Bắt cá ngày hè
|
Ngay trước nhà tôi là một cánh đồng, với một đứa trẻ con thì nó rất rộng. Mùa này, nước bắt đầu khô ran mặt ruộng, hoặc nếu có thì cũng lấp xấp đến hơn nửa cẳng chân, và nước nóng quay nóng quắt. Lúc đó, cá rô, cá chép, cá tràu (miền Bắc gọi là cá quả)… lờ đờ mệt lử, bọn trẻ con như tôi cứ chạy xuống ruộng mà tóm lấy.
Những đêm hè, cá quẫy rất mạnh dưới đồng, có những con cá trê, cá tràu to bằng bắp chân búng mạnh phá đi cả sự tĩnh mịch của thôn xóm. Những đàn anh lớn tuổi hơn luôn tiên phong ke bờ, đắp đập nhỏ ở giữa ruộng thành một vòng tròn hoặc hình chữ nhật, rồi rút hết nước ra. Về đêm, cá nhảy vào ô thửa của mình, sáng dậy cứ thế ra mà nhặt.
Tôi còn nhớ, cuối những năm 1980, hồi đó 3 em ruột của tôi chưa sinh. Ngay trong vườn nhà là một cái ao, hễ mưa tháng Năm ập xuống là tiếng ộp oạp kêu đến nẫu ruột. Những ngày bố vắng nhà lâu ngày, mẹ ôm tôi ngủ, rồi mẹ dạy tôi hát. Ngày đó, ở quê hay kể chuyện những ngày như này, người ta hay thấy ma Trơi, bay vật vờ nhào lượn rồi mất hút. Sau này học mới biết đó là một hiện tượng tự nhiên, chất phốtpho bốc lên từ những xác động vật (kể cả xác người chết) ở một điều kiện xung đột nhiệt độ nhất định thì sẽ cháy, và làm nên hiện tượng đó (tiếc là điều này lên lớp 9 mới biết). Mẹ kể, mẹ từng nhìn thấy ma Trơi. Thế là 2 mẹ con lại co ro ôm nhau cho đỡ sợ. Hồi đó, mẹ là cán bộ Hội Phụ nữ, nên hát rất hay, mẹ tập hát cho tôi từ "Chuyện tình hồ núi Cốc” cho đến dân ca Quan họ: "Ơ hò ơ, ơ hò ơ hò/ Nắng lên nhanh màu xanh huyền thoại/ Nghe câu chuyện xưa về đôi trai gái/ Tha thiết yêu nhau nhưng vẫn không thành đôi…”. Ừ, thì những ngày mưa chỉ mong "nắng lên nhanh” thôi, cho chóng tạnh nỗi buồn.
Tháng 6 cũng là thời điểm của những cơn mưa rào. Khi mưa xuống, ếch nhái nhảy từ các bụi cây, hốc đất ra tận hưởng sự hả hê của trời đất. Nhiều đến mức mà từ nhà ông nội về nhà tôi tầm 200 mét, hai bố con đã bắt được cả bao tải ếch.
Mùa hè, tôi sang ở với ông bà nội. Đêm nóng, cả nhà ra sân hoặc ra trước cửa nhà (và trước mặt là một cánh đồng) để ngồi hóng gió. Thú vui nhất lúc đó là… ngắm sao. Rồi ông chỉ cho tôi đâu là sao chổi, đâu là sao hôm, rồi chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ… Hồi đó, tôi hỏi ông, Hà Nội ở hướng nào. Ông chỉ về hướng Bắc. Nhưng chỉ thì biết vậy, chứ đó là một nơi xa xăm khó tưởng tượng của một đứa trẻ con. Thân phận của tôi hồi đó chả khác nào "Hai đứa trẻ” trong truyện ngắn cùng tên của Thạch Lam, cứ luôn nghĩ về ánh đèn nơi phố thị…
Đấy, Hà Nội của mấy chục năm sau cũng nóng chảy mỡ, thằng trẻ con ngày xưa chẳng còn mất thời gian tưởng tượng về chốn thị thành, giờ lại muốn được "cho tôi một vé về tuổi thơ”, thời trẻ nhỏ đồng quê thơ dại. Con người ta thật lạ!!!
Lê Ngọc Sơn (ĐĐK)