Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  BẠN CÙNG LỚP - Truyện ngắn của Ngọc Châu BẠN CÙNG LỚP - Truyện ngắn của Ngọc Châu , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

    Ảnh minh họa - Internet

          Các cậu ơi! Hình như muôn loài đều có bạn, cún có bạn cún, miu có bạn miu. Tớ mới chỉ được xem con sư  tử trên ti-vi nhưng ông gác trường rất hay nhăn nhó kêu ca “Chết cha tao rồi, không ngờ ngay cả sư tử Hà Đông cũng biết tìm đến nhau kết bạn!”

Chẳng hiểu có thật thế không. Mà tại sao bác ta nhăn nhó thì tớ hổng biết. Trẻ con như bọn chúng mình khỏi phải nói đến chuyện gặp nhau hoặc nện nhau rồi kết bạn. Tớ nghĩ giữa các loài, khác nhau chăng chỉ là ở cách chơi với nhau thôi. Nói thế là do tớ đã đọc mấy cuốn truyện về sinh vật học, họ viết rằng  một số loài có thể  xơi tái nhau sau khi kết bạn, đặc biệt là khi kết bạn... tình, tỉ dụ như loài nhện nước chẳng hạn. Eo ơi, vậy thì cứ tránh xa kiểu bạn như thế đi, có phải hơn không?

          Nhưng sẽ hiếm có cặp bạn nào giống như tớ với thằng Châu béo, tớ nghĩ thế. Chúng tớ chẳng có tí hơi hướm họ hàng thân thuộc nào, tính nết lại khác nhau như dưa lê với mướp đắng, hình thù thì một Âu một  Phi - đúng hơn là một Á một Phi vì tớ tuy có trắng trẻo, nhưng còm nhom như củ khoai ba giăng moi trộm ở cánh ruộng bạc mầu, còn thằng Châu béo có gien củ súng nên được bọn cùng lớp gọi là Lôi long còi.

Tớ có đầy đủ cha mẹ còn hắn ở với bà cô họ, vừa đi học vừa giúp việc nhà trong khi  bà cô bán hàng tạp hoá ở phố chợ. Nó cũng có một ông chú họ nữa còn bố mẹ thì thấy bảo di tản rồi mất tích, mất từ bao giờ và tại sao lại di thì tớ mù tịt, vì hắn chẳng bao giờ kể về những chuyện ấy cả.

Tớ khoái đọc truyện và nghịch ngầm, thích mó máy cây đàn ghi ta của anh Báu để ở nhà trong khi anh ấy đi công tác, còn hắn chỉ thích đá bóng. Khi kiếm đâu được quả bóng nó hay rủ tớ ra sân đình nhưng dù tinh thần thể dục có cao đến đâu, mà thấy quả bóng da toạc chỉ méo mó đang ở chân nó thì tốt nhất đừng chọc chân mình vào, không thì thể nào cũng phải cầu viện đến lọ dầu cù-là, vì chân nó rắn như gạch nung. Với lại hồi đó chưa có các loại thẻ đỏ thẻ vàng nên cả tây cả ta cứ việc đá vào chân nhau thoải mái, không hiếm trường hợp một Pêlê phải bó bột khiêng ra ngoài sân do cú sút sát thủ (thày dạy văn bảo phải gọi là sát cước) của một “thù cẩu” chân đất ba trợn nào đấy.

          Lớp chúng tớ có đến bốn đứa tên là Châu, ngoài tớ và Châu béo còn hai đứa con gái nữa. Cái Thuỳ Châu không có biệt hiệu gì, Liên Châu có mấy cái răng cửa không chịu nấp sau môi, anh Báu tớ mách nước cho bọn chúng gọi là Cachia.  Ban đầu con bé không biết đâu, có vẻ khoái với tên của người Nga, đến khi hiểu thế có nghĩa là “Cả chìa" thì nó tức phát khóc lên. Khóc ghê gớm ấy, bỏ học mấy hôm nữa cơ, mãi sau cô giáo bắt bọn tớ xin lỗi, hứa là sẽ xoá khỏi bộ nhớ cái tên ấy, Liên Châu mới chịu đi học tiếp. Nó đi trong sự bảo trợ của toán con gái cầm thước kẻ dài, thằng nào lỡ mồm Ca... một cái là bị chúng xúm vào quật cho ngay.

Tất cả là do buổi điểm danh đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm nói đùa “trâu bò ở đâu mà kéo về đây lắm vậy”, từ đấy bọn chúng gọi lớp tớ là lớp "Tứ  Ngưu" - mặc dù chẳng có đứa nào tuổi sửu và rõ ràng ý nghĩa chữ "Châu" hoàn toàn khác với chữ "Trâu". Chúng gọi thằng Tri Châu  là Trâu béo, tớ là Trâu gầy, thậm chí con bé lớp trưởng có kì đã quen tay điền tên hai thằng như vậy vào sổ danh bạ học sinh!

          Tuy vâm ra phết nhưng Châu béo thực ra là thằng  rất hiền, chỉ là kẻ đổ vỏ trong những cuộc ăn ốc ma quái của lũ ranh ma ốm o. Tuy nhiên khi đã có chuyện gì được coi là đúng ở trong đầu thì có rũ cũng không văng đi được, kể cả khi bọn tớ chê bai, tranh cãi hoặc thuyết phục. Ví dụ nó rất thích thể thao nên không thèm chơi với những đứa yếu ớt và dị tật. Chỉ riêng tớ là một ngoại lệ, khi có đứa nào trêu cợt chuyện bồ nông cặp kè với chim chích nó thường dẫn lời của ông chú nó - nghe nói có thời đã là võ sĩ quyền Anh - "Tình bạn không kể đến trọng lượng, chỉ có nắm đấm mới cần đem cân thôi!", nhờ nó mà tớ không  bị bọn  khác bắt nạt như hồi còn đi học cấp một. 

          Ngoài tôi ra Châu béo không thích những người ốm o tật nguyền, nó rất khoái  cách giáo dục khắc khổ của người Spacta thời cổ Hy Lạp  mà chúng tôi đều biết qua môn Lịch sử thế giới nghĩa là khi trẻ con đẻ ra  đứa nào yếu ớt tật bệnh  thì người ta giết luôn đi để cho dân tộc họ còn toàn những chiến binh mạnh mẽ, những anh hùng sẵn sàng chiến thắng kẻ thù. " Nuôi bọn chúng làm gì, chỉ tốn cơm hại nước mắm ?!" Tên Voi còi này thường bảo thế, thậm chí với những con vật bị què quặt nó cũng không thương mà còn đá cho mấy đá để chúng cút đi cho khuất mắt.

          Ở cái tuổi chỉ chịu xếp hạng sau quỉ và ma chúng tôi luôn gây ra sự cố, tôi và mấy tên nữa là đầu trò,  nó là kẻ ăn theo tích cực.Voi còi thường làm hỏng mọi chuyện cần phải kín đáo, nhưng nếu không có nó tham dự thì chẳng có trò nào vui, có lẽ  giữa bọn nhanh nhảu đoảng phải có một tên thật thà hư thì mọi chuyện mới xôm trò, ngoài ra Châu béo còn có thói thích trích dẫn thành ngữ ca dao mà đa phần là trích dẫn sai, mỗi lần như vậy  lũ chúng tôi lại ôm bụng mà lăn lộn vì buồn cười và khoái trá.

          Một lần trong giờ văn, thày Hoàn đang giảng bài ca dao “Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta..” nói về tình cảm thắm thiết của người nông dân đối với trợ thủ  bốn chân hai sừng đắc lực của mình trong công việc đồng áng. Thày dừng một chút rồi hỏi :

          -Các em biết những câu thành ngữ, ca dao gì nói về nhà nông với con trâu nhỉ ? Em nào biết thì  đọc ra xem nào- Thày giáo chỉ thằng Hun ngồi ở bàn đầu bảo nó lấy phấn  ghi lên bảng những câu thành ngữ của các bạn nhớ ra.

          -Thưa thày “Trâu ta ăn cỏ đồng ta” ạ-Tôi nhanh nhảu nhưng không đến nỗi đoảng lắm vì  thày giáo gật đầu, đưa tay ra hiệu cho Hun  ghi lên bảng trong khi  có đứa con gái nào ngồi bàn sau  véo vào lưng tôi với câu nói “ Trâu ta nghẹn khoai đồng Đoài chứ ?!”

          Tiếng cười rúc rích nổi lên vì hôm chủ nhật vừa rồi mấy đứa quả là có bới trộm khoai ở cánh đồng làng Đoài, lúc vơ gốc rạ nướng xong thì thấy có người ra ruộng, thế là cả bọn vừa lủi vừa ăn, vội vàng đến nỗi nghẹn cứng ở cổ!

          - Thưa thày “Trâu đực ghét trâu ăn” ạ!- Vào đúng lĩnh vực sở trường của Châu béo nên nó vội vàng lên tiếng. Nhiều đứa chưa kịp phát hiện chỗ sai của Voi còi thì cái Luyến mà chúng tôi vẫn gọi chệch là cái Liến vì nó luôn liến thoắng như sáo sậu đế ngay:

          -Thưa thày, bạn Trâu béo hôm nọ đi mót lạc còn mắng chúng em là “Trâu chậm uống nước ruộng ?!” ạ!

          Cả lớp lăn ra cười trong khi thầy giáo nhăn mặt, nhưng thầy là người  tinh tế và nổi tiếng hài hước trong các thầy cô ở  trường nên chỉ giơ tay ra hiệu giữ trật tự rồi hỏi tiếp:

          - Tri Châu, em còn biết câu thành ngữ nào nữa không?

          Châu béo đực mặt ra một tẹo, hắn gãi mũi không hiểu các bạn cười mình sai ở chỗ nào nhưng thấy thầy giáo có vẻ khuyến khích  nên  liền xổ ra một tràng:

          -Thưa thày em thấy cô em vẫn hay nói  : "Trâu chậm uống nước dơ, trâu tơ ăn cỏ héo" với lại "Con trâu là đầu.. là đầu.. sự nghiệp ạ".

          Đến lúc này thì thày Hoài cũng không nhịn được phải phì ra một tiếng cười, bọn chúng tôi thì còn phải nói, đứa nào cũng cười nghiêng cười ngửa, đấm lưng nhau thùm thụp.

          Thày giáo gõ thước kẻ để cả lớp giữ trật tự trở lại. Thày nói :

          -  Những câu các em vừa nói phải nhớ cho chuẩn xác là :"Trâu buộc ghét trâu ăn"; "Trâu chậm uống nước đục"; câu này gần ý nghĩa với câu"Trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo". Các em phải nhớ là trâu ngơ, nghĩa là con trâu ngu ngơ, chậm chạp và "Con trâu là đầu cơ nghiệp" ý nói đối với nhà nông con trâu là tài sản quí giá, tài sản hàng đầu của họ. Đừng có nhớ nhầm là "đầu sự nghiệp" như em Tri Châu vì "sự nghiệp" là chỉ kết quả, thành tựu đáng kể của con người ta trong cả một đời hoạt động.

Thày giáo ngừng một chút, cho Châu béo ngồi xuống và  bảo thằng Hun về chỗ rồi thày giảng tiếp :

- Việc sử dụng thành ngữ ca dao làm cho ngôn ngữ  trở nên phong phú và sâu sắc, lại kế thừa được tinh hoa của người  xưa truyền lại vì những câu đó gần như là những chân lý đã được bao nhiêu thế hệ ông cha chúng ta đúc kết từ kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm xã hội và lịch sử mà thành. Chỉ cần một câu tục ngữ dùng đúng chỗ các em có thể thay thế cho nhiều câu diễn giải khác. Thày nói ví dụ khi một em nào đó buông câu " Trâu buộc ghét trâu ăn" là đã quá đủ để diễn giải một cách chính xác việc có ai đó tỏ ra ghen tị, dèm pha, tức tối với thành công hay may mắn của bạn vì mình không được ở vào trường hợp của người bạn may mắn đó. Tuy nhiên muốn sử dụng có hiệu quả thì việc đầu tiên là phải học thuộc,  nhớ đúng từng từ của các câu ca dao, tục ngữ, sau đó phải hỏi mọi người để biết rõ  ý nghĩa và ngữ cảnh sử dụng sao cho chuẩn xác..

 Một ánh hóm hỉnh loáng qua đôi mắt, thầy Hoài nói:

-Lớp này nhiều trâu bò lắm, vậy nên bây giờ tôi sẽ vào vai của em Tri Châu, nghĩa là sẽ cung cấp nhưng không chuẩn xác mấy câu tục ngữ nữa về  các anh bạn "chọi hay cầy dở" này, giờ học sau các em sẽ cùng sửa cho đúng  và thống nhất ngữ cảnh sử dụng. Các em hãy ghi những câu sau đây: "Trâu thịt thì gày trâu cày thì mếu"; "Trâu gày cũng tày bò đá"; " Giàu nuôi trâu cái, lụn bại nuôi bồ nông". Các trò nhớ cả chưa nào ?

          Cả lớp lại cười nghiêng ngả nhưng tôi đoán chắc  khối đứa cũng như tôi cóc biết sai ở chỗ nào, đừng nói là thằng Voi còi!

          Hôm sau lại là ngày chủ nhật, hai đứa định rủ thêm mấy tên nữa cùng  đi câu. Tôi chưa từng nhìn thấy Châu béo câu được con cá nào bao giờ, ngoại trừ vài con đòng đong thảm hại, có con khi bị treo tòng teng ở đầu dây nhìn kĩ thấy rằng nó bị nhấc lên là do mẩu giun quá to so với mồm của nó nên không thể nào tụt ra được, chứ hoàn toàn không phải là do lưỡi câu móc qua mép !. Tuy nhiên bao giờ cu cậu cũng rất hăng hái tham gia. Nó bảo phải đào sẵn giun đỏ để  mai câu cá giếc ở  đầm Đoài. Bọn  này đứa nào cũng biết rằng cá giếc rất thích mồi giun đỏ mà giun đỏ chỉ có ở quanh chỗ phân lợn tuồn ra hoặc ở các bãi bèo lục bình mắc cạn đã mục. Nhà tôi cũng có nuôi hai con  lợn nhưng chuồng rất sạch, phân ngày nào cũng được dọn hót đi ngay nên nhân  tối hôm đó có trăng, chúng tôi  không phải  mang chiéc đèn hoa kì theo, chỉ cần nhổ lên lửng lơ một cây róc ở bờ rào của vườn hàng xóm phía sau nhà tôi là có được một lỗ đủ rộng để chui sang khu chuồng lợn bên đó.   Loại giun này rất dễ nhận dạng , chúng màu đỏ, nhỏ nhắn  rất vừa với lưỡi câu, tuy chưa đứa nào nếm thử bao giờ nhưng trông chúng ngon lành như đám rươi non, thảo nào mà bọn cá giếc mải ăn quên chết.

Trong những chuyện như thế này Voi còi thường không nề hà vất vả hoặc đùn việc cho đứa khác. Nó xắn quần, cầm chiếc thuổng lội phắt qua rãnh nước bẩn ra đào bới ở phía sau chuồng lợn, khi tôi trổ hết tài leo trèo và ép người như con gián để men quanh  móng và tường bao quanh chuồng lợn sang đến nơi mà không bẩn chân (tí nữa thì tôi bị con lợn xề hung dữ tặng cho một cú tợp) thì thấy nó đã đào được gần nửa ống sữa bò.

-Đủ rồi đấy mày ạ- Tôi bảo- Không câu hết đâu, về thôi!

Voi còi ngửng lên nhìn quanh. Lúc đó trăng rất sáng, ánh vàng trải tràn trề lên đám lá cành lao xao của những cây ổi cây khế trong vườn. Nó bảo tôi:

-Gầy ơi, không cần về theo lối cũ đâu. Mày xem kìa, chỉ cần bám cành cây lăng người qua rãnh ở phía này là tới được sân xi măng kia sát tới vườn nhà mày rồi còn gì. Nhổ rào ở chỗ ấy mà về mày ạ!

Đúng là chỉ cách cái rãnh bùn rộng độ  hai mét là một khoảng sân láng xi măng sáng lấp lánh dưới ánh trăng. Tôi còn đang lo không biết mình nhẩy lên có với tới cành cây hay không thì Voi còi đã đưa chiếc thuổng vào tay tôi, nó nhẩy phắt lên bám vào cành ổi lăng người về phía trước để vượt  qua rãnh.

Một tiếng "oạp" to tướng vang lên, nước bắn  tung toé. Tôi gạt những thứ gì dính bám trên mặt mình nhìn xuống thì chỉ thấy đầu và vai Voi còi nổi lên khỏi chiếc "sân xi măng"! Hoá ra đấy là mặt chiếc ao nhỏ phủ kín bèo tấm, thứ bèo mỏng dính nổi trên mặt nước, mỗi cánh bèo to bằng chiếc cúc áo sơ mi, hớt  cả một ao cũng chỉ được độ một rá đủ bữa điểm tâm cho con lợn xề là cùng. Nhưng dưới ánh trăng trông nó sao giống mặt sân xi măng đến vậy!

Trong khi Voi còi lập cập leo lên khỏi chiếc ao cạm bẫy, tôi cũng hoảng hồn vớ vội chiếc thuổng đã rơi xuống đất lúc thằng Voi làm bắn nuớc và bèo lên khắp đầu và mặt tôi, rồi chân nhô chân thụt trên rãnh bùn chuồn vội vàng về vườn nhà qua lỗ hổng cũ vì sợ bà Tèo nhà láng giềng nghe thấy. Bà ta mà ra hát tặng "bài ca năm tấn" thì khỏi cần phải đi câu cũng được bố tôi cho ăn lươn thoả thích.

May là tối hôm đó không còn chuyện gì tồi tệ xảy ra nữa, tuy nhiên công cuộc câu cá giếc đã đi đời nhà ma vì trong lúc rơi xuống ao ống bơ đựng giun đỏ  Châu béo xỏ vòng dây đeo vào cổ tay đã tuột ra và thế là "châu chìm ngọc nát" hết (đấy là nói theo cách  văn vẻ ví von quen thuộc của bà cô bán hàng xén của Voi còi. Trăm phần trăm cu cậu thuổng những câu tục ngữ ca dao từ bà béo này mà ra!). Chỉ biết là lũ mài mại, rô ron ở "sân xi măng" đã được một bữa đại tiệc, biết đâu từ nay về sau lũ này sẽ bảo nhau tri ơn  bằng cách không xúm đễn chỗ hắn thả câu rỉa mồi phá thối, để cu cậu có thể  mở mày mở mặt với chúng tôi khi lần đầu tiên giật  lên được một con cá gì đó cỡ một hai lạng. Khi ấy không biết hắn sẽ thòi ra câu thành ngữ gì để diễn tả niềm vui ít nhất một lần trong đời đã câu được  con cá chính hiệu, có thể sẽ là "A ha! mèo mù vớ cá giếc nhá!" hoặc "Đã bảo mà, thứ nhất tốt mồi thứ nhì ngồi.. chơi!" chẳng hạn!.

          Hôm sau do không có giun đỏ tôi bảo mấy đứa chuyển sang câu lươn. Lũ lươn lẹo này không kén cá chọn canh cho lắm, có lẽ  đem rắn hổ giun mắc vào lưỡi câu chúng cũng "mo phú". Mo phú cũng là thuật ngữ của bà cô thằng Voi còi, có nghĩa là "không sợ",  chẳng hiểu đó có đúng là tiếng Pháp  như Châu béo nói hay không. Tuy nhiên đã có lần bà ta phải nể trình độ tiếng Phớp của bọn chọi con, lần ấy hai đứa tôi cùng cái Luyến (con bé mũi nhòm mồm xấu xí hay phịa chuyện mà chúng tôi gọi chệch là cái Liến) ghé vào quầy tạp hoá mua ngòi bút, trong khi chúng tôi đang mải bới tìm trong hộp ngòi bút thì bà cô Châu béo rầy la hắn chuyện chi đó, cuối cùng tôi thấy bà nói to" Mày muốn làm gì thì làm, chú  mày mà biết  thì liệu thần hồn, còn tao thì mo phú, mo phú nhá!.."

Cái Luyến vốn hay hóng chuyện liền tham gia: " Cô ạ, Trâu béo hôm nọ nó.. nó.. ", rồi bỗng nó xổ ra một tràng : "Be- dần  quit-sơ- măng đờ bông-sên,  Coi -voi quân-sơ-cơi goa-bơi mit-sơ -vét!"

-Mày nói cái gì thế ? - Bà cô bán hàng xén tròn mắt.

-Tiếng Pháp đấy cô ạ, cô bảo Trâu béo nó dịch cho, hồi này nó nói tiếng Pháp giỏi lắm.- Nó phì cười rồi lôi tôi chạy ra ngoài.

-Cái gì, cái gì ? Mày nói lại cô nghe xem nào!- Bà cô độc thân này vốn thích những từ  lạ tai nhưng bọn tôi đã vừa cười vừa chuồn mất dạng.

Con sáo sậu này liến láo thật đấy! Gọi là con Liến quả không sai tí nào. Đấy là câu mấy đứa vẫn trêu Châu béo vì một lần nó bơi qua sông nhặt được nửa quả mít của thuyền bè  nào đi qua đánh rớt, nguyên văn vốn là "Dân bè quăng sơ mít bên sông, Voi còi cởi quần bơi qua vét sơ mít" bọn chúng  nói lái lại nghe  cứ như tiếng Pháp thật!

Tất cả có bốn tên cùng đi câu lươn. Chúng nó chọn chỗ hũm nước có những bãi bèo  lộc bình bao quanh, mắc mồi quăng dây rồi cắm thật chắc cần xuống đất thịt sợ lươn cắn câu lôi mất cả cần. Tôi đã có bí quyết học mót được của ông Hủm ở làng  mẹ tôi khi tôi theo mẹ về ăn giỗ hồi tháng trước, nên đủng đỉnh đi men theo dìa đất ven bờ hồ để tìm lỗ lươn. Lỗ lươn khác hẳn lỗ rắn, lỗ cua ở chỗ không có mà -là cục đất dẻo mà lũ cua đùn ra để che bớt lỗ đi- hoặc vết nháp do da rắn bò qua để lại. Lỗ lươn nhỏ, trơn, lập lờ mép nước, nhìn là biết ngay. Tôi mắc mồi vào lưỡi câu, nhẹ nhàng tuồn cho miếng mồi rơi sâu vào lỗ đến  hết cỡ thì thôi, sau đó ngồi im chờ đợi.

Bọn lươn lẹo là một lũ da trơn quỉ quyệt, khi không ở hang chúng thường thích tụ tập quanh chỗ có chà rào thả, hoặc có những cột gỗ như cột cầu ao. Bợp vào  mồi nếu thấy có dây câu loằng ngoằng chúng lập tức bơi vòng quanh cột hoặc chà rào mấy vòng liền khiến không ai nhấc chúng lên được, kéo mạnh tay là đứt cước tắp lự. Không ít lần đi câu lươn tôi và Châu béo đã mất lưỡi và dây cước vì thủ đoạn của bọn chúng. Tuy nhiên lươn om với xả và nghệ thì tuyệt cú mèo, chỉ cần câu được một hai con to to cũng coi là hoà vốn.

 Lần này tôi làm theo cách của ông Hủm : không giật kéo mạnh, chỉ giữ  vừa vừa tay  đừng để lỏng dây quá vì nếu lỏng nó có thể tháo lưỡi câu ra được. Đợi khi cu cậu không co kéo nữa mà nằm im chịu trận hãy bất ngờ búng vào dây cước. Bất thình lình  đau nhói ở mép cu cậu lỏng thân ra và bị lôi lên một đoạn, khi nó giẫy mạnh phải hơi nới để không bị đứt dây cước cho đến khi nó nằm yên trở lại. Búng tiếp vài  lần như vậy thì có thể thò ba ngón  tay tạo thành cái kẹp chịt cổ cu cậu lôi tuột ra ngoài.

Tôi giữ kín bí mật này nhưng mới bắt được ba con (không kể một con thoát mất có lẽ do tay chân hãy còn hậu đậu ) thì có tiếng la ó ở chỗ bọn chúng. Tôi vội vàng chạy về thì thấy Châu béo- đúng là Châu béo rồi- đang sặc nước chìm xuống đáy hồ. Không kịp nghĩ ngợi gì hơn tôi nhảy đại xuống hồ bơi ra cố hết sức để cứu nó (tôi tuy nhỏ người nhưng bơi  giỏi vì vài ba năm rồi phải thường xuyên đội chiếc thuyền  nhỏ gò bằng tôn mỏng ra hồ này vớt rong bèo cho mẹ tôi nuôi vài con lợn). Tuy nhiên  thằng Voi rất nặng, không thể đẩy được nó lên mà tôi còn uống mất mấy ngụm nước vì nó quá hoảng hốt cứ bám chặt lấy tay tôi. Không biết phải làm thế nào  tôi đành hít một hơi thật sâu lặn xuống chui đầu vào giữa hai đùi đội nó lên rồi cứ thế lội dưới bùn đáy hồ đi vào phía bờ. Do hai đứa không ở xa bờ cho lắm nên sau dăm bước lội chìm tôi đã vào đến chỗ nông, nhô được đầu lên thở lấy thở để, lúc này sức nặng của nó lại làm tôi loạng choạng bổ ngang bổ ngửa, may mà  còn mấy đứa dù không biết bơi cũng lội đại ra xúm nhau lôi được Châu béo lên bờ.

Voi còi không bị ngạt  vì uống nước chưa nhiều, nhưng rõ ràng  bị gẫy vỡ  gì ở đầu gối. Nó không thể nào đứng lên được. Chúng tôi phải vào xóm mượn cái võng để cáng lên trạm xá, đi đường nghe chúng nó thuật lại tôi mới biết là trong khi chúng chơi tú-lơ-khơ có con gì cắn câu và nhổ bật cần câu của cái Liến lôi ra ngoài xa, Châu béo cũng bơi được kha khá nên nó lao ngay xuống hồ để túm lại nhưng bị đập đầu gối vào vật gì cứng lắm, nó đau gần như ngất đi, nếu tôi không chạy về nhanh chắc là hôm nay cu cậu  đã được tuyển làm chân bê điếu cho Hà Bá rồi!

Ông y sĩ bảo  chân phải Voi còi bị vỡ xương bánh chè. Tôi đã lặn xuống kiểm tra vật nó va vào thì ra đó là con chó đá do chính ông chú họ -võ sĩ của nó cùng với một người nữa đã đào lên, khiêng rồi lăn bẩy xuống hồ trong phong trào phá bỏ các di vật mê tín dị đoan. Con chó đá này trước đó cùng với tấm bia đá có khắc chữ Nho "Hạ mã" là thần thiêng canh ngôi miếu Chè, mà hồi còn bé tí hin bọn chúng tôi cứ phải rón rén đi cách xa xa mỗi khi có việc qua ngôi miếu đó. Giờ thì miếu đã bị phá, chó đá nằm ngơi đáy hồ mà vẫn còn tác quái với thằng bạn thân của tôi!

Khổ thân thằng Voi còi! Nó phải tiêm, bó bột, nghỉ học chừng một tháng. Ông y sĩ nói nếu nó mà chạy nhảy sớm hoặc ngay cả  khi đã liền lại được mà còn ham đá bóng sẽ bị vỡ hẳn đầu gối ra, có khi phải cưa chân đi cơ. Lũ chúng tôi đều sợ xanh mắt nhưng cái Liến bảo có khi  bà cô nó  ghét Châu béo hay đá bóng nên bảo ông y sĩ dọa nó thế cũng nên.

 Trong những ngày Voi còi nằm ở chõng tre chờ liền xương chúng tôi chép bài hộ và cùng đến học với nhau để nó không bị tụt lớp. Nó buồn lắm bảo rằng trong trường hợp này chắc là người  Spacta sẽ không chấp nhận nó nữa, nếu đầu gối nó không liền lại thì thà chết quách đi còn hơn...

*

*   *

Bao năm đã trôi qua mà chúng tôi không hề gặp lại nhau, kể từ ngày Châu béo xung phong đi bộ đội lúc sắp sửa tốt nghiệp phổ thông trung học. Lúc ấy tôi, tức Châu gày, mới cao có một mét năm ba và cân xô được ba mươi tám kí nên đành tiếp tục học. Tuy vậy rồi tôi cũng trở thành anh bộ đội Hải quân hẳn hoi sau khi đã tốt nghiệp đại học Xây dựng (đấy là nhờ vụ cắt đi cục a-mi-đan vẫn ngự trị trong cổ họng vào năm tôi học lớp chín nên dần dà  cũng  vớt vát đủ chiều cao và cân nặng để nhận quân hàm binh bét vào năm có Tổng động viên.) Hai mươi năm chỉ huy xây dựng công trình cho Hải quân  ở khắp đất nước tôi đã hỏi thăm mọi nơi mà không hề nhận được tin tức gì của nó. Bà cô và ông chú họ của Voi còi cũng đã  chuyển đi từ những  ngày chiến tranh phá hoại ác liệt, không ai biết họ đi đâu.

Voi còi ơi, dù mày còn hay mất  tao vẫn tin chắc rằng mày phải là người  lính giải phóng còn dũng mãnh  hơn  đội quân  của Spac-ta -quit  ngày xưa. Chiến tranh đã qua lâu rồi,  bây giờ nếu được gặp lại nhau chắc mày cũng  sẽ  đồng ý với tao rằng không  phải chỉ  những người khoẻ mạnh và lành lặn mới thành được những anh hùng. Sự nghiệp anh hùng của một con người hoàn toàn không tuỳ thuộc vào việc họ có hình dạng cơ thể ra sao, mà phù thuộc vào việc họ mang trái tim sư tử hay trái tim của loài chuột nhắt. Tuy nhiên quan điểm của mày cũng có những điều nên suy xét, giá mà áp dụng khả năng tiên tiến của khoa học và tiềm lực lớn lao của xã hội ngày nay để  trợ giúp và theo dõi thật chu đáo những người không may đã  mất khả năng sinh sản ra những trẻ con  bình thường, hãy bù đắp hoặc thực hiện việc đền ơn đáp nghĩa cho xứng với công lao và sự thiệt thòi của họ nhưng chỉ nên khuyên họ nhận con nuôi. Như vậy đỡ khổ hơn cho bản thân họ và những đứa bé dị tật sẽ sinh ra..

Vậy là Tứ Ngưu - bốn "con trâu" của những năm học cấp hai đã tan đàn xẻ nghé hết cả, chẳng hiểu mỗi đứa giờ ở những đâu. Hồi sau giải phóng miền Nam tôi chỉ gặp cái Luyến có một lần ở sân ga Huế, hai đứa trên hai chuyến tàu ngựơc hướng. Nó liến láu khen  là  bây giờ trông Trâu gày cũng "trán bánh chưng lưng tôm càng" ra phết, cứ tranh thủ ăn nhiều vào  thì chẳng  mấy chốc sẽ  "tai  lá  mít  đít lồng  bàn"  với lại  "xem ra khoang tốt khoáy cũng tốt, được đấy! ". Đúng là cái Liến ngày xưa, sáo sậu vẫn hoàn xấu sạo!!

                                                                            Ngọc Châu


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65181197

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July