CUỘC SỐNG
Nguyễn Trọng Tạo
Tờ giấy nào mỏng chỉ còn một mặt
Em hãy tìm cho tôi
Tờ giấy ấy không bao giờ tìm được
Tôi yêu em tôi tìm điều đáng ghét
Ở trong em. Em đừng vội giận hờn
Em yêu tôi em tìm điều đáng ghét
Ở trong tôi và em hiểu tôi hơn
Những ngọn gió chẳng hề mang tư tưởng
Cũng thổi dịu mùa hè thổi buốt mùa đông
Cái ngọn lửa con người tìm ra nó
Biết bao điều thiện – ác cháy bên trong
Đừng vội trách nhau nếu một ngày nào đó
Đang đắm yêu ta bỗng tự chia lìa
Bởi ta quá mê say mặt phải
Mà quên đi mặt trái bên kia.
N.T.T
THẲNG THẬT VỚI TÌNH YÊU…
Lời bình: Nguyễn Thanh Tuyên
Thưởng thức một bài hát ưa thích gặp chất giọng quen thính giả có thể nhận ra ngay ca sĩ, nhưng dường như chẳng mấy người để ý đến họ tên của người đã sáng tác ra ca khúc ấy là ai. Mặc dù vậy, giai điệu trữ tình ngọt ngào, tha thiết, đậm chất dân ca như “Làng quan họ quê tôi” hay “Khúc hát sông quê” … thì ngược lại, nhiều người biết rõ cha đẻ của nó là Nguyễn Trọng Tạo. Họ còn hiểu khá cặn kẽ về ông. Đó là một người lính, từng trải qua khói lửa cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước; là một thi sĩ đa tài, đa tình: vừa làm thơ, viết văn, viết phê bình, vẽ, lại còn sáng tác cả nhạc nữa. Tuyệt hơn, trong bất cứ lĩnh vực nào kể trên ông đều gặt hái được thành công đáng nể.
Khác với những làn điệu bay bổng trữ tình dễ lắng đọng vào tâm trí người nghe, bài thơ “Cuộc sống” của ông lại chân mộc, nghiêng về sự chiêm nghiệm lẽ đời. Nó gợi cho người đọc ngẫm ngợi, lưu tâm. Có thể những câu thơ ấy được viết ra khi mái tóc ông không còn xanh. Ông đã xa hàng mấy thập niên cái đoạn đời bồng bột mới tiếp cận tình yêu, nặng cảm tính ban đầu.Chắc chắn nghĩ suy khi viết bài thơ trên tác giả chẳng còn chịu chi phối bởi đôi mắt háo hức, lãng mạn, say đắm ngắm nhìn tình yêu lung linh, rực rỡ, thuần hồng…
Ở đây ta nhận thấy lời lẽ trong thơ thẳng thật, không hề né tránh trước lề trái của tình yêu và với cả cuộc đời này. Người sáng tác đầy bản lĩnh, hết sức trách nhiệm khi nhận dạng và khẳng định cuộc sống. Tác giả nghiêm túc với bản thân, yêu cầu chỉ ra hai mặt phải trái, sáng tối, khuất lộ qua những tháng năm cùng chung sống bên nhau.
Ai cũng biết bình thường tình yêu hay nhận được sự vuốt ve, cưng nựng, nhưng tác giả lại chủ động đi “tìm” khiếm khuyết :
“Tôi yêu em tôi tìm điều đáng ghét
Ở trong em. Em đừng vội giận hờn”
Câu nói người xưa “Nhân vô thập toàn” tác giả quá thấu hiểu nên ông không hề cao đạo, giáo huấn mà khuyên “em” cần khách quan nhận xét tìm ra điểm “đáng ghét” của mình.
“Em yêu tôi em tìm điều đáng ghét
Ở trong tôi và em hiểu tôi hơn”
Chỉ có thật lòng người ta mới mộc mạc và nói lời gan ruột như thế. Khi biết được những hạn chế, nhược điểm của người yêu chắc chắn đôi bên sẽ đỡ bị bất ngờ. Sự góp ý hay chấp nhận ít nhiều sẽ giúp nhau tiến bộ. Cũng từ đó còn có thể tu tạo cho mình cái nết đại lượng bao dung.
Nhiều ví dụ trong đời sống có thể sử dụng làm dẫn liệu về tính hai mặt của một vấn đề tham gia cấu trúc tứ thơ, song tác giả chỉ khai thác có mức độ hai hiện tượng vô tri quen thuộc tác động hàng ngày đến cuộc sống con người :
“Những ngọn gió chẳng hề mang tư tưởng
Cũng thổi dịu mùa hè thổi buốt mùa đông”
Gió không màu, tự nhiên sinh ra và từ đâu thổi tới đều không hề chủ định. Chỉ duy nhất con người mới có suy nghĩ trừu tượng trong não bộ, từ đó mà tư tưởng hình thành. Còn luồng gió của thiên nhiên biết chi định hướng ? Muôn đời rồi gió vẫn vô tư. Ấy thế mà vẫn tiềm ẩn hai mặt “dịu mùa hè” và “buốt mùa đông”. Cảm giác buốt và dịu ấy liệu có phải do bản chất gió, xuất xứ gió, hay là do sự biến đổi thời gian của khí hậu mùa? Chắc mỗi độc giả sẽ tự liên tưởng khi thẩm thấu tác phẩm qua khổ thơ trên…
Còn với lửa :
“Cái ngọn lửa con người tìm ra nó
Biết bao điều thiện – ác cháy bên trong”
Con người đã tìm ra lửa. Cuộc sống con người đã hoàn toàn đổi thay sau khi tìm ra lửa. Lửa cung cấp nhiệt năng chuyển hoá phân giải thức ăn. Con người thoát cảnh ăn sống nuốt tươi. Lửa tạo ra quang năng xua tan bóng tối giúp con người dần xa đêm trường giá lạnh tối tăm. Chính lửa là tác nhân thúc đẩy sự tiến hoá của loài người. Lửa gián tiếp nạp và tích lũy năng lượng tạo nhiệt huyết cho cuộc đời ta… Hiển nhiên, đó là điều thiện!
Song, cái ác lúc nào cũng ủ tàng trong lửa, rất dễ dàng bùng phát luôn nhè cơ hội lơ là mất cảnh giác, kém đề phòng. Hoả hoạn phũ phàng sẵn sàng cướp đi sinh mạng, của cải mà con người từng đổ mồ hôi sôi nước mắt gây dựng tích cóp từng ngày.Không hiếm những cánh rừng nguyên sinh bị thiêu trụi chỉ vì một mẩu thuốc lá của một kẻ cẩu thả, ngu xuẩn, vô tâm. Những thảm rừng điệp trùng ngút ngát nháy mắt hoá khói, vĩnh viễn biến thành đồi trọc hoang hoá khô cằn. Tàn ác hơn là lửa khói đạn bom từng gây ra bao cảnh nồi da nấu thịt của các cuộc chiến tranh trên thế gian này, làm chồng chất biết mấy mất mát thương đau!
Từ những dẫn dụ về tính hai mặt của lửa và gió, tác giả đưa đến một giả định :
“Đừng vội trách nhau nếu một ngày nào đó
Đang đắm yêu ta bỗng tự chia lìa
Bởi ta quá mê say mặt phải
Mà quên đi mặt trái bên kia.”
Nếu một ngày nào đó tình yêu bỗng chia lìa bởi ta từng quá đắm say mặt phải mà khuấy quên mặt trái bên kia. Phải chăng do mặt tiêu cực từ lâu đã lấn át làm nhoè mờ mặt tích cực, ăn mòn dần gây mai một tin yêu? Khổ thơ như một lời cảnh báo nhắc nhở ta đừng sao lãng việc giữ gìn phẩm chất tốt đẹp vốn có, cũng như phải sớm nghiêm khắc nhận ra mặt trái để tự chỉnh đốn hoàn thiện mình ngày mỗi ngày một trong sạch hơn.
Ở trên ta đã nói đến sự giả định, và đúng thế! Bởi muôn người chẳng ai muốn tan vỡ hạnh phúc. Có ai lại dại dột mong sảy đàn tan nghé khi cuộc đời mình đã từng yêu dấu nâng niu. Nhất là thủa ban đầu đã có lần ta từng thề thốt sống mái, sẵn sàng trao gửi trọn đời ta cho tình yêu tới hơi thở cuối cùng. Há chẳng quá thiêng liêng?
Quay lại khổ thơ đầu ta thấy như một định đề. Thật vậy, sẽ chẳng bao giờ tìm được tờ giấy mỏng nào chỉ có một mặt. Cuộc sống chắc chắn cũng tuân thủ theo nhận định ấy của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Bài thơ của ông như một luận điểm mở rộng tính hai mặt luôn tồn tại của cuộc sống, của các hiện tượng xã hội. Lời thơ không có chữ lạ, to tát, mà giản dị, chân mộc, nhưng ý tứ sâu xa. Tin rằng bài thơ sẽ được đón nhận, trụ vững và sẽ được kiểm định qua thách thức của thời gian.
Hải Phòng, 3/4/2011
Bs. Nguyễn Thanh Tuyên
Hội viên HNV Hải Phòng
|