Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  HỌC SINH LỚP BỔ TÚC - Truyện ngắn của Ngọc Châu (Giải Ba cuộc thi 60 năm Giáo dục Hải Phòng ) HỌC SINH LỚP BỔ TÚC - Truyện ngắn của Ngọc Châu (Giải Ba cuộc thi 60 năm Giáo dục Hải Phòng ) , Người xứ Nghệ Kiev
 

                                           

                                           Ảnh minh họa - Internet

 

Phải đến hơn ba chục năm sau Ngân mới gặp lại cô học trò thời kỳ dạy Bổ túc Văn hoá của mình. Trông người phụ nữ  khoảng trên bốn mươi tuổi bước lên bàn diễn giả, cảm nhận đầu tiên của anh là thấy chị ta đẹp. Đẹp một cách quí phái, nhưng anh lập tức ngờ ngợ rằng đã gặp người đàn bà này ở đâu đó, đến khi người dẫn chương trình nhắc lại lời giới thiệu (lần đầu anh đang mải nói chuyện với ông bạn đồng nghiệp ngồi bên cạnh nên không chú ý) là tiến sĩ Phạm thị Nga sẽ tham luận về "Thói quen của người đô thị với vấn đề bảo vệ môi truờng" thì anh lập tức nhớ ra.

Trời đất ơi, Nga đấy ư, cô học trò và cũng là mối tình đầu câm lặng của anh! Ngày ấy Nga xinh nhưng không đẹp như bây giờ, thật khó tin được rằng cô thiếu nữ bán bánh đúc lạc, cô học trò lớp ba bổ túc văn hoá của anh ngày đó lại là "bà" tiến sĩ đang nói một cách tự tin và  duyên dáng, rất duyên dáng- Ngân thầm nhận xét- trên bục diễn giả kia ư?

Quá khứ đột ngột tái hiện làm anh không còn nghe thấy những gì Nga đang nói, cũng không đọc được bài tham luận in sẵn của cô, ai đó đã đặt trên bàn trước mặt anh từ lúc bắt đầu buổi diễn đàn.

Ngày ấy Ngân đang học lớp 9 ở trường Ngô Quyền, còn một năm nữa thì sẽ hết bậc phổ thông trung học. Học hành ngày xưa sao mà sướng thế (Ngân mỉm cười khi nhớ lại), ngày nào cũng chỉ lên lớp một buổi, hoạ hoằn lắm mới có một buổi học phụ đạo do thày hoặc cô giáo nào đó thấy cần phải giảng thêm cho học sinh đôi chút, mà hoàn toàn miễn phí. Thậm chí từ "phí" cũng chẳng mấy ai có dịp dùng đến vì Ngô Quyền là trường công, học phí  chả phải đóng.

Cả cái ngõ Cấm với ngõ Cô Ba Chìa  ngày đó chỉ có  ba bốn cậu học sinh cấp ba nên Ngân và tay Huy cùng lớp đều được mời dạy cho các lớp bổ túc văn hoá ở đình Cấm vào các buổi tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Lớp ba có mười bốn người, là lớp cao nhất.  Các lớp dưới thì đông hơn, có lúc đến vài ba chục người. Nga hồi ấy mười bảy tuổi, xinh gái, nhỏ nữa là hai cô bé sinh đôi mười ba tuổi ngoẳng nghoẻo như dãi khoai, còn toàn là người lớn trên ba mươi tuổi.

Mỗi người một nghề, nói "nghề" cho oai, thực ra đều chỉ kéo ba-gác, đạp xích-lô, bổ củi thuê, bán quà bánh linh tinh hoặc nội trợ kiêm thất nghiệp. Tiến sĩ Nga hồi đó giúp mẹ bán bánh đúc lạc  ở chợ, cô học trò này và bà mẹ gày gò của cô rất hay đón thày giáo với bát bánh đúc làm quà sáng mỗi khi thày đi học qua ngõ chợ, thày thì ngượng đỏ mặt tía tai không dám ăn, về sau  đành đi vòng qua ngõ khác mặc dù xa hơn và nhiều hôm bụng thày lép kẹp như con gián đất.

Học và dạy đều thật là vui. Học trò rất quí và trọng thày giáo Ngân, thày thì dạy không công mà hết lòng hết sức vì học trò. Có lần vì giảng thêm cho học sinh, không kịp làm bài tập của chính thày nên thày đã xơi "ngỗng" vào ngày hôm sau.

Tuy chỉ học buổi tối, ban ngày còn đủ thứ công kia việc nọ nhưng lớp ba của thày Ngân cũng có mấy học trò  giỏi. Nga học giỏi nhất nhưng kết quả thất thường, hai "dãi khoai" cũng có tư chất nhưng thường bỏ buổi vì thỉnh thoảng đang học bà mẹ lại te tái chạy ra gọi " Giúp tao tí ti đã nào, Ngủng Ngoảng ơi!". Vì thế nên vào dịp hè Ngân thường phải phụ đạo thêm cho học trò, chủ yếu là hai cô học trò sinh đôi Ngủng và Ngoảng, bác Bàn Cuốc thợ rèn (mấy bà sồn sồn trong lớp gọi thế vì bác ta có hai chiếc răng cửa to nhất định đứng ở ngoài hàng, còn thực ra tên bác ta là Cuốc thôi!) và luôn có mặt Nga với tư cách "cán sự" của lớp. 

Ngân và  bạn bè có nhận xét rằng những người học không chính qui có hai thái cực. Một loại đúng là "đặc cán mai táu", đa phần trong số này là những người  hám danh, muốn hoặc cần tân trang "vỏ" theo mốt mới. Loại khác là những người do hoàn cảnh thiệt thòi nào đó không được học chính qui nhưng rất có nghị lực và quyết tâm học tập, do vậy kiến thức của họ thực sự  đáng nể, thường là những người có tài năng và biểu hiện rõ rệt điều đó trong cương vị hoặc công việc mà họ đảm nhiệm.

Không còn gì phải nghi ngờ, cô học trò bây giờ là bà tiến sĩ kia  thuộc loại thứ hai. Ngay hồi đó anh đã nghĩ rằng nếu cô có điều kiện học hành thêm thì hay biết bao, nhưng vào thời điểm ấy Ngân thấy tình hình là vô vọng vì theo lớp bổ túc văn hoá mà nhiều lúc cô còn không có đủ thời gian. Khi thì mẹ ốm không có ai nấu bánh và bán hàng, lúc thì bố cô đau tay không xay được bột. Nhiều buổi sắp đến giờ học rồi mà Nga vẫn đang đánh vật với chiếc cối xay đá nặng trịch, thày Ngân đi đôn đốc học viên  lại tạt vào phụ giúp cô một lúc. Chiếc cối đá chấp cả hai thày trò vì thày còn kém trò một tuổi,  cứ lúc xoay lúc đứng khựng khiến tóc học trò quấn cả vào khuy áo thày làm cả hai đều đỏ mặt. Có hôm bác Bàn Cuốc đi qua trông thấy, bác tạt vào và  chỉ bằng một tay, chiếc cối đá đã quay cồng cộc như được lắp mô-tơ. Nga múc nước bột vào nồi không kịp, còn Ngủng Ngoẳng đợi ngoài cửa thì nhảy cẫng lên, vỗ tay: "Đúng là bác Cuốc  ra tay, gạo phải xay ra nước!". Cô học trò Nga mặt mũi đỏ hồng, mồ hôi và bột lấm tấm trên trán trông thật là xinh khiến thày Ngân cũng thấy xốn xang trong dạ, mặc dù thày mang gien còi, mười sáu tuổi mà vẫn còn là cậu thiếu niên ngờ nghệch.

Những hoạt động quần chúng sôi nổi thời đó sao mà vui vẻ và vô tư đến thế. Ngân còn nhớ hôm Nga phụ trách đội Thiếu niên tiền phong biểu diễn văn nghệ, nhìn cô dẫn đầu tốp nữ múa "Cấy lúa dưới trăng" với phần nhạc đệm "Mì mì mì lá lá, son lá mì son lá. Rề rề son la sí, la son mì son mì.." Ngân chỉ muốn mình lớn thêm vài tuổi để cùng múa với cô thay cho "anh hộ tịch" đang dẫn đầu tốp nam.

- Tôi nghĩ rằng nếu mỗi một công dân chúng ta sống trong đô thị, khi làm một việc gì quen thuộc hàng ngày cũng đều tự hỏi "động thái này có ảnh hưởng gì đến những người sống quanh ta" và " khi người nào đó làm việc này trong vi môi trường của  mình, mình có thấy thoải mái không " thì chắc chắn đô thị của đất nứơc chúng ta sẽ nhanh chóng đạt được trình độ văn minh  công cộng không kém gì quốc đảo Sinh-ga-po... - Tiếng vỗ tay nổi lên rào rào át cả  lời chào và cám ơn cuối cùng của diễn giả khiến Ngân bừng tỉnh. Anh thấy Nga đang mỉm cười với mọi nguời trong khi thong thả và uyển chuyển rời khỏi diễn đàn.

Len qua đám đông người hội thảo đang rời khỏi hội truờng, Ngân tiến lại gặp cô học trò cũ của mình.

- Nga, chị Nga, còn nhớ ...

- Ô, thày Ngân, thày ở Hải Phòng? Thày cũng dự hội thảo này ư? - Nga nhận ra anh ngay lập tức, cô rối rít - Bao nhiêu năm rồi mới được gặp lại thày.-Cô nhìn quanh rồi kéo tay anh - Thày trò mình vào kia uống nước đi...

-Đừng gọi thế nữa, chị... Nga ạ, có lẽ bây giờ tôi là học trò của Nga cũng nên.

- Đến muôn đời em vẫn muốn gọi thày là thày, không thay đổi đâu. Thày cũng không được gọi em là chị. Hay thày quên em, quên cái Nga ngày xưa rồi? Thày vào đây, bây giờ có loại bánh này trông giống bánh đúc của em ngày xưa, nhưng ngon lắm. Thày phải ăn nhá, không có ngõ nào khác để lẩn đi đâu - Nga cười rất tươi - Cũng không có đợt nghĩa vụ quân sự  nào để thày có cớ lẩn khỏi.. tầm mắt em bằng ấy năm nữa đâu.

Hay Nga biết tình cảm của mình hồi đó dù mình không dám thổ lộ? -  Ngân tự  hỏi. Hai người ngồi đối diện hai tách cà phê với một đĩa bánh,  cùng im lặng quan sát nhau nhưng niềm vui thì bộc lộ chân thành qua ánh mắt. Họ nói về những gì đã trải qua trong chừng ấy năm xa cách. Ngân hồi ấy đột ngột xin đi nghĩa vụ, rồi về học Đại học Bách Khoa. Vừa tốt nghiệp lại được điều động vào phục vụ trong quân đội, chuyển ngành khi đã là thiếu tá Công binh, bây giờ  đang công tác tại một Sở quản lý Khoa học và Công nghệ, do giỏi ngoại ngữ chuyên ngành nên thường được mời dạy ngoài giờ cho vài trường đại học. Nga cho biết hồi đó "anh hộ tịch" ngỏ lời với cô và gia đình nhưng không hiểu sao cô không thích nên cũng đột ngột xin đi thanh niên xung phong. Vẫn tranh thủ học thêm ở các lớp buổi tối do đơn vị mở nên được cử đi học Bổ túc công nông, rồi vào đại học. Cô nghiên cứu hoá học ở trong nước, bảo vệ tiếp luận án ở Nga. Công tác ở một Viện trong thành phố Hồ Chí Minh, sau đó ra Nha Trang cho đến nay. Cô mới ra Bắc hôm qua theo lời mời của Ban tổ chức cuộc hội thảo về Bảo vệ môi trường đô thị.

- Thày ạ, Nga không bao giờ quên được những ngày hè thày phụ đạo cho bọn em đâu. À, hai chị em Ngủng Ngoẳng cũng đang công tác ở Sở giáo dục Nha Trang, giờ chúng đổi tên là Nguyệt và Ngoan. Gặp nhau thường ôn lại những ngày học thày ở đình Cấm, coi đó như những ghi nhớ đầu đời của bọn em.

Cuộc gặp thật bất ngờ với Nga. Người thày giáo đầu tiên này đã gieo tinh thần ham học, ham hiểu biết vào tâm hồn cô, cô không thể nào quên dù rằng sau đó còn có nhiều người thày khác. Với cô, Ngân không chỉ là một người thày, cô thiếu nữ hồi đó đã thầm tiếc sao thày Ngân không lớn hơn chút nữa hoặc sao mình không nhỏ hơn  một vài tuổi..

Ngày âý, sau khi phụ đạo thêm, thày Ngân thường kể cho học trò nghe những chuyện hay mà thày đã đọc. Nào "Những người khốn khổ" với cô bé Cô- det và người mẹ trẻ Phăng- tin, chuyện chàng "Hiệp sĩ rừng xanh" kiêu hùng và tốt bụng, chuyện anh gù ở "Nhà thờ Đức Bà" với cô gái có con dê trắng. Lúc thì cô thấy buồn vì mình cũng nghèo như Phăng-tin, lúc cô nghĩ giá thày Ngân cao lớn hơn tí nữa thì chẳng khác gì  Ro-bin-hút  (tốt và thanh nhã là được, không cần phải giỏi chuyện cung tên như anh chàng lục lâm nước Anh -cô nghĩ thế- mà thày bơi giỏi lắm, bọn con trai đứa nào cũng bảo vậy), lúc thì cô thầm trách cô chủ có con dê trắng sao không biết đến tình yêu và sự hy sinh của anh gù, rồi cô lại trách thày Ngân sao mà nhút nhát, đã kể chuyện Gienny lớn hơn Karl Marx bốn tuổi, họ yêu nhau và hạnh phúc như thế mà đằng này mình chỉ hơn  có một tuổi...

Một thanh niên thập thò, anh ta có vẻ ngại ngần nhưng rồi vẫn tiến vào.

- Cô Nga ạ, ba tiếng nữa chuyến bay khứ hồi sẽ cất cánh, cháu có nhiệm vụ đưa cô lên  Nội Bài. Hành lý của cô, cháu đã thu xếp lên xe đầy đủ rồi, thưa cô.

          - Cháu chờ cô một lát thôi nhé. Cô sẽ ra xe ngay.

          - Thày Ngân, tuy lần này được gặp thày thật ngắn ngủi - Nga quay lại nói với anh khi cậu lái xe đã ra ngoài - nhưng em vui lắm. Em sẽ mail ra cho thày, mong rằng thỉnh thoảng có thể được "chát" với thày về một số công việc mà thày và em đều quan tâm. Bây giờ truớc khi chia tay em muốn được nhìn thấy thày ăn đĩa "bánh đúc" này của em mời thày. Thày đừng từ chối như ngày xưa nhé. Thôi để em cùng ăn với thày cho vui - Cô xúc một thìa to, rồi một thìa nữa cũng to như vậy đưa cho Ngân.- Thày ăn đi, thày Ro-ben-hút, hy vọng lần này thày không biến-mất-hút nữa nhá! - Nga cười, nụ cười lúc xay bột ngày xưa, nhưng bây giờ trông nàng đẹp lên biết bao nhiêu.

          Hai hôm sau anh đã nhận được e-mail của cô gửi ra. Nga viết :"Thày Ngân! Em lại phải chuẩn bị gấp để dự cuộc hội thảo ở  Singapore. Em đã báo tin cho Nguyệt, Ngoan ( hai đứa Ngủng Ngoẳng ấy mà), chúng đều rất vui khi nghe tin thày.

Thày ạ, thày và chúng em bây giờ đều "nhớn" cả rồi, đều có tầm nhìn 2000 nên có thể đọc ngược lại một câu chuyện cổ tích mà không làm giảm cái hồn nhiên của nó. Chẳng dấu gì thày, cái Nga ngày xưa trách thày không có đủ can đảm như Karl Marx đối với bạn đời, nhưng đấy là cái Nga trẻ con. Sau này em hiểu rằng ngày ấy thày hành động hoàn toàn bột phát nhưng mà đúng, bố của hai đứa con em hiện nay già hơn cả thập niên  mà còn chia tay em theo nhu cầu "cách tân". Thôi  không nói chuyện ấy nữa thày nhỉ. "Let bygones  be bygones "*. Với chúng em thày mãi mãi là thày Ngân, người đã để lại những gì chân thành, hồn nhiên và vô tư nhất. Em nhận thấy một điều - mà điều này cực kỳ hay - là cả thày và bọn em vẫn còn giữ được cốt cách của ngày xưa. Hiện nay bọn em thỉnh thoảng cũng dạy thêm nhưng không vì lý do làm giàu,  mặc dù khả năng có thể làm thế được. Bọn em vẫn nói đùa với nhau rằng giàu tiền của cũng chẳng là cái mẩu chì gãy gì, người giàu thực sự phải là giàu niềm vui và bạn bè cơ. Ngoài ra nếu đã chọn làm thày hoặc nhà văn thì đừng nên nghĩ chuyện làm giàu, để tự thân nghề nghiệp là niềm vui và niềm tự hào cho cuộc đời mình. Nếu nhu cầu kiếm tiền là điều không thể né tránh, tốt nhất nên chọn nghề khác thày nhỉ!

Thôi em chuẩn bị để đi đây. Chúc thày luôn mạnh khoẻ và vui vẻ, sẵn sàng để "chát" với bọn em . Thày trò mình nên "sư" nhiều, "phạm" ít thôi nhá!

See you again!"

"Let bygones be bygones "*: Những gì đã qua thì hãy để cho nó qua đi (thành ngữ tiếng Anh)

                                              Ngọc Châu


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65169700

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July