Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
LTS: Nguyễn Quang Thiều sinh ngày 12 tháng 3 năm 1957 tại Làng Chùa,
huyện Ứng Hòa Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Lahabala Cu Ba năm 1989. Với nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình,
Nguyễn Quang Thiều đã xác lập một giọng điệu thơ mới trong thơ Việt
Nam. Là nhà thơ hiện đại - một thi sĩ nổi bật trong làng thơ đương
đại, Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 10 tập thơ. Nguyễn Quang Thiều cũng là là Nhà văn ,Nhà báo ông đã xuất bản 15 tập truyện và tiểu
thuyết, 3 cuốn sách dịch. Ngoài ra ông còn viết 500 bài báo, bút ký, ghi chép, tiểu luận và kịch bản sân khấu. Tác phẩm của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bạn đọc say mê ngưỡng mộ. Nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều được dựng thành phim phát sóng trên nhiều kênh truyền hình Việt Nam như: Hai người đàn bà xóm Trại, Mùa hoa cải bên sông, Chuyện làng Nhô… Nguyễn Quang Thiều và Trung tướng, nhà văn Hữu Ước sáng lập báo An ninh thế giới cuối tuần và Cảnh sát toàn cầu - hai tờ báo phổ biến ở VN.
Nguyễn Quang Thiều một nhà thơ tiên phong, một cây bút văn xuôi
đầy cảm xúc và giàu tính nhân văn. Thơ và văn xuôi của Nguyễn Quang
Thiều đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới: Hoa Kỳ, Nga, Thụy Điển, Anh, Thái Lan, Úc, Pháp, Na Uy, Hàn Quốc...
Hiện Nguyễn Quang Thiều là Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Phó
tổng thư ký thứ nhất Hội nhà văn Á Phi. Tân Văn trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà giáo ưu tú Hoàng Trung Hiếu Hội viên Hội văn học nghệ thuật Nam Định về thơ Nguyễn Quang Thiều:
THƠ NGUYÊN QUANG THIỀU
TIẾNG CA LỊCH SỬ CỦA THỜI ĐẠI
Trải qua hàng nghìn năm, nghệ thuật của nhân loại luôn luôn tìm kiếm phát hiện và khám phá những cái mới để Tồn tại hay không tồn tại? Phép tắc cơ bản của nghệ thuật là sáng tạo và không ngừng sáng tạo. Nguyễn Quang Thiều đã và đang làm điều đó nhằm tạo lập phong cách cá nhân độc đáo để thế giới thi ca của mình đi vào lòng người thời đại.
Vấn đề đặt ra tại sao lại có “sự mất ngủ của Lửa” (Nhà xuất bản lao động – 1992)? Lửa thơ của Nguyễn Quang Thiều mất ngủ vì bóng tối (bóng tối chứ không phải bóng đêm) còn quanh quất nơi này nơi kia, bịp mắt người này người nọ. Giá lạnh vẫn còn. Thậm chí còn đóng băng cố hữu. Lửa phải thức để xua tan bóng tối để bớt đi lạnh giá của cuộc sống làm ấm lòng người. Hơn ai hết Nguyễn Quang Thiều hiểu rất rõ bản chất của Lửa: tỏa sáng và thiêu đốt. Sự mất ngủ của Lửa vừa để tỏa sáng vừa để thiêu đốt. Lửa của lòng anh, lửa của thơ anh mất ngủ thật cao đẹp biết bao. Nguyễn Quang Thiều phải bao đêm trăn trở, thao thức, day dứt mới xuất thần được tuyên ngôn Sự mất ngủ của lửa làm xúc động lòng người, làm sáng trí thi ca. Những lúc lửa vùi dưới tro nóng, lửa ủ trong vỏ trấu là lửa ngủ. Vào những năm giữa của thế kỷ 20 người bà đã dạy cháu nhóm lửa lên (Bếp lửa của Bằng Việt).
Đường dài đi tới thơ của Nguyễn Quang Thiều hôm nay là cảm xúc và trí tuệ đã cháy lên trong tâm thức của anh: không là ma quỷ, không là thánh thần/ cháy ngọn lửa rực rỡ nhưng không giấu đất đá và củi rác phía dưới/ cõng trên lưng tảng đá khổng lồ của sự đầy đọa để được kêu vang tự do/ đã chết quá nhiều cái chết trong bóng tối mới chạm vào cơn mơ sự sống/là cái cây trơ trụi, đen đúa…/là mẩu quặng của thời đại bị những thợ kim hoàn khước từ. Nguyễn Quang Thiều đã nâng tiếng nói của Lửa, của đá, của cây, của quặng thành tiếng nói của người. Tiếng lòng của Nguyễn Quang Thiều là do cảnh vật khơi gợi, do anh nhận biết và khải phát để cho người đọc, minh tâm kiến tính mà lắng nghe tiếng dội nơi sâu thẳm của lòng mình: Tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó/ Nó không tiêu tan/ Nó thành con giun đất/Bò âm thầm dưới vại nước bờ ao/ Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ/ bò qua tha ma người làng chết đói/ Đất đùn lên máu chảy ròng ròng. Sự mờ tỏ nửa có nửa không, nửa hư nửa thực của câu thơ là dụng ý nghệ thuật tạo ra cái bề sâu, cái đường biên rộng kích thích trí tò mò khám phá của người đọc: Chúng ta thường chăm sóc những ngôi mộ/ bằng niềm sợ hãi và tiếc thương/ Nhưng ít người chúng ta nhìn thấy/ Cỗ xe tang lộng lẫy/ trong tiếng trống tưng bừng/ làm thần chết cũng hết phiền muộn/ và tên tuổi chúng ta được khắc/ trên phiến đá lặng im /lấp lánh và uy nghiêm/ như tên các vị thánh. Anh tự thức tỉnh mình để thức tỉnh người. Ngôi mộ thơ, xe tang thơ? Đó là những bức xúc đầy cảm quan bi kịch. Thơ Nguyễn Quang Thiều là sự kết hợp giữa hoài nghi triết học với thi ca, giữa tư tưởng với nghệ thuật để cả tốt và xấu, thiện và ác, cao thượng và thấp hèn đều nhìn thấy hình thù của mình, nghe thấy giọng điệu của mình và những ham muốn của mình: Dưới ánh sáng những vầng mây mùa đông/ Bên những ngôi nhà cao tầng vừa thở dốc vừa chống gối đứng dậy/ Bên những quán đang đổ rượu mê man vào một miền khô trụi/ Những đám cỏ vô tình được cứu sống dạt vào nhau/ Tôi mang cơn mơ nham nhở của màu xanh/ Suối tuổi thơ không hay có từng ngày bị săn đuổi/ Những con dế bật càng xa, xa mãi/ Mưa giêng hai góa bụa khóc sang hè/ Tôi đã qua cái chết của màu xanh với 30 năm vừa rũ chiếu/ Vừa khóc/ Tôi đi qua nhưng kẻ sát nhân đang bắn vào hơi thở/ không nhìn thấy nhà tù nào mà mỗi ngày tôi mất đi một ngọn cỏ/ Không nghe tiếng súng nào mà ngực cỏ vỡ đêm đêm/ Chiều nay trên đại lộ bê tông xuyên vào thế giới cuối cùng của cỏ/ Một con ngựa trắng đi cúi mặt, rũ bờm. Độc những câu thơ não lòng như tiếng gọi hồn của cỏ.
Thơ Nguyễn Quang Thiều huyền hảo như âm dương, có khả năng dịch hóa, biến thông rất uyển chuyển: Cỗ xe tang trôi mãi vào cơn mê - Những vòm cây tự xé rách lưỡi mình- Trong cơn ngứa ăn nhầm ánh sáng- Những đền chùa gục ngã/ Trước những pho kinh phản bội bồ đề. Tôi chiêm ngưỡng thơ của Nguyễn Quang Thiều như chiêm ngưỡng một tảng băng trôi, khao khát ở phần chìm của nó. Không gian thơ của Nguyễn Quang Thiều rất rộng, bao la cả không gian ba chiều: Bình viễn, cao viễn, thâm viễn. Cả phần hiển lộ và phần khuất lấp. Quyền uy và năng lực bao quát của thơ anh là rất lớn cả Thiên – Địa – Nhân. Trong tam tài Thiên – Địa – Nhân thì anh đã nhập đồng vào Những vầng mây không mang họ nước/ Chở lịch sử của chúng trôi nham nhở dọc chân trời, nhập đồng vào làng chùa vào dòng sông đáy vào người đàn bà gánh nước. Ngôn ngữ của nhân loại thì mới có khả năng biểu đạt những gì bằng trực giác, có thể định hình được, cân đong đo đếm được như lớn nhỏ, trắng đen, mềm cứng, nóng lạnh, cao thấp, sang hèn, thiện ác. Vậy mà Nguyễn Quang Thiều có những câu thơ cực kỳ vi diệu khó có thể cảm được, cũng giống như ta đang sống và làm việc trên trái đất. Trái đất vẫn đang quay mà ta đâu có biết? Ánh sáng trắng đang tìm giấy khai sinh lần thứ nhất của mình và thức dậy không quờ tay tìm đèn và không cả ho khan/ Thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình. Và đây nữa Đợi bài ca sinh ra từ những hạt cơm vương trong chân cỏ dại/ Từ quả trứng buồn vừa bóc vỏ thời gian. Lửa của Nguyễn Quang Thiều hãy cứ cháy lên để cho thơ sáng. Thơ anh như bó đuốc đình liệu soi rõ mặt cả người ngay và kẻ gian, người thiện và kẻ ác, thiêu đốt những ba- ri - e cản đường lì lợm, hóa giải những vòng kim cô để bớt phần nhức nhối. Cứ như thế, thơ anh thầm thĩ với người và thao thức với thời gian: Tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó/ Nó không tiêu tan/ Nó thành con giun đất/ Bò âm thầm dưới vại nước bờ ao/ Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ/ Bò qua bãi tha ma người làng chết đói/ Đất đùn lên máu chảy ròng ròng. Một trong những khó khăn nhất mà cũng cao đẹp nhất của đạo làm người là tự biết mình và tự thắng mình. Muốn chiến thắng trong cuộc đời phải luôn thắng được mình. Người có những năng lực để điều hành, chế ngự và biến thông xã hội không ai khác là người biết chế ngự mình. Tôi cho rằng Sự mất ngủ của lửa, không chỉ là tên riêng của đứa con tinh thần của anh mà nhà xuất bản Lao động đã cấp giấy khai sinh cho nó năm 1992 mà còn là tên chung , gương mặt chung của cả những đứa con sau: Người đàn bà gánh nước sông (1995), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999), Cây ánh sáng (2009). Tâm của Nguyễn Quang Thiều có công năng nhìn là thấy, nghe là rõ, nghĩ là sáng. Vì thế Lửa của thơ anh cứ sáng mãi lên.
Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều tôi tự hỏi: Tại sao hệ thống biểu tượng trong thơ Nguyễn Quang Thiều lại nói nhiều đến Lửa, nói nhiều đến cánh đồng, dòng sông, người đàn bà? Lửa là sáng là ấm, là bốc lên nhưng cũng là thiêu đốt. Lửa là dương ứng với lễ kỉ cương mực thước. Lửa đem lại cuộc sống văn minh để con người thoát khỏi cầm thú. Nước là mát là lạnh là thấm sâu là vòng vo uyển chuyển là dập tắt là cuốn trôi .Nước là (âm), thâu nhận tất cả. Vật bẩn nào vương vào trong nước đều được nước làm sạch hơn. Dòng sông, nước khi lên khi xuống, lúc ra bể lúc về nguồn, chở nặng phù sa nhưng chỉ đọng ở bên bồi, không rơi vào bên lở. Nước chảy đi chỉ dòng sông là ở lại. Nước ứng với trí. Đạo của trời đất cũng lưu hành như nước chảy, chỗ cạn thì bù vào, chỗ cả thì lưu thông. Nói đến cánh đồng, nói đến châu thổ là nói đến đất. Đất bao dung muôn vật. Nhờ vào đất mà muôn vật được hóa sinh. Đất lưu giữ, ấp ủ vì thế mà đất ứng với chữ tín (lòng tin). Đất cứ lặng thầm dâng hiến. Thơ anh đã tìm được chỗ đứng cao nhưng lại gần kề để tri âm với phụ nữ - đẹp và cuốn hút nhất trần gian, nhưng lại phải hứng chịu quá nhiều khổ đau, phận bạc. Muốn bù đắp phải nhìn thấy những thiếu hụt. Muốn hạnh phúc thì phải nhận rõ khổ đau. Vẻ đẹp của tạo hóa thường ẩn khuất ở nơi kín đáo, cao sâu. Nghệ thuật thi ca cũng bắt chước tạo hóa lưu giữ vẻ đẹp ở ngôn từ nhiều nghiệm, ảo mờ chỉ cảm thấy chứ khó nhìn thấy. Nguyễn Quang Thiều nói về bầu vú của đàn bà con gái. Vì bầu vú là vẻ đẹp hoàn bảo, là bầu ngọc là suối thiêng là sông là biển, là sách vở, là tri thức vừa dạy bảo vừa thống trị con người. Theo thiểu nghĩ của tôi thì người đàn bà giống như nước mềm mại và uyển chuyển nhưng sức mạnh thì tiềm tàng nước chảy đá mòn. Tôi nghĩ rằng Nguyễn Quang Thiều hiểu rất sâu nước ứng với trí. Chả thế mà anh khao khát trở về với dòng sông quê. Những lúc xa quê anh ao ước dòng sông nâng lên ngang trời để anh được nhìn thấy. Dòng sông quê anh giống như người đàn bà nhuần thấm, năng nổ, bền bỉ vì sự sống của muôn loài. Anh đã trao gửi nhận thức đó của mình vào dòng sông và người đàn bà gánh nước. Hỏi nào mà con nhện già đã lao ra vồ lấy ý nghĩ của anh? Nhiều cây bút đã tri âm thơ Nguyễn Quang Thiều. Mỗi người một vẻ mười phần cũng đã vẹn được 7,8. Tôi tâm đắc nhất, trân trọng nhất là lời bình xét của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp: Xét về bản chất, thơ Nguyễn Quang Thiều là tiếng nói hướng thượng. Nhưng đó không phải là hướng thượng chính trị (thông thường) mà hướng thượng tới những giá trị nhân sinh cao cả, nhữngvẻ đẹp kì diệu của cuộc sống, của sức mạnh nghệ thuật. Đó mới là thứ chính trị của thơ ca hướng tới... Nó cần đến sự sám hối và cứu rỗi chân thành.
Thơ Nguyễn Quang Thiều như con cá chép bơi ở dòng sông châu thổ. Ai bảo là thức ăn thì xắt khúc để mà kho. Ai bảo là nguồn lợi thì thả vào ao cho nó sinh sổi nảy nở. Ai bảo là thơ thì cho nó nhả ngọc để cất cánh bay lên mà hóa Rồng.
H.T.H (Nguồn Tân văn số 3 - NXB Hội nhà văn tháng 3-2013)
|