết suất cơm của tôi dùng cho cả hai. Trong khi chờ tôi vét nốt chỗ cơm còn lại, hắn bưng bát nước rau uống từng ngụm nhỏ, điệu bộ như một bậc phong lưu thưởng thức tách trà thượng hạng sau bữa đại tiệc. Tôi biết hắn làm thế để đáp lại những cặp mắt ác cảm không ngừng xét nét chúng tôi. Chợt hắn bảo tôi:
- Ông nuôi thằng nhóc hộ tôi ít ngày. Tôi đi biển vẽ cho một đơn vị hải quân. Phải lên đảo, trèo núi, đem nó theo không tiện. Thằng nhóc tức là thằng Vũ. Tôi không nói gì, nhớ tới những lúc hết tiền mua phiếu ăn. Lát sau, như để tôi yên tâm, hắn bảo:
- Nó ăn như con mèo, ghé vào suất cơm của ông cũng đủ. Thiếu, thì thêm cốc nước đường. Tôi có lọ đường vàng. Chuyện quan trọng nhất là ăn, coi như xong.
Tôi vẫn im lặng. Hắn tiếp :
- ...Còn ngủ, người nó cũng bằng con mèo, chen vào chỗ nào trên giường ông cũng vừa. Có đái dầm thì kệ nó. Khắc ướt, khắc khô.
Tôi phì cười :
- Vấn đề ngủ cũng coi như xong. Thật là một ông bố chu đáo nhất đời. Nhưng là bố của một con mèo.
Hắn không cười, nói thêm:
- Với người thường thì nó hơi gàn. Nếu nó làm ông cáu, cứ bợp. Hắn nói câu ấy bình thản như nói về một đứa trẻ không liên quan đến hắn. Nhưng tôi biết hắn yêu con hơn mọi thứ trên đời.
Hắn hạ giọng buồn buồn:
- Nếu sợ đánh đau tay, ông cứ dọa: Sẽ bảo bố cho về ở với bác Võng, là biết điều ngay.
- Bác Võng nào?
- Một ông bác họ không có con, cứ xin nuôi thằng bé.
Tôi sẽ chẳng “bợp” và cũng chẳng đem bác Võng nào đấy ra dọa cái thằng bé mang tên tôi.
Hắn và con gái ông trưởng ty yêu nhau. Ông trưởng ty tức phát điên lên vì có một phần tử xấu len vào cái gia đình cán bộ cao cấp rất trong sạch của ông. Không thể có chuyện cưới xin. Gã bạn tôi bị kỷ luật. Tôi quên mất lý do của án kỷ luật ấy. Có thể là vì hắn đã “lôi kéo một cô gái thành phần tốt vào con đường xấu” chẳng hạn. Hắn phải đến lao động ở một xí nghiệp khai thác đá. Nhưng cô gái đã bỏ cơ quan đến chung sống với hắn. Họ có con với nhau. Đó là thằng Vũ. Cô gái chết sau khi đẻ được ba tháng vì sự thiếu thốn kham khổ trên công trường đá. Gã họa sĩ bị đuổi hẳn khỏi cơ quan vì tội làm chết con gái trưởng ty. Hắn xé tờ quyết định sa thải, bảo trưởng ty cũng nên tự cách chức vì tội sát hại vợ nhân viên của mình. Rồi hắn bế thằng bé còn đỏ hỏn như con chuột lột bỏ đi, không thèm cầm theo một thứ giấy tờ tem phiếu gạo, củi gì. Gã họa sĩ không còn cha mẹ, cũng không có anh em ruột. Hắn kiếm sống bằng nghề vẽ tự do: Truyền ảnh, trang trí đám cưới, vẽ tranh Phật, tranh Chúa cho các đền chùa, nhà thờ...
Có một chi tiết mà tôi rất không muốn viết ra vì giống như bịa đặt: Hắn luôn đem theo bên mình một ống nghiệm thủy tinh nút kín, trong chứa một ngón tay người ngâm phoóc-môn thâm xì trông phát khiếp. Khi khâm liệm vợ hắn, mấy bà già trong cái thôn nhỏ cạnh công trường đá, tuân theo một quy ước từ đời xưa truyền lại, đã úp hai cái bát lên ngực người mẹ trẻ tội nghiệp; để sau này thằng bé con khát sữa đỡ quấy khóc vì nhớ mẹ. Hắn đã cắm một cái đũa lên kẽ tấm phản đặt xác vợ, kê ngón tay út sát chiếc đũa làm cữ, thốt ra một lời nguyền gì đó, rồi chặt một nhát rất nhanh và mạnh bằng con dao chẻ lạt sắc như nước.
Nói xong về chuyện gửi thằng nhóc cho tôi, gã họa sĩ buồn rầu nhìn ra cánh đồng nắng lóa ngùn ngụt hơi nuớc. Rồi hắn lặng lẽ đội tấm pa-nô lên đầu ra về. Mấy hôm sau, hắn dẫn thằng Vũ đến. Thằng bé cũng đầu trọc lốc, quần áo cùng một kiểu giống như bố; hệt một cặp nhà sư và chú tiểu đi khất thực. Chắc thằng bé mới được cạo trọc ít lâu trước khi đến với tôi. Da đầu nó trắng xanh, có vài vết dao cứa.
Tôi ngắm nghía thằng bé rồi hỏi gã họa sĩ:
- Sao lại bắt tội nó phải giống như ông?
Hắn trả lời:
- Dạo này đầu nó nhiều chấy quá. Với lại để nó quen dần đi chuyện sẽ phải giống người bên cạnh, hay phải lấy ai đó làm mẫu.
- Thế sao chính ông lại không chịu lẫn lộn với người xung quanh?
- Trời bắt tội tôi. Tôi không muốn sau này nó phải khổ như tôi.
Một thằng cha đại gàn, chính hắn sẽ làm khổ thằng bé.
Ăn cơm chiều xong gã hoạ sĩ nâng thằng Nhóc lên, nhìn rất lâu vào mắt nó, rồi bảo:
- Ở với chú Vũ phải ngoan. Bao giờ về, bố lại kể những chuyện của mẹ. Hắn bước lên dốc bờ đê, đi về phía thị xã, không hề quay đầu lại. Thằng bé miệng hơi mếu, nhìn theo cho tới khi cái áo rộng thùng thình kẻ ô màu sáng của bố nó lẫn vào những đám mây ở cuối con đê.
Thằng Vũ lên bảy tuổi, gầy gò, xanh xao. Nó rất ít nói. Dù đã quen biết tôi từ lâu nhưng nó vẫn giữ khoảng cách với tôi. Tôi gọi nó là “Con”, xưng “Bố” một cách thích thú, nhưng nó vẫn cứ xưng “Cháu” và gọi tôi là “Chú”. Đang kỳ nghỉ hè, tôi giúp nó ôn bài. Mỗi chiều, làm bài xong, chờ tôi đem cơm ở nhà ăn tập thể về, nó ngồi trên hè, cặp mắt to đen trong veo chăm chú nhìn những đám mây trên nền trời chiều đủ màu sắc. Nó say mê ngắm mây đến nỗi tôi gọi ăn cơm mãi nó vẫn không trả lời. Có lẽ sống bên một ông bố như gã bạn tôi, thằng bé đã bị dở người. Nhưng sau tôi mới hiểu vì sao nó say mê ngắm những đám mây.
Hơn tuần sau, gã hoạ sĩ gửi về một vỏ ốc biển lớn cho con trai, cho tôi chiếc quần đùi bộ đội mới tinh và mấy cân bột mì, ít cá khô. Hắn còn tặng tôi một bức ký hoạ phấn màu: Một con thuyền nát lật úp trên bãi biển vắng tanh. Không biết con thuyền đang sửa hay bị bão đánh giạt vào bờ. Thời đó, khung kính khó kiếm, với lại, tranh vẽ thế chỉ nên cuộn lại, thỉnh thoảng mở ra ngắm, để tránh rắc rối.
Trong bức thư viết nguệch ngoạc, hắn bảo phải ba tuần nữa mới xong việc. Hắn khoe đã được tham dự trận đánh đuổi một chiến hạm lớn của Mỹ có không lực rất mạnh yểm trợ xâm phạm hải phận của ta. Những viên đạn hắn tiếp cho khẩu pháo cao xạ đã bắn hạ được một máy bay phản lực.
Nhưng truyện ngắn ấy không viết về hắn mà viết về thằng bé con mang tên tôi. Trong truyện, tôi biến thằng Vũ thành đứa bé gái cho hợp với tính cách đa cảm yếu đuối của nó. Tôi viết theo lối “truyện không có chuyện” vì lúc ấy tôi thích thú với cách viết ấy. Viết xong, tôi gửi cho một tờ báo, rồi đợi. Nhưng bặt tăm. Tôi cặm cụi viết lại, gửi lần nữa. Vẫn bặt tăm.
Bây giờ tôi viết lại truyện ngắn đó, truyện “Những đám mây”. Nhân vật chính sẽ là thằng bé, đúng như sự thực. Tôi cố tìm lại sự ngơ ngẩn, vu vơ trước kia, chẳng biết có được không.
*
Người họa sĩ ra biển để tham dự một đợt sáng tác về hải quân, đã gửi đứa con trai lên bảy tuổi của mình, thằng Vũ, cho anh bạn cán bộ kỹ thuật xây dựng đang sơ tán ở một làng quê. Nơi hai chú cháu ở nhờ là một cơ ngơi sơ sài. Trước nhà có khoảng sân đất nện, một dải vườn rau, rồi đến một hàng rào thấp ghép bằng những cây rau ngót, không có gì vướng tầm mắt. Từ hiên nhà nhìn thẳng ra đầm nước lớn và một bầu trời rộng đến tận vệt tre xanh mờ của một làng xa.
Chiều nào thằng bé cũng ngồi trên bậc thềm nhìn bầu trời cao rộng với những đám mây in hình xuống mặt đầm nước. Bây giờ đang là mùa hạ, rất ít những cơn mưa, vòm trời như cao hơn lộng lẫy ánh xà cừ như mặt trong vỏ một con trai khổng với những đám mây màu sắc rực rỡ của tất cả những loại ngọc đá gốm sứ quý giá trên đời.
Anh cán bộ kỹ thuật đã giảng giải cho thằng Vũ biết rằng mây là hơi nước bốc lên từ sông biển đầm hồ, tích tụ lại trên cao, được gió tạo nên những hình dáng biến đổi. Còn màu của trời mây, cũng giống cái thước thủy tinh này nắng chiếu qua thành những màu sắc cầu vồng. Thế thì có gì mà phải nhìn đến bỏ cả ăn cơm.
- Hiểu chưa nào, Vũ?
Thằng bé lắc đầu rất thành thật ngoan ngoãn, rồi lại giương đôi mắt đen to, thừa hưởng từ người mẹ xinh đẹp, ngắm những đám mây. Anh cán bộ kỹ thuật đang tự đắc vì đã diễn đạt bài khoa học một cách dễ hiểu, cũng lắc đầu. Anh xẻ cơm canh phần thằng bé gàn dở, rồi ngồi ăn một mình.
Thằng bé như mê man trước khung cảnh thần thoại mỗi buổi chiều. Những đám mây cứ kéo đàn kéo lũ nhởn nhơ dung dăng loanh quanh hết nơi này đến nơi khác. Chúng bận rộn với công việc từ hàng ngàn năm nay là kể cho bọn trẻ những câu chuyện thần tiên sinh động. Bố bảo, mẹ đã nói như thế. Những câu chuyện về những đám mây do bố kể cũng theo lời của mẹ, vì mẹ chết khi nó mới được ba tháng tuổi. “Mẹ kể như thế này: ...” - Bố nó bắt đầu những câu chuyện như thế. Khi nó hỏi vặn nhiều, bố bực mình: “Bố chỉ kể lại theo lời mẹ, chứ bố không nghĩ được những chuyện như thế”. Có thể đến lúc lớn hơn nữa, nó sẽ hiểu rằng khi mẹ mang thai nó, mỗi buổi chiều ngồi chờ bố từ công trường đá về, mẹ đã kể cho đứa con đang nằm trong bụng những câu chuyện thần tiên ấy. Mà có thể chính bố đã bịa ra những câu chuyện để thằng bé biết rằng nó có một người mẹ rất yêu thương nó, đã để lại cho con những câu chuyện thần tiên, thay cho những lời ru và những món đồ chơi, vì mẹ biết hai bố con sẽ rất nghèo. Trước mỗi giấc ngủ, nó nhớ tới những hình ảnh đẹp đẽ của câu chuyện rồi thiếp đi giữa những đám mây.
Thằng Vũ cũng có một thứ đồ chơi. Đó là một con ngựa bố nó làm bằng ống đựng thuốc viên. Đầu ống buộc một túm tóc làm đuôi ngựa; đáy ống cưa dọc một đường ngắn là mõm ngựa, rồi dùi hai con mắt. “Hiểu không, nhóc? Đây là con ngựa. Cổ và đầu ngựa đang vươn ra phia trước thẳng với mình ngựa. Còn chân à? Có chứ. Nhưng ngựa phi nước đại, cát bụi mù mịt che lấp cả bốn vó.” Thằng bé được thừa hưởng trí tưởng tượng của người bố họa sĩ, nên đã hình dung cái ống thuốc cảm ra con ngựa đang phi nước đại. Bù vào đồ chơi thô thiển đó, nó có những đám mây.
- Con nhìn kia kìa. Mẹ bảo đó là một cô bé mặc váy đang chạy. Đằng sau là cái đầu con quỷ mũi khoằm, miệng há to đuổi theo. Cô bé trốn nhà đi chơi, bị lạc đường, gặp con quỷ đói. Bé ơi, nhanh lên. Có ai cứu cô bé không. à, có rồi. Một con vịt to chắn ngang đường. Con quỷ há miệng to hơn, nó định ăn con vịt trước. Không, con vịt bằng đá. Quỷ bị gẫy răng, hàm quặt về sau gáy. Cái đầu không có quai hàm cứ thế chạy mất. Nhưng con vịt cũng bị thương, đầu thụt vào bụng thành một hòn đá to. Khổ thân vịt. Còn cô bé thì dài ngoẵng ra biến thành cái khăn quàng cứ bay lang thang mãi không được về nhà với mẹ. Sao con khóc? Con thương con vịt, hay thương cô bé?
Trời sắp tối. Phía chân trời có một ngọn núi cao ngất sáng lóe lên. Ngọn núi bằng vàng và kim cương. Một người đàn bà bị xích trên sườn núi làm thần giữ của. Có một con rồng dữ tợn canh gác người đàn bà. Cô ấy cầu xin một con đại bàng đang bay trên cao kia hãy đem đứa con trai của cô đến giải thoát cho mẹ. Đại bàng bay đến chỗ người con. Chú bé ở phía đằng kia kìa, đang dang hai chân ra tập võ để đi cứu mẹ. Trời tối rồi, ngọn núi chỉ còn viền sáng xung quanh. ở trên núi ấy ban đêm lạnh lắm, người mẹ rét run cầm cập. Những đám bông nõn kia sẽ bay đến ủ cho cô ấy.
Thằng Vũ mong cho đến chiều ngày mai để được xem chú bé cứu mẹ như thế nào. Chắc sẽ có một trận đấu ghê gớm giữa chú bé và con rồng. Nhưng chiều hôm sau trời đầy những đám mây đen kịt lừ lừ trôi như muốn dọa nạt ai đó. Thằng Vũ hỏi bố về chuyện hai mẹ con. Bố nó cố nhớ lại câu chuyện kể hôm trước: “Hai mẹ con nào? à phải rồi. Đêm qua lúc con ngủ, chú bé được đại bàng cõng đến đỉnh núi. Con rồng ngủ say. Chú bé vung kiếm chém đứt giây trói cho mẹ rồi hai mẹ con trốn xuống núi trở về nhà. - Sao chú bé không để đến ban ngày hẵng cứu mẹ cho con xem? - Ban ngày con rồng thức, chú bé không đánh nổi nó.”
Rồi cơn mưa rào như trút nước. Sấm chớp rung động bầu trời. Con rồng tức giận vì chú bé đã cứu được mẹ.
Thằng Vũ không có bạn. Cái đầu trọc lốc khiến nó trở nên kỳ quái trước mắt những đứa trẻ khác, mặc dù bố nó đã giải thích cho cô giáo biết rằng thằng bé có chứng trốc đầu khi để tóc. Thực ra bố làm thế để đơn giản chuyện tắm gội. Có lần thằng bé kể cho đám bạn học nghe những câu chuyện về những đám mây, như một cách lấy lòng chúng để được tham dự những trò chơi chung. Nhưng bọn con trai chế giễu nó là thằng hấp hơi. Chỉ có mấy đứa con gái chịu khó ngồi nghe. Rồi những đứa con gái ấy cũng chán thằng bé có tật nói ngắc ngứ, ấp úng. Nó rơm rớm nước mắt đám con gái cũng bỏ đi. Bố nó bảo: “Con có bao nhiêu là mây rồi còn gì. Chúng nó không có những đám mây ấy, không biết những câu chuyện mà mẹ kể cho con.” Nhưng sao bọn con gái cũng bỏ con đi ?” - “ Con gái hay như thế. Rồi sau này sẽ có một cô bé không bao giờ bỏ con.”
Một bầy ngỗng trời trắng muốt mải miết đập cánh bay tít trên cao, trên cả những đám mây cao nhất, nơi bầu trời xanh trong như ngọc.
- Những con chim từ xứ lạnh bay về phía nam để tránh rét và kiếm ăn. ở phương Bắc đầm hồ đóng băng không bắt tôm cá được. - Anh cán bộ kỹ thuật giảng giải khi thấy thằng Vũ chăm chú nhìn bầy ngỗng di trú.
- Không phải. Mẹ cháu bảo đấy là các hoàng tử bay đi tìm em gái.
Lần đầu tiên nhìn thấy bầy ngỗng bay ngang qua bầu trời Vũ vui sướng lắm. Bố bảo: “Mẹ kể, đó là những hoàng tử bị phù phép biến thành ngỗng trời đang bay đi tìm cô em gái út của họ. Cô gái sẽ giúp họ trở lại thành người.” - “Thế các hoàng tử có tìm được em gái không?” Người họa sĩ kể cho con nghe câu chuyện về mười hai con thiên nga.
Bây giờ, trên cao kia vẫn là đàn ngỗng trời ấy, những hoàng tử bị phù phép chưa tìm thấy cô em gái của họ.
Người họa sĩ cũng dạy cho con trai của mình nhận biết những màu sắc từ nền trời và những đám mây. Những màu của ngọc, đá quý, của hoa lá và các sinh vật đều có trên nền trời chiều và chúng hòa hợp với nhau như thế nào để thành một bức tranh đẹp.
Nó không thích những buổi chiều mây ngưng đọng bất động trên vòm trời. Những tảng mây mỏi mệt nằm ườn ngủ một mạch cho đến tận chiều tối. Nhìn kỹ lắm mới thấy những dải mây mảnh như khói lười nhác trôi uể oải phía dưới. Những tảng mây ngủ im lìm như chết và những dải mây mỏng tang chẳng rõ hình thù không gợi ra được chuyện gì. Có lần bố hỏi có muốn chơi thả diều không. Vũ lắc đầu. Nó không thích những chiếc diều nhỏ xíu như những con nhặng ngớ ngẩn cứ bay lắc la lắc lư nguyên một chỗ chẳng có gì thú vị. Chúng cũng rất giống những mẩu vụn rác vương vãi trên nền trời. Nó còn biết, ở dưới đất, cuối sợi dây diều là một thằng bé ngỗ ngược, lêu lổng hay bắt nạt những đứa trẻ nhút nhát như nó. Nhưng tiếng sáo diều lại rất hấp dẫn.
- U-u... Hu-u-u...
Tiếng kêu da diết mãi không dứt như gắn chặt vào những đám mây. Khi trời bắt đầu tối, những ngôi sao đã mọc, không còn nhìn thấy chiếc diều mà tiếng kêu hu-u-u vẫn ngân nga khắp bầu trời.
“Đó là tiếng một con chim trời khóc gọi một con chim bạn mà nó không bao giờ gặp lại được nữa”. Bố thở dài bảo rằng mẹ đã nói với bố như thế.
Mẹ bảo: Những người tốt khi chết đi linh hồn của họ được bay lượn vui chơi giữa trời. Họ chơi trò trốn tìm với nhau sau những đám mây, như những đứa trẻ trên sân trường trong giờ ra chơi. Được bay lượn giữa những đám mây thì thú vị biết bao. Mẹ cũng đang ở trên ấy. Thỉnh thoảng mẹ từ sau một đám mây ló mặt ra tươi cười nhìn nó, những sợi tóc mai ướt mồ hôi dính trên gò má ửng hồng, như ngày xưa nấu cơm xong, mẹ vẫn ngồi ngoài cửa nhìn những đám mây, đợi bố về. “Con có nhìn thấy mẹ không?”- Bố hỏi. Thằng bé gật đầu, vẫy vẫy một đám mây trắng nõn.
Còn những kẻ độc ác xấu xa và ma quỷ thì ở sâu dưới đất. Tít mãi âm ti lạnh lẽo đen ngòm như đêm. Nơi không có ban ngày và những đám mây.
Có hôm trời biến thành biển xanh có các hòn đảo với những con thuyền và nhiều loài cá bơi lội. Có chàng hiệp sĩ đánh nhau với bầy thủy quái, lũ cướp biển để cứu người lương thiện. Có nàng tiên cá tóc dập dờn trên mặt sóng đẹp mê hồn, và có cả kho báu chứa trong con tàu đắm dưới đáy biển sâu để giúp người nghèo dũng cảm trở thành giầu có, sung sướng.
Nó không thích mùa đông. Trời xám ngắt, lạnh buốt. Những đám mây đẹp kéo nhau đi tránh rét. Chỉ còn những tấm mền chăn nát và đám quần áo cũ rách rưới bừa bãi khắp nơi. Những thứ vứt đi ấy không kể được chuyện gì hay cả.
Mùa hè năm ấy bầu trời trên khu làng luôn có những chiếc máy bay dữ tợn ầm ầm bay qua. Thằng bé thường phải xuống hầm trú ẩn, rất ít khi được ngồi nhìn mây. Những đám khói đen đặc từ mặt đất bốc lên cuồn cuộn như con quái vật khổng lồ đang vươn mình lên cao nhìn quanh tìm mồi. Cũng giống như có kẻ đổ mực lên trang sách thần tiên của nó. Cả lửa nữa, lửa cháy xém những khoảng trời cổ tích.
Một buổi chiều, trên rất cao có một chiếc máy bay nhỏ màu bạc loạng choạng bay qua làng, im lặng không có tiếng động cơ. Máy bay của ta trúng đạn trong một cuộc không chiến. Phi công bị thương vẫn cố đưa máy bay về phi trường. Những người lớn tụ tập, ngửa mặt lên trời bàn tán thế. Mọi người nín thở theo dõi chiếc MIG bay như lết đi kéo theo một dải khói dài màu nâu như vệt máu trên bầu trời lặng gió tím sẫm. Nó khóc và nhìn theo mãi con chim bé bỏng bị thương đang cố bay về tổ với mẹ.
Có hôm, những đám mây rực rỡ ánh kim biến đi đâu mất. Chỉ còn toàn một thứ mây xám hoặc đen kịt. Bố nó bảo mây đã mặc quân phục. Sắp có một trận đánh nhau của những đám mây. Chúng kết thành từng mảng lớn nặng nề dữ tợn lừ lừ bay trên nền trời âm u rồi lao vào nhau đến tóe lửa bật ra những tiếng nổ dữ dội. Những đám mây đánh nhau đến tan tác hỗn loạn và nước trút xuống ào ạt mù mịt trời đất. Những tiếng gầm thét ầm ầm trong cuộc vật lộn quyết tử.
Mây cũng đánh giết nhau, cũng chảy máu thành sông và rền rĩ đau đớn. Bố nó bảo thế, làm thằng bé khóc òa lên.
“Ông ác vừa vừa chứ! ”- Anh cán bộ kỹ thuật định bụng khi gặp lại gã bạn hoạ sĩ sẽ mắng hắn như vậy. Nhưng chắc gã gàn bướng ấy sẽ cười khì: “Thằng bé hèn quá. Phải cho làm cho nó cứng cáp lên.”
- Không phải như bố cháu nói đâu Vũ ạ. Mẹ cháu bảo, đấy là những đám mây thương lũ cỏ cây bị nắng khát nên đã đem nước từ sông hồ đến tưới cho chúng. - Anh cán bộ kỹ thuật bịa chuyện một cách vụng về .
- Thật không ?- Thằng bé mở to đôi mắt ướt, hoài nghi.
- Thật chứ. Rồi cháu xem. Chiều mai cháu lại thấy những đám mây đẹp. Bây giờ mây mặc quần áo lao động màu sẫm để đi chở nước. Tiếng ầm ầm ấy là những thùng, xô của chúng va vào nhau.
Anh cán bộ kỹ thuật đã không bị coi là một người lớn dối trá, vì hôm sau có một buổi chiều bình yên hiếm hoi. Thằng bé thấy lại những đám mây thân thuộc diễu hành trên bầu trời lộng lẫy, trình diễn những câu chuyện thần tiên.
*
Truyện ngắn ngày xưa tôi viết chỉ có thế. Hồi ấy tôi đã không nỡ hay tự thấy là không nên viết cái kết thực như thế này :
Hơn một tháng sau nữa, gã họa sĩ vẫn chưa trở về và cũng không nhắn tin tức gì thêm. Thằng Vũ vẫn ngồi ngắm mây mỗi buổi chiều, nhưng nó có vẻ bồn chồn. Bây giờ nó thường hay hình dung ra bầu trời là biển. Bố nó khi thì ở trên một hòn đảo, khi ở trên một con tàu vẫy tay rối rít và mỉm cười với nó: “Nhóc! Bố ở đây!”
Một tháng nữa qua. Cơ quan tôi sắp chuyển đến một vùng núi xa. Gã họa sĩ vẫn chưa về. Gã không thuộc cơ quan đoàn thể nào, chẳng biết hỏi ở đâu.
Rồi một buổi chiều, có một người đàn bà gầy quắt đeo chiếc bị cói tìm đến chỗ tôi ở. Bà ta đứng giữa nhà hỏi tôi, giọng quê mùa oang oang:
- Ơ.. cho tôi hỏi, chú là chú Vũ làm ở Ty Kiến trúc, sơ tán về đây phải không?
- Vâng! Có chuyện gì ạ ? - Tim tôi đập mạnh, linh cảm về một điều chẳng lành.
- Chả là thế này, tôi là vợ ông Võng, bác họ thằng cháu Vũ đây...
Điều tệ hại nhất đã đến. Con tàu có anh bạn họa sĩ của tôi bị đánh chìm ngoài khơi. Bố thằng Vũ đã chết. Giấy báo tử gửi về quê. Chẳng còn ai là ruột thịt. Vợ chồng ông Võng đón đứa cháu họ mồ côi về nuôi làm con, cũng là để có thêm người đỡ đần việc nhà cửa đồng áng sau này.
Thằng Vũ nhớn nhác. Nó giơ tay ra phía trước như muốn níu bám vào một vật gì đó. Người bác họ không để ý đến sự hốt hoảng tuyệt vọng ấy; bà vẫn kể lể dài dòng về mối quan hệ họ hàng giữa ông chú ruột của chồng bà với bà nội thằng Vũ. Còn tôi đang cố đọc những chữ đánh máy nhoè mờ xác nhận cho vợ chồng ông Võng được nuôi thằng Vũ. Mãi sau này tôi vẫn ân hận là lúc đó đã không ôm chặt lấy thằng bé. Nó không khóc, nhưng thân hình bé bỏng run lên, cặp mắt trong veo dại hẳn đi. Bầu trời sập đổ, không còn những đám mây rực rỡ với những câu chuyện thần tiên nữa.
Giá mà tôi có thể giữ thằng Vũ lại để chiều chiều nghe nó ấp úng ngọng nghịu kể về chuyện những đám mây. Nhưng tôi không có quyền .
- Vậy chứ... chúng tôi cảm ơn chú nhá. - Bà Võng cười mãn nguyện như đã tậu được một con nghé giá hời - Thằng cu, khoanh tay chào chú đi rồi về kẻo tầm tối máy bay nó hay bỏ bom bến đò lắm. Gớm, áo xống gì mà lụng thụng như áo tế thế kia. Về quê chăn trâu cắt cỏ thì cởi trần cho mát.
Tôi tiễn thằng Vũ ra đầu làng, đúng cái nơi trước kia tiễn bố nó. Tôi đứng nhìn theo cái bóng nhỏ xíu đầu trọc áo rộng thùng thình khoác cái túi vải lút cút đi bên cạnh ngườì đàn bà gầy đét lòng khòng, in hình trên nền trời đầy mây.
Thằng Vũ chỉ kịp đem theo chiếc vỏ ốc. Nó bỏ quên con ngựa làm bằng ống đựng thuốc cảm. Tôi nghĩ, về với vợ chồng ông Võng, nó cũng sẽ phải bỏ lại cả bầu trời chiều lộng lẫy kia nữa.
Con ngựa không có chân ấy tôi giữ được ít lâu, rồi sau này chuyển chỗ nhiều lần đã bị thất lạc cùng với bản thảo truyện ngắn này và nhiều thứ quý giá khác nữa. Cả bức ký hoạ về con thuyền vỡ cũng không còn.
Những đám mây rực rỡ mà thằng bé bỏ lại thì vẫn còn đó. Nhưng với tôi, thời gian và cuộc sống khắc nghiệt đã khiến tôi luôn chăm chú những gì ở mặt đất, rất ít khi nhìn lên bầu trời đầy khói bụi của đô thị. Tôi cũng đã đánh mất bầu trời thần tiên ấy từ lâu rồi.
Bão Vũ
(Người gửi Dịch giả Ngọc Châu - Hội nhà văn Hải Phòng)