Kính thưa độc giả báo Nguoixunghekiev.vn!
“... Tháng Tám Thu về ướp thơm lừng cốm mới
Gói một trời ký ức chẳng nguôi ngoai!”
Tháng Tám mùa Thu Hà Nội vẹn nguyên trong tâm khảm với hương lá Sen dìu dịu, hương Cốm làng Vòng say đắm lòng người Hà Nội xa quê!
Hình ảnh bông Sen kiêu hãnh và thanh cao đã gắn liền với đời sống của người Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Hình ảnh đó đã đi vào ca dao, dân ca, biểu tượng...
Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận (Hội nhà văn Hà Nội) – Hiện Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận là chủ biên và tài trợ xuất bản Tân Văn chuyên đề sáng tác phê bình giới thiệu văn học - NXB Hội nhà văn - người mê mẩn với vẻ đẹp của hương Cốm, lá Sen đã làm mới hình ảnh của Sen trong một phát hiện vô cùng độc đáo LỜI THỀ LÁ SEN. Để trong những giây phút thăng hoa đó LỜI THỀ LÁ SEN đã trở thành một hiện tượng. Mùa Thu về với hương Sen tinh khiết, với cốm làng Vòng thắm đượm tình quê – một lần nữa xin được gửi tới quý vị độc giả LỜI THỀ LÁ SEN của nhà thơ Nguyễn Đăng Luận!..
Lời bình của Nhà thơ Ngô Quân Miện
Lời thề lá sen, như một bài dân ca xinh xắn, nói về một tình yêu thất vọng. Nó chiếm được tình cảm của người đọc vì cái cốt hồn nhiên chân thật của hương đồng gió nội mà vẫn có cái duyên dáng thanh lịch:
Lời thề lá sen
Nhà thơ Ngô Quân Miện (1925-2008)
Lá sen chưa kịp đi tu
Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá sen
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa
Không ngờ anh thật không ngờ
Lá sen rách.Cốm bây giờ thơm đâu?
Nguyễn Đăng Luận
Lời bình của nhà thơ Ngô Quân Miện:
Lời thề lá sen, như một bài dân ca xinh xắn, nói về một tình yêu thất vọng. Nó chiếm được tình cảm của người đọc vì cái cốt hồn nhiên chân thật của hương đồng gió nội mà vẫn có cái duyên dáng thanh lịch:
"Lá sen chưa kịp đi tu"
Hai chữ "Đi tu" nghe thì quê kiểng nhưng ý nhị lắm. Ngày xưa những cô gái thất tình thường hay thề thốt “cắt tóc đi tu” nếu không lấy được người mình phải lòng đắm say thì thà xa lánh trần duyên còn hơn gánh cả đời trần duyên oan trái. Cũng ngày xưa con trẻ nhà quê nghịch ngợm thường bắt bướm vặt bỏ hết chân không cho đậu vào hoa nữa như thế gọi là bắt con bướm đó "đi tu". Nguyễn Đăng Luận dùng trong câu mở đầu bài thơ có sức gợi. Anh đã khéo tìm được tứ thơ hay để góp vào những hình ảnh và từ ngữ dân gian:
"Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa"
Tứ thơ này là một tứ thơ độc đáo đáng yêu. Cũng phải hiểu rằng: Sự bắt được tứ thơ mới trong thơ không phải là ngẫu nhiên, trời cho mà là sự tích đọng tiềm tàng khi gặp thuận thì ngẫu hứng nảy bật lên. Nếu không có được cái tứ "chủ bài" ấy thì không thể có được cái tình huống bất ngờ lý thú đầy kịch tính sau:
“Không ngờ anh thật không ngờ
Lá sen rách . Cốm bây giờ thơm đâu?”
Lời thề yêu thương được gói trong chiếc lá sen tơ thì đẹp quá thơm quá thi vị quá. Ai ngờ đâu lại gặp phải cái lá sen rách. Sự hóm hỉnh ở đây cũng chính là một nét truyền thống của thơ ca dân gian. Có duyên cũng chính là ở chỗ đó.
Ngô Quân Miện
(Bài đăng số đặc biệt báo Giao thông vận tải và Bưu điện Chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm 1992). Mấy năm nay bài này luôn nằm top 10 bài được đọc nhiêu trên Tôn Vinh văn hóa Đọc. vn).
NHÀ THƠ NGUYỄN ĐĂNG LUẬN và bài thơ LỜI THỀ LÁ SEN - Bài viết của nhà thơ Nguyễn Khôi
|
|
Nhà thơ Nguyễn Khôi
Nguyễn Đăng Luận Sinh ngày 29 tháng 5 năm 1945 tại làng Triệu Xuyên xã Long Xuyên huyện Phúc Thọ Hà Nội, trong một gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ chuyên buôn bán chè tươi sắn lưới sắn thuyền ở xứ Đoài mây trắng. Năm 1958 là học sinh duy nhất của xã Long Xuyên thi đỗ vào trường Phùng Hưng – trường PTTH quốc lập đầu tiên của tỉnh Sơn Tây. Kĩ sư Đường Sắt. Đã xuất bản 6 tập thơ: NGÀY KHÔNG EM - NXB Thanh niên 1991, EM – NXB Thanh niên 1996, BÀI CA ĐƯỜNG SẮT – NXB Giao thông vận tải 1996, Tái bản NXB Hội nhà văn 2004, THƠ NGUYỄN ĐĂNG LUẬN VÀ LỜI BÌNH – NXB Văn học năm 2001 (Tập thơ này hiện có trong thư viện Quốc hội Hoa Kỳ - Thư viện lớn nhất thế giới, với hơn 850 km giá sách – lưu giữ những phát minh trí tuệ của nhân loại cho cá thế hệ tương lai), BUỔI BAN ĐẦU – NXB Hội nhà văn 2003, tái bản năm 2004, THƠ TÌNH NGUYỄN ĐĂNG LUẬN – NXB Hội nhà văn 2007. Giải thưởng Thơ Cuộc vặn động sáng tác văn học đề tài GTVT 1986 – 1990. Nguyễn Đăng Luận là lớp trưởng lớp viết văn khóa I Hà Nội. Sáng lập và làm chủ nhiệm CLB văn học Bông Hồng Vàng Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội (Tổ chức bản thảo và tài trợ xuất bản 5 tác phẩm của CLB: TRÁI TIM ĐỂ NGỎ, BÔNG HỒNG VÀNG, DÒNG SÔNG CHÁY, NĂM NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ BỐN NGƯỜI ĐÀN ÔNG, CẦU VỒNG ĐEN VÀ NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY – bìa các tác phẩm này đều in logo CLB Bông Hồng Vàng và dòng chữ: “Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận giữ bản quyền”. Nguyễn Đăng Luận sáng lập và là nhà tài trợ duy nhất giải thưởng Văn Học Bông Hồng Vàng – chế tác bằng vàng 9999 lần trao giải đầu tiên công bố trên báo Tuổi Trẻ số 35 ra ngày 28 tháng 3 năm 1995).Nguyễn Đăng Luận đăng báo Tiền Phong số 43 ra ngày 22/10/1991 bài thơ EM (Em đã thả vào hồn tôi / Một con rắn / Một con mèo / Một con chim chiền chiện hót / Và nụ hôn đặt ở phía chân trời) . Đúng một năm sau, ngày 10/10/1992 Nguyễn Đăng Luận được kết nạp vào Hội nhà văn Hà Nội. Nguyễn Đăng Luận, hiện là Chủ biên và tài trợ xuất bản Tân Văn – Chuyên đề sáng tác phê bình giới thiệu văn học – NXB Hội nhà văn
Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận năm 23 tuổi
“THƠ NGUYỄN ĐĂNG LUẬN VÀ LỜI BÌNH”
Trong Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ
LỜI THỀ LÁ SEN
Ảnh minh họa - Internet
Tháng 7, Thi nhân về quê, tới Ao Sen đầu làng... vừa mùa Sen nở lục biếc chen hồng, lòng bật lên một "Ý Xưa" (cổ ý):
Sen lá như dù biếc
Sen hoa tựa má đào
Nhớ ai chưa gặp mặt
Thơ thẩn mãi bên ao.
-Phù Thúc Hoành
"Ý Xưa" là lối thơ tả tình theo tứ thơ cổ, nên thường gọi "cổ ý". Gặp cảnh sinh tình nảy ra ý thơ... với cái thói đa tình của Thi nhân xưa nay đều thế. Ở Phù Thúc Hoành (Đại Việt-đời Lê) thấy Sen trên ao mà người thì chưa thấy vẫn đẻ ra một tứ thơ lạ "nhớ ai chưa gặp mặt" rất phi lý nhưng lại thật là thơ để Thi sĩ có cái cớ "thơ thẩn mãi bên ao"...
Còn xưa hơn nữa, ở Bạch Cư Dị (702-846) đời Đường bên Trung Hoa, thì với "Trên ao" (Trì thượng):
Cô em bơi chiếc thuyền con
Bẻ hoa Sen trắng lon xon trốn về
Ngây thơ chẳng biết giấu che
Mặt bèo còn rẽ lối đi rành rành...
Cái "Ý" (cái cớ, cái "cửa mở" vào thơ ) ở đây là "thâu thái bạch liên hồi"(câu 2) là Ý mới tạo ra Tứ lạ "bất giải tàng tung tích "(câu 3)...
Và hôm nay, với Nguyễn Đăng Luận về quê Sơn Tây, đến đầu làng gặp Ao Sen... thì cả một trời thơ hoài niệm- "Ý cũ" (hồi tưởng lại cả cái duyên xưa cũ càng), rồi bật lên một "khúc Kinh thi xứ Đoài - tân biên" đọc lên rõ sướng:
LỜI THỀ LÁ SEN
Lá Sen chưa kịp đi tu
Mà hoa Cúc đã nhuộm thu óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá Sen
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa
Không ngờ, anh thật không ngờ
Lá Sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?
Đúng, với giọng điệu ngôn từ của "Lời thề lá Sen" thật như là một khúc “Kinh thi Việt” thuần túy, chất liệu thơ là Ca dao lục bát thuần Việt.
Bài thơ có đủ "Tình - Cảnh - Sự": Tình chan chứa, cảnh nhà quê rất thơ khi "hoa Cúc nhuộm thu óng vàng"; "Sự" ở đây là có sự cố, (có vấn đề) để gây vết thương lòng...
"Lá Sen đi tu" là sáng tạo độc đáo của Thi sĩ, đã nhân cách hóa cái Lá Sen (ám chỉ cái Cô Nàng) ẩn dụ như “Lá Diêu Bông" của Thi sĩ Hoàng Cầm...Cái bi kịch là "chớm xuân mà đã thu rồi"- Lời thề của Nàng "thơm" như gió nội hương đồng nên nó bay đi (lời thề gió bay) để Chàng thật không ngờ...?
Ở trên là "Lá Sen... đi tu" (mở), kết là "Lá Sen rách" - trên "tu"/ dưới "rách" đối chọi nhau, coi như 2 "chữ mắt" (nhãn tự) được Nhà thơ đặt ở vị trí (đầu/ cuối) rất đắc địa làm tỏa sáng cả câu thơ, gây âm vang trong lòng người đọc...
Câu 5+6 tạo ra một tứ thơ khá đắt - mà tứ thơ là cái ĐẸP toát ra từ chữ nghĩa, ý tưởng và nhạc điệu - Nó hàm ẩn đủ tư tưởng (sợi chỉ đỏ), ngôn ngữ cùng "thi trung hữu nhạc".
Nó là hình tượng thơ diễn đạt được một ý trọn vẹn. Ý đẻ ra Tứ... Đây chính là đặc sản của tâm hồn Thi nhân với một "Thi cách" riêng là thế. Nó là rường cột kết cấu nên bài thơ, làm nổi bật chủ đề của bài thơ (chứa đựng triết lý sâu sắc, nội dung có tầm bao quát lớn), cốt lõi (thành tựu) của bài thơ chốt ở 2 câu:
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa
đã tạo ra một Tứ thơ ĐẸP để đi đến cái "kết" hẫng hụt... “bây giờ
thơm đâu” ? Đau/ mất mát, nhưng không bi lụy- tâm hồn vẫn trong sáng thanh thỏa như hồn chàng Thi sĩ chốn chân quê, kiểu "hôm qua em đi tỉnh về..."
KẾT: bài thơ Hay thật, nhưng chưa toàn bích! phải chăng do Nhà thơ quen làm theo lối tự do, không câu nệ niêm luật nên chưa chú ý về phép luyện chữ, ghép vần của thơ lục bát truyền thống do đó việc chọn "từ" (chữ) chưa thật vần, còn lặp từ như vàng/ vòng, câu 4 đã "Sen" xuống câu 6 lại "Sen"...?
Tuy vậy, điều nổi bật là bài thơ này có "Thi cách Nhà quê" (đạt); "Ý" tuy không mới nhưng lại tạo được Tứ lạ... đó là bữa tiệc tâm hồn của riêng Nguyễn Đăng Luận. Cái làm nên bài thơ HAY ở đây là khởi từ một ý thơ sâu sắc (dù là Cổ Ý) nhưng với tâm hồn thơ sung mãn, đang độ chín, Nguyễn Đăng Luận gặp cảnh (cũ) sinh tình (nhớ Nàng xưa) đã bật ra một Tứ thơ để bạn bè nhớ mãi khó quên.
Góc Thành Nam - Hà Nội, 10-10-2011
Nguyễn Khôi - cẩn bút...
|
Mấy năm nay bài này luôn nằm top 10 bài được đọc nhiêu nhất trên Tôn Vinh văn hóa Đọc . vn). Bài “Lời thề lá sen” đã được tuyển đăng trong nhiều tập thơ như THƠ TÌNH BỐN PHƯƠNG, 210 bài thơ tình hay; Thơ tình đôi lứa... Và nhiều trang mạng trang đăng bài thơ này... Nhiều đến mức LOI THE LA SEN đã trở thành một từ khóa.
Rất lạ nữa là tờ HẢI ĐĂNG nhận được bản chép tay không có tên tác giả, không có tên bài thơ của một cộng tác viên gửi đến họ thấy hay tự đặt cho bài thơ là “Hương Cốm lá sen” rồi đăng lên khuyết danh... Sau khi đăng HẢI ĐĂNG nhận được hơn 50 comment khen hay và họa theo Cốm làng Vòng:
Hương Cốm - Lá sen!
Lá Sen chưa kịp đi tu
Mà Hoa Cúc đã nhuộm thu óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá sen
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa
Không ngờ anh thật không ngờ
Lá Sen rách! Cốm bây giờ thơm đâu?
Chỉ là Hương Cốm, Lá Sen
Mà nên lục, bát ngọt lành lời yêu!
Cũng từ bùn đất mà lên
Đội trời vươn dậy lá sen ao nhà
Nếp thơm mùa mới đơm hoa
Cốm thơm ủ sắc hương qua gói cùng
Mùa thu gọi Cốm Làng Vòng
Tình em gọi nắng giữa trong veo trời
Lá sen gói trọn lời mời
Cốm hương gói ủ tình đời trao nhau
Yêu nhau xin ghé làng Vòng
Để thơm hương Cốm trong lòng lá Sen
" Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa.."
Đẹp và hay
Thơm thay hương cốm làng Vòng
Trách người hái lá sao không được lành
Cuộc tình lỡ để mong manh
Lời thề còn đấy sao đành bể dâu
Lá Sen rách! Cốm bây giờ thơm đâu?
__________
Rời Trường Sơn chưa bao lâu
Đã về Hà Nội xanh mầu cốm non
Cái Kiến là Cái Kiến con
Lá sen một gói cốm tròn ủ hương
"Giận thì giận, thương thì thương"
Dẫu lá rách vẫn vấn vương cốm Vòng.
" Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa.."
----------
Không phải lời thề "của em"
Là thơ bạn ướp hương sen giữa mùa
Làng Vòng hương cốm ngày xưa
Lời thề đã gửi vào Chùa ăn chay!
Thơm thay hương cốm làng Vòng
Trách người hái lá sao không được lành
Cuộc tình lỡ để mong manh
Lời thề còn đấy sao đành bể dâu
---------
Lá Sen rách có tại người?
Hay tại đường đời trầm kiếp bể dâu
Lỡ tình đành để kiếp sau
Lá sen chẳng rách thơm lâu cốm Vòng!
Rời Trường Sơn chưa bao lâu
Đã về Hà Nội xanh mầu cốm non
Cái Kiến là Cái Kiến con
Lá sen một gói cốm tròn ủ hương
"Giận thì giận, thương thì thương"
Dẫu lá rách vẫn vấn vương cốm Vòng.
------------
Cốm Vòng thơm ở làng Vòng
Lá sen rách để trong lòng đầm sen
Cái Kiến là Cái Kiến Đen
Giận thương cũng chỉ mình em thôi mà!
Đừng có thi...với Người ta!
Lá rách chút, có sao đâu
Cốm vẫn thơm ngậy, và màu vẫn nguyên
"Lời thề hôm ấy của em"
Hoa cúc ấy mãi trinh nguyên một thời
Rách ít thì cũng rách rồi
Gói vào chỉ tổn Cốm rơi xuống đường
Lời thề dẫu có còn vương
Cũng đành dang dở đoạn trường phôi pha!
Lá rách đùm tiếp lá lành
Giữ nguyên hương cốm,lá xanh bốn mùa
Cúc vàng nhớ lại Thu xưa...
Hạ qua,Thu tới giao mùa vậy em!
Rách chút thì có sao đâu
Thương nhau vẫn trọn trước sau thôi mà .
Trần gian lắm nổi can qua
Bão gầm gió xé rách là thương thôi
Lá sen hương cốm làng vòng
Gió thu gói trọn vào lòng say mê
Anh ơi mình hãy cùng về
Nâng niu gói cốm, em thề, của em!
Lá sen gói cốm làng Vòng
Cái hương cốm ấy để lòng anh say
Bây giờ sen rách cốm bay
Cái hương nó cũng đọa đầy nơi mô.
Ước gì hóa được thành sen
Để nguyên lá thắm bọc em cốm Vòng
Hương thơm cốm mãi đượm nồng
Giữ nguyên vẹn cốm trong lòng lá sen
Anh nâng niu thế cơ mà,
Lá sen sao nỡ rách ra hả trời.
Cốm làng Vòng rụng tả tơi,
Thảo thơm vương vãi, buồn ơi là buồn..
Lá rách đùm tiếp lá lành
Giữ nguyên hương cốm,lá xanh bốn mùa
Cúc vàng nhớ lại Thu xưa...
Hạ qua,Thu tới giao mùa vậy em!
* Rách chút thì có sao đâu
Thương nhau vẫn trọn trước sau thôi mà.
Trần gian lắm nổi can qua
Bão gầm gió xé rách là thương thôi
Lá sen gói cốm làng Vòng
Cái hương cốm ấy để lòng anh say
Bây giờ sen rách cốm bay
Cái hương nó cũng đọa đầy nơi mô.
-----------
Cảm thương Sen rách Cốm bay
Trách ai? Ai trách? Sen này? Cốm kia?
Sen rách có phải tại Người?
Cốm Vòng rơi rụng tả tơi phương nào
Đất thì thấp-Trời thì cao
Cốm Vòng thơm biết đường nào để đi!
Tôi từng ghé qua làng Vòng
Mà tìm hương cốm... mất tong nửa đời .
Đành về quê cũ xa xôi
Ngẫm câu "bèo dạt mây trôi" lại buồn
Không ngờ anh thật không ngờ
Lá Sen rách! Cốm bây giờ thơm đâu?
Xin anh đứng mãi âu sầu
Sen mùa này rách, mùa sau sẽ lành
Cốm thơm từ bông nếp xanh
Đất không trồng lúa, ruộng thành lầu cao
Còn đâu hương vị ngọt ngào
Mầu xanh hạt cốm đi vào giấc mơ...
Đọc những lời bình của các bạn về bài thơ : Lời thề lá sen Tôi sung sướng quá muốn khóc thật to mà không khóc được mắt tôi đầm đìa nước mắt Cảm ơn " ĐÔI MẮT CỦA ĐÊM " Cảm ơn các bạn nhiều nhiều lắm HN 06.10.2011 Nguyễn Đăng Luận
( Bài Lời thề lá sen đăng báo VĂN NGHỆ số 16 năm 1988 )
LỜI THỀ LÁ SEN – Lời bình của Ngô Hồng Nhung
- Bằng sự tinh tế và nhạy cảm, nhà thơ đã phát hiện và khẳng định những nét đẹp hiện hữu trong những sự vật bình thường của đời sống: lá sen, hoa cúc, cốm Làng Vòng,… Tất cả những sự vật đời thường ấy được tác giả xâu chuỗi lại mà nên thơ, giàu chất thơ, chất trữ tình hiện đại.
Tác giả Ngô Hồng Nhung
LỜI THỀ LÁ SEN
Lá sen chưa kịp đi tu
Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá sen
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa
Không ngờ anh thật không ngờ
Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?
(Buổi Ban Đầu – Thơ tình Nguyễn Đăng Luận NXB Hội nhà văn 2003)
Sao mỗi lần đọc đến thơ Nguyễn Đăng Luận là tôi cứ thấy thương cho cái hồn thơ yêu đời, yêu người lắm mà hình như chưa bao giờ tác giả được đáp lại, được trân trọng cái tình chân thật, đầy hoài mong và cũng đầy khắc khoải ấy! Mà biết đâu đó chính là cái ý đồ nghệ thuật, cái nét riêng bình dị đáng quý của tác giả? Dù với dụng ý nào thì trong thơ Nguyễn Đăng Luận ta không thể phủ nhận thi chất của người nghệ sĩ. Thơ ông có sự kết hợp hài hòa những cảm thức thẩm mỹ giống lối thơ cổ của Nhật Bản- không quên bản ngã và cái đẹp được song hành.
Đối với Nguyễn Đăng Luận, thơ với đời, đời với thiên nhiên là một, trong sự gắn kết mật thiết. Khi đánh giá thơ ông, tôi không quá chú trọng đến thể thức, vần, nhịp điệu vì trong hai bài bình : “Lời thề lá sen” của Nhà thơ Ngô Quân Miện, nhà thơ Nguyễn Khôi đã nói rất rõ ràng rồi. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không cần thiết bởi thơ là sự sáng tạo độc đáo bằng trí tưởng tượng bay bổng của người nghệ sĩ nên thơ phải có được tính thơ, tính nhạc và tính họa thì nó mới có được sự cân đối chỉnh thể về nội dung và hình thức. Điều này, nhà thơ đã làm được nhưng với sự cách điệu rất riêng không thể cưỡng ép, một phong cách riêng của Nguyễn Đăng Luận!
Bằng sự tinh tế và nhạy cảm, nhà thơ đã phát hiện và khẳng định những nét đẹp hiện hữu trong những sự vật bình thường của đời sống: lá sen, hoa cúc, cốm Làng Vòng,… Tất cả những sự vật đời thường ấy được tác giả xâu chuỗi lại mà nên thơ, giàu chất thơ, chất trữ tình hiện đại.
Đến với bài thơ Lời thề lá sen, ta bắt gặp chính những điều tôi vừa nêu ở trên đó là tác giả đã khéo léo mượn vật, mượn cảnh để ngụ tình. Nghệ thuật miêu tả mà tác giả vận dụng đó là mượn “Không gian mùa” để thể hiện ý và tình của mình nên tôi thiên về cảm nhận hơn là sự phân tích câu chữ trong bài thơ.
Không gian trong thơ Nguyễn Đăng Luận luôn có sự vận động và phát triển song song với sự vận động và phát triển của thời gian. Nói đến Sen là ta ngầm hiểu mùa xuân, điều này ai cũng biết nhưng đó không phải là điều tác giả muốn nói. Cách nói “Lá sen chưa kịp đi tu” là cách nói, cách hiểu mới mẻ và trừu tượng bởi tác giả đã mượn tính Thiền tông của nhà phật làm cho cách nói ấy đã trở nên vô ngại, tự nhiên. Cái điều tác giả bâng khuâng vẫn là sự trôi nhanh của thời gian và sự biến đổi của không gian mùa (từ xuân đã vội vàng qua hạ đến thu) khiến cho con người chỉ kịp thốt lên một lời tiếc nuối “chưa kịp” “ mà… đã” và nhân vật trữ tình “ lá sen” – một hình tượng ẩn dụ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh một người con gái đang ở độ tuổi xuân thì tươi đẹp đã vội vàng chớm nhạt, chớm phai trước sự tác động của ngoại cảnh “ Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng”. Phải chăng sợi tơ rung của thời gian đã tạo nên một khúc ngân vào không gian bao la của vũ trụ để con người bắt gặp chính mình. Có lẽ thế nên bài thơ đã thắp sáng tâm hồn, cảm xúc của tác giả qua sự bày tỏ và trân trọng “ Yêu em mua cốm làng Vòng, Nâng niu anh gói trong lòng lá sen”. Bây giờ không phải e dè nữa mà là “ Yêu” là “ Nâng niu” bằng cả tấm lòng, bằng cả cảm xúc đam mê, lãng mạn và chân thành của nhân vật trữ tình trong tình yêu.
Trong cuộc sống thường nhật, con người luôn bị cuốn hút vào vòng danh lợi nên không phải ai cũng có thể phát hiện từ trong cái bình thường, đơn sơ, mộc mạc, e ấp mà lại chứa đựng ý nghĩa nhân sinh cao thượng đó là tình cảm đẹp, trong sáng và hoàn hảo đến mức ta nghĩ sẽ không bao giờ tan vỡ bởi “Lời thề hôm ấy của em, Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa”. Tác giả nhìn cuộc đời bằng cả niềm tin yêu vô hạn và cũng vô khuyết. Tác giả cứ hòa mình và lặng lẽ dâng tặng cho đời cả trái tim yêu nồng nàn, tha thiết. Mọi khoảnh khắc kỷ niệm đều được tác giả đón nhận và khắc ghi vào tâm trí như chính tình yêu của tác giả cũng rất thắm thiết, nồng nàn và vô hạn.
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng giống ta mong đợi “Không ngờ anh thật không ngờ, Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu”. “Lời thề” ấy của “ lá sen” đã bị lãng quên rồi, dầu có cầu mong tha thiết như tác giả Hà Huyền Chi trong bài thơ Thì Như Sông Cạn cũng có ai hiểu được:
Xin đừng quên tôi
Hoa van tình người
Mai tàn hương sắc
Vui còn thoáng vui
Em là hoa sen
Hương bay màu thiền
Tôi là con ếch
Trong hồ lãng quên
………………….
Xin đừng quên tôi
Van chi tình người
Thì như lá chết
Mang theo ngậm ngùi…
Có thể Nguyễn Đăng Luận cần sự lãng quên nhưng những vần thơ nuối tiếc đến “Không ngờ” thì cứ vang vọng mãi trong lòng người đọc.
Đến giờ ta có thể nói bài thơ lục bát đã có sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, âm điệu, sự chọn lọc hình tượng và sự phối hơp giữa cảnh với tình thể hiện được cái tài thơ và tình thơ của tác giả. Chính cái cảm giác bỡ ngỡ, lạ lùng, hụt hẫng… đã tạo nên những vần thơ đong đầy những cảm xúc sâu sắc, tế nhị và tình cảm thánh thiện trong hồn thơ Nguyễn Đăng Luận.
Ngô Hồng Nhung (GV văn - Trà Vinh)
Và bài thơ LỜI THỀ LÁ SEN mới đây đã được nhạc sĩ Dân Huyền -
Đài tiếng nói Việt Nam phổ nhạc.
Nhạc sĩ - nghệ sĩ Dân Huyền, sinh năm 1938 (Mậu Dần)
Hàng ngày nhạc sĩ vẫn sáng tác nhạc bên máy vi tính
Với những ca khúc nổi tiếng như: Bên lăng Bác Hồ,
Gửi anh một khúc dân ca, Lắng tiếng quê hương…
từng phát lên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng với ông tâm hồn vẫn chưa ngừng nghỉ.
Ông viết nhạc, làm thơ, viết báo…
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Ucraine, 15/09/2013 - Biên tập Đỗ Thị Hoa Lý
|