Ảnh nguồn - Internet
Mười năm sau, tôi mới trở lại Buôn Đôn. Niềm thắc thỏm thật lạ ở một người không ít trải nghiệm. Trong tôi, Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn - đất và người vẫn tươi rói biết bao kỷ niệm. Không nhiều chuyến đi của nhà báo để lại những cảm xúc với tôi như thế.
Ấn tượng
Lần ấy trên đường về Buôn Đôn, trong tôi văng vẳng lời ca thời thơ bé “chú voi con ở Bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con…”. Mục đích chuyến đi là khảo sát nhận thức của trẻ em dân tộc ở trường cấp 3 huyện Buôn Đôn. Bỏ qua thủ tục hành chính, tôi về thẳng trường. Thật may, tôi đã gặp được thầy Thái hiệu trưởng người Quảng Bình. Vừa gặp là nhận ra ngay, đây là người từng trải. Thầy có vốn kiến văn vô cùng phong phú, sự hiểu đời sâu sắc và đầy một bầu nhiệt huyết với công việc và mọi người. Khi xa nhà, nếu ta gặp được người như thế thì mọi chuyện sẽ trở nên tuyệt vời.
Công việc nhanh chóng được hoàn thành và thầy hiệu trưởng trở thành hướng dẫn viên du lịch chở tôi rong ruổi trên chiếc xe Honda của ông. Nếu ở trong trường, tôi ấn tượng với một môi trường giáo dục lý tưởng và những đôi mắt trong veo của các em học sinh người dân tộc, thì dọc đường tôi được chiêm ngưỡng những phụ nữ dân tộc ăn mặc sặc sỡ chăm chỉ làm nương, mùa cà phê nở hoa trắng muốt bạt ngàn, rừng quốc gia Yok Đôn xanh mướt đại ngàn. Tây Nguyên ở đâu đó bị tàn phá, còn Buôn Đôn đất và người và đại ngàn như thể vẫn vẹn nguyên.
Bản Đôn đã trở thành khu du lịch nhưng vẫn sơ sài, thô tháp. Loáng thoáng mấy nhóm khách Tây ba lô. Trước hết, tôi vào nghĩa trang để xem tượng nhà mồ. Tượng được tạc bằng gỗ thô sơ. Những mộ lớn của các “vua” săn voi được trang trí xung quanh là nhũng quần thể tượng nam nữ khỏa thân và đang thực hành nghi lễ giao hợp. Bên cái chết, tượng nhà mồ cho ta cảm xúc lẫn lộn, vừa hồn nhiên đáng yêu, vừa sùng kính ngưỡng mộ, vừa xuề xòa dân dã...
Ở khu du lịch có một đàn voi đông đảo cả trăm con hùng hậu. Con nào cũng trẻ trung, cường tráng, nhanh nhẹn, béo tốt và hùng dũng. Chúng ào ào tràn qua dòng Sêrêpốk đỏ au chảy siết, thật dũng mãnh. Lần đầu tiên tôi và các vị khách đứng lẫn cùng bầy voi to lớn mà không hề sợ sệt. Voi là con của rừng, cứ như thể các chú vừa bước ra từ đại ngàn. Bỗng trào dâng một sức mạnh thần bí ẩn chứa biết bao năng lượng của đại ngàn cao nguyên.
Chợt hiểu
Trở lại Buôn Đôn, tôi không có dịp về ngôi trường cũ. Thầy hiệu trưởng cũng đã chuyển trường. Tôi gọi điện hỏi thăm ông. Ông hẹn qua chỗ tôi ở, nhưng vào giờ hẹn, ông lại báo có việc riêng phải đi gấp. Không gặp được ông thật tiếc, bởi với tôi, ông là một ấn tượng cao nguyên.
Từ thành phố, tôi trở lại Buôn Đôn (khoảng 25 km), dọc đường cà phê vẫn xanh mướt nhưng không thấy bóng những phụ nữ dân tộc thổ cẩm sặc sở. Những hàng thông cổ thụ kỳ vĩ hai bên đường đã được đốn hạ dành chỗ cho tiêu, điều, cà phê, cao su.
Những cánh rừng đại ngàn bất tận thiêng liêng dọc đường đã biến mất. Đất đỏ, tiêu, điều, cà phê, và cao su. Một cao nguyên loã thể, phô bày, nhiều tiền, hãnh tiến. Chắc là nhiều người đã giầu có hơn, nhiều người đã nghèo khó hơn. Giầu và nghèo và không gian sống và tinh thần con người không biết có quan hệ gì với nhau không. Tôi chợt linh cảm hình như cao nguyên đã đánh mất căn bản của mình. Chúng tôi dừng xe dọc đường, đứng nhìn bốn phía mênh mông tiêu, điều, cà phê, cao su và sự giầu có. Mênh mông thế chắc chỉ của vài ông chủ. Một cao nguyên hoàn toàn khác.
Tôi thăm lại những pho tượng nhà mồ. Mười năm sau, nhiều quần thể tượng rất đẹp và hoành tráng hơn xưa. Có người nói, tượng đắp bằng xi-măng, bởi gỗ rừng không còn. Tương xi-măng đẹp thật nhưng nó không ăn nhập gì với nhà mồ. Khu du lịch Buôn Đôn đã rất sầm uất, ồn ào, thịnh vượng. Rõ ra một khu du lịch sành điệu thời mở cửa. Khách Tây rất ít mà chủ yếu là khách ta. Hình như toàn những người giầu.
Tôi gặp lại đàn voi xưa. Một bầy voi hùng dũng cả trăm con trẻ trung, béo tốt nay chỉ còn lèo tèo khoảng gần hai chục con già nua, chậm chạp, gầy còm, ốm yếu và buồn bã. Hỏi mới biết, rừng hết, voi tự nhiên không còn, voi nhà không sinh sản, voi Buôn Đôn mai một dần. Những chú voi con không ở Bản Đôn nữa.
Tôi đến thăm nhà một cố nhân, cô con gái cao lớn nói Amacông đang nằm ở gian trong nhưng yếu lắm, ý không muốn các nhà báo vào thăm, dù biết chúng tôi từ xa đến. Chị mời chúng tôi chén rượu thuốc của nhà, chúng tôi mua mấy gói thuốc đặc sản làm quà. Một người đàn ông biểu tượng của Buôn Đôn, biểu tượng của cao nguyên, một thương hiệu rượu lừng danh thế mà khách phương xa đến nhà uống rượu không dậy được nữa.
Nỗi niềm
Khi viết bài này tự dưng tôi thấy mình hơi buồn. Cuộc sống luôn biến đổi buồn hay vui nhiều khi cũng chả có ý nghĩa gì. Cảm xúc con người cũng luôn luôn biến đổi buồn đấy, rồi lại vui đấy. Thực ra, tôi và cao nguyên cũng chẳng có quan hệ gì. Chỉ vì lỡ yêu một cao nguyên huyền bí, kỳ vĩ và phóng khoáng mà vẩn vơ thế thôi.
Nhưng tôi tiếc đại ngàn, dẫu biết tiêu, điều, cà phê, cao su và một vài thứ nữa mới mang lại giầu có cho cao nguyên. Tôi tiếc những hàng thông cổ thụ thánh thiện dọc đường; những sắc màu thổ cẩm của phụ nữ dân tộc chăm chỉ làm nương; những pho tượng nhà mồ bằng gỗ thô sơ, hồn nhiên, ngây ngô; những lễ hội bỏ mả, lễ hội đâm trâu tưng bừng thấu đêm suốt sáng; tiếng chồng chiêng ngân nga thăm thẳm tâm hồn.
Tôi tiếc Buôn Đôn khu du lịch hoang sơ, gần gũi và huyền bí. Tiếc đàn voi Buôn Đôn cả trăm con hùng dũng, trẻ trung, béo tốt nay còn lèo tèo khoảng hai chục con già nua, còm nhom, ốm yếu, chậm chạp và buồn bã. Ở khu du lịch Buôn Đôn, khách hào hứng mua cao voi, đồ mỹ nghệ ngà voi, nhẫn lông voi về làm quà. Những vật phẩm làm từ voi bán rất chạy và đắt. Nghe đồn chúng thiêng lắm, luôn mang lại may mắn cho người sở hữu. Một con voi bị giết sẽ mang lại sự giầu có cho biết bao người và mang lại niềm vui cho biết bao du khách.
Có cách nào giầu có nhưng giữ được cao nguyên vẫn là cao nguyên không. Vẫn giữ được những khu rừng hiếm hoi còn sót lại. Vẫn giữ được không gian cồng chiêng, lễ hội từng bừng thổ cẩm của đồng bào dân tộc. Vẫn giữ được đời sống hòa thuận giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và con người nơi ngàn đời đại ngàn linh thiêng.
Có cách nào tháo những chiếc ghế/cùm trên lưng những chú voi già cuối cùng kia để trả các chú về rừng sống tự do những tháng ngày cuối cùng của kiếp voi không?.
Nguyễn Linh Khiếu (PGS-TS Triết học - Hội nhà văn Việt Nam
- Hội nhà báo Việt Nam)
|