Vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Matxcơva đã khánh thành bức tượng của Người bằng đồng đứng sừng sững trên công viên Akađemitrecxkai. Phía sau khu công viên rộng hơn một hecta này, chủ yếu là các rặng tử đinh hương và cây lipa mọc; còn phía trước tượng Người là ba cây bạch dương, hai cây cao chừng 8, 9 mét; còn một cây nhỏ phía trái chỉ cao chưa đầy ba mét, giống như một điểm nhấn trong bố cục một bức tranh phong cảnh.
Cây bạch dương non này là câu chuyện nhỏ của một tình cảm lớn đối với vị lãnh tụ kính yêu.
Vì tượng Bác gần sát ngay metrô, không dựng hàng rào, do đó hàng ngày có hàng ngàn lượt người qua lại, tạo thành một lối đi tắt bên hai cây bạch dương cao và chiếc hố xây quanh bằng gạch lơ thơ cỏ mọc.
Một buổi sáng mùa thu, mọi người bỗng thấy một cây bạch dương nhỏ, chỉ có độ dăm cành khẳng khiu, được trồng vào hố và những chiếc cọc đỡ được cắm chắc chắn xung quanh. Người ta bỏ lối mòn và đi vòng phía trước cây bạch dương nhỏ đó ra cửa metrô.
Trong lần đi viếng tượng Bác vào ngày 2-9-2007, anh Trương Quang Giáo bỗng dưng thổ lộ tình cảm của mình khi tình cờ nghe được câu chuyện về các anh Bùi Văn Hòa, Trần Hưng Tấn và anh Trần Văn Hiển suốt trong năm qua đều đặn góp tiền để nhờ người trông nom, dọn dẹp và mua hoa đặt trước tượng Người mỗi sáng.
Anh Giáo đứng rất lâu trước cây bạch dương nhỏ, vịn vào thân cây, như xác định là đã trải qua sau ba mùa tuyết giá, có nghĩa là nó sẽ lớn và vươn cao. Khi mọi người đặt hoa đã về vãn, anh mới bắt đầu câu chuyện.
Còn nhớ, vào tháng 5-2004, trong lịch trình của Đoàn Đại biểu cao cấp của Chính phủ ta sang thăm Liên bang Nga có chương trình đến đặt hoa tượng Bác.
Vào thời điểm đó, trong số ba cây bạch dương thì hai cây xanh tốt, còn một cây thì bị chết giá từ mùa đông trước. Nguyên do là do băng đóng quá dày, hàng ngày bên Sở Giao thông đều cho phun muối hóa học để chống trơn trượt và làm tan băng trên các tuyến giao thông.
Chính biện pháp này, về sau đành chấm dứt bởi hậu quả “lợi bất cập hại” là đã đã làm chết hàng ngàn cây xanh, ví dụ như hàng táo có hàng chục năm tuổi trên đại lộ Kômxômônxki, gần trường MGU đã phải đốn đi toàn bộ. Cây thông bên tượng Bác mùa đông đó cũng tơi vào tình trạng ấy.
Trước ngày Đoàn ta sang, khi phía Nga kiểm tra vệ sinh môi trường và an ninh, không biết ai hiến kế, người ta cắt vội một cành bạch dương mới trồng vào hố, thay thế cho cây bạch dương bị héo. Nhưng chỉ sau nửa tháng, người ta lại phải nhổ cành bạch dương ấy đi và cái hố trơ lại như một khoảng trống.
Đã mấy lần, anh Trương Quang Giáo viết thư cho Sở Văn hóa báo về hiện trạng này, nhưng tình hình cũng chẳng có gì biến chuyển, nghĩa là trước tượng Người vẫn một ô tròn trơ gạch. Biết chờ đến bao giờ, anh Trương Quang Giáo bàn với chị Xveta, vợ anh, trong chuyến đi ra ngoại ô nhất thiết phải mang bằng được một cây bạch dương về trồng. Chị Xveta không chỉ vui vẻ tán thành mà còn nhắc anh chuẩn bị dây, vải bọc, hộp giấy để bứng cây khi di chuyển.
Tìm một cây bạch dương ở ngoại ô Matxcơva không có gì là khó, nhưng đưa được cây về trung tâm Thủ đô là công trình kể xiết mấy mươi. Khu nhà nghỉ của anh cách Matxcơva gần một trăm cây số, anh không có ôtô, sau khi đào cây, bó gốc, bịt cành, anh và chị phải thay nhau bế đi bộ ra đến tận ga tàu Electrika cẩn trọng như đưa bệnh nhân vào viện. Nhưng mệt đối với anh không thành vấn đề, anh sợ nhất là bị công an môi trường phát hiện, lập biên bản, tìm nguồn gốc, lý do về việc anh đào cây đi mà không có giấy phép. Từ lúc vào tàu, anh đành ủy thác việc này cho vợ, dẫu sao, phụ nữ Nga mang đi còn dễ qua mắt công an vì anh sợ tình ngay , lý gian; gỡ ra cho được, còn gì là cây!
Đi tàu đã khổ, chuyển sang Metrocòn khổ bội phần, vì dù nhỏ, cây bạch dương cũng cao gần hai mét. Theo quy định những đồ vật gì dài quá 1,2 là không được vào Metro. Anh là người nước ngoài, ôm cây bạch dương vào, sẽ lộ ngay. Lại một mình chị ôm cây vào tàu. Anh phải ôm xẻng và toàn bộ đồ dùng của chị, còn chị thì đặt cây xuống sàn, vòng tay che chắn để tránh hành khách chen làm gẫy.
Rời ngoại ô từ trưa, đến chập tối, anh mới đến được tượng Bác. Hai vợ chồng hì hục đào hố, lấp cây xong, mới sực nhớ là không tìm đâu ra nước rửa, đành mang xẻng, đồ dùng và quần áo lấm đất, lên metrô trở về nhà, y hệt những công nhân trở về từ công trường xây dựng.
Và sáng hôm sau, anh tìm đến cửa hàng vật liệu xây dựng, mua dây thép nhỏ, một bó cọc và mang theo một bình nước to đến rào quanh thân cây bạch dương vừa mới trồng đêm trước…
Bốn năm trôi qua, giờ đây, cây bạch dương đã lớn lên và xanh mướt mỗi khi xuân sang, hè đến. Còn anh Trương Quang Giáo và chị mỗi năm, tóc thêm bạc và bước đi chậm lại. Nhưng công việc và sinh kế không bao giờ làm nguôi đi ngọn lửa lòng của vị Chủ tịch Hội Người Việt định cư tại Nga. Người ta luôn thấy anh trong những sinh hoạt cộng đồng, trong những lần quyên góp giúp bà con hoạn nạn, trong những cuộc giao lưu ở Sứ quán hoặc ở Hội Người Việt… Ở đâu, khi thấy bóng dáng con người nhỏ bé và nhân hậu đó xuất hiện là người ta luôn cảm thấy ấm lòng. Còn chị Xveta, ngừơi phụ nữ mộc mạc, yêu Việt nam bằng cả trái tim mình, đã ra đi vĩnh viễn.
Gọi điện cho anh Trương Quang Giáo, chúng tôi luôn động viên anh, dù chị đã mất đi, nhưng mãi mãi chị luôn là nguồn ánh sáng* của anh. Mong anh luôn mạnh khoẻ, hãy như cây bạch dương, sau mùa đông giá lạnh lại, mùa xuân đến lại nẩy lộc, đâm chồi.
Nguyễn Huy Hoàng
* Xveta tiếng Nga nghĩa là ánh sáng
|