Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  NHƯ LÀ CHỢ BẮC QUA (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng NHƯ LÀ CHỢ BẮC QUA (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

                          Ảnh nguồn - Internet

 

Ông anh họ của tôi sau gần bốn chục năm đằng đẵng phục vụ trong quân ngũ, trước khi nhận sổ hưu được Tổng cục cho sang Nga một chuyến xuất ngoại trối già trong hai tuần lễ.

Tôi ra đón anh ở sân bay và đi cùng với Đoàn về Nhà khách của Bộ Quốc phòng trên phố Môtxphimôvxkaia.

Trong nhà khách, tiện nghi không được sang trọng lắm nhưng được cái đầy đủ. Theo chương trình đã định, hàng ngày, anh cùng với Đoàn đi làm việc và tham quan các Bảo tàng, danh lam, thắng cảnh Matxcơva, hai ngày cuối sẽ đi thăm Xanh Pêterburg, rồi lên phi cơ về nước.

Ở được ba ngày, ông gọi điện cho tôi từ sáng sớm, đại ý rằng, “trưa nay, mày đến Nhà khách đón tao về cho tao một bữa cơm ta, cơm Tây, tao không chịu nổi!”

 Gần trưa, tôi bỏ việc, phi thẳng đến chỗ ông ngay, không thì rồi, với cái tính bốc hỏa, ông lại  bảo, là cả đời ông mới được xuất ngoại một lần mà tôi không tận tình, chu đáo với ông. Ông đâu biết, mỗi năm mười hai tháng, tháng nào, tôi cũng phải cúc cung phục vụ ít nhất hai đợt khách từ trong nước sang, cứ phải chạy ngược, chạy xuôi như ca sĩ chạy xô vậy.

 Đón ông về, ông bật tivi lên rồi phán: "Tao ngồi xem phim, mày lo cơm nước. Rau dưa cho đơn giản, đừng thịt cá phức tạp, tốn kém”.

 Tôi những định thanh minh để ông hiểu cho rằng, giữa mùa đông nước Nga thì rau dưa còn khó tầm hơn thịt, cá rất nhiều! Thuyết phục nhất là mời ông lên xe ra chợ với tôi, vừa được thăm thú thêm chút ít, vừa để ông chọn mua cho thỏa mãn khẩu vị nông dân, theo cách phát ngôn của ông. Ông gật ngay, không từ chối.

 Ra chợ Vòm thì xa, nếu đường tắc thì mất cả mấy tiếng, tôi đành đưa ông vào Xaliut 3, nơi vừa mở ra hơn hai chục quầy hàng khô sau ngày khu buôn bán bị đóng của.

Câu đầu tiên ông thốt lên khi tôi tấp xe vào bãi, dẫn ông đến khu hàng khô là: “Chẳng khác gì chợ Bắc Qua!”. Người Bắc Kỳ, chẳng có ai là không biết chợ Bắc Qua sát nách Đồng Xuân là chợ thực phẩm nổi danh nhất Hà Nội.

 Trong khu hàng khô Rưbăc không thiếu một thứ gì, cần chi, có nấy. Bày chất ngất trên các giá sắt cao hơn hai mét nào là măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, đỗ xanh, tôm khô, gia vị, cà muối, nước mắm, nước tương… Trong các hộp dưới sàn la liệt giá đỗ, đậu phụ, bánh phở, bún, giò và cả những bể cá đầy chép tươi đang quẫy tung tóe. Nhớ hết được tên các thức hàng khô cũng chẳng khác gì học thuộc lòng các thuật ngữ một bài khóa tiếng Nga hồi dự bị. Mỗi tuần có hai chuyến bay từ Hà Nội, một chuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh qua, các loại thực phẩm thiết yếu nhất đều được đóng hộp giấy chuyển sang kìn kìn, rồi từ đó được rải ra khắp các quầy hàng khô chợ Vòm, Xaliut 3, Asean, Tôgi, Rưbăc, đáp ứng đủ mọi khẩu vị đa dạng của bà con Lạc Việt.

Các thành phố xa thường lên ăn hàng tại chợ Vòm vì không lấy trực tiếp được từ đầu mối trong nước, trừ thành phố Upha có chuyến bay thẳng hàng tháng.

 Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, rất nhiều xe biển đỏ ngoại giao mang số ký hiệu Cămpuchia, Lào, Malaixia... đến Xaliut 3 để mua những thứ thức ăn Á Đông mà tại các siêu thị hoành tráng bói cũng không ra.

 Dạo mọi thức còn khan hiếm, các dịch vụ chưa ra tay, người ta còn đặt hàng qua các cô chiêu đãi viên hàng không. Khổ thân các cô liễu yếu, đào tơ, mỗi khi máy bay hạ cánh, những tà áo dài màu huyết dụ tha thướt đi dọc hành lang sân bay như người mẫu trình diễn, nhưng bên trong chiếc vali xinh xắn kéo theo thì chỉ độc các loại rau nhãn hiệu chợ Xanh Hà Nội. Có sao đâu, một công vài ba chuyện, vừa để cải thiện chút ít bù vào sự vất vả đường trường của những chuyến bay, vừa góp cho đồng bào xứ lạnh bữa ăn có chất tươi, thì chẳng có gì mà phải mặc cảm. Cứ coi mình như một hành khách bình thường là ổn nhất.

 Tôi nhất trí cao với thói quen truyền đời mà ông anh họ tôi không úp mở nói ra: “Tao thiếu gì cũng được, nhưng thiếu cơm là chịu”. Những món ăn Việt Nam đã được chọn lọc, lưu truyền qua hơn ba chục thế kỷ, thì làm sao người Việt xa quê một sớm, một chiều mà quên được. Hồi qua Bỉ và Hà Lan cùng với một người bạn, mặc dù đã cư trú ở châu Âu hơn hai chục năm rồi, nhưng anh vẫn thừa nhận là chưa một ngày nào bỏ cơm ta, nghĩa là trên mâm luôn phải có canh rau, cá kho hoặc thịt kho tàu.

 Còn nhớ cuối những năm tám mươi, có người trong nước sang làm quà cho chai nước mắm, gói vị phở xương hầm, ít bánh đa nem là quý như sâm củ, không hải vị, sơn hào nào sánh nổi. Trong các buổi lễ bảo vệ luận án tốt nghiệp hay Luận án Phó Tiến sĩ, ông cử, chị cử nào cũng cố lo cho được vài xếp bánh đa nem; hai, ba chai Lúa mới  để chuẩn bị cỗ mặn đãi khách; có được thì mới thở phào, yên tâm đọc bản tóm tắt trước Hội đồng, chưa có thì chạy vạy lùng kiếm khắp nơi như chị Dậu lo chạy thuế.

Thời xa vắng của thế hệ sinh ra trong tổ kén bao cấp thiếu thốn muôn bề trở thành cổ tích của bọn trẻ ngày nay, đã muốn là có. Bây giờ, nếu gia đình anh cư trú trong nội thành Matxcơva, cần món gì, anh cứ ới qua a lô dịch vụ là lập tức nhận được câu trả lời cực kỳ dịu dàng và văn hóa: em có ngay.

 Đơn giản là anh có nhu cầu cầy tơ nguyên con thui sẵn để gặp mặt hội bạn chứ gì; anh cần cá chuối sống phải không; anh cần ngựa ô, xe máy, nhà lầu, vàng thoi, đôla, kim ngân Hàng Mã để cúng giải hạn đúng không?... là nhà em sẽ đảm bảo mang tận nơi cho anh trong chuyến bay tới, giá cả rất phải chăng!

Năm hai lẻ một (2001), hai anh bạn thân của tôi làm ở Ban 5 của Sứ quán hết nhiệm kỳ về nước, nhóm cố tri văn chương thịnh tình làm một mâm đưa tiễn. Hồi đó còn mồ ma nhà hàng Cao Sơn cạnh Tôgi, nói thẳng ra là chưa sang tên cho Tàu, mọi thức ở đây đều dư dật. Chủ, khách ngồi vào bàn nheo mắt đọc thực đơn và quyết định chọn món giãn xương. Đầu bếp nhà hàng xách ra một bao tải buộc kín, phía trong có một sinh vật cuộn tròn ngọ nguậy, mấy anh em im lặng nhìn nhau. Thò tay vào bao tải, anh đầu bếp mặt tỉnh khô nắm cổ một con rắn hổ mang bành to cỡ bắp cày giơ cao, làm cho đám phụ nữ rú lên kinh hãi. Anh ta cho hay, "chú này vừa được đá sang chuyến sáng nay, nặng hai ký hai, cấp tướng”. Đưa được loại hàng hoang dã này vượt hơn chục ngàn cây số sang đây, qua biết bao là cửa, phải nói là cả một công trình. Tất nhiên loại bò sát đặc chủng cấp tướng này chỉ có người Hoa và người Việt hâm mộ mà thôi, còn Tây thì chắp tay vái thụt lùi.

Chắc những ai ở lâu tại Nga còn nhớ, các thứ chân giò, thủ, móng, tai lợn từng được bán với giá cực rẻ trong các cửa hàng thực phẩm Liên Xô, vì những loại thứ cấp này chỉ dành cho súc vật. Anh chị em ta khinh, sắp hàng mua về, người nào khéo tay, hay mắt thì sáng tạo ra giò thủ, nem thính..., còn những ai thuộc loại chém to, kho kỹ thì cứ thế cho lên bếp ga đun chín và chén thả phanh cho bõ những tháng năm dài chỉ xơi độc rau muống luộc.

Các ông bợm nhậu Tây nếm thử, thấy hay hơn cả nem công, chả phượng konbaxa, bèn mua về nhờ các cô công nhân ta chế biến. Cho đến cuối những năm tám mươi thì thứ của rẻ tiền, béo bở này trở thành sản vật hiếm hoi.

Bấy giờ, ở tại ốp Zin, ốp Lốp, ốp Đinh có một số anh em thức thời, nhạy bén, săn lùng ra, nói đúng hơn là móc ngoặc với lò mổ, mua được lòng lợn về phân phối cho các phòng ăn và các kva (căn hộ). Vài người đã phất lên nhanh chóng nhờ dịch vụ ticalolo (tiết canh lòng lợn) này hơn là đi đánh quả máy bơm, áo bay và xoong chậu. Họ mua lòng lợn đổ đồng với giá cho không, về chọn lọc ra, cung cấp cho nhà hàng với giá thu mua đặc sản, một vốn bốn năm lời, chỉ mất mỗi tiền xăng xe chuyên chở.

Vì không được phép đụng tới các món ăn phổ thông giàu tính đại chúng này, tôi không biết đánh giá hương vị của nó ra sao, nhưng các chuyên gia ẩm thực sành sỏi thì khẳng định rằng, lòng lợn Tây, cầy Tây còn thua xa đồ ta hàng ki lô mét về mặt chất. Ít lâu sau, anh chàng có chiếc xe Lada đời 4 đuôi dài, màu đỏ, có số biển đỏ, phục vụ quán chuyên lòng, giải nghệ, nhường chỗ cho những chiếc Gazen  Xôbôn mui kín hoành tráng chở thịt từ ngoại ô lên.

Số là ở ngoại ô thành phố Matxcơva có tới hàng chục trại lợn, trại gà phá sản, mỗi trại có diện tích cả chục ha. Các khu nhà mặc dù đã xuống cấp, nhưng hệ thống điện, nước vẫn còn; kho, chuồng và khu chế biến vẫn còn sử dụng tốt chán. Những người Việt có tầm nhìn xa ở góc độ kinh doanh thực phẩm đã mạnh dạn thuê lại với giá bọt bèo, tổ chức chăn nuôi lợn gà bằng nguồn thực phẩm khai thác từ các nhà máy chế biến nông sản.

 Đêm đêm, các chuyên gia bán chuyên nghiệp lần lượt hoàn tất các công đoạn sát sinh để sau một giờ sáng, tiết canh, lòng, thịt pha sẵn đã sẵn sàng lên xe để giao hàng tại Thủ đô trước lúc bình minh. Nếu không bị công an hỏi thăm, nếu xe không hỏng hóc bất thường, thì quãng năm, sáu giờ sáng, thịt lợn đã được bày từng súc tươi hồng trên các phản hàng khô; tiết canh, lòng, dồi bốc mùi sực nức, đã hiện diện ngự trên các mâm, thớt nhà hàng. Mua thịt lợn, thịt gà ta nuôi vừa rẻ, vừa tươi, ưu điểm bội phần hơn mua trong các cửa hàng thực phẩm và siêu thị. Vào hàng khô, chỉ nói mua gà ta, thịt lợn ta, là chủ hàng đã đủ hiểu ý rồi.

 Những ai thuộc giới thạo tin đều biết tới cuộc xì căng đan bún – đậu. Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn này kéo dài suốt mấy năm. Số lượng người ta thì đông, thực thử biểu về nhu cầu phở, bún thì bao giờ cũng có chỉ số tăng vọt. Các thứ hàng linh tinh phơi khô đóng gói thì có thể chuyển sang, nhưng phở tươi, bún tươi, đậu phụ thì nhanh như phi cơ cũng phải từ chối. Thế là các ông con cháu gia truyền nghề này được dịp ra tay. Họ gửi cả cối đá xay bột nặng cả tạ theo đường biển sang; thuê tầng hầm đặt máy móc chế biến. Đậu tương mua hàng tấn tại đây vô cùng rẻ, gạo cũng không đến nỗi đắt lắm. Họ sản xuất đậu phụ, bánh cuốn, bánh phở, bún và cho xe giao hàng tận các nhà ăn, các kiốt, thậm chí là đưa tận gia đình khi gọi điện đặt. Nguyên liệu mua thấp, giá bán cao, sản xuất cũng không cần đến trình độ ngoại ngữ, vi tính hay bằng cấp nên một số cơ sở thi nhau "trăm hoa đua nở”, để cung cấp những nhu yếu có cùng tên gọi này.

Công an liên tục kiểm tra những lò chế biến nằm kín dưới tầng nhà, đóng cửa nhiều nơi vì chủ nhân không xuất trình được giấy vệ sinh dịch tễ, sectiphicat, giấy thuế; phòng hỏa; một số công nhân bị bắt và bị trục xuất, chủ xưởng bị phạt bộn tiền.

Nhưng không hiểu tại sao, sáng sáng các nhà hàng ăn trong thành phố vẫn có bún tươi, đậu phụ không chỉ có vào ngày rằm, mồng một dành cho những người chay tịnh, mà ngày nào cũng ngâm đầy trong bể quầy hàng. Như vậy là vẫn có nơi sản xuất, công an không sờ đến họ! Chủ nhân các xưởng bị xóa bèn suy luận cho rằng, có chỉ điểm với mục đích cạnh tranh. Đơn từ, kiện cáo ầm ĩ một thời gian dài, rồi sau đó im hơi, lặng tiếng và bún đậu vẫn cứ đều đặn ra lò!

Quanh các trại lợn, trại gà ở ngoại ô, một số nhà kính trồng rau cũng được quân ta khai thác. Thông thường, mỗi nhà kính có diện tích chừng 3000m2 sử dụng. Trong nhà kính, đất mùn hữu cơ, nhiệt độ, ánh sáng và nước tưới luôn đảm bảo tiêu chuẩn. Tại một số nhà kính, khách vào thăm còn phải mặc áo blu như thăm bệnh nhân trong bệnh viện, còn nhà kính ta làm thì theo cách ta, nghĩa là ra vô, ăn mặc thế nào cũng được, miễn là rau nhanh tốt. Các ông chủ Việt thuê cả người Nga địa phương lẫn ta đảm nhận mọi khâu từ gieo hạt, tưới tẩm, điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, có nơi còn thuê cả chuyên gia Nga có trình độ Đại học về canh nông làm việc. Nhà kính ta trồng đủ các thứ mà hình như trong từ điển Tây chưa có  như rau muống cạn, su su, bí xanh, mướp, bí đao, rau cần, cà pháo… Nếu hạt rau muống gieo ở ngoài trời vào mùa hè thì phải mất gần một tháng; còn trồng trong nhà kính thì gần hai chục ngày là có thể thu hoach được rồi… Mùa đông giá lạnh, khi ngoài trời mưa tuyết bời bời, thì trong nhà kính vẫn ấm áp, các anh công nhân nông nghiệp quê ta vẫn đánh may ô cuốc xới và rau cỏ vẫn mọc xanh mơn mởn.

Làm rau quanh Matxcơva rất lãi vì giá thuê nhân công ta và Tây lao động phổ thông không đáng là bao, tiền mặt bằng cũng không đến nỗi đắt, nhưng vất vả lắm. Người Việt ta có một cái đức tự phát là hội chứng làm theo. Khi thấy làm rau có lãi là đổ xô nhau đi thuê đất để canh tác, không tính đến sức mua có hạn, do đó nhiều khi rơi vào cảnh khủng hoảng thừa. Thừa quần, thừa áo, thừa dép, thừa giày thì còn cất giữ được, còn thừa rau thì chỉ có một cách duy nhất là đổ đi. Những hôm trời băng giá, tắc đường, bọc rau không cẩn thận, rau đông cứng thành đá, thay vì lái ra chợ, tài xế đành nhắm mắt, đưa chân chuyển hướng đưa ra bãi rác!

 Đằng sau những mớ rau tươi trong chợ hàng khô người Việt giữa mùa đông khắc nghiệt ở nước Nga, biết bao nhiêu mồ hôi và công sức. Ông anh họ của tôi nói ăn rau dưa qua loa cho đơn giản, điều đó chỉ đúng vào mùa hè ở Nga thôi.

 

2007


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65172432

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July