Tôi trở lại Nga vào cuối tháng 10 - 2011 sau một thời gian dài về Hà Nội.
Cảm giác đầu tiên khi rời khỏi máy bay, ra đến đại lộ Kasixkoe là thấy mình bị hẫng bởi chỉ trong một thời gian ngắn mà Thủ đô Nga đã thay đổi đến ngỡ ngàng.
Cuối tháng 10, trời đã bắt đầu có tuyết, lá vàng đã rụng gần hết, nhưng đường sá vẫn sạch như mùa hè. Những đội quân dọn vệ sinh hơn 200 ngàn người Tatgik làm việc cần mẫn bất kể mọi thời tiết.
Có lần tôi thức rất khuya, hơn ba giờ sáng mới ngủ, nhưng nhìn ra ngoài đường, đã thấy hàng đoàn xe xúc tuyết chạy nối đuôi nhau dọn hết mặt đường. Theo yandex.ru, thì số lượng ôtô của Matxcơva và ngoại ô (pod moxkovee) đạt tới 7,6 triệu, trong đó, số đăng ký tại Thủ đô là 4,3 triệu. Hầu như trên các đường phố Thủ đô Nga, các loại xe Lada, Jiguli, Moscovits danh giá một thời đã nhường chỗ cho các dòng xe ngoại đời mới. Để hình dung, tạm so sánh với số ô tô cả nước Việt đang lưu hành theo thống kê của Bộ Giao thông tháng 2 - 2011 là 1,32 triệu chiếc, mới thấy được tốc độ gia tăng khủng khiếp, theo vào đó là sự tắc đường kinh hoàng của Matxcơva.
Hai năm trước, khi trận bão tuyết lịch sử ập đến Matxcơva vào cuối tháng 11, Thành phố đã huy động một lực lượng xe dọn tuyết kỷ lục là 7.200 chiếc trong một ngày. Tưởng thế là ghê gớm lắm. Thế nhưng, mới đây, chính quyền thành phố đã bổ sung mới hệ thống xe xúc tuyết, dọn đường, theo báo cáo của Phó Thị trưởng thành phố Igor Piegomesic là 12.500 đơn vị. Ngày tổng ra quân đầu mùa, hôm 9 - 12 vừa rồi, số lượng tuyết xúc chở ra khỏi thành phố là 300.000m3. Nhờ thế mà nạn tắc đường giảm thiểu đi đáng kể.
Mỗi năm, mùa tuyết tan, sau gần sáu tháng ngâm trong tuyết, trong nước, nhiều con đường trong thành phố đều bị ổ gà lỗ chỗ, nhiều chỗ còn bị sụt. Khác với những năm trước, cứ hỏng đâu là hàn vá chỗ đấy, năm nay, có tới 60% đường phố được rải nhựa mới hoàn toàn. Cứ chừng 12 giờ đêm, xe cuốc đường bóc sâu lớp nhựa cũ chừng 15cm, xúc lên mooc xe tải chở ra ngoại ô. Sau xe tải là xe hút cát bụi làm sạch, trước khi máy rải nhựa đổ nhựa đường trộn sẵn để xe lu lăn. Sáng hôm sau, ôtô lưu hành trên đường mới rải nhựa đêm trước, không hề để lại ổ quây, lô cốt.
Thành phố Matxcơva có gần 300 đơn vị cơ giới chữa đường như vậy, trong vụ hè - thu vừa qua, mỗi ngày trung bình làm mới được 50 đến 80 km đường, tuỳ theo thời tiết. Với tốc độ này, muốn rải xong lại toàn bộ các tuyến đường trong thành phố có tổng chiều dài là 4.416km, phải mất chừng 16 năm các mùa hè - thu liên tục. Nhưng may thay, hầu hết đường Matxcơva đều có chất lượng cao, chỉ phải bảo trì, duy tu những đường phố cũ.
Cũng trong năm nay, theo quyết định của Đuma và sắc lệnh của Tổng thống, Thủ đô nước Nga mở rộng theo hướng tới thành phố Kaluga, rộng lên tới 2,5 lần, so với 1.091km vuông bây giờ, có nghĩa là nó sẽ xấp xỉ với hai phần ba diện tích Thủ đô Hà Nội mở rộng (3.325km2). Mà dù có mở rộng đi chăng nữa, thì dân Matxcơva, từ những bậc đại nhân trong chính quyền, các trùm đại gia tài phiệt, cho đến anh công chức, dân thường..., cũng như trước đây, đều phải ở chung cư, không có quyền xây nhà riêng trong thành phố. Còn ở ngoại ô, xây nhà nghỉ, thì không phải bàn; có tiền mua đất, vẽ thiết kế, được Hội Kiến trúc sư và Quy hoạch chấp nhận thì cứ thế mà xây.
Đã nhiều năm nay, máy bay hãng Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay phía Tây Nam thành phố, cách trung tâm gần 60km. Mặc dù từ 5 giờ chiều mới làm thủ tục, nhưng bà con ta bao giờ cũng xuất phát trước ba giờ để đề phòng tắc đường, đến muộn. Người Việt làm thủ tục ở sân bay đã văn minh nhiều lắm, thay vào việc cảnh sát dã chiến đứng canh, chặn cửa, thì nửa năm nay là một hàng rào dây do nhân viên hàng không canh, chỉ định. Còn cảnh sát vẫn đứng làm vì như các khu vực của các hãng hàng không khác. Nói như vậy, không có nghĩa là đã hết chuyện này, chuyện kia, nhưng thấy đã mát mắt lắm rồi.
Ngày 25 - 3 - 2011, Tổng thống Nga Metveđev đã công bố sắc lệnh đổi tên công an(militsia) Nga thành cảnh sát (politsia), và sắp xếp lại bộ máy của một ngành đầy tai tiếng này. Tất cả các biển hiệu ôtô, đồn bốt, giấy tờ, quân hiệu... đều thay đổi. Những vụ việc chẳng lấy gì làm hay ho mà nhiều thập kỷ qua, lực lượng công an còn tồn đọng, nhất là đối với người nước ngoài cũng như người Việt nay tình hình đã khác đi trông thấy.
Còn nhớ, trong 27 khẩu hiệu mà ông Ziuganov, lãnh tụ của Đảng Cộng sản đưa ra ngày 26 - 10 - 2005 nhằm tranh cử nhiệm kì tổng thống trước đây, có một khẩu hiệu ông đưa ra là “Xoá bỏ sự lộng hành và vi phạm nhân quyền của ngành cảnh sát”. Điều đó muốn nói lên rằng đây là một hiện tượng mang tính xã hội quá bức xúc.
Cuộc sát hạch và tuyển chọn tiến hành đến ngày 1- 6-2011 nhằm thanh lọc bộ máy cảnh sát, đuổi ra khỏi ngành những phần tử kém phẩm chất, thoái hoá và truy tố những tên tội phạm mang danh công an. Thông tin hãng Novosti hôm 30 - 5 - 2011 cho biết:
"... Đại diện Bộ Nội vụ Nga còn nêu rõ, có tất cả 335 cán bộ lãnh đạo cao cấp dự kiến sẽ phải trải qua cuộc thẩm tra bất thường theo sắc lệnh của Tổng thống Nga.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nga Nurgaliev không tiết lộ nguyên nhân các vụ sa thải nói trên. Tuy nhiên, theo tin tức đăng tải trên báo chí, có 119 viên tướng bị sa thải do những nguyên nhân khác nhau, hoặc do khả năng không đảm bảo yêu cầu công việc; hoặc do trạng thái tâm lý không ổn định; hoặc do bầu không khí trong cơ quan không hoà hợp, gây mất đoàn kết".
Một số viên tướng rơi vào diện sa thải do tuổi tác hoặc do tự nguyện viết đơn xin từ chức. Đồng thời có cả một số viên tướng bị sa thải do không giữ được đạo đức nghề nghiệp, chẳng hạn, bị phát hiện có bất động sản ở nước ngoài hoặc có dính líu tới các vụ tham nhũng.
Những cuộc cải cách này tương xứng với tầm phát triển và sự hội nhập châu Âu của nước Nga, khi nước Nga đã đặt chân vào ngưỡng cửa WTO!
Không như hồi còn chợ Vòm, người Việt hễ ra đường là lo nơm nớp, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, công an cũng có thể hỏi giấy và làm luật; nhưng mấy tháng nay, cái cảnh đó thi thoảng chỉ tái diễn ở những điểm nóng gần chợ, và mức độ không còn như hồi những năm 2009, 2010 nữa. Bà con đã có thể an tâm đi lại, nếu như trong túi có giấy tờ, không hề bị hạch sách và xét hỏi một cách tuỳ tiện và vô lý nữa. Có hồi tưởng lại những năm cuối thế kỷ với sự nhũng nhiễu vô lối của công an thời đó, mới thấy được sự đổi mới vượt bậc của ngành cảnh sát Nga. Người Việt cũng như người nước ngoài đang sống tại Nga hết lòng ủng hộ và hy vọng tràn trề vào những cải cách quyết liệt này.
Nhưng việc buôn bán đã khó khăn đi nhiều.
Thời hậu chợ Vòm, người Việt tập trung bán ở ba chợ lớn, một là chợ Matxcơva, nằm cạnh Metro Liublino, thường gọi là chợ Liublino, dân ta cứ rút gọn vô tội vạ là chợ Liu; chợ thứ hai là Xadovod, nguyên thuỷ là chợ bán động vật nuôi, nên dân ta gọi là chợ Chim cho tiện; còn chợ thứ ba là một Trung tâm lớn, nằm ở cây số 19 đường vòng tròn ôtô thành phố (MKAD), nên có tên là chợ 19.
Nhũng năm làm chơi ăn thật đã lùi xa. Thay vào đó là những khó khăn lù lù trước mặt. Khó khăn về giấy tờ, về thời tiết, thậm chí nạn mãi lộ, cướp đường, trấn lột, dân ta cũng coi là chuyện cái đinh. Nhưng mà khó khăn về hàng hoá bán buôn, thì đó là chuyện tày trời, nó quyết định sự sống còn, tồn tại hay không tồn tại.
Thời nước Nga khan hàng, dân ta đánh hàng trong nước qua, Ba Lan về, và hàng trăm doanh nhân kìn kìn chở hàng từ Trung Quốc sang bằng máy bay và tàu hoả.
Sự gia tăng đột biến của hàng loạt xưởng may người Việt đủ các thể loại ở Nga mà các phương tiện truyền thông Nga liên tục đưa tin làm các cơ quan chức năng ta cũng rất đau đầu, đang tìm hướng giải quyết theo hướng tuân thủ pháp luật Nga và bảo vệ lợi quyền cho người Việt.
Mùa đông nay, hàng hoá ở Nga chững lại một cách bất ngờ. Sức bán hàng của người Việt vợi hẳn, trong khi đó thu nhập của người Nga không hề giảm sút, sức mua tăng lên bất chấp kinh tế thế giới khủng hoảng.
Lý do thì thấy rõ như giữa ban ngày, ban mặt.
Đầu thế kỷ XXI, ở Matxcơva chỉ có vài mươi siêu thị tiên phong, giá cả cao ngất trời, hàng hoá thì toàn đồ cao cấp và mỹ phẩm.
Lúc đó, các doanh gia ngoài chợ Vòm chiến thắng siêu thị một cách ngoạn mục. Dân Nga ra chợ mua hàng vừa rẻ, vừa với túi tiền, tha hồ chọn lựa, mặc cả.
Còn bây giờ, với gần 400 siêu thị bậc khủng và bậc trung, trong đó có 20 đại siêu thị có diện tích từ 15ha đến 40ha, dân mua hàng vào đó có thể mua từ quần áo, đồ dùng gia đình, thực phẩm, hàng công nghệ, hàng văn phòng và dịch vụ, đến ôtô, máy công nghiệp. Giá cả trong siêu thị hợp lý, ngang ngửa với giá ngoài chợ, lại không phải mặc cả; hàng đảm bảo chất lượng, mẫu mã của hãng, có nguồn gốc xuất xứ. Ai mang trẻ em vào, có khu chơi cho trẻ con, có đủ các dạng nhà hàng phục vụ ăn uống năm châu! Tất cả các siêu thị đều có bãi xe ngầm mênh mông, an toàn tuyệt đối, có bảo vệ và thẻ từ kiểm soát.
Đã vào siêu thị là không ai nói đến chuyện cảnh sát hỏi giấy tờ. Ai có đô la, ai có euro đều đổi thoải mái, ai dùng thẻ thì cứ việc. Thế là siêu thị trở thành lựa chọn số một của người tiêu dùng, và dân Nga trung lưu, thượng lưu dần dần quên mất chợ! Chợ chỉ dành chủ yếu cho tầng lớp dân thu nhập thấp.
Các chợ Matxcơva có một lực lượng mua hàng hùng mạnh, đó là các con thoi từ tỉnh xa lên. Hồi còn mồ ma chợ Vòm, mỗi ngày có tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ôtô buýt và mini buýt từ tỉnh xa lên "ăn" hàng đem về thành phố xa phân phối cho các chủ hàng bán lẻ.
Chừng ba năm nay nhiều doanh gia tỉnh lẻ đã tự mang tiền bay sang Trung Quốc để đặt hàng chở về tận nơi, bỏ qua khâu trung gian Matxcơva. Cũng ở các tỉnh, một số xưởng may quy mô, hợp pháp mọc lên tự cung, tự cấp đáp ứng một phần nhu cầu dân các vùng sâu, vùng xa.
Thêm vào đó, giá thuê mặt bằng chỉ có tăng mà không hề giảm xuống. Tại chợ Liublino giá thuê một quầy bán hàng vẫn còn dao động ở mức 700 ngàn đến 900 ngàn một tháng, xấp xỉ 30 ngàn đô la, có nghĩa là mỗi một ngày, bằng cách nào đó, người thuê chỗ bán hàng phải lo cho đủ 1000 đô la để có chỗ kinh doanh, chưa kể tiền ăn, tiền đi lại, tiền giấy tờ và hàng chục khoản lo khác. Điều đó buộc những người bán hàng phải tăng giá lên để còn có lãi, thế là tạo nên sự san bằng giá chợ và siêu thị. Như vậy chỉ có lợi cho hệ thống siêu thị Nga đang làm chủ mọi tình thế trong cuộc chiến giành giật khách hàng.
Một lý do khác nữa, cũng phải nói ra, là trừ một số hàng chọn lọc, một số hàng các xưởng may uy tín có thương hiệu ra, thì hàng của một số xưởng may khác chất lượng đã ngấp nghé mức báo động. Khách mua hàng mang đến trả lại rất nhiều, và phàn nàn không ít, điều này nồi canh bị nhiều con sâu làm rầu, ảnh hưởng rất lớn tới tên tuổi của các doanh gia nghiêm chỉnh.
Còn có một vài lý do nữa như hạn ngạch lao động của Thành phố cho kinh doanh bán lẻ đang hạ xuống mức tối đa; hệ thống thu thuế ngày càng chặt chẽ, những đòi hỏi chất lượng hàng càng ngày càng cao... Như vậy để thấy rằng, người Việt đang gặp phải những khó khăn âm thầm, nhưng khốc liệt.
BCH Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga
Kể từ khi Hội Khoa học Kỹ thuật tại Liên bang Nga ra đời (1993) đến nay đã ngót nghét hai chục năm. Theo sau đó là hàng loạt Hội vừa nghề nghiệp, vừa xã hội cũng ra mắt, xuất hiện một cách trang trọng, đường bệ. Các Hội viên hai thập kỷ trước, giờ đây mái đầu đã điểm bạc, đã lên ông, lên bác, thay vào đó là thế hệ thứ ba, bậc con, bậc cháu. Những gương mặt có tuổi, được đào tạo một cách bài bản, quy củ, đầy kinh nghiệm đã thưa vắng đi nhiều. Hình ảnh những buổi giao lưu, gặp mặt có Nguyễn Đình Chiến, Bùi Quang Thanh, Mai Quỳnh Nam, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Bá Anh, Nguyễn Thăng Long, Nguyễn Văn Thạc, Trần Văn Cơ, Đoàn Anh Trung, Phạm Cảnh Thanh... và những cây đa, cây đề khác, đã lùi về dĩ vãng.
Có những người đã vĩnh viễn ra đi; có những người về nước yên bề vui vầy thú điền viên; cũng có người về nước có cương vị, chức danh; có những người lắm tuổi sống yếm thế, bình an, lặng lẽ. Và ở lại vẫn còn một số người cũng đang vương vấn với thuở tráng niên, muốn góp phần chống chèo, tham gia các hoạt động xã hội như là một thứ nghiệp, một công việc chẳng thể nào dừng.
Mới đây thôi, anh Lê Minh Dần, cán bộ Sứ quán phụ trách Công tác cộng đồng và tôi cùng ngồi thống kê lại số lượng người Việt tại Nga giúp cho các hoạt động sắp tới của Sứ quán và các Hội. Nếu lấy mốc năm 1981 có hơn hai trăm ngàn người sang lao động, thì vào cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ mới, con số đó chỉ còn lại chừng hơn một phần ba. Đa phần người Việt đều dùng hộ khẩu năm một. Khái niệm hộ khẩu đã có chút thay đổi, những ai về nước vài ba năm, quay trở lại cũng hơi lạ với các danh từ mới.
Năm qua, phía Nga mặc dù cấp hạn ngạch lao động ít hơn, nhưng trong số đó có hộ khẩu ba năm, thay vì chỉ độc một năm như trước. Hộ khẩu ba năm là bước quá độ để tiến lên thẻ xanh tạm trú. Nó chưa phải là hộ khẩu công dân, nhưng có thẻ xanh, hay ba năm là khá lắm rồi. Bởi vì nếu khẩu một năm thì các giấy tờ ăn theo như bằng lái xe, visa, bảo hiểm, thuê nhà đều phải một năm, hết mùa thì làm lại từ đầu, cực không tả xiết.
Tuy Matxcơva khó khăn là vậy, nhưng những thành phố xa như Kraxnodar, Volgagrat, Ekaterinburg, Piachigorxk, Vladimir... người Việt đang tiệm cận tiến đến xu thế ổn định, đại đa số có hộ khẩu ba năm, thẻ định cư và hộ chiếu Nga, số ít đăng ký năm một. Đó là một kỳ tích của cộng đồng, mở ra một chương mới cho người Việt tại miền băng tuyết.
Mặc dù số lượng người Việt đang vơi đi so với trước, nhưng số Hiệp hội lại tăng lên bội phần. Rộ nhất là các Hội Đồng hương. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm mà Matxcơva đã có thêm Hội Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hoá, Kinh Bắc và sắp tới sẽ có thêm một số Hội nữa. Mỗi khi hội họp, mỗi khi tổ chức văn nghệ, các Hội đều mượn Nhà hàng Trung Hoa nằm trong khu chợ Liublino, tuy đắt, nhưng được cái tiện. Rời chợ, đi bộ chừng năm phút là vào nhà hàng luôn, khi xong thì ra xe chạy một mạch về nhà. Hy vọng dăm ba năm nữa, khi Trung tâm Hà Nội đang xây dựng khánh thành thì chắc sẽ chấm dứt cảnh Cộng đồng đi thuê nhà hàng ngoài khu chợ để tổ chức văn nghệ, lễ tết, vừa đắt đỏ, vừa phụ thuộc.
Năm nay, tròn ba chục năm người Việt xuất khẩu lao động sang Liên Xô. Những người sang từ thời ấy đã cao niên, kẻ nghỉ ngơi, kẻ vẫn từng ngày bươn trải, kẻ tham gia tại các công ty, kẻ làm ôsin nuôi cháu. Họ vẫn là người Việt làm ăn ở Nga, vẫn chưa có một điều luật nào công nhận họ là người bản địa, phần lớn họ chưa phải là người Nga dù đã qua đi gần nửa cuộc đời. Mỗi năm, Tết đến, lớp người ấy thường ngồi lại với nhau, ôn cố tri tân, mới thấy biết bao dâu bể, thương hải tang điền.
12 – 2011 (HẾT)
|