Nhà thơ Vân Long
LTS – Để hướng ứng Ngày Thơ nguyên tiêu Xuân Quý Tỵ (2013), Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm Vân Long 60 năm thơ -Từ ngõ Tràng An tại trụ sở Hội 19 Hàng Buồm HN, ngày 21/2/2013 tức ngày 12 tháng giêng Quý Tỵ. Cuộc tọa đàm diễn ra sôi nổi với tham luận của các nhà thơ, nhà lý luận phê bình Phạm Đức, Nguyễn Hoàng Sơn, Đặng Hiển, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Nhuận Cầm, Bích Thu, Nguyễn Trọng Tạo, Đàm khánh Phương...dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên và Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Bằng Việt, xen kẽ giới thiệu những ca khúc phổ thơ Vân Long của các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Trần Hoàn, Đức Trịnh. Một số tham luận giá trị khác của Lưu Khánh Thơ, Vũ Nho, Lê Bá Thự đăng ký muộn nên chưa được trình bày, Tân Văn xin giới thiệu một trong 3 tham luận đó.
Trong một cuộc trò chuyện thân mật với chúng tôi gần đây, có nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà bình thơ Vân Đình Hùng và tôi, nhà thơ Vân Long đã trân trọng tặng chúng tôi Tuyển thơ Vân Long mà ông bảo “Tập thơ này là tâm huyết 60 năm của mình!”. Hai tay tôi nâng niu cuốn Tuyển thơ Vân Long như nâng niu viên ngọc quý kết tinh cả một đời thơ nhiều tâm huyết nhưng cũng lắm nhọc nhằn của nhà thơ đã tuổi tám mươi nhưng vẫn sung sức bút lực và cả thể lực cũng sung mãn tới độ khiến chúng tôi, lứa đàn em, phải kính nể.
Trong giai đoạn thơ buổi đầu đời của nhà thơ, khi ông mới tuổi hai mươi, ta đã nhận ra một tâm hồn thi sĩ, một tài năng thi ca, khi thơ ông nặng về duy mĩ, cái đẹp và tình yêu làm lung linh, rạng rỡ thơ ông:
Qua giải sân mưa, tôi ngắm em/ Màn mưa nhòa những nét thân quen/ Tình yêu mới nở sao mà đẹp/Một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen
(Qua mưa – 1962)
Theo tôi, đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của nhà thơ Vân Long, bài thơ từng làm xao động con tim của biết bao bạn trẻ. Nhà thơ Vân Đình Hùng kể với tôi, có một anh bạn đã thú nhận rằng, anh ta đã dùng thơ Vân Long để làm xiêu lòng bạn gái. Ma lực của thơ Vân Long chính là ở đó.
Có một thời gian dài đến mười năm, 1965 – 1975 anh Vân Long công tác tại Hải Phòng. Hải Phòng đất Cảng, Hải Phòng thời chiến tranh chống Mỹ, Hải Phòng những năm anh sống độc thân thời bao cấp (vợ con anh ở Hà Nội), đã hun đúc thơ anh và đi vào thơ anh như một lẽ thường đối với một nhà thơ giầu trách nhiệm công dân như anh. Các bài thơ Hải Phòng – đêm mùa thu 1967, Thành phố trong tranh, Chuyện kể về một vùng biển nóng, Kỷ niệm đỏ (Ghi chép 12 ngày đêm B52 tháng 12/1972 Hải Phòng), Nơi trước kia là một phố đông dân, Giữa lòng phố vắng, Thành phố tôi yêu, Qua quán bán hoa…cho thấy nhà thơ đã xông xáo dọc ngang nơi đất Cảng thời chiến như thế nào, cứ ngỡ anh là người Hải Phòng, anh máu thịt với Hải Phòng:
Chỉ cách tôi mười phút đi chân
Là những chiếc cầu địch phá
Cầu lại hiện ra ngay như phép lạ
Gỗ với tre nâng sắt thép đi về
Chúng định biến Hải Phòng thành hòn đảo
Thành phỗ vẫn hiên ngang trong gió bão…
Và đây là Vân Long trong 12 ngày đêm B52 đánh phá Hải Phòng:
Ghê gớm sao những ngày
Giữa đạn bom gạch vụn
Một đám bụi đỏ nhờ - gió cuốn
Bám đầy vai tôi…
Có chút nào của bạn đấy không
Người bạn chết đêm qua, mất xác?
Một con người yêu đời - chân thực
Một đêm thành bụi đỏ phố phường
Trong bom rơi đạn nổ cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, nhưng người dân Hải Phòng, trong đó có nhà thơ Vân Long chỉ biết hăng say lao động, chiến đấu, coi cái chết nhẹ như lông hồng:
Quán bán hoa hôm nay quá nhiều hoa
Thành phố bộn rộn những hồi còi báo động
Người vào xưởng máy vai mang súng
Người đi phá bom, kìm búa trong tay
Nhìn mái quán cong rêu phủ, mỉm cười:
Có vòng hoa nào cho ta không đó?
Sống hay chết, vấn đề đã cũ
Những mái nhà kiêu hãnh ngẩng cao…
Giai đoạn thứ hai của thơ Vân Long có thể tính từ 1983 đến 1999 với các tập thơ Vào thu (1990), Những khối hình câm (1993) và Dưới lá xanh (1999). Có thể nói đây là ba tập thơ để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất khi thơ anh ở tuổi vào thu trở nên mới lạ, trẻ trung và tung tẩy hơn nhiều, anh đã tự làm mới mình, thơ anh đã thật sự Vân Long khi cái tôi được biểu đạt nhuần nhuyễn, tinh tế và đầy tính duy mĩ.
Thu cảm là bài thơ cho ta những cảm xúc như vậy:
Mở cửa đường thơm hoa sữa gọi
Phải bùng ra phố, phải đi thôi!
Hà Nội trời xanh màu cốm mới
Tôi nhập vào thu với mọi người
Em như con gió thổi qua ngang
Trẻ đến làm đau cả lá vàng
Lá phượng vụng về rơi mái tóc
Lại thành hoa rắc em mang.
Và đây, nhà thơ Vân Long trở về ngõ Tràng An sau năm mươi năm rời xa ngõ cũ:
Tôi thả bước lơ ngơ
Trưa vàng
Ngõ cũ
In một bước tình cờ
Lên dấu chân ngày nhỏ
Chùa – vẫn ngôi chùa cổ
Khói nhang xưa
Tôi lại gặp tôi
Luồn cột đèn đầu ngõ
Chiếc tàu bay giấy lượn lờ
Suốt năm mươi năm
Năm mươi năm
Cô bạn nhỏ chưa khô giọt lệ
Giận tôi vì một trái bàng!
………………………
………………………….
…Hoa đại đầu thế kỉ
Rụng vào tôi bây giờ
Năm nay nhà thơ Vân Long đã tuổi tám mươi. Thành tựu của đời ông là Tuyển thơ Vân Long này, với trên hai trăm bài thơ gan ruột. Nhưng đâu chỉ có vậy, thành tựu của đời ông còn ở những thể loại khác như hơn chục cuốn truyện và thơ viết cho thiếu nhi, những cuốn sách biên soạn công phu: Trần Lê Văn – những chặng đời – những chặng Thơ, Ngô Quân Miện - tác phẩm chọn lọc, Xuân Quỳnh - thơ và đời, Thơ Mùa thu, Thơ hay có lời bình (100 bài), đặc biệt ông đi sâu vào thể loại chân dung văn học, với 3 tập gây nhiều chú ý của bạn đọc: Những gương mặt – những trang đời, Những người…“rót biển vào chai”, Sống nhiều hơn một đời.
Thành tựu của đời ông còn một “thể loại” rất đáng kể nữa là: con cái thành đạt, cháu ngoan:
Đi xa nhớ lắm, bé Miu ơi!
Đêm cháu ngủ ngoan như hạt thóc mẩy
Chân gác ngực ông, tay giang thoải mái
Nhịp thở dịu dàng, hương sữa thơm thơm
Cây đèn ngủ mờ soi gương mặt thiên thần
Giống một nét nào trong quá khứ:
Bố cháu gác chân làm ông khó ngủ
Mà tâm tư thanh thản lạ thường!
Nhờ tình yêu ông cháu, ông đã phát hiện ra trạng thái kỳ lạ ở đứa trẻ ngủ mà ta hằng coi như sự tất nhiên: Cháu vừa ngủ vừa cười / Vừa ngủ vừa lớn lên…
Hoặc sự điệp ngữ cố tình mà dễ thương biết bao, khi ông gợi lên từ đứa cháu nhỏ: Bé chút chít/ Đi đôi giầy chút chít/ Chút chít ngoài sân, chút chít trong vườn.
Cả khi chút chít về thăm ngoại/ Chút chít hoài trong giấc ngủ ông…
Xin chúc mừng nhà thơ Vân Long về những thành tựu của đời ông, về những gì ông đã làm cho thi ca nước Việt. Tôi có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng, hiện nay tôi là một trong những người rất gần gũi với nhà thơ Vân Long. Gần gũi tới độ tuần nào chúng tôi cũng phải gặp nhau ít nhất một lần. Số là thế này, chúng tôi có một “Câu lạc bộ uống bia bốn người”, gồm họa sĩ Phan Kế An, nhà thơ Vân Long, nhà thơ Vân Đình Hùng và tôi. Mỗi tuần gặp nhau một lần vào trưa thứ tư. Đây là dịp để chúng tôi hàn huyên, trò chuyện, về văn học nghệ thuật, về chuyện đời, chuyện vui, chuyện buồn và thư giãn sau những giờ ngồi mải mê bên bàn viết. Phải nói, tiếp xúc với nhà thơ Vân Long tôi đã học được rất nhiều. Nhà thơ Vân Long là con người hết mực chân tình, chỉn chu, đức độ, đã nói là làm, đã làm là làm đến nơi đến chốn, đã hẹn là đến, hết lòng vì bạn. Có lẽ ông là một trong những nhà thơ thường xuyên hiện diện trên các báo văn học và các trang văn học của các báo. Sẽ không được như vậy nếu ông không làm việc hết mình. Ông là một nhà thơ tuổi cao rất chịu khó dịch chuyển và sau mỗi chuyến đi của ông là những bài ký, bài viết, những bài thơ hay giầu tâm huyết. Tôi vẫn thường nói với các bạn của tôi rằng, nhìn nhà thơ Vân Long tôi thấy mình tự tin hơn, vì ở tuổi tám mươi mà ông vẫn còn sung sức như vậy.
Xin chúc nhà thơ tiếp tục duy trì phong độ, dồi dào sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho thi ca, cho đời và cho dân tộc.
L.B.T (Nguồn Tân văn số 3 - NXB Hội nhà văn tháng 3-2013)
|