(Kính tặng thầy Nguyễn Huy Hoàng)
Trong số những người làm thơ ở xa Tổ quốc, tôi đặc biệt chú ý đến nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. Công việc và cuộc sống đã đưa đẩy để cho nhà thơ gắn bó với nước Nga hàng mấy chục năm nay. Lúc vui, lúc buồn, Nguyễn Huy Hoàng đều làm thơ. Âu đó cũng là cách tự trải lòng mình, chiêm nghiệm cuộc sống và sâu thẳm hơn hết vẫn là một tâm hồn tinh tế, dồi dào cảm xúc, đầy màu sắc văn chương. Điều ấy bạn đọc có thể tìm thấy trong tập thơ “Vẫn còn có bao điều tốt đẹp” (NXB Văn học – HN – 2008) của Nguyễn Huy Hoàng..
Cũng như bao người xa xứ, trong tâm khảm của Nguyễn Huy Hoàng vẫn đau đáu hình bóng quê hương xứ sở, nơi chôn rau cắt rốn, chốn gắn bó ở đô thành. Mảnh đất Hà Tĩnh , nơi sinh ra của nhà thơ đầy cam go, nhọc nhằn. Nhà thơ đã từng kể lại một lần về thăm quê, nhìn con sông bên lở, bên bồi, bao năm rồi vẫn hiền lành, xanh trong tâm tưởng.. Mảnh đất này gắn liền với tuổi thơ vất vả, gian khổ một thời :
“Bát cơm cúng thắp hương người quá cố
Ở quê tôi cũng độn sắn một thời”
(Đất quê)
Ở nơi xứ người, món ăn cao sang nhất chính là những món ăn đơn sơ, giản dị như ở quê nhà :
“Ngờ đâu được tận hưởng
Những món ăn quê nhà
Cá kho, canh dưa cải
Rau đậu với tương cà”
(Phong vị quê hương)
Trong bài “Nỗi nhớ tháng ba”,nhà thơ như bày tỏ nỗi niềm giữa xứ sở Bạch dương nhớ mùa hoa bưởi, một tiếng võng kêu kẽo kẹt đầu hè, một tiếng gà gáy, một phiên chợ quê…Bây giờ chỉ còn là kỷ niệm.Tâm trạng nhà thơ như một đứa trẻ xa nhà. Nỗi nhớ quê hương luôn canh cánh bên lòng nhà thơ. Tác giả thấy thèm được đón một ngọn gió của mùa gặt, được nghe tiếng cá quẫy trong veo, hay có khi đó chỉ là vệt khói mong manh lúc chiều dần buông xuống. Nỗi niềm ấy như chiếc lá rơi xao xác ở bên thềm:
“Lá rơi xao xác chân thềm
Như rơi vào giữa nỗi niềm cố hương…”
(Cố hương)
Có một đêm lạnh, nhà thơ càng nhớ quê da diết. Những âm thanh quen thuộc ở quê nhà cứ hiện dần trong ký ức: Đó có thể là tiếng guốc đường xa, một trái bưởi rụng sau vườn, tiếng ru người mẹ, tiếng chó sủa và cả tiếng người thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sông. Vẳng đâu đây trong tưởng tượng là mùi khói, mùi bùn non, mùi cỏ đắng và mùi men chua của vại cà muối dưa:
“Giá được nghe tiếng guốc gõ trên đường
Trái bưởi rụng sau vườn rơi lộp bộp
Tiếng chó sủa bâng quơ ngoài chái bếp
Tiếng ru hời, mẹ ngái ngủ đưa nôi”
(Đêm lạnh)
Phố phường Hà Nội, nơi nhà thơ từng gắn bó dạy học cũng trở đi trở lại trong tập thơ. Đó có thể là hình ảnh một mái tóc dài, những dòng người xuôi ngược, những con đường dọc ngang phố phường, một tiếng lá rơi…đều làm cho tác giả thổn thức:
“Ở đâu rồi nẻo đường xưa phố cũ
Thong thả rơi lá cơm nguội hanh vàng
Nghe guốc gõ dọc vỉa hè tĩnh mịch
Giọt chuông chùa buông tận đáy không gian?”
(Với mùa thu Hà Nội)
Trong ký ức của nhà thơ, Hà Nội thật xa xăm trong tâm tưởng. Người đọc cũng như chìm vào không gian mà tác giả đã tái hiện. Đó là tiếng chuông tàu điện leng keng, một bè rau muống khi đang dần trôi. Nét xưa của Hà Nội với mái ngói lô xô, bức tường rêu phong cổ kính đã đi vào dĩ vãng:
“Mái ngói lô xô, khoảng trời cởi mở
Bức tường rêu cổ tích thuở bình yên”
(Bên lề Tháng Giêng)
Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng lại lấy một câu thơ trong bài “Nói với con” để đặt tên cho cả tập thơ của mình. Đối với nhà thơ, những đứa con là tất cả. Đó là niềm hy vọng và chờ đợi để chúng nên người. Lời thơ như lời răn dạy tin cậy, ấm áp nghĩa tình:
“Ở quanh con, người tử tế vẫn nhiều
Vẫn còn có bao điều tốt đẹp
Xa danh lợi, hãy chịu bề thua thiệt
Hãy vì người, nếu mong họ vì con”
(Nói với con)
Nước Nga cũng là nơi đã để lại những kỷ niệm đắng chát trong cuộc đời của nhà thơ. Đứa con gái đầu lòng bé bỏng, học giỏi, đẹp như thiên thần đã phiêu lạc từ năm 1993. Từ khi xa đứa con yêu quý, nhà thơ như cần mẫn đếm thời gian qua từng tờ lịch trên tường. Tháng ngày trôi đi như những chiếc lá rụng bên thềm. Và cả những đêm đối diện với ngọn đèn bàn thức trắng với thời gian. Đôi khi Nguyễn Huy Hoàng lại đến cổng trường quen thuộc vào những buổi chiều gió tuyết giống như thuở nào đợi đứa con yêu. Nhà thơ vẫn mong chờ một đốm lửa của ngọn đèn hy vọng. Nỗi niềm ấy được nhà thơ bộc lộ qua bài “Dành cho con”:
“Nếu quả thật có thần linh, mệnh số
Không lẽ nào cuộc sống mãi đêm đen!
Khỏi gục ngã, để chờ con, hy vọng
Trái tim đau nuôi lửa một ngọn đèn”
Những vần thơ viết cho con, dành cho con thật xót xa, cảm động làm rưng rưng bao con mắt của người đọc.
Tập thơ của Nguyễn Huy Hoàng còn có bao hoài niệm về một thời trong sáng của chàng thanh niên rạo rực mộng mơ. Bây giờ ngoảnh lại như thấy một chút đắng chát trong lòng, có cả vị lầm lỡ, mất còn trong tâm tưởng:
“Một thời đã đi xa
Cũ như là lầm lỡ
Mờ mịt như chân trời
Mảnh mai như vóc lụa”
(Hết thảy là mơ thôi)
Nguyễn Huy Hoàng là người rất nhạy cảm với thời thế. Những bài thơ thế sự của tác giả chất chứa tâm trạng buồn đau cho những “ngang tai trái mắt” ở đời. Có khi đó là sự tương phản của những mảnh đời lao động vất vả mỗi dịp tết đến xuân về(Đối cảnh). Ở góc khuất nào đó lại là kẻ “quan tham”, hãnh tiến chỉ biết vơ vét, hưởng thụ ( Điều trông thấy). Tác giả còn cảm thấy xót xa cho những con người sống buông thả, thác loạn, không có lý tưởng. Từ đó nhớ đến những người bạn đã ngã xuống giành lại mảnh đất này (Cảm nhận vũ trường).
Nguyễn Huy Hoàng là nhà thơ có duyên với thiên nhiên, cuộc sống và con người của đất nước Nga. Ngay từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường Nguyễn Huy Hoàng đã tìm tòi và đọc rất nhiều tác phẩm văn học Nga. Khi là giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội , Nguyễn Huy Hoàng lại được phân công giảng dạy về văn học Nga, một nền văn học mà nhà thơ đã yêu mến từ thuở ấu thơ.
Từ lâu phong vị dân ca Nga như dòng suối ngàn bất tử, như tiếng gió dịu dàng giữa rừng bạch dương cứ ngân nga trong cõi lòng nhà thơ:
“Có giọng hát vang xa, khoan nhặt
Người đàn bà giặt áo bên sông
Dải cát lặng, ngựa bình yên gặm cỏ
Trời trong veo, hoa dại nở khắp đồng”
(Tiếng hát Nga)
Trong những lần về thăm Riazan, nhà thơ lại bồi hồi xao xuyến nhớ về Exênhin, thi sĩ của đồng quê. Những hình ảnh quen thuộc trong thơ Exênhin như đang hiện về tâm trí của tác giả. Hình ảnh một người mẹ, một cô thôn nữ,một chốn làng quê Nga với những con người nhân hậu thủy chung trong thơ Exênhin để lại nhiều dư vị đắm say:
“Con đường đất bụi mờ in bờ cỏ
Mảnh vườn thưa, nếp nhà gỗ khiêm nhường
Vẫn dáng mẹ áo choàng che kín cổ
Ngóng con về chìm lối ngõ đêm sương”
(Về Riazan)
Nơi nào trên đất nước Nga cũng là nơi đáng nhớ với Nguyễn Huy Hoàng.. Đến Xanh Pê-téc-bua , nhà thơ lại nhớ đến những vần thơ lửa cháy, vần thơ yêu thương của nữ thi sĩ Onga Bergôn. Những vần thơ ấy như sống mãi với dòng sông Nhê – va, với thành phố Xanh Pê-téc-bua:
“Tiếng còi tàu và những cuộc chia tay
Ai chẳng có tuổi thanh xuân lầm lỗi
Những vần thơ không bao giờ có tuổi
Biển vô bờ, bao đợt sóng đi qua”…
(Đến Xanh Pê-téc-bua nhớ Onga Bergôn)
Trong bài “Bức tranh mùa đông”, Nguyễn Huy Hoàng tái hiện một không gian thật yên bình. Tháp nhà thờ trông xa như một củ hành lớn vươn cao trong tĩnh lặng. Trăng thì nhợt nhạt, xanh xao. Trong bóng chiều có tiếng quạ kêu như tiếng lòng của người xa xứ. Dưới con mắt của nhà thơ, những con người trong một thời vận của nước Nga đã thay đổi. Bên cạnh sự trăn trở, lo âu trước nhiều cảnh ngang trái ở đời, vẫn còn đó những người dân Nga chất phác, băn khoăn trước thời thế. Những con người ấy vẫn giữ được bản sắc cốt cách của dân tộc Nga từ bao đời nay:
“Tuyết vẫn trắng, sông vẫn êm đềm chảy
Rừng bạch dương muôn thuở vẫn rì rào”.
(Matxcơva bây giờ đã khác)
Tập thơ “Vẫn còn có bao điều tốt đẹp” của Nguyễn Huy Hoàng đã khép lại nhưng những vần thơ của người trai xứ Nghệ vẫn còn đọng lại trong tâm trí của bạn đọc yêu thơ. Sâu thẳm hơn hết vẫn là niềm khát khao của một trái tim cháy bỏng về cuộc sống, về những điều tốt đẹp qua cái nhìn nhạy cảm của người sáng tác văn chương. Chúng ta sẽ mãi trân trọng tình cảm và những lao động nghệ thuật sáng tạo của Nguyễn Huy Hoàng, bởi nhà thơ đã bộc bạch lòng mình với những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời và cả trong thơ ca.
12-5-2013
TRẦN XUÂN DUNG
|