Ảnh minh họa - Internet
Tuổi thơ tôi luôn ám ảnh những ngày đi mót lạc, mót khoai trên đồng. Đi mót là đi tìm những thứ mà người ta vô tình bỏ sót, bỏ rơi lại trên đồng sau mùa thu hoạch. Ngày nhỏ có học một bài thơ về niềm vui đi mót “Rủ nhau mót lúa trên đồng/ Năng nhặt chặt bị, chơi rông bạn cười/ Một chẽ thóc rơi/ Hai chẽ thóc rơi/ Nhiều chẽ góp lại thành gồi lúa to/ Một gồi lúa to/ Hai gồi lúa to/ Nhiều gồi góp lại thành kho thóc đầy”.
Nếu “buôn có bạn, bán có phường” thì đi mót cũng có từng nhóm thân nhau; hỗ trợ cho nhau trong khi “du lịch” khắp cánh đồng mùa thả bãi. Mỗi nhóm có từ ba đến bốn đứa nhà gần nhau hoặc anh em chú, bác với nhau. Dụng cụ “hành nghề” là một cây cuốc nhỏ, cán cuốc ngời bóng vì được trau chuốt, “chăm sóc” kỹ lưỡng. Không thể thiếu cái bao (hoặc cái ruột tượng); một bầu nước chè xanh (làm từ trái bầu nậm, y như cái “hồ lô” của Thái thượng Lão quân) và nhớ đội chiếc nón lá vì giữa đồng gió và nắng hào phóng, ào ào bất tận.
Mót khoai lang có niềm vui riêng của nó. Cứ tìm đến những vồng khoai lang đã thu hoạch, theo “kinh nghiệm” của các bậc “tiền bối” có “thâm niên cao” đi mót; chúng tôi thường chọn góc bờ. Vì khi cày dỡ khoai (lưỡi cày bằng gỗ, không dùng cuốc vì đất cát pha); các góc thường không bẻ góc cày tới. Có khi lôi lên cả chùm củ tím sẫm, nặng cả tay. Sau những cơn mưa, mầm khoai đội cát ngoi lên. Phải thật “có nghề” mới biết mầm nào có củ. Nếu mầm nhỏ, yếu ớt thì đào lên chỉ một mẩu khoai. Nhưng nếu mầm mập mạp, mơn mởn, đầy sức sống thì đích thị một vài củ khoai to nằm vùi dưới cát tự hồi nào!
Thích nhất là khi đi mót lạc (đậu phộng). Cả cánh đồng mênh mông, biết nơi nào có nhiều lạc sót nằm trong đất? Theo “bí kíp nhà nghề”, chúng tôi tìm đến những thửa ruộng đất thịt. Loại đất này trồng lạc khá tốt nhưng khi thu hoạch, vì đất khá cứng nên những củ già thường bị đứt cuống nằm lại. Cứ theo chổ cây đã nhổ lên, cào vài cuốc là có từ ba đến bốn củ lạc đầy đặn, vàng ươm. Cứ thế, càng cuốc càng ham vì mót được lạc vừa “chất lượng” và bao lạc đã hơi nặng tay, có khi quên cả trưa tròn bóng nắng ...
Nhưng có lẽ thú vị nhất là mót lạc trời mưa. Giữa đồng trống, cũng sợ giông sét lăm nhưng mưa xối xả đã làm lạc nổi trắng giữa đồng đất cát. Chẳng ai giành ai, chỉ biết chăm chú, cắm cúi trong tiếng reo hò, cười đùa vô tư, ồn ã …
Sau những ngày mưa, nắng thu rải sắc vàng óng ả khắp cánh đồng. Chúng tôi lại rủ nhau ra bãi sa bồi, tìm những mầm lạc mọc lên rồi bới tìm những củ lạc còn sót lại. Những mầm lạc trắng ngần, to bằng chiếc đũa; mang về xào với mỡ hành thật tuyệt vời! Những rổ lạc được phơi khô, cất lên để giành làm thực phẩm khi trọ học xa nhà. Đó là món “muối lạc”(lạc rang, giả nhỏ trộn với muối, đường) đã gắn bó thân thiết với chúng tôi suốt quãng ngày đi học.
Con thuyền “miền nhớ” đưa tôi ngược dòng sông tuổi nhỏ. Tuổi thơ chúng tôi ngập đầy nắng vàng, mây trắng và gió nồm nam. Tôi vẫn còn như nghe rõ, thấy được ngọn gió vờn luỹ tre đầu làng; gió thổi từ đâu về rười rượi, làm dợn sóng lăn tăn của dòng Lam xanh biếc. Tôi cũng như thấy được, bên bãi sa bồi là những chấm người miệt mài cào xới; tìm thấy những niềm vui vô bờ của những ngày đi mót lạc, mót khoai …
Lê Đức Đồng - Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai - Tỉnh Sóc Trăng
|