Ảnh minh họa - Internet
VỀ QUÊ
Nguyễn Thị Thúy Ngoan
Con về quê giữa chiều mưa
Bồi hồi thương nhớ ngày xưa cồn cào
Nhà nghèo gió cũng xanh xao
Trời mưa trăng trượt ngã nhào vào hiên
Cha ngồi chẻ lạt bên thềm
Chẻ đôi cả những muộn phiền đầy vơi
Mẹ đi nhổ mạ tháng mười
Lạt mềm trói mấy kiếp người vào nhau
Mưa phùn mẹ cấy ruộng sâu
Đôi môi ứa máu quết trầu đỏ tươi
Con đi mót lá mùng tơi
Cơm khoai, nước mắt chia đôi quả cà
Mẹ chưa kịp trẻ để già
Tuổi xuân ngồi vá đường xa mũi gần
Bàn chân đói lả bàn chân
Nhớ miếng bánh đúc mẹ phần cho con
Bây giờ cha mẹ không còn
Nhìn lên chỉ thấy mây non gió ngàn
Hồn quê đất tổ con mang
À ơi tiếng võng dịu dàng ngày xưa…
Con giờ nắng ngả sang trưa
Quê hương hai tiếng nắng mưa dãi dầu.
Tháng 2/2009
QUÊ HƯƠNG MỖI NGƯỜI CHỈ MỘT…
Lời bình: Nguyễn Thanh Tuyên
Dường như cuộc sống phồn thực, đủ đầy thì kỉ niệm thường khó khắc sâu, chạm nổi vào kí ức con người - khác lạ hẳn đoạn trường khốn khó, hàn vi... Nguyễn Thị Thúy Ngoan cũng không nằm ngoài qui luật chung ấy. Từ lâu chị đã sống ở vùng đô hội nhưng tấm lòng người thơ ấy vẫn đau đáu với bờ tre, ngọn lúa, với bao người thân thương tại quê hương. Đặc biệt tình cảm đó bộc lộ rõ nét qua nhiều câu thơ, bài thơ thương nhớ, xót xa tới người rứt ruột đẻ ra mình. Bởi tất cả đã từng phải sống cuộc đời lam lũ, thiếu thốn cực nhọc đằng đẵng một thời…
Vừa chạm bút mấy dòng, bỗng trong tôi văng vẳng những ca từ: "Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi". Ôi, lời ca sao mà thấm thía! Câu hát hệt một thành ngữ, một chân lí vậy. Quê hương là danh từ chung quen thuộc, nhưng lại mang sắc thái riêng tư cho từng số phận. Vì lẽ đó trong mỗi cá thể luôn tồn tại cung bậc tình cảm không thật giống nhau về cội nguồn. Cảm xúc của họ hàm chứa nhiều góc tâm tư với độ dồn nén cũng khác nhau. Đọc bài thơ ‘Về quê’ như ta được xem bộ phim đen-trắng ăm ắp hoài niệm một thuở nhọc nhằn của Thuý Ngoan và bao người thân thiết. Cũng dễ thấm lòng vì đâu đó ta loáng thoáng bắt gặp được chính mình.
Vừa trở lại mảnh đất chôn rau, tâm trạng của Thúy Ngoan đã ‘bồi hồi’ đến ‘cồn cào’ với cuộc đời xưa:
"Nhà nghèo gió cũng xanh xao
Trời mưa trăng trượt ngã nhào vào hiên"
Nào ai nhìn thấy gió? Tác giả đã chuyển đổi cảm nhận từ xúc giác sang thị giác, giúp cho người đọc tự liên tưởng. Đó chắc chắn không phải là cơn gió ấm, nhưng cũng chẳng phải luồng gió hun hút hay thông thốc lạnh. Nhưng ai hay, cơn gió lùa se lạnh lại có thể thấm sâu vào da thịt của cô gái mới lớn không mâng mâng nụ nõn, mà ‘xanh xao’ vì bữa đói, bữa no trường diễn bao ngày. Xin độc giả hãy mượn cảm giác hao hao như ‘đói vàng mắt’ để tiệm cận thưởng thức văn bản. Và ‘trăng trượt ngã nhào’ ngoài hiên đủ cho ta hiểu đó là thềm nhão thấm rêu của căn nhà đất đơn sơ một thời đã sống.
Ba khổ thơ tiếp theo là tình cảm sâu nặng của người con gái đa cảm, có cuộc đời ít vuông tròn dành cho cha mẹ. Ta hình dung ra sự trầm tĩnh chịu đựng, khá nội tâm, hợp với dáng dấp, tính cách của cha:
‘Cha ngồi chẻ lạt bên thềm
Chẻ đôi cả những muộn phiền đầy vơi’
Ở đây, Thuý Ngoan khéo léo dùng phương pháp ẩn dụ chuyển đổi giữa thị giác và cảm giác. Sự muộn phiền ấy phải chăng là sự thiếu thốn đời thường, tác động ngày ngày gây ra bao lo lắng trầm cảm, mà nguyên nhân cơ bản ở cái cơ chế gò bó, trói buộc của một thời xa vắng chăng? Sự ao ước của cha: muốn vơi bớt khó khăn lấn cấn đi một nửa ‘chẻ đôi muộn phiền’ thôi. Song, quả là khó! Sự canh tác nông nghiệp giản đơn tại vùng chiêm khê mùa thối lại bị đóng khung trong cơ chế bao cấp bảo thủ thì lấy đâu ra có sự thay đổi nhỡn tiền!
Tiếp theo, câu thơ về sự lao động đồng áng một nắng hai sương của mẹ nói rõ thêm điều ấy:
‘Mẹ đi nhổ mạ tháng mười
Lạt mềm trói mấy kiếp người vào nhau’
Ta từng quen câu châm ngôn ‘Lạt mềm buộc chặt’ trong khuyên răn ứng xử. Nhưng ở đây lại buộc những mấy kiếp người? Chứng tỏ thời gian không hề ngắn, đã bị trói chặt bởi sợi lạt tưởng dẻo mềm nào đó…? Câu thơ đâu còn nghĩa thông thường cho động tác ‘đóm’ mạ nữa, mà chuyển hẳn sang vấn đề 'Tư tưởng' rồi.Tại thời điểm cởi mở hiện nay, cho phép ta khách quan nhìn lại sẽ càng thêm thấu tỏ sự thật một thời chưa xa. Tin rằng ai thưởng thức bài thơ cũng nhận ra điều đó, chẳng cần thiết phải thẩm bình… Như vậy, tác phẩm đã không dừng ở mức oan hoài gia cảnh… mà đạt ý nghĩa lớn hơn là phản ánh chân thực vấn đề xã hội rất đáng được nhắc nhở để không bao giờ phải lặp lại những gì của nếp quen mòn, duy ý chí, giáo điều trong xã hội tương lai.
Đôi điều ta vừa lướt qua cho thấy cái ‘lạt mềm’ nọ, ảnh hưởng không ít tới từng tế bào nhỏ bé của xã hội:
‘Mưa phùn mẹ cấy ruộng sâu
Đôi môi ứa máu quết trầu đỏ tươi
Con đi mót lá mùng tơi
Cơm khoai, nước mắt chia đôi quả cà’
Cái đói cơm áo ròng rã đã ngấm vào từng cơ thể. Mẹ phải chống cái giá lạnh khắc nghiệt ‘rét từ trong ruột rét ra’ bằng miếng trầu tạo cảm giác ấm nóng giả tạo cho cơ thể gầy guộc, để đủ sức nhấn sâu tiếp nhánh mạ xuống mảnh ruộng nước mùa đông. Ở tuổi ấy Thuý Ngoan đã cảm được, quá xót xa mẹ, tận phút giây này chị vẫn giữ nguyên được hình ảnh xưa, để giờ ‘ứa máu’ trong thơ. Cái nghèo còn được bổ sung bằng hình ảnh cô bé lần hồi mót lá rau cỗi cằn sót lại trên những dây mồng tơi khô già giữa mùa đông giá.
Đây nữa, cái đói với trẻ nhỏ mới thật đáng thương:
'Bàn chân đói lả bàn chân
Nhớ miếng bánh đúc mẹ phần cho con'
Đúng là đói lả, rã rời không buồn bước nữa. Và 'một miếng khi đói' mà mẹ nhường cho, có lẽ chỉ khi ngừng thở và tim ngừng đập thì đứa con mới có thể quên thôi. Nghĩ về miếng bánh đúc nồng vôi, khi giờ đây vật chất dư thừa chị càng xót mẹ. 5 vần trắc liên tiếp phá luật lục bát ở câu 8 dường như bắt người đọc khựng lại để cùng chị hãy khắc họa một thời. Nhất là con cháu chị hãy ngắm nghía kĩ thêm để mãi mãi đừng quên. Với tôi, khi viết tới dòng này lòng bàng hoàng nhức nhối khi nhận ra cái đói giám sát người nông dân quanh năm, không trừ cả tháng 10 - mới gặt!
Mẹ chị đã tất cả vượt qua gian khó cuộc đời nuôi con khôn lớn thì còn đâu giữ gìn được tuổi thanh xuân đẹp đẽ, lành lặn lâu dài như bao cô gái đương thời:
'Mẹ chưa kịp trẻ đã già
Tuổi xuân ngồi vá đường xa mũi gần'
Thật quá thiệt thòi lúc trẻ trung mất hồn nhiên, không được bay nhảy, khoe sắc xuân thì. Đành cam chắp nối, vá víu, chấp nhận chút lành lặn ngắn ngủi, thoáng qua của kiếp 'sống gửi' trần gian. Tình trạng đó chiếm số đông phụ nữ của đất nước ta thuở ấy.
Thuý Ngoan thầm ơn chất quê, khi nhận thấy tâm hồn mình nặng tình nặng nghĩa được hình thành từ tiếng võng đưa hoà cùng lời ru ngọt ngào của mẹ. Cha mẹ dù khuất núi song đã di truyền lại cho người con gái đa cảm ấy nét văn hoá hoàn hảo, luôn đau đáu hướng về mảnh đất thân yêu. Nơi đã dưỡng dục mình thành người phụ nữ thuỷ chung, biết chống trả sự cô đơn và nỗi buồn thân phận, vịn vai thơ từng ngày từng giờ mà vươn dậy. ‘Dẫu biết đến với thơ chẳng dễ gì’ như lời đề từ, tự bạch trong tập thơ ‘Ngôi nhà không bình yên’ của Thuý Ngoan mới ấn hành.
Đọc bài thơ ‘Về quê’ của Thuý Ngoan, lòng tôi chùng lắng xuống, buồn, thương giống tâm trạng người cô đơn trong một buổi chiều mà bầu trời sập xuống bởi mây mưa áp thấp. Nó gợi cho tôi trở lại cái thời tôi, vẹn nguyên xưa… Xin cõi lòng mình cũng đừng bao giờ quên nhớ…
Qua đi những phút thưởng thức Thi phẩm của Nhà thơ Thuý Ngoan, tôi thấy vui biết bao khi cảnh tượng nghèo hèn đã lùi xa. Vất vả đói khát đã trôi trọn vẹn vào dĩ vãng ngay trên quê hương Vĩnh Bảo Hải Phòng của chị. Ai từng ghé thăm miền quê Trạng Trình hẳn sẽ ngợp sắc đồng xanh hay bát ngát mùa vàng. Ngạc nhiên khi nhà tầng mọc lên san sát. Đường 10 thênh thang, xe cộ nườm nượp nối đuôi nhau tới muôn phương. Người người tươi tắn hồng da. Ta càng thấy mến yêu quê hương tha thiết. Ta tự xác định trách nhiệm lớn lao của mình sao cho xứng đáng hơn với cuộc sống hôm nay; Nhất là sau khi đọc những vần thơ buồn mà Nguyễn Thị Thuý Ngoan trang trải.
Tác giả: Nguyễn Thanh Tuyên
|