Nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại lúc viết bài thơ "Tự trào" là khi anh đang công tác ở ban cuối tuần của một tờ báo lớn. Có lẽ cái chất thi sỹ trong con người nhà báo của anh đã tạo ra cái giọng thơ dí dỏm những cũng thăm thẳm nỗi niềm.
Tự trào
Làm báo thì xoàng ăn báo giỏi
Suốt đời tong tả chuyện người ta
Nhà thơ, nhà báo… không lo nổi
Cho vợ con thơ một nếp nhà!
Chẳng phải vay ai mà cũng nợ
Số này số khác thúc chân nhau
Lo trang, lo chữ hơn lo vợ
Nhìn đó trông đây tự chuốc sầu
Nghề oách, nhiều khi nghe cũng oách
Tiếng tăm vang cả bốn phương trời
Xe kia, xe nọ thường đưa rước
Quan nhỏ, quan to ấy bạn chơi…
Xuống huyện xắn quần bàn cơ cấu
Lên rừng vung bút giữ môi sinh
Bán buôn quốc tế, trừ tham nhũng
Khoa học, văn chương tỏ điệu sành!
Chơi quan những tưởng mình quan trọng
Bàn nghề, ngộ nhận đã lên chuyên
Xót nỗi muộn mằn nay mới tỉnh
Quan chẳng quan mà chuyên chẳng chuyên
Ngày xưa cây súng, lòng thanh thản
Cây bút bây giờ mới nặng thay!
Tài mọn, thôi làm viên đá lát
Làm ngọn đèn chong khát ánh ngày.
Nguyễn Sỹ Đại
Chính cái giọng điệu ngỡ như tưng tửng này đã thổi vào hồn cốt bài thơ chân dung của một nhà báo. Nghề báo là một nghề luôn bận rộn nhất là trong thời đại thông tin cập nhật nhanh chóng hiện nay. Anh đã thốt lên thật chân thành tha thiết:"Chẳng phải vay ai mà cũng nợ - Số này số khác thúc chân nhau - Lo trang, lo chữ hơn lo vợ". Đọc thơ mà ta cứ hình dung cái mỉm cười tủm tỉm của tác giả. Phải bản lĩnh lắm mới tạo ra giọng thơ vừa chia sẻ với đồng nghiệp, vừa vận vào mình.
Ở đây chỉ một khổ thơ mấy dòng thôi mà nhà thơ vẽ lên công việc hằng ngày của nhà báo: "Xuống huyện, xắn quần bàn cơ cấu - Lên rừng vung bút giữ môi sinh". Tôi rất thích hình ảnh "xắn quần" đi thực tế của nhà báo, cùng góp tiếng nói của mình với xã hội. Hai câu thơ như một vế đối hoàn chỉnh, với "vung bút" tạo ra sự chủ động và tự tin. "Vung bút" đó là một động thái nhưng ẩn chứa sau đó là cái tâm trong sáng của người làm báo.
|
Tác nghiệp. Nguồn Internet |
Tứ thơ được vận động sang một trạng thái tình cảm khác như một tự vấn: "Chơi quan những tưởng mình quan trọng - Bàn nghề ngộ nhận đã lên chuyên", và anh nhận ra một sự thật để tự răn mình: "Quan chẳng quan mà chuyên chẳng chuyên". Thường, những việc quan trọng nếu thổi vào đó giọng điệu hóm hỉnh thì cách tiếp nhận thoải mái và đồng điệu hơn. Nhà thơ nói những việc "nhạy cảm" nhưng lại hòa đồng, cảm thông được bởi tấm lòng của mình. Ở đây cái chất Đồ Nghệ đã thấm vào anh, tự thú để tự trào cứ ngỡ như hồn nhiên nhưng ẩn sau đó bao nỗi niềm. Cái khát khao lớn nhất của nhà thơ là muốn được sẻ chia với đồng nghiệp.
Tôi rất thích hai câu thơ: "Ngày xưa cây súng lòng thanh thản - Cây bút bây giờ mới nặng thay". Cây bút là một vũ khí trên mặt trận không tiếng súng nhưng rất phức tạp này. Nhà thơ ao ước làm "viên đá lát", "ngọn đèn chong khát ánh ngày". Đó là một động thái khiêm nhường nhưng lại toát ra bản lĩnh và cái tâm của người làm báo.
Viết thơ về nghề thật khó - nhất là nghề báo. Tứ thơ neo giữ được sự cân bằng khi tìm được mối đồng cảm thật chân thành của mình. Bởi cái ranh giới mỏng manh từ sự tự trào nếu đẩy quá sẽ gây một phản ứng khác. Thơ hay chính là sự giữ lại được cái ranh giới nghệ thuật này.
Hà Tĩnh, 18 tháng 6 năm 2013
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Theo báo hà tĩnholine
|