Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Truyện ngắn Bố Khùng - Nguyễn Tuyết Mai Truyện ngắn Bố Khùng - Nguyễn Tuyết Mai , Người xứ Nghệ Kiev
 

alt

 

Nước bể khơi vục mãi không đổ tràn ngăn tim thương con của Cha

Cha ơi cách biệt âm dương

Bàn thờ nhang khói con thường thấy cha

Buồn đau lệ chảy nhạt nhòa

Cha đây con đấy mà xa cách lòng.

Trong đời sống xã hội con người thời nào cũng vậy luôn có những người Cha tốt xứng đáng với câu nói: "Công Cha như núi Thái Sơn..." nhưng ở đâu đó vẫn có những ông bố độc ác điên khùng đánh đập hành hạ vợ con không ghê tay. Ngày mai chủ nhật 16/6/2013 cả nước Nhật kỷ niệm ngày của Cha con xin đăng truyện ngắn Cha Khùng kính mời cha cùng đọc.

alt

Ngày Của Cha tại Nhật là một lễ được dùng để tôn vinh những người làm cha, tôn vinh cương vị làm cha, mối quan hệ với người cha và ảnh hưởng của người cha trong xã hội. Ngày này được ăn mừng vào chủ nhật thứ ba của tháng 6 tại nhiều quốc gia và có thể rơi vào những ngày khác ở một số nơi.

 

Truyện ngắn Bố Khùng

Nguyễn Tuyết Mai


Từ thủa thiếu thời tôi nhớ như in câu chuyện ở làng quê có ông Thừa khùng dữ như cọp, mấy đứa trẻ con nghe tên ông đã sợ rúm càng vó, chứ nói gì tới chuyện nhìn thấy hay gặp mặt ông. Của đáng tội nhà ông nằm chềnh ềnh ngay đầu làng, lối ra vào xóm Yên. Tên là Yên mà chẳn để cho ai yên, hầu như lúc nào cũng nghe tiếng quát tháo chửi rủa om sòm như cái loa thùng luôn phát ra từ ngôi nhà lá ba gian của ông. Nhưng chủ yếu là cái mồm ông ổng của ông Thừa chứ bà Thức thì hiền lành im như hạt thóc giống. Hai ông bà có hai cô con gái đặt tên là Thêm, Thôi và cậu con trai là Mãi, còn một cậu cả tên Thắng con của bà vợ cả. Sau này ông lấy thêm bà vợ thứ ba đẻ được thêm bé Nữa. 

Nhìn bề ngoài của ông Thừa rất phong độ, râu đen rậm rì ở mép trên, thậm chí nhìn oai phong như bác học. Thời trẻ nghe nói ông có tiếng là đẹp trai, mồm mép, dáng dấp cao dáo thanh thoát như vận động viên được luyện tập thường xuyên. Giọng nói oang oang oai phong lẫm liệt. Hẳn ông phải có tài thu hút gái ở mọi chỗ mọi nơi nên ông có tiếng ác vậy mà vẫn đoàng hoàng cưới 3 cô vợ xinh đẹp lại nết na. Ông có "duyên thầm" hay tại ba người con gái hám ông đẹp trai mà mắc hợm? Có ma nào biết được. 

Một buổi trưa hè nóng nực, đang cố ngước lên nhìn hàng cau trước cửa nhà định lấy mo xuống làm quạt. Hí hửng và nghĩ ngợi sáng tạo cái quạt mo vừa đẹp vừa lộng lẫy màu sắc giống cái quạt của thằng Bờm xem trong phim thì tiếng cái Miến em gái tôi gọi từ ngoài cổng. 

- Chị Mì ơi, làm gì đấy, lại em bảo nhỏ này. 

Nó thầm thì vào tai đủ cho tôi nghe tiếng: 

- Chị xem còn cơm nguội, chiều đi thả bò thì đùm cho cái Thôi mấy miếng, nó bỏ nhà đi từ đêm hôm qua chưa biết giờ đang ở hang nào, chắc lại nằm trên đồi Beo kia thôi.

- Ai bảo thế?

- Sáng nay đi học không thấy Thôi đâu, nghe nói bị bố đánh đòn chắc nó lại lên đồi nằm như mọi lần chứ loanh quanh ở nhà thì ông Thừa luộc chín nó à.

Nói đoạn Miến ngoe nguẩy đi chơi tiếp với lũ bạn đánh chắt ngoài cổng. Tôi không ngạc nhiên vì chuyện Thôi bỏ nhà lên đồi nằm khi thì bị đói khi bị thương vì đã quá quen chuyện như thế rồi. Nên ậm ừ tính làm cái quạt mo xong sẽ đi lấy cơm sau. Miến đi rồi tôi nhìn theo nó nghĩ ngợi. Cái Thôi khổ quá từ ngày mẹ bỏ đi nó sống vật vờ như đứa ko cha mẹ không cửa nhà thế kia, học hành buổi đực buổi cái. Anh Thắng cũng chả giúp đỡ, tất cả việc nhà cửa cơm cháo của 3 bố con đều do một tay nó đảm nhiệm, kể cả việc giặt giũ quần áo. Chả bù cho Miến nhà mình được nuông chiều đủ thứ tuy nhà nghèo nhưng có chị có anh gánh vác cho chả phải lo làm việc gì nặng nhọc. Nhưng nghĩ lại nếu Miến mà bị bố đày đọa như cái Thôi thì mình cũng thương nó lắm. Chắc là chẳng bao giờ có chuyện xấu ấy xẩy ra với gia đình của mình. Tôi thở dài quay ra cắt vội cái quạt mo cau rồi phe phẩy quạt thử, tay vung vẩy múa mênh như diễn kịch rất điệu đàng. Vốn dĩ tôi rất yêu thích những vai diễn hề kịch nên hay bắt chước.

Buổi chiều mấy đứa gọi nhau đi thả bò í ới, nhìn trước nhìn sau không thấy mẹ, tôi nhét vội vào cạp quần chun nhúm cơm nguội khô cứng tơi tả gói bằng giấy thi nhàu nát, bên trong có mấy con tép kho cứng mặn chát anh trai mới đi hớt được sáng nay. Tôi nghĩ chắc là nó đói lắm, có còn hơn không. Có lần nó bỏ nhà đi, không có cơm chúng tôi thay nhau mót sắn lên mầm rồi cạo vỏ cho nó nhai sống nữa là. Nay có cơm thì cứng cũng còn ngon chán ấy chứ. Nghĩ vậy tôi thấy vui trong lòng, vội xua 2 con bò ra cổng nhập nhanh theo đàn đang lừng khừng chờ đông đủ mới lùa cả lên đồi cho chúng gặm cỏ. 

Lên đỉnh đồi Beo, đàn bò tha thẩn gặm cỏ sau trận mưa trước đang nhú mầm xanh non. Tất cả bọn gần chục đứa loai choai ùa nhau đi tìm cái Thôi xem nó nằm ở đâu, còn sống hay đã nghẻo rồi. Sau một hồi tìm kiếm đứa nào đứa nấy mồ hôi nhễ nhại cuối cùng chúng tôi cũng phát hiện Thôi nằm bẹp trong một ngách sâu bên phía sau quả đồi đối diện với làng Phù. Nhìn Thôi thiêm thiếp khuôn mặt xanh xao tôi nhào tới lay nó ngồi dậy, nó chỉ vào gót chân có vết rạch một đường chéo trên mắt cá còn há nguyên miệng chưa băng bó, tuy máu đã ngừng chảy nhưng vết thương đau đớn, nó cố bò đuọc tới đây rồi lả đi từ hôm qua. Giọng thều thào ngắt quãng như sắp hấp hối: "Chị Mì ơi... em... đói..." Tôi vội lấy nhúm cơm ra cho nó ăn, mặc dù cơm cứng là thế nhìn nó ăn ngon lành mà thương. Ăn xong nó nhẻn miệng cười với tay vục ngụm nước trong hang còn đọng lại ở ngách bên cạnh, uống chùm chụp rồi thong thả kể lại chuyện bị bố chém vào chân đêm qua như thế nào. Vì em mải chơi nên quên nấu cơm tối, bố chửi: " Mày lười biếng, tao đuổi cổ theo con mẹ mày" Em ấm ức: "Con đang muốn đi tìm mẹ đây" Thế là bố vác dao chém hụt vào chân khi em vừa định chạy. Mấy đứa chúng tôi vô cùng thương nó nên khuyên nó trở về nhà cứ xin lỗi bố rồi tiếp tục ngày mai đi học nhé. Nó ậm ừ có vẻ còn sợ hãy...  

***

Cả xóm Yên đều biết chuyện ông Thừa khùng hay đánh vợ, đánh con. Vốn là một ông giáo làng mà sao ác độc. Hàng ngày đi dạy học về không đi đâu ra khỏi cổng, chả quan hệ hàng xóm láng giềng với ai, chỉ cút rượu và điếu cày làm bạn. Bà vợ cả rất xinh đẹp vốn là người cùng làng tên là Thiếp có giọng hò làm say mềm các đôi trai gái xóm Yên. Hai người có đứa con chung tên là Thắng, họ chỉ sống cùng được mấy năm sau đó phải bỏ nhau. Vì ông Thừa liên tục chửi rủa đánh đập bà Thiếp như một kẻ ăn người ở từ thời địa chủ. Lần cuối cùng ông đánh bà Thiếp đó là một lần đi gặt lúa chiêm đồng về, vì mê mệt giọng hò của bà Thiếp nên có một người trai làng theo bà gánh lúa về tận ngõ. Được chứng kiến cảnh ấy ông Thừa nóng mặt xông ra tay vẫn cầm chiếc điếu cày quí hơn cục vàng vụt mạnh vào người bà Thiếp gãy tan làm ba mảnh, miệng chửi rủa:

- Mày là đồ đĩ dâm, dám dẫn trai về nhà cắm sừng ông hả?

Ngày ấy chính quyền địa phương chưa quan tâm tới đời sống của người dân cụ thể là chuyện bảo vệ bạo hành gia đình nên người phụ nữ vô cùng tủi nhục. Cực chẳng đã bà Thiếp bỏ làng, bỏ cả thằng Thắng cho ông nuôi. Nghe bà nói lại: "Tôi không thèm nuôi cái giống độc ác nhà ông" Tưởng bà giận giữ thì nói vậy, ai ngờ bà bỏ đi một mình thật. Bà xin đi làm công nhân để xa hẳn người chồng vũ phu. Năm khi mười họa đoảng về thăm mồ mả tổ tiên sau đó lại đi biền biệt cả làng chả ai nhìn thấy bà bao giờ chỉ nghe tên và tiếng đời để lại. Thắng lớn dần lên trong sự thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ ruột, nó tỏ ra bướng bỉnh chẳng sợ gì chuyện bố đánh đập nữa, nó đã dạn đòn nhưng sống rất tình cảm với bè bạn người thân.

Cho đến một ngày ông Thừa đi bước nữa với mẹ cái Thôi ngay sau một lần gánh rau đi chợ bán ở làng bên, hai người mua bán gặp nhau mà nên vợ nên chồng. Cô gái tên Thức mới lớn, mơn mởn như nai rừng khờ khạo ngày ấy gặp Thừa chỉ một lần như đã bị trúng tên tẩm độc. Trái tim nàng tê liệt mê muội trước dáng vẻ bề ngoài và sự nói năng lưu loát của thầy giáo làng mới ngoài đôi mươi đã một đời vợ một con trai. Hai người bất chấp tai tiếng và vượt qua mọi rào cản trở ngại. Một năm sau ngày cưới, hai con Thêm - Thôi lần lượt ra đời như có thêm vật để ông Thừa đánh đập và hành hạ. Vẫn chứng nào tật ấy ông Thức hành hạ vợ con sớm tối như cơm bữa. Một lần ngồi bó rau để đem đi chợ bán, cô Thức vụng về làm gẫy nát mớ rau, ông Thừa tiện tay vớ bó lạt quất vào mặt cô. Giọng khinh bỉ: "Đồ vụng, cô chả nên trò trống gì" Thức ấm ức chống trả: "Tôi lỡ tay chứ ai cố ý, anh đừng có quá lời." Ông sấn sổ đấm vào mặt cô như không muốn nghe lời cãi lại.

Tưởng cực nhục như thế thì thôi, ai ngờ mẹ Thôi lại sinh thêm một em trai đặt tên là Mãi. Khi cu Mãi chưa đầy một tuổi vào một đêm mưa bão sấm chớp ầm ầm bà Thức âm thầm lẻn dậy đưa chị Thêm khi ấy ngủ với mẹ và cu Mãi đi bỏ trốn biệt tích. Thắng và Thôi ngủ với bố nên bà Thức đành gạt nước mắt bỏ lại Thôi mà trong lòng vô cùng đau đớn. Nhưng tuyệt nhiên không dám quay lại để đón Thôi sợ bại lộ. Từ đó Thôi sống bơ vơ tự tay chăm sóc mình trong khi chúng bạn vẫn còn được mẹ rửa mặt cho mỗi khi sáng dậy. 

Ông Thừa lại lấy tiếp một bà vợ thứ ba nữa. Lần này cô gái tên Thiện cũng trẻ đẹp lại xinh ở làng khác có một đời chồng chết vì bệnh tật. Tuy vậy cô vẫn như gái tân vì chưa có con. Được người quen giới thiệu, đồng ý về làm vợ ông Thức trong cái nhìn ái ngại lo âu của bà con xóm giềng mà không ai dám hé răng nói ra suy nghĩ ấy. Chỉ sợ ông Thừa lên cơn ác thì khổ tất. Sống với nhau chưa quen hơi cô Thiện cũng bỏ đi ngay sau một lần bị ông Thừa giẫm lên bụng bắt cô phải bỏ cái thai. Còn cô thì muốn đẻ. Cô bàng hoàng hiểu ra sự thật của hai đời vợ trước tại sao cả hai đã bỏ đi biệt tích, bỏ cả con mình để thoát thân. Không chịu được sự độc ác tàn bạo của chồng, cô chỉ đợi sinh được bé Nữa rồi làm thủ tục ly dị, đoàng hoàng bế con ra đi trước sự chứng kiến của cán bộ xã. Vì gần đây nạn bạo hành trong thôn xóm gia tăng nên lãnh đạo huyện các cấp đã ra chỉ thị bầu ra hội phụ nữ về từng làng xã nhằm bảo vệ bà mẹ trẻ em. Thế là số phận của mẹ con cô Thiện được giải thoát nhanh gọn khi cô vừa mới cho ra đời một đứa con với ông Thừa đó là bé Nữa.   

Từ ngày vợ ba bỏ đi nốt, ông Thừa ngấm đòn cay đắng và nghĩ tới hai đứa con Thêm và Mãi của bà vợ hai đã trốn đi cùng không biết giờ này chúng sống chết ra sao? Đôi khi ông cũng thấy như mất đi một cái gì đó lớn lao lắm mà không thể nhớ ra nổi. Trong giấc mơ vụn vặt ông thấy ba mẹ con cô Thức như đang mỉm cười ở trước mặt mà giơ tay không thể nào với tới. Cổ họng ông như bị bóp nghẹt vì những cơn ho khùng khục kéo dài làm tan biến giấc mơ vui. Hai đứa con khác mẹ sống côi cút như con chim mất mẹ bên cạnh người bố ác độc điên khùng thật là tội nghiệp biết bao. Cũng may chúng được bà Toàn người hàng xóm tốt bụng bảo bọc vì thấy chúng côi cút ngoan hiền nên thường giấu cơm trộn muối vừng cho chúng ăn mỗi khi bị bố đánh đập và bỏ đói. Ông Thừa như đã biết được điều này nên gần đây bỗng thay đổi tính nết một cách lạ kỳ. Ông ít chửi bới con cái hơn và thay vào đó là sự im lặng khó hiểu, tự dằn vặt. 

***

Một buổi chiều nhập nhoạng tối Thắng lăn quả bóng ra trước nhà đá một mình, nó rất thích chơi bóng, đã hai hôm nay trời mưa nhọt nhẹt ướt sân không chơi được nên nó cuồng chân. Được ngày hểnh nắng, bà Toàn gẩy rơm ra cổng phơi, từ trưa tới giờ vẫn chưa thấy về thu lại, không biết bà đi đâu cửa đóng then cài im ỉm. Bỗng nghe tiếng người kêu cứu thất thanh ngoài sân cỏ, cũng là lúc bà Toàn trở về nhà chưa kịp mở cửa, tiếng kêu cứu mỗi lúc một thống thiết hơn. Thôi chết cha rồi, bà hớt hải chạy ra, mặt tái mét không còn hồn vía nào. Thì ra Thắng mải đuổi theo quả bóng mà ngã trượt xuống giữa hố vôi nhà bà mới tôi được hai ngày hôm nay. Thắng bị bỏng vùng vẫy, miệng kêu thất thanh. Vừa hốt hoảng vừa bị bỏng nó không thể tự leo lên khỏi miệng hố sâu tầm một sải tay người. Cũng may là vôi tôi đã hai ngày và trời lại mưa nên bớt bỏng. Bà Toàn miệng cũng ú ớ kêu lạc giọng đi: "Bớ bà con cứu người; cứu người, bớ, bớ !!!"

Lúc này ông Thừa đang ngồi vắt chân trên chiếc phản gụ đợi bữa cơm chiều, chu mồm hút thuốc lào vặt, nhả khói phì phèo bay quanh cái miệng đầy râu ria vẻ mãn nguyện. Chợt tiếng kêu lọt vào tai ông, dỏng tai nghe ngóng khi phát hiện ra tiếng kêu từ phía cổng nhà bà Toàn người hàng xóm tốt bụng vẫn thường âm thầm giúp đỡ mấy đứa con khi bị ông bỏ đói. Chẳng kịp đắn đo gì, không biết con cái nhà ai, quẳng vội chiếc điếu cày ra phản, như phản xạ tự nhiên, ông chạy xộc ra phía có đám đông. Lúc này đã có dăm ba người đến trước họ không biết làm thế nào để cứu được thằng bé đang đứng giữa hố vôi bỏng giãy kia. Chợt ông quay phắt lại vườn nhà vác cái thang chạy vọt ra, tay gạt mạnh đám đông để len vào cứu người bị nạn. Thang được đặt nằm ngang trên miệng hố như một cây cầu. Ông nằm lên trên, lấy hết sức mình kéo mạnh hai tay thằng Thắng rút ngược lên như rút một cây chông cắm phập vào cơ thể tình địch. Được mấy người thanh niên đứng gần nhanh tay giúp sức, lập tức thằng Thắng được kéo lên bờ thoát chết nhưng vết bỏng khá nặng, cần phải cấp cứu ngay. Ông không kịp về thay quần áo dài cứ thế mặc quần đùi cõng thằng Thắng chạy một mạch ra trạm xá hy vọng cấp cứu được con. Nước mắt của người đàn ông điên khùng từng đánh đập vợ con nay bỗng đâu chảy tứa ra khóe mắt cay xè. Ông thì thầm:

"Thắng ơi cố lên, bố đây! " Có lẽ đây là lần đầu tiên Thắng nghe tiếng bố gọi mình tha thiết thân thương đến thế. Nó đau lắm muốn xỉu đi trên lưng bố nhưng vẫn nhẻn một nụ cười trong tâm, chỉ mình nó biết.  

Hành động nhanh trí dũng cảm và thông minh của ông được lọt vào bao nhiêu cặp mắt tò mò, vốn dĩ đã nghĩ rất xấu về ông từ trước tới nay, về ông bố điên khùng chuyên đánh đập con và hành hạ vợ. Họ nghi ngờ việc làm tốt của ông khi nãy... Còn Bà Toàn chưa khỏi hết hồn về vụ tai nạn do chính bà gây ra cho thằng Thắng. Bà ân hận, giá như về sớm gom hết rơm vào thì đâu đến nỗi xẩy ra chuyện đáng tiếc này. Miệng bà có vẻ mấp máy muốn nói một câu gì như lời xin lỗi cháu. Rồi bà khóc, bà mừng mừng tủi tủi vì từ nay cha con thằng Thắng sẽ gần gũi nhau hơn. Bà lóc cóc chạy theo ông Thừa ra trạm xá để cùng chăm sóc thằng Thắng, miệng cất tiếng gọi "Cháu ơi!" Nước mắt bà chảy vòng quanh thương thằng Thắng như thể con cháu của mình đang đau đớn mà chính bà đã vô tình gây nên tai nạn. 

Japan 2013-06-14

NTM

Theo Blog Nguyễn Tuyết Mai http://nganhdao.vnweblogs.com/post/12440/420382


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65173177

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July