Hạ Long - Ảnh nguồn Internet
Mùa này, men theo vịnh biển, quốc lộ 18 rực cháy màu hoa phượng. Theo chiều Hà Nội - Hạ Long, điểm cuối của vòng cung đỏ là cầu Bãi Cháy ồn ào sôi động ngày đêm. Điểm đầu là tĩnh lặng khách sạn 3 sao Bưu điện Hạ Long. Bên kia đường, đối diện với khách sạn là vòm xanh đô thị hiếm hoi gợi nhớ vườn cây làng chài thuở trước. Phi lao cao vút gió. Ngọn cây đu đưa như thể mặt đất hãy còn chòng chành sóng vỗ. Giữa cộng đồng chất phác ấy, nhà văn Dương Duy Ngữ phát hiện ra cây gạo già phất phơ chùm tầm gửi đứng riêng một góc chân quê. Hoa gạo đỏ trời tháng ba, bông gạo trắng trời tháng sáu, nhiều người đã biết. Thử hỏi, mấy ai trên đời này được tận mắt nhìn thấy tầm gửi của loại cây suốt đời gần gũi áo nâu. Châu thổ sông Hồng vơi dần hoa gạo. Hiếm dần những thân phận ăn nhờ ở đậu trên cành cây xù xì gai góc trần gian. Hiếm dần biệt dược dân dã. Tôi đã thấy nhiều loại tầm gửi quí. Tầm gửi cây gạo bây giờ mới gặp. Câu hỏi tồn nghi mấy chục năm trời đã có lời giải đáp. Chỉ thế thôi, dù chưa dạo trên vịnh Hạ Long chuyến đi này thú vị biết bao. Đi một ngày đàng học một sàng khôn là vậy. Đi du lịch cũng là đi học. Đi suốt đời người vẫn chưa hết chiều sâu một câu thành ngữ dân gian. Thêm một thú vị nữa, cũng tại đây lần đầu tôi gặp trúc đào hoa trắng. Cây ngang tầm người, nở nụ cười trinh trắng làm cho sân trời nắng gió ngẩn ngơ. Trước đây, tôi chỉ biết trúc đào hoa đỏ đại trà tu viện. Dọc lối sỏi buồn, mùa hoa đỏ bầm, tiễn áo chùng đen vào cõi hư vô. Hình như hoa trúc đào càng nắng càng tươi. Cũng hình như gặp trúc đào hoa trắng Hạ Long như thể tươi hơn. Nắng tươi, gió tươi, hoa tươi dẫn lối vào khách sạn, nơi mọi người ai cũng cười tươi. Lạy trời, toàn những nụ cười mười tám đôi mươi rạng rỡ. Hàm răng trắng ngời sắc nắng. Sản phẩm vô giá của thời đổi mới. Đã qua rồi một thuở kháng sinh tetraxilin làm hỏng hàm răng tuổi thơ. Đất nước xóa bỏ bao cấp, xóa luôn những nụ cười ố vàng mặc cảm. Tuổi trẻ bây giờ thoải mái cười, tự tin cười. Trong lúc chờ nhận phòng, chúng tôi bàn vui về nụ cười hiện đại, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Bưu điện Phùng Thanh Lịch khẽ khàng tâm sự:
|
- Du lịch là ngành của nụ cười. Nụ cười tự trọng. Nụ cười mến khách… Du lịch Bưu điện không nằm ngoại lệ.
Theo lời ông kể, ngoài Hạ Long, ngành Bưu điện còn có khách sạn ở Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Tam Đảo, Vũng Tàu. Trước hết đáp ứng nhu cầu trong ngành. Sau đó, cùng đồng nghiệp ngoài ngành góp phần làm đẹp, làm giàu đất nước. Từ giã cổ thành Sơn Tây ông lên đường đánh giặc. Tính riêng những ngày cận kề đại thắng, đạn bom vồ hụt mấy lần. Rời cây súng lại cầm cây bút. Tốt nghiệp, ông về ngành Bưu điện, rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Nhiều lần thăm lại chiến trường xưa. Đôi lúc hồn thơ xứ Đoài trở lại: Ngôi chùa cổ ẩn nỗi niềm quá khứ Sương hoàng hôn buông thẫm mặt hồ thu…
(Hà Nội trong tôi)
Lần đầu đến khách sạn Bưu điện Hạ Long mà sao tôi cảm thấy phòng đón tiếp như đã gặp ở đâu rồi. Trần cao thoáng. Điều hòa trung tâm dịu mát gió tươi. Từng bộ sa lông ẩn sau những chậu cây xanh, tạo nên cảm giác rừng già nguyên sinh gần gũi đây đây. Hình như còn thiếu điều gi. Tôi nhớ ra rồi. Xung quanh chân cột thiếu hương thơm những chậu địa lan rừng. Đầu cột đỡ trần nhà vắng sắc màu phong lan nhiệt đới. Nếu được vậy, nơi đây như là phòng đón tiếp của khách sạn trông ra hồ In lơ, một thắng cảnh nổi tiếng của Myarma. Góc phía trong của phòng đón tiếp là quầy hàng mỹ nghệ. Nhẫn vàng, dây chuyền vàng long lanh. Những bộ xà tích bằng bạc mang dáng xưa trang sức sông Hồng. khánh bạc, chuông bạc vừa khẽ chạm vào đã ngân nga giai điệu hội mùa. Hồng ngọc Quỳ Châu mầu hoa mười giờ. Đá quý Lục Yên đỏ mầu hoa phượng. Đĩa gốm, bình gốm Chu Đậu nền nã hoa văn màu chàm pha sắc núi lam. Tiếp vào trong phía bên phải, sau hàng cây xanh, sau vách hoa lê là phòng ăn châu Á. Ghế bàn bọc vải trắng tinh. Lối đi rộng rãi tạo nên cảm giác thư thái, thoải mái. Bữa sáng tự chọn. Mười mấy món ăn như các khách sạn ở Bangkok, Singapor, Kualalampo, Yagun… Sau quầy thức ăn là nhà bếp vừa nâng cấp, chia làm nhiều gian khác nhau. Gian nào cũng sáng loáng sạch bong. Những bàn thép không gỉ luôn luôn đảm bảo vô trùng. Có gian riêng cho khách đạo Hồi, không có thịt lợn. Gian riêng cho người theo đạo Hindu, vắng bóng thịt bò. Gian chế biến thức ăn chay làm vừa lòng mọi tín đồ Phật giáo. Phòng ăn Âu ở tầng hai. Rồi đây, sẽ có phòng ăn riêng cho người châu Phi, châu Mỹ la tinh.
Trong khi trò chuyện về thú ẩm thực thế giới, Giám đốc khách sạn Nguyễn minh Phượng tâm sự:
- Lần đầu phục vụ khách của Hội nghị quốc tế ở Hà Nội xuống thăm Hạ Long chúng tôi cũng thấy lo lo. Trên hai chục nước thuộc các châu lục tôn giáo, phong tục khác nhau. Bối rối nhưng không lúng túng. Đầu xuôi đuôi lọt. Bây giờ mọi việc đều quen.
- Khách sạn lo làm vừa lòng khách đến… Thế thì, lo nhất là khách châu Á hay châu Âu?
- Lo nhất là đón tiếp Việt kiều. Tuy là người Việt, nhiều người lần đầu ra Bắc, lần đầu đến Hạ Long. Lạ mà quen. Canh cua, cà muối rẻ tiền có khi lại là đầu vị. Một lần, đoàn khách Việt kiều từ Nội Bài xuống đây đúng lúc bị cắt điện. Máy phát của khách sạn không kham nổi hệ thống điều hòa trung tâm. Đã sẫm chiều, giờ này bến vắng chợ tàn biết xoay sở làm sao. Một mặt, khách sạn cho người đi mua ngay hơn ba chục quạt cây. Mặt khác, đi mua hơn bốn chục con ghẹ còn đang thở lao xao bọt nước. Khi đón đoàn, câu đầu tiên là lời xin lỗi thiếu điện vì cạn hồ sông Đà. Theo sau lời xin lỗi, mỗi vị khách trang bị thêm một cây quạt đứng. Mỗi người thêm một con ghẹ miễn phí ngoài thực đơn. Bữa cơm hôm ấy vui tươi chân thành không khí đại gia đình... Cô nhân viên trẻ măng tươi cười mời chúng tôi nhận phòng. Hai thang máy êm và thoáng như ở khách sạn 4 sao kề Vương Phủ Tỉnh. Có người nói quá kên rằng, chưa biết Vương Phủ tỉnh coi như chưa đến Bắc Kinh.
Tôi ở tầng 6. Cửa kính trong suốt mở ra vịnh Bãi Cháy. Biển xanh, trời xanh, núi lam xanh như thể ngàn xưa, non nước đã lập trình màu xanh vạn đại Hạ Long muôn thuở dành cho hậu thế. Căn phòng dịu mát. Lòng tôi yên tĩnh, thư thái lạ thường. Thơ Chế Lan Viên bất chợt hiện về: Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại
Sóng như hàng ngàn trưa xanh trời đã tan xanh thành bể và thôi không trở lại làm trời (Cành phong lan bể)
Thiết nghĩ, một đời người biết bao lần đột xuất tìm về kỷ niệm. Biết bao lần dĩ vãng ngẫu nhiên trở lại lòng ta. Có điều là giữa trưa Hạ Long non nước đa tình, sao tôi không nhớ về một mái tóc, một gương mặt, một nụ cười… Mà lại nhớ về những vần thơ hơn bốn chục năm trời quá vãng. Du lịch hiện đại là thế. Dân trí càng cao càng đa ngành du lịch, từ dạ dày đi lên khối óc con tim. Du lịch sinh thái môi trường. Du lịch hội thảo. Du lịch văn hóa - lễ hội. Du lịch tâm linh… Có thể mai đây có thêm du lịch văn học. Sẽ có những đoàn người trèo lên chót vót Hồng Lĩnh, giữa trời cao gió lộng, giọng ngâm Kiều đồng vọng nước non. Sẽ có hội thảo thơ Bà Huyện Thanh Quan dã ngoại đèo Ngang. Sẽ có du lịch lần theo từng bậc thơ nôm Hồ Xuân Hương tìm về Ba Dội Ninh Bình.
Những năm qua, khách sạn Bưu điện Hạ Long đón nhiều du khách Quốc tế. Mỗi nước, mỗi đoàn có những nhu cầu ý thích khác nhau. Qua nhiều lần đón tiếp, Phó giám đóc khách sạn Nguyễn Xuân Điện có vài lời nhận xét thú vị. Khách Trung Quốc chú trọng ăn tốt, ngủ tốt. Khách Pháp thường nêu lên những câu hỏi bất ngờ. Tai sao đảo này trơ đá, đảo kia cỏ cây lại xanh tốt bốn mùa. Cùng chung mặt biển, vì sao các núi đá ở Hạ Long lại có ngấn nước khác nhau. Núi này một ngấn, núi kia hai ngấn. Có núi như là cổ cao ba ngấn. Khách Ý thường hỏi, nếu năm sau trở lại, thì nên đi những đâu, ăn những món gì. Khách Indonexia vừa nhận xét lại vừa hỏi vì sao những cánh buồn ở Hạ Long lại khác những cánh buồn ở miền Trung. Vài ba khách Hoa Kỳ hỏi về sự kiện 5/8/1964…
Để trả lời các câu hỏi do du khách đặt ra, hướng dẫn viên du lịch không những có học vấn cao, từng trải, mà còn có bản lĩnh chính trị vững vàng. Mến khách nhưng không cúi luồn. Cần ngoại tệ, nhưng không phải tất cả vì ngoại tệ. Xế nắng, nhân viên khách sạn mời chúng tôi ra Bãi Cháy, xuống tàu vịnh Hạ Long. Trước đó cô đã làm việc cụ thể với nhà tàu về hành trình của đoàn. Chúng tôi không ghé động Thiên Cung. Không vào hang Sửng Sốt. Không tới hang Đầu Gỗ. Bỏ qua khu ăn uống nổi, tàu chúng tôi đi vòng ra xa. Bể cạn thiên nhiên khổng lồ Hạ Long. Với muôn vàn non bộ như thiên thể nằm trong thiên hà. Nơi này, nửa vòng cung đảo nghiêng đầu về vịnh biển hình trăng khuyết. Lối kia, những vách đá nhấp nhô trên sóng biển long lanh ánh sáng ngọc trai. Xa nữa, những đảo đá như đàn rùa biển đang hướng vào đất liền. Trước lúc triều dâng, biển như ngừng thở. Tàu chúng tôi như đang bơi trong ao thu Nguyễn Khuyến. Nước xanh thăm thẳm như thể trời xanh tạo nên ảo giác, tưởng biển là trời. Triều dâng dào dạt, như thể thả trôi cùng gió biển, tàu chúng tôi hướng về Bãi Cháy. Chưa cập bến đã nhận ra cô nhân viên khách sạn vẫy gọi trên bờ. Gương mặt trẻ trung nở nụ cười ngọt ngào vị biển. Nụ cười rạng rỡ Hạ Long.
(Nguồn Tân văn số 3 - NXB Hội nhà văn tháng 3-2013)
|