Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  NỖI KHỔ NÀY ĐÂU CHỈ RIÊNG VĂN GIÁ! (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng NỖI KHỔ NÀY ĐÂU CHỈ RIÊNG VĂN GIÁ! (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

               Ảnh nguồn - Internet

 

Matxcơva - Liên bang Nga được ví như một trạm trung chuyển lớn. Hàng năm, có hàng trăm đoàn khách từ Việt Nam sang công tác, du lịch, thăm thân; hoặc tranzit qua châu Âu. Và trên báo chí có biết bao nhiêu là chuyện một giờ, một ngày về nước Nga, về người Nga, người Việt tại Nga. Cũng như vậy, có biết bao nhiêu là chuyện, "những khi buồn kể lại thấy vui vui - những khi vui nghĩ lại thấy ngùi ngùi" về những người Việt trong những chuyến đi ngắn ngủi qua miền băng giá.

Là người hai chục năm qua, gặp gỡ, tiếp xúc với cả trăm đoàn, tôi đã nghe, đã thấy, đã có mặt trong nhiều trường hợp bi, hài và chua xót. Nào là chuyện một vị chức sắc của ta bị công an cho vào đồn không biết tiếng không biết kêu ai; chuyện một đoàn cán bộ Hữu nghị đi Xanh Peterburg bị mất sạch tiền nong, giấy tờ trên chuyến  tàu tốc hành; chuyện một đại trí thức không biết sử dụng phòng tắm khách sạn làm nước ngập lênh láng cả hành lang...

Kể về nhà văn Văn Giá, chỉ là một ghi chép nhỏ trong trường thiên "chuyện thường ngày ở Huyện". Trước khi nói đến  Văn Giá, có lẽ phải kể một chút về dịch giả Thuý Toàn và nhà thơ Lê Văn Nhân, coi như màn giáo đầu câu chuyện.

Công khai "sự cố" của dịch giả Thúy Toàn

Thuý Toàn là người sang Nga khá nhiều, hầu như năm nào ông cũng có một chuyến xuất ngoại theo lời mời của Hội Nhà văn Nga. Vì vậy, nước Nga, đặc biệt là Matxcơva, nơi ông theo học từ đầu những năm 50, đối với ông chẳng xa lạ gì. Người ta sang một vài lần thì chán, nhưng có lẽ ông sang bao nhiêu cũng không đủ, bởi một phần là vì tình yêu nước Nga của ông đã thấm vào huyết quản và một phần, ông là người tham sưu tầm, tham gặp gỡ, tham việc.

Năm 1999, Thuý Toàn qua Nga làm việc hơn một tháng. Sau mấy ngày ở Kkhách sạn, ông mang hẳn vali đến ở nhà tôi. Nhà tôi, nói cho oai vệ, tức là căn hộ một buồng tôi thuê trên phố Panphiorov, số nhà 11, gần chợ Cheremuskinxki, một chợ nông trường có danh thời Xô Viết, nơi anh em sinh viên, nghiên cứu sinh Đại học Tổng hợp MGU và Viện Hàn lâm trước đây hay lai vãng mua táo, mua rau, mua thịt và một vài sản phẩm nhà quê.

Căn hộ tôi thuê vẻn vẹn có một phòng 18m2 và bếp thì chỉ có mỗi bốn mét. Nó thuộc vào loại điển hình của kiến trúc những năm 60 ở Liên Xô, thuộc vào cặp phạm trù: nhanh nhiều, tốt rẻ. Với 18m2, tôi kê một chiếc giường, một chiếc tủ quần áo, một chiếc đivăng cũ, một chiếc bàn, hai giá sách và hai chiếc ghế. Chật đến nỗi nếu có tới ba ông khách đến là phải kéo đivăng lại, xếp hai ghế vào gầm bàn mới đủ không gian ngồi nói chuyện.

Thuý Toàn đến ở, tôi ra chợ mua ngay một chiếc giường xếp dã chiến. Buổi tối, sau khi cơm nước xong, tôi lau sạch bếp, mở thông cửa sổ một lúc và dọn giường cho dịch giả an ngọa.

Ông chẳng câu nệ gì hết, tôi chỉ kịp đọc xong nửa trang sách là đã nghe tiếng ngáy đều đều, vo vo cất lên, như khẳng định rằng, dịch giả đã chìm trong giấc điệp. Tôi nhón bước đu qua người anh, bật bếp ga đặt nước, lửa cháy reo phù phù mà anh chẳng hề hay biết. Người ta nói người nào có được giấc ngủ vô tư như thế là sướng lắm. Chẳng bù cho tôi, nằm xuống, trằn trọc nghĩ hết chuyện đất, chuyện trời, phải một vài tiếng sau mới thiếp đi được.

Ban ngày, tôi đi việc tôi, ông đi việc ông, tối đến mới có thời gian ngồi bên mâm cơm đàm đạo với nhau văn chương, thế sự. Ông rủ rỉ kể những chuyện mà tôi đã nghe có tới vài ba lần, nhưng vẫn thích nghe tiếp vì cái kiểu kể bình dân, không cách điệu, thật thà.

Có một bữa ông về khí muộn so với những hôm trước. Cả nhà tôi ngồi bên mâm cơm đợi mãi vẫn không thấy bóng dáng  ông đâu. Hồi ấy, những người rủng rỉnh hầu bao một chút mới có con di động, còn tôi và ông thì vẫn chỉ alô bằng điện thoại bàn, do đó cách cổ điển nhất là mang sách ra đọc và ngồi chờ cơm.

Chừng chín giờ rưỡi, Thuý Toàn mới bấm chuông cửa. Tôi ra đón, định nói mát một câu, nhưng đành im bặt khi thấy ông mặt mày phờ phạc, nở một nụ cười gượng gạo, tôi linh cảm là ông đã gặp phải sự cố gì đấy.

- Mất hết rồi, mất hết! Ông buột miệng kêu lên khe khẽ.

Ông ăn cơm uể oải và kể chuyện bằng một giọng khê khê, ủ dột. Ông chậm rãi kể về chuyến vãng du doanh trại Konkovo. Gọi là doanh trại, bởi vì cách không xa Metro Konkovo là khu nhà của nhóm anh em cao niên làm tự điển, có vị dăm ba năm, nhưng có vị đã trụ trì trên dưới mười lăm năm như anh Nguyễn Văn Thạc, chị Tuyết Minh, anh Trần Văn Cơ, anh Nguyễn Văn Tài, Hồ Quốc Vỹ...

Sau cả buổi hàn huyên với những bạn cố tri, dịch giả của chúng ta nhổ neo ra về, trên đường đi không quên ghé qua khu chợ mới mở có cái tên rất thời thượng: "Riad Yarmarki” nôm na là nơi trưng bày và bán hàng. Chợ này, cũng như hàng loạt chợ ở Nga, chủ yếu là dân đầu đen vùng Kapkaz đứng bán và cai quản. Trong chợ không thiếu gì đám anh chị Zigan, Armenia, Gruzia lượn lờ, nghiêng ngó.

Rời khỏi chợ, tâm hồn phơi phới, dịch giả thong dong bách bộ đến metro, nhưng linh tính thế nào, ông thò tay vào chiếc túi càn khôn chứa hàng tổng hợp bất ly thân từ kính, bút, sổ tay, đồ lưu niệm…, thì ôi thôi, khoản lương khô dự trữ 900 đô la cho tận dưới đáy đã sang tay bọn móc túi tự lúc nào!

Tôi liếc mắt nhìn, thấy ông tư lự và buồn lắm. Số tiền 900 đối với thương gia, doanh nghệp chỉ là con muỗi mắt, nhưng đối với anh em cuốc cày bằng giấy mực là cả một quá trình dài lâu chắt bóp, tằn tiện. Tôi vào vai hiền triết bất đắc dĩ, nói với ông rằng: thôi, của đi thay người, anh không bị chúng nó làm gì, thịt da còn nguyên vẹn là may mắn lắm rồi!

Tôi lặng lẽ đưa anh số tiền dành để in tập sách mới của tôi tại Nhà xuất bản Văn học cho ông để ông còn có cái đút túi. Ông bảo, đến Hà Nội là mình lại có ngay, khi nào cậu về mình sẽ gửi lại. Và ông lại cười, nụ cười giống hệt như khi chưa bị kẻ cắp nẫng mất tiền.

Lê Văn Nhân ăn vạ cả tháng trời

Đã nói đến Thúy Toàn thì không thể không kể về Lê Văn Nhân, người Việt duy nhất làm thơ bằng tiếng Nga, xuất bản ở Nga. Anh giỏi tiếng Nga đến mức nào thì tôi không nhận xét, chỉ mạo muội nhắc lại bài viết của ông A. Xiunhenberg, Trưởng Ban tiếng Việt - Đài Tiếng nói nước Nga, mà tôi đã dịch và in ở mấy báo trong nước: "Tôi ngồi nói chuyện với Lê Văn Nhân suốt buổi chiều. Anh hỏi tôi về tình hình chính trị, xã hội, văn chương Nga sau những năm chính biến. Tôi có cảm tưởng rằng, mình đang nói với một người đồng hương thông thái, chỉ có điều, người đó giỏi tiếng Việt hơn tôi".

Nhân vừa là bạn của tôi, vừa là đồng nghiệp thông dịch với Thúy Toàn.

Hồi tôi sang Nga viết Giáo trình Văn học năm 1986, khi đó Lê Văn Nhân đang làm nghiên cứu sinh ở Voronhej, cách Matxcơva gần 700km. Nghe tin tôi sang, Nhân rời Thư viện nhảy tàu lên ngay, đến gặp tôi ở Khách sạn Đại học Tổng hợp trên đại lộ Mitrurinxki.

Ngồi với nhau hai tiếng, mò xuống nhà ăn sinh viên chén một lúc hai suất cơm 50 kôpếch, đi dạo một vòng quanh MGU, rồi Nhân lại tếch về Voronhej.

Mười hai năm sau, Lê Văn Nhân quay lại Nga, lúc này anh là Chủ nhiệm khoa Nga đại học Ngoại ngữ Hà Nội, là chủ sở hữu hai tập thơ viết trực tiếp bằng tiếng Nga "Từ nhà đến nhàTôi yêu nước Nga bằng trái tim vụng dại.

Ban Giám đốc Viện tiếng Nga mang tên Puskin cho người ra đón anh ở sân bay. Chưa kịp vào nhận phòng ở, Nhân đã chạy ngay đến Aptomat bỏ hai xu, gọi điện cho tôi, hối với tôi là "có đặc sản, không sang lấy ngay thì nó thối ra hết"

Tôi phóng hết tốc lực chiếc xe Lada đời 5 già nua khốn khổ của tôi đến Viện Puskin trên đường Viện sĩ Volghin. Lê Văn Nhân đón tôi hỉ hả: "Tao mang cho mày cả một vali". Mở vali ra thì hỡi ôi, cả một đống rau muống bốc mùi, cọng nào chưa kịp phân rữa ra thì cũng đã héo úa. Hóa ra chuyến bay từ hôm kia bị trễ, Nhân quay về Hà Nội với một vali rau muống không dưới hai chục ký. Nếu người ta khôn ra thì hoặc là mở vali cho nó thoáng, hoặc là vứt bỏ đi, rau muống chớ có phải là sâm cao ly đâu, hôm sau mua lại mớ khác. Nhà thơ kiêm thông dịch trứ danh cứ để nguyên đai, nguyên kiện và hôm sau lại mang lên sân bay xuất ngoại. Cơ sự là như thế.

Lê Văn Nhân xem chừng vẫn còn đắc chí, tung tẩy kéo từ góc tủ ra cho tôi một bọc trông như một chiếc can trông khả nghi như rượu lậu. Đó là một chĩnh cà muối nặng tới gần 7kg được gói ghém cẩn thận như của hồi môn. Tôi mang về phát cho cả làng MGU, ai ăn cũng khen ngon, khen dân cá gỗ muối cà cực chuẩn.

Giữa mùa đông năm 2000, Lê Văn Nhân sang Voronhej dự lễ lỷ niệm thành lập Trường. Đúng ngày tôi về nước, thì Nhân bay sang, trờ nhau trên trời. Cả tuần ở Voronhej, Nhân gọi về Việt Nam khoe bao nhiêu công trạng, trường đón rước ra sao, gặp lại bạn cũ thế nào, có ý dò lại hơi hám mối tình đầu nhưng bặt âm, vô tín...

Lúc Nhân xong việc, lên Matxcơva, tôi gọi điện từ trong nước sang giới thiệu làm quen với anh Ngô Văn Đệ đang làm Bí thư thứ nhất Sứ quán, người của Ban 5, dân Công an. Anh Đệ rất mê thơ phú, là fan số một của Lê Văn Nhân. Trước đó, tôi đã tặng cho anh Đệ sách của Nhân, nên khi hai vị tao phùng thì lấy làm tương đắc lắm.

Rất may là dịp ấy vợ con hồi hương cả, anh Đệ một mình hai phòng ở tầng hai Obolenxk, có thêm Lê Văn Nhân nữa thì vui không kể xiết. Những tưởng Lê Văn Nhân sẽ được hưởng thái bình trong những ngày đông Matxcơva, nào ai ngờ, sự đen đủi dở hơi đang rình rập.

Ở Xaliut 2, Lê Văn Nhân có anh Võ Văn Đăng, anh Nguyễn Đình Phiêu, vốn là bạn thời sinh viên, đang làm Quản trị và sống luôn tại đấy. Nhân vào chơi la cà, hát hò, thơ phú tí tởn đến tận chiều tối.  Xaliut 2 thời điểm đó, người ta mua bán khá muộn, kẻ ra, người vào nườm nượp. Thi nhân sau khi làm mấy hớp, đã hơi mơ màng, bèn chia tay bè bạn, xách túi nhởn nhơ đi vào thang máy cùng một tốp người, và trong số đó có hai, ba nhân vật đầu đen miền Kapkaz. Ra khỏi thang máy, Nhân có cảm giác hẫng hụt một cái gì đó, sờ vào túi áo trên thì, ôi thôi, quyển hộ chiếu công vụ vừa mới bóc tem đã bốc hơi cùng với mấy gã Kapkaz!

Thi sĩ được nếm trải cảm giác phi trọng lượng, ngồi thở dốc ở cầu thang, không nói nên lời. Sau này Nhân kể lại, là không hiểu tại sao mình lại về được nhà anh Ngô Văn Đệ; không hiểu vì sao mình còn giữ được bình tĩnh, vì ở khu vực ấy, công an Nga nhiều như kiến cỏ, không có góc phố nào là không có công an, hầu như không người Việt Nam nào là không bị kiểm tra và ít ai thoát cảnh cho ra đồng, xuống ruộng!

Lê Văn Nhân đành phải nằm vạ ở nhà anh Ngô Văn Đệ gần một tháng, anh nổi tiếng ở khu vực ấy đến nỗi đi đâu người ta cũng chỉ trỏ. Một phần thì nhờ Trời, một phần thì có sự góp sức của anh em, bè bạn và cũng một phần có tên, có tuổi, lại lý do chính đáng, Lê Văn Nhân được cấp lại hộ chiếu, vợ gửi sang cho 700 đô la mua vé một chiều, mang theo về nước một đống sách và một bài học nhớ đời.

Văn Giá suýt "không được làm người"!

Và Văn Giá là sự tiếp nối truyền thống lẫm liệt đó của các bậc sư huynh đi trước.

Đầu tháng 7 - 2010, Đoàn của Trường Đại học Văn hóa  sang Nga gồm có hai người, trưởng đoàn Nguyễn Văn Cần, Hiệu phó Nhà trường và phó đoàn: Chủ nhiệm khoa Văn Giá. Sau hai chục năm không có mối dây dợ nào, bây giờ tơ đồng nối lại, phía trường viết văn mang tên Gorki đối đãi một cách thân tình và trọng thị với các vị khách, những sứ giả của một cuộc tái kết giao, hữu nghị khoa học từ Hà Nội vượt chín ngàn kilômét sang Nga.

Xe của Nhà trường do Trưởng phòng Đối ngoại ra tận sân bay đón, đưa hai vị khách quý về ở ngay trong khu tập thể của Trường trên đường phố mang tên nhà văn Đobrolibov. Họ dành ra hai phòng khách, chuẩn bị chu tất để hai vị giáo sư vừa từ phố La Thành oi bức sang được nghỉ ngơi, dưỡng sức bàn về vấn đề hợp tác.

Thật ra thì có được cuộc đón tiếp long trọng này là nhờ dạo tháng 11 năm ngoái, các vị đã hết lòng đối với đoàn Nga khi họ qua dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường. Tôi nghe hơi nồi chõ, được biết rằng, ông Hiệu trưởng sang thăm gần một tuần, đi đâu cũng được nghênh tiếp, học sinh, thầy giáo đối đãi quá mức ân cần. Họ được đi chơi Hạ Long, thăm thú khắp Hà Nội. Khi về, gần như cả Ban Giám hiệu Trường Văn hoá ra sân bay đưa tiễn.

Rồi sau đó, một cựu học sinh của Trường cũng phải cưỡi metro lên Trường mấy lần chắp nối, thư từ, công văn đi lại.

Trước khi bay sang, trung bình mỗi ngày Văn Giá viết cho tôi một lá thư, ngày nào hứng khởi thì hai lá. Chưa sang Nga lần nào, Giá hồi hộp lắm. Vị Chủ nhiệm Khoa lo sợ nhất một điều, là có một ông bạn nhờ vả thì chuẩn bị đi xa, ở lại Matxcơva một mình, ai đưa, ai đón, ăn uống ra sao, rồi ai sẽ là người phiên dịch?

Tôi bàn với Châu Hồng Thủy, người mà Giá cậy nhờ, là nếu có thể thì hoãn chuyến đi, ở lại thêm Matxcơva dăm ngày đón khách ở quê ra. Còn việc đưa đi, phiên dịch, xe cộ thì tôi đã có phương án bố trí đâu vào đấy cả rồi.

Về khoản ăn uống, tôi hầu như không phải lo chút nào. Nhà trường đã cử một bà đầu bếp đầy kinh nghiệm, làm việc ở trường từ thời nhà thơ Nguyễn Đình Chiến và vợ con còn ăn dầm, nằm dề trong Ký túc xá. Bà rất hiền lành, biết nấu đủ các món Âu, Á. May mà Hiệu phó lẫn Chủ nhiệm Khoa tốt bụng, xơi món gì cũng xong, không câu nệ, không đòi hỏi.

Quà từ Việt Nam mang sang, Văn Giá hào phóng phát cho đủ mọi người, từ bà trực cổng, anh lái xe, đến cô thư ký, ông Trưởng phòng, ông Hiệu trưởng. Về khoản này, tôi chỉ đạo và Văn Giá đã làm đúng bài, mua những thứ tiền vừa phải, nhẹ nhàng và rất văn hóa. Mọi người bảo rằng, mấy ông ở Việt Nam sang tâm lý và rộng rãi quá.

Nhưng có một bài Văn Giá học không thuộc và suýt nữa thì ôm quả hận.

Tôi đã viết trong mấy lá thư, đã gọi điện, dặn đi dặn lại là ở Nga có một vật bất ly thân, đó là hộ chiếu. Không có hộ chiếu, không có đăng ký hộ khẩu, thì không và không thể được làm người ở đất Matxcơva! Không có hộ chiếu, không có hộ khẩu thì  đố mà dám ra khỏi nhà; không có hộ chiếu thì đi đâu cũng nhớn nhác và chui lủi; không có hộ chiếu thì bất cứ giờ nào, bất cứ ngày nào cũng có thể trở thành khách quý trong đồn công an và dĩ nhiên việc giam giữ đi kèm theo nộp phạt và bị lột...

Văn Giá vâng vâng, ra chiều ghi tâm, nhập trí lắm.

Sang được một ngày, đến ngày thứ hai, bạn tổ chức cho đi tàu thủy dọc sông Matxcơva. Mùa hè, sông xanh mát rượi, tàu đi giữa đôi bờ bát ngát bạch dương, xa xa là những nóc nhà thờ củ hành dát vàng rực rỡ. Qua Nghĩa trang danh nhân, qua đồi Chim sẻ, Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxov, Nhà thờ chúa Cứu thế, tường thành Kremli..., vị Chủ nhiệm Khoa ngất ngây, đầu tóc bồng lên, uốn theo sóng hình sin trước gió.

 Khi thì chàng mải ngắm phong cảnh, khi thì chụp ảnh lia lịa, khi thì len lỏi đi giữa hai hàng chân dài của các cô gái Nga váy ngắn, tóc vàng, da trắng như sứ, thế là coi như hồn vía thả lên mây.

Về đến nhà, nụ cười chưa tắt trên môi, bỏ áo ngoài, sực nhớ lời ông bạn dặn, là không có hộ chiếu thì không thể thành người, thi nhân liền thò tay vào túi! Văn Giá chợt rùng mình, đầm đìa mồ hôi lạnh chảy từ gáy xuống đến tận gót. Hộ chiếu đã ở đâu đó trên tàu, trên đường, trên xe, hoặc trong túi tài liệu, hay trong một túi quà đã cho ai nào đấy. Còn trong các thể loại túi áo, túi quần, túi xách, túi nilông của Văn Giá thì chỉ có vé tàu, xu lẻ và những vật dụng, giấy má linh tinh.

Tôi gọi loạn cả lên cho Phòng Đối ngoại để nhờ anh Igor trưởng Đối ngoại của Trường mở khóa, vào tận phòng Hiệu trưởng để kiểm tra, xem xét gầm ghế, trên sàn; gọi cho nhà tàu để nhờ họ tìm khắp trên boong, đưa số điện thoại của tôi cho họ, để may ra ai đó hảo tâm nhặt được họ gọi về.

Tôi và Châu Hồng Thủy ngay trong đêm, đổ toàn bộ ảnh chụp cả chuyến du ngoạn vào máy tính, kích to lên từng kiểu một, kiểm tra và đối chiếu túi sơmi của Văn Giá từ lúc  xuống tàu đến lúc rời bến lên bộ.

Những kiểu ảnh đầu tiên cho thấy trong túi trên chiếc áo sơ mi trắng của Văn Giá, có một chiếc phong bì và hộ chiếu; còn những chiếc sau, khi cúi lên, cúi xuống, dù túi trễ tràng, nhưng vẫn còn hình hài hộ chiếu. Và cho đến khi kiểm tra những kiểu ảnh Văn Giá chụp trong phòng Ban Giám hiệu, thì... mỗi chiếc phong bì là còn đọng lại!

Thế là rõ. Niềm hy vong duy nhất bây giờ là ai đó nhặt được, kể cả kẻ nào đó lỡ tay nhón lấy hộ chiếu của Văn Giá, họ vứt hộ chiếu này vào thùng rác, gốc cây, hoặc họ gọi để tống tiền như cách làm của cánh đầu đen ngoài chợ, thì sẽ là vận may "châu về Hợp phố".

Bằng không thì phải bỏ vé. Vé một tháng đã ấn định ngày không thể trả lại, không đổi lại được, coi như lại phải mua vé một chiều  từ Nga về nước, chừng 700 đôla, quy ra tiền nước nhà là 14 triệu. Nhưng phải có hộ chiếu, mà hộ chiếu là phải có đăng ký, có visa mới ra được khỏi cửa biên phòng, chứ hộ chiếu cấp không, thì nghỉ ở Nga cho khỏe.

Còn chuyện xin cấp lại hộ chiếu công vụ thì quên khẩn trương. Châu Hồng Thủy, Văn Giá bàn nát óc để tính một phương án khả thi nhất. Kiểu gì thì kiểu, nhưng rơi vào tay dịch vụ, thì chí ít cũng phải chi trên ngàn đô la cho hộ chiếu, visa và vé. Mà chắc gì đã làm được.

Nghe nói đến số tiền ấy, Văn Giá cứ rưng rưng, nghĩ mà tội cho kẻ sĩ lúc gặp nạn. "Bỗng nhiên, em thấy thương vợ quá. Chắt bóp cả năm được chút tiền để chồng đi Tây, thế là bay mất", mắt Chủ nhiệm khoa cứ ươn ướt, giọng ân hận và ra chiều sám hối lắm. Ngữ như Văn Giá thì dù vợ có cho đi đâu, dẫu là lạc giữa mê cung tiên nữ thì cũng đố dám vượt khỏi vạch vôi!

Nhưng điều quan trọng nhất chưa phải là bỏ ra một ngàn đô, hai ngàn đô, mà gay cấn nhất là Văn Giá không có quyền về muộn sau 25 - 7, để chuẩn bị tuyển sinh, mà hình như ngài Chủ nhiệm khoa là Trưởng ban thì phải. Mặc dù không tin tưởng lắm về cuộc hồi hương kịp thời của Văn Giá, nhưng tôi vẫn cố động viên, làm ra vẻ bình tĩnh và dũng cảm, góp phần cứu khổn, phò nguy.

Hôm sau, tôi huy động một cậu bạn bậc em dành thời gian đưa hai quan đốc học đi thăm thành phố theo chương trình đã định, đồng thời cùng ngồi bàn bạc với nhau, biết đâu lại tìm ra giải pháp. Tôi bỏ cả ngày để hộ tống hai vị đi một vòng từ phía Bắc, tới phía Nam thành phố Matxcơva.

Trong xe, tôi kể với Mạnh Cường, cậu bạn của tôi, về tình cảnh Văn Giá "hiện nay chưa thể thành người". Nghe xong câu chuyện, Cường không nói không rằng, vừa lái xe, vừa bấm điện thoại cho một người "kinh nghiệm đầy mình", chuyên lo khoản giấy tờ, qua cửa khẩu. Trao đổi vài câu, Cường bảo: "Xong, ngày mai sẽ có". Tôi hoàn toàn tin ở Cường, vì cậu ta chưa nói sai với tôi bao giờ. Còn Văn Giá thì luôn miệng: Hả, Hả? lúc thì thở dài, lúc thì gật đầu, không hy vọng lắm, chắc lại nghĩ rằng tôi và Cường làm một chiêu tâm lý trấn an bàn định trước. Mặc dù vậy, buổi chiều, Văn Giá vẫn đưa ảnh và các thông số cần thiết cho Cường.

Hôm sau, buổi trưa, Cường gọi cho tôi: mọi thứ đã cầm trong tay rồi. Người ta chỉ lấy 100 đôla làm phép, không ai lấy tiền anh em trí thức làm gì!

Văn Giá trong một buổi phải trải qua mấy cung bậc tâm trạng, từ tuyệt vọng đến âu lo, đến hồi hộp, nghi ngờ và cuối cùng là tột đỉnh hạnh phúc khi cầm quyển hộ chiếu xanh màu đu đủ trong tay có dấu xuất cảnh đỏ chói.

Ba hôm sau, tôi đưa Văn Giá ra sân bay, lòng vẫn còn phấp phỏng mơ hồ một thứ lo sợ nào đấy, nhỡ..thì sao?

Khi Văn Giá và anh Cần lần lượt qua cửa Hải quan, qua cửa Biên phòng, chuyển sang phòng đợi, tôi hoàn toàn yên tâm, không còn nghi ngờ gì nữa.

Văn Giá trước khi lên cầu thang máy bay, gọi điện ra cho tôi: "Đã được làm người rồi! Đã sắp nhìn thấy đất Hà Nội rồi anh ạ!".

 

2010

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65173417

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July