Tháng 5 là một tháng chiếm vị trị đặc biệt trong lịch sử của đất nước, của dân tộc. Có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ đã viết về những năm tháng bi thương nhưng rất hào hùng và rất đỗi tự hào của dân tộc, về những ngày tháng 5 ấy...
Bài thơ " Tháng 5" của Lưu Quang Vũ được viết vào những ngày tháng 5 năm 1975, những ngày khi đất nước vừa thống nhất, khi mà
" Cuộc chiến tranh thế là đã đi qua,
cỏ trên đồng bắt đầu xanh lại"
Bài thơ được viết với phong cách rất nhẹ nhàng, dung dị nhưng có sức lay động lòng người mãnh liệt. Sau những niềm vui như vỡ òa, hân hoan chiến thắng là những nỗi đau mất mát, chia ly... những khoảng lặng, sự trống rỗng và nghi ngại... Bài thơ viết về chiến tranh nhưng lại khơi dậy trong ta khát vọng hòa bình, viết về mất mát nhưng là để ngợi ca sự sống, gợi lên sự hoài nghi nhưng là để xây dựng trong ta niềm tin mãnh liệt hơn.
Chiến tranh đã để lại những hậu quả tàn khốc, những mất mát đau thương, ngờ vực.. mà tưởng chừng như đất nước này ,dân tộc này không thể gánh được trên bờ vai gầy guộc của mình :
" Chưa ai dựng nhà trên bãi nền đổ nát
Nơi máu đổ quá nhiều, chưa ai dám trồng hoa
Chưa ai yêu thương bên huyệt mộ căm thù
Nơi trống trải già nua, những đôi mắt nghi ngờ
Những cửa biển, những phố phường xa lạ"
Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh Anh-Em và Cha-Mẹ- Con. Tình cảm đôi lứa, tình cảm gia đình, tình mẫu tử đã trở thành huyết mạch của bài thơ
" Bầu trời cao yên tĩnh của tháng năm
Mây trắng xóa trôi về cuồn cuộn
Anh nhớ một vùng trời bom đạn
Một con đường em dắt con đi"
Sức mạnh của tình yêu, tình cảm giữa con người với con người, tình yêu cuộc sống, yêu đồng loại đã làm nên sức mạnh của cả đất nước, của dân tộc. Đọc khổ thơ sau tôi lại liên tưởng đến hình ảnh Mẹ- Tổ quốc trong thi ca Xô viết:
" Người đàn bà ngồi sau thùng xe
Như vầng mặt trời rụt rè trong bão
Trong tiếng nổ của bom, tiếng gầm của pháo
Một người đàn bà trơ trọi đợi chờ anh
Qua hoàng hôn qua đồng bãi hoang tàn
Những gì xe tăng nghiến đi em giữ lại
Như ánh sáng cuối cùng, bàn tay thầm lặng ấy
Đã chở che cuộc sống tươi lành "
Những người phụ nữ, người mẹ luôn luôn là hậu phương vững chắc cho những người lính ra trận. Và cao hơn tất cả, Mẹ-Tổ quốc luôn đứng sau lưng các anh-Người lính. Bom đạn của kẻ thù có thể tàn phá nhà cửa, bệnh viện, trường học, xe tăng có thể nghiền nát đồng ruộng, xóm làng nhưng kẻ thù không thể hủy diệt được những trái tim yêu thương, tình yêu bất diệt của những người con với Tổ quốc của mình.
Những câu thơ cuối của bài thơ không thể nào đẹp hơn thế.
" Em bế con về bên gạch vỡ
Chiều mênh mông xao xác lá vàng"
Tại sao Lưu Quang Vũ có thể viết những vần thơ đẹp và lạc quan như vậy khi chứng kiến những mất mát, đau thương? Bởi vì ông tin ở những chồi xanh đang nhú lên từ đống gạch vụn đổ nát, ông tin ở thế hệ tương lai, tin ở sự hồi sinh của cả đất nước và dân tộc mình:
"Em ru con giọng hát dịu dàng
Em thu nhặt những đồ dùng lấm bụi
Như góp lại những tháng ngày rơi vãi
Đứng bên thềm, em lặng lẽ nhìn con
Chúng sẽ nối lại chiếc vòng sẽ đi hết con đường
Bằng hi vọng của em trên mặt đất "
Một đất nước, một dân tộc được gắn chặt với nhau bởi tình yêu thương con người, yêu quê hương , đất nước, sẵn sàng đứng lên để bảo vệ những giá trị cao quý của dân tộc mình, nhưng cũng sẵn sàng dang rộng vòng tay, bao dung với kẻ thù trong quá khứ. Có kẻ thù nào có thể khuất phục được đất nước ấy, dân tộc ấy không?
Moskva, tháng 5/2013 - Quốc Hùng
Tháng 5
" Cuộc chiến tranh thế là đã đi qua,
cỏ trên đồng bắt đầu xanh lại
Bao xác xe bên đường cháy rụi
Những người tản cư nườm nượp trở về nhà
Trên cửa tàu chật chội, dưới sân ga
Những mặt người nhẹ nhõm và mệt mỏi
Những vỏ đạn lăn trong đất bụi
Những khung nhà đen xạm tro than
Bầu trời cao yên tĩnh của tháng năm
Mây trắng xóa trôi về cuồn cuộn
Anh nhớ một vùng trời bom đạn
Một con đường em dắt con đi
Người đàn bà ngồi sau thùng xe
Như vầng mặt trời rụt rè trong bão
Trong tiếng nổ của bom, tiếng gầm của pháo
Một người đàn bà trơ trọi đợi chờ anh
Qua hoàng hôn qua đồng bãi hoang tàn
Những gì xe tăng nghiến đi em giữ lại
Như ánh sáng cuối cùng, bàn tay thầm lặng ấy
Đã chở che cuộc sống tươi lành
Bây giờ lại bắt đầu khó khăn của thời hậu chiến
Chưa ai dựng nhà trên bãi nền đổ nát
Nơi máu đổ quá nhiều, chưa ai dám trồng hoa
Chưa ai yêu thương bên huyệt mộ căm thù
Nơi trống trải già nua, những đôi mắt nghi ngờ
Những cửa biển, những phố phường xa lạ
Em bế con về bên gạch vỡ
Chiều mênh mông xao xác lá vàng
Em ru con giọng hát dịu dàng
Em thu nhặt những đồ dùng lấm bụi
Như góp lại những tháng ngày rơi vãi
Đứng bên thềm, em lặng lẽ nhìn con
Chúng sẽ nối lại chiếc vòng sẽ đi hết con đường
Bằng hi vọng của em trên mặt đất ".
Lưu Quang Vũ tháng 5/1975
|