Vào tháng 5 - 2005, tôi và một đồng nghiệp công tác tại thành phố Upha được mời sang thăm Ba Lan một tuần, đúng vào dịp Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng phát xít. Phía bạn thuê cho chúng tôi một căn phòng sang trọng trong một khách sạn 5 sao nằm ở Trung tâm thành phố Vacsava, nhìn ra nhà ga lớn. Kể thì họ quá phí phạm, vì đối với chúng tôi, thì việc tá túc ở một khách sạn nhiều sao và một khách sạn bình dân thì cũng không khác nhau là mấy. Buổi tối chúng tôi về muộn, đặt lưng ngủ một chập, ban ngày thì các cuộc gặp gỡ liên miên, bỏ trống căn phòng cao giá mỗi ngày gần 16 tiếng, tôi thầm trộm nghĩ một cách thực dụng là, giá mà họ cứ quy ra thóc cho mình, rồi mình tấp vào nhà trọ không có sao nào thì ra vấn đề hơn.
Buổi tối muộn trước ngày rời Vacsava, tôi xuống phòng Internet ở tầng dưới, chỉ sểnh ra một phút, quên dặn lại, thế là anh bạn đồng hành khoá cửa dông đến nhà người thân chơi, mang theo chìa khoá phòng. Bị bỏ mặc lại ngoài hành lang giữa đêm khuya, không muốn làm phiền anh thường trực đang ngủ ngon trong ghế bành, tôi chọn phương án khả thi nhất và đắc lợi nhất là đi dạo phố.
Không có một mảnh giấy tuỳ thân, không một đồng tiền lẻ dính túi, may mà thời tiết tháng 5 ấm áp, với bộ quần áo thể thao, tôi lững thững dạo qua nhà ga, qua khu nhà triển lãm, qua Cung Đại hội, qua siêu thị đêm, mãi gần sáng mới trở về khách sạn. Hơn ba tiếng đồng hồ, trong đêm khuya khoắt, một người Việt thứ thiệt, ăn mặc phong phanh, không hộ chiếu, đi qua bao nhiêu con phố mà không hề bị một vị công an nào sờ gáy. Tôi đem chuyện hy hữu này kể với bè bạn ở Ba Lan, họ cười ồ lên, cho đó là điều bình thường, là mắt muỗi, không có gì là lạ ở xứ này.
Nhưng đây là chuyện dị thường, nếu nó xẩy ra ở Matxcơva. Bất luận là gì đi nữa, một anh người Việt đầu đen, mũi tẹt như tôi, lùi lũi đi trong đêm như vậy ở Matxcơva, ít nhất cũng đụng độ tới dăm, bảy tốp chiến sĩ công quyền tuần tiễu, và việc vào đồn qua đêm với cánh say rượu, gái điếm, bụi đời... là kết cục không thể nào tránh khỏi.
Ở Matxcơva có hai loại công trình xây dựng được thiết kế theo một khuôn mẫu chuẩn, đó là trường học phổ thông và đồn công an. Các trường học phổ thông kiến trúc thời Xô Viết đều giống hệt nhau, bao gồm các toà nhà 5 tầng, phía ngoài là tượng phù điêu Puskin, Gorki, còn bên trong nội thất, kết cấu thì rập khuôn từ hội trường, nhà ăn, phòng học, phòng Hiệu trưởng; ngay đến cả các loại đèn cũng chung một kiểu.
Còn đồn Công an là các khu nhà lắp ghép, trừ một số đồn lấy tầng trệt của khu chung cư đưa vào sử dụng, nằm trên các khu đất rộng tới 500m², có hàng rào sắt cao 2m bao quanh, phía ngoài là bãi xe luôn có khoảng mươi, mười lăm xe túc trực, chủ yếu là Uaz, Lada, Jiguli, ford..., gần đây có thêm các xe cao cấp Metxeđec, BMW biển xanh, gắn đèn đặc chủng. Nhà chính gồm 4 tầng và một tầng ngầm, phòng trực ban luôn nằm phía bên trái cửa ra vào, đi thẳng trực diện là khu tạm giam rộng chừng 80m² chia làm hai khu vực dành cho các loại phạm nhân khác nhau bị giam giữ tạm thời. Các chấn song sắt phi 16 đen ngòm, chiếc ổ khoá nặng gần nửa kí, vừa thể hiện quyền lực, vừa thể hiện tính lạnh lùng truyền thống của một cơ quan hành pháp mà từ đầu thế kỉ 19, nhà thơ Lermôntôv đã viết một cách đầy kinh hãi.
Không rõ ở Matxcơva có bao nhiêu đồn công an vì trong danh bạ điện thoại không thống kê, nhưng chắc chắn không nằm ở con số dưới 300. Các Trường Phổ thông và các đồn công an ở Matxcơva đều mang số, ví dụ đồn ở gần Xaliut 2 là 128, gần trường Giao thông là 157, gần Đôm 5 cũ là 111... đồn trưởng hầu hết đều mang quân hàm đại tá. Và gần một trăm ngàn người Việt ở Nga trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX, khi mà Liên Xô cũ không còn, nước Nga mới vừa ra đòi chưa kịp chấn chỉnh, cải cách lại ngành công an, khó ai mà biết được bao nhiêu lượt người đã từng nếm trải việc úp mặt vào những chấn song sắt vô cảm đó.
Lý do vào đồn thì kể hàng chục năm cũng không hết, bởi vì chẳng có vụ nào giống vụ nào. Có một anh thuê nhà ở gần chợ Cheremuskinxki, loại nhà Khơrutsov không có ống đổ rác ở trong hành lang. Cứ sáng sáng, anh mang túi rác ra thùng ở góc phố cạnh nhà để đổ. Khốn nạn, đi đổ rác thì ai mang hộ chiếu làm gì, ngờ đâu có chú công an đã mai phục từ lúc nào tóm gọn, anh xin vào nhà lấy giấy không cho, thế là bị dông thẳng về đồn, tạm đưa vào cũi.
Một anh bạn đồng môn của tôi làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam sang công tác. Vừa đến nhà khách Sứ quán, anh liền phôn cho tôi lên chơi, hàn huyên đến đến tối mịt. Khi chia tay, anh tiễn tôi tới tận ngoài hè phố. Chân ướt, chân ráo về nhà chưa kịp thay áo đồ, nghe điện thoại réo, hay tin anh đã bị nhốt vào đồn, tôi mới tá hoả phóng ngược xe trở lại, vào đồn, để giải thích cho người Nhà nước là vị khách Việt Nam mà các ngài chiếu cố mời đến chỉ biết Anh ngữ, không biết Nga ngữ, và ông ta qua đây là đi công tác, chứ không phải tư tác, có đủ giấy tờ công vụ nghiêm chỉnh. Còn hộ chiếu chưa đăng ký, các ông cũng không có quyền bắt giữ, vì theo luật, căn cứ vào dấu nhập cảnh, sau 72 tiếng, chưa đăng ký mới gọi là vi phạm. Vị đại uý thường trực không nói, không rằng, mở khoá phòng tạm giam để mặc anh bạn tôi ngán ngẩm đi ra sau ba tiếng biết mùi song sắt.
Có một nữ bác sĩ quân đội hồi hưu, sang Nga mở phòng mạch. Cứ sáng sáng, theo thói quen đi bộ mấy chục năm chưa bỏ được, chị diện giày bata cuốc bộ từ phố Đôbrôliubôv sang đến tận Xusôvxki cách 3 cây số, thong dong tập thể dục cứ như là ở công viên Lênin vậy. Đang tập, đang đi, đang hít thở, khoan khoái lắm, bỗng dưng một commăngca trờ tới, lục túi, chị không mang theo hộ chiếu, thế là alê hấp, về đồn.
Cả những người giấy tờ xịn mà “không biết điều”, nhân viên công lực cũng sẵn sàng lôi tuốt tới một đồn gần nhất với lý do đến Trời cũng phải khuất phục, là nghi giấy tờ giả mạo, cần phải vào phòng máy tính xử lý thông tin để làm sáng tỏ!
Mà đã về đồn, đầu vào, dĩ nhiên phải có đầu ra, tức là rời khỏi đồn. Trước hết, họ làm theo luật định, xem xét nếu thấy hộ chiếu còn hạn, hộ khẩu nghiêm chỉnh, có visa, có quyền lao động, thì mở cửa sắt, giơ tay chào, hẹn gặp lại. OK. Mà số nhận được kiểu tự do này ít lắm.
Còn các trường hợp khác thì cởi mở tay đôi, nói chuyện bằng luật riêng, tự sáng tạo trong hoàn cảnh thích hợp. Các nhà làm luật không quên nhắc nhở rằng, tự do luôn luôn quý hơn đồng rúp, phải biết mà liệu! Mức hai bên dễ chấp nhận nhất là khổ chủ đặt vào tay người làm luật một khoản hai bên chấp nhận được, tất nhiên là không có chứng từ; còn các trưòng hợp gay cấn như loại không có lấy một mảnh giấy tuỳ thân nào, hộ chiếu không còn hạn, thì giá tự do gấp hai, gấp ba lần, điều đó không lấy gì làm ngạc nhiên cả.
Tiền trao, được phóng thích, như chim sổ lồng, trở lại với đời thường, sướng nhé! Những sinh linh nào không rúp, không giấy, thì coi như số phận đã được định đoạt, xin mời ra ở Trại tạm giam toạ lạc ở gần ốp Sông Hồng, cách Trung tâm thành phố hơn 30km, chờ ngày trục xuất. Mà trong Trại thì đương nhiên là có quản giáo, có đầu gấu, là đói, là rét, là ho lao, rận rệp và cầm cố. Anh nào được người nhà tiếp tế, cho tiền đủ mua vé một chiều, thì cảnh sát sẽ xích tay đưa ra cửa biên phòng sân bay, chào thân ái và quyết thắng, cho anh về cố quốc theo chuyến bay ấn định. Không có ai cưu mang, không có ai tiếp tế tiền mua vé, thì Trại nhân cứ yên tâm với hộ khẩu thường trú trong phòng giam chờ đến một ngày đẹp trời nào đó trong tương lai, biết đâu lại có một tổ chức nhân đạo nào đó viếng thăm, thì lại được phóng thích về quê nhà, bản quán mà không sứt mẻ lấy một xu!
Ở Matxcơva vừa rồi, có một số anh em chuẩn bị cho in một Almanach làm cẩm nang tra cứu cho người Việt, tỷ dụ như các số điện thoại các cơ quan hữu quan, các hiệp hội, bệnh viện, thanh tra, luật sư, trường học; hướng dẫn cách qua cửa sân bay, các thủ tục mua bán bất động sản..., nhưng không ai dám bày cho cách ứng phó với công an cả, vì nó thiên hình, vạn trạng. Chỉ có theo thói quen cung cấp kiến thức, người này cứ bày cho người khác, người cũ bày cho người mới rằng thì là, nếu như bị công an hỏi, thì phải thật bình tĩnh, đừng có mà run sợ, hơi nơm nớp một chút, tức là lạy ông, em sẵn sàng cúng phẩm vật cho ông rồi đấy! Hướng dẫn nhau là nói cho vui, chứ khi người nhà nước hông mang súng ngắn, hộp xịt, dùi cui, roi điện, áo chống đạn, cao to lực lưỡng như bò tót, ách lại, thì anh bần nông chạy chợ, hồn vía lập tức lên mây và líu lưỡi, lắp ba, lắp bắp.
Tuy vậy, dân ta trên cơ sở kinh nghiệm thực tế đều thống nhất với nhau rằng, khi đến công đoạn mặc cả thì cũng chớ vội vàng, cứ tập thói gãi đầu và cò kè bớt hai, thêm một. Phổ biến nhất là cứ lấy giá phạt do Ngoại kiều quy định, cưa đôi, tôi một nửa, anh một nửa, được anh, được ả, trọn cả đôi đường. Trường hợp người nhà nước quá rắn không chấp thuận, thì đành chịu thua trong danh dự, chứ cãi lại thì lĩnh đủ.
Có lần ở chợ Xaliut 5, có một công dân Việt dũng cảm có bằng đại học, tiếng Nga xuất sắc, đã dám cãi lại một nhà hành pháp, bảo rằng anh ta mang giấy tờ giả. Anh chàng người Việt ưu tú này yêu cầu nhà hành pháp lập biên bản, doạ sẵn sàng ra toà tố cáo những hành vi hắc ám. Mọi việc xẩy ra nhanh như điện ảnh, nhà hành pháp đỏ mặt, tía tai lập tức tự giật đứt cầu vai gắn sao của mình, túm lấy nhân vật người Việt, vu cho anh ta tội “chống lại người thi hành công vụ”. Hành vi ngoạn mục này, thành ngữ Việt Nam gọi là “vừa đánh trống vừa”... làm cái việc không ăn nhập với âm thanh văn hoá. Ba đồng đội của nhà hành pháp mang sắc phục xông tới bẻ quặt cánh tay anh chàng xấu số này ấn vào chiếc xe Lada nổ máy chờ sẵn. Đừng có mà dại, cha ông từ xa xưa đã dặn rồi, tránh voi, chẳng xấu mặt nào.
Có một việc xẩy ra hơn bốn năm nay, nhiều người bán tín, bán nghi về tính trung thực của nó, nhưng tôi, với tư cách là chứng nhân xin đảm bảo là nó thật hơn cả lời đồn đại. Trong những ngày Văn hoá Hà Nội tại Matxcơva (từ ngày 2 đến ngày 9 – 7 - 2002), năm vị quan khách của Thủ đô ta ở tận khách sạn Russia nẩy ra ý định ghé thăm Trung tâm Thương mại Việt Nam và ăn cơm Việt cho đỡ nhớ. Rời khỏi nhà ăn mang tên Sinh viên nằm ở bãi xe Xaliut 5, các nhà văn hoá Thăng Long ngàn năm văn vật đang thong dong bước trên phố Xtreletxkaia thì một xe commăngca tuần tiễu tia sẵn tự lúc nào áp lại. Ba cảnh sát khệnh khạng bước ra, giơ gậy, ấn cả năm vị vào ghế đuôi xe, không cần nghe lấy một lời giải thích, không thèm chấp nhận đăng ký của Khách sạn, chỉ yêu cầu gọn lỏn tiền mãi lộ 500 rúp cho một nhân khẩu, rất đỗi ngạc nhiên là họ nói bằng tiếng Việt! Chỉ cho đến khi hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính, các vị khách của chúng ta mới được trao tặng tự do. Vì trong số đó, có ba người là bạn tôi, họ gọi tôi đến đón. Tôi chở các vị đến nhà tôi, lúc này đã hơn 11 giờ đêm, vị nào, vị nấy vẻ mặt đầy phẫn nộ. Tôi lây sự uất ức của họ, gọi điện cho Công sứ Sứ quán ta, trình bày lại vụ việc, đặt vấn đề phải làm sáng tỏ những hành vi văn minh thấp kém này. Được biết phía Sở Công an Matxcơva đã tích cực truy tìm và kỉ luật những kẻ hành sự ăn tiền đêm hôm đó.
Hàng ngày, vào buổi sáng, dân ta từ Đakutrev, Đôm 7, Đôm 14, Obolenxki, Timiriazevxki, An Đông... lầm lũi trên những chiếc xe riêng hay taxi thẳng tiến về phía chợ Vòm từ bốn, năm giờ sáng, bất chấp nắng, mưa, băng tuyết. Và chiều chiều, từ năm giờ chiều, lại thu quân trở về nơi trú ngụ, như những con chim về tổ. Cửa ải Xokonnhicki là nơi đón lõng những chiến binh của thương trường. Bị dẫn vào đồn Xokonnhicki, không ai thoát khỏi màn kiểm tra thân thể. Cả đám ngồi trong chuồng sắt, từng người một vào, câu đầu tiên là: cởi áo ra, bỏ quần ra, tiền đâu! Những đôi tay nhà nghề lục soát tận nơi mà ngay bút mực cũng ngại nói đến. Lấy xong tiền, những doanh nhân khốn khổ bị đẩy thẳng ra đường.
Có người chưa mục sở thị, cứ bảo là ngoa ngôn, cường điệu, nói ra lại đụng chạm đến họ. Than ôi, sự thật còn kinh hãi hơn chuyện truyền miệng nhiều lần. Không chỉ dân chợ, mà ngay những người mang con đi bằng xe nôi cũng bị bắt bỏ con xuống để lần đệm, nắn tã. Một nữ ca sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật mua được một căn hộ gần đấy, năm lần, bảy lượt đi qua đều bị chặn bắt vào, bị hạch đủ thứ, có lúc bị giam suốt đêm. Đến vị Chánh Văn phòng của Hội Người Việt nhiệm kỳ đầu, mặc dù đủ giấy tờ cũng bị chặn xe, mời vào đồn tra hỏi.
Đối phó với những cuộc ráp chặn đó, dân ta hầu như không bao giờ mang tiền theo người, cùng lắm chỉ mang vài trăm rúp gọi là mua thực phẩm. Khi tan chợ, người ta không đi theo đường Xokonnhicki về nữa, mà đi theo đường Entuziaxtov hoặc đi vòng, đi tắt.
Những người có thâm niên sinh sống ở Matxcơva đánh giá rằng, mặc dù ra đường vẫn hãy còn lo âu, nơm nớp, nhưng cũng phải thừa nhận một điều là tình hình những năm 2005, 2007 đã được cải thiện đáng kể rồi đấy.
Từ chợ Vòm về các khu vực trung tâm, về khu Đakutraep, Đôm 5 cũ, ốp Thuỷ Lợi..., hàng ngàn dân ta đã phải không chạy xe vòng vèo qua khu Búa Liềm mới hay An Đông nữa; đã không phải xanh mặt, tím mày khi đi qua đồn Xôkônnhicki, nơi được gọi là cửa tử của dân đi chợ. Những hung thần như ngài “mặt sẹo” ở khu vực chợ Vòm nghe nói cũng đã đỡ hung hãn đi nhiều.
Dân ta, dân Tàu ở Matxcơva, đi chợ Vòm, nói đến “mặt sẹo”, một nhân vật mang cảnh phục, có vết sẹo điển hình dài ở đuôi mắt, thì ai nấy đều sởn gai ốc. Bị “mặt sẹo” hỏi đến, thì động tác mang tính an ninh thân thể cao nhất là tự nguyện trao ví cho y. Y lấy bao nhiêu là ý Trời, trả lại bao nhiêu cho mình là tuỳ hứng. Nhiều người ở thành phố xa lên lấy hàng, giấu tiền trong phích nước, trong bánh mỳ, kể cả trong chỗ kín nhất của cơ thể cũng bị “mặt sẹo” lần ra. Có một anh chàng thuộc loại cao nhân những muốn giảm thiểu khổ đau cho người Việt, tìm cách cảm hoá “mặt sẹo” một cách rất lãng mạn, là làm quen với y, mời y đến nhà hàng ăn mừng con trai đầy tháng. “Mặt sẹo” đến ăn uống lầm lỳ, giữa chừng phủi đít rời bỏ đi, gọi điện cho đồng đội mai phục gần nhà hàng, đón lõng khách khứa ra về kiểm tra, nộp phạt.
Khi tôi tò mò hỏi thêm đôi chút về lý lịch trích ngang của “mặt sẹo” anh Tổng Giám đốc ốp An Đông cho hay là có tới hai “mặt sẹo”, một ở chợ Vòm và một ở đồn Xôkônnhicki, tư cách giống hệt như nhau!
Vào những năm 91, 92, 93... sau khi Liên Xô sụp đổ, thành phố tràn ngập dân đầu đen, mũi khoằm, mắt sâu, mặt mày lạnh lùng, nét rất điển hình về chân dung người vùng Kapkaz. Bọn đầu gấu Kapkaz bảo kê nhà hàng, casinô, vũ trường, hộp đêm, khách sạn, chợ búa, mạng lưới kinh doanh, đâm thuê, chém mướn... Theo báo Kriminal, trong những năm đó ở Matxcơva có hơn 2000 băng đảng do người Chechnhia cầm đầu.
Hàng trăm người Việt trở thành nạn nhân của những tên đầu gấu, sát nhân, mất nhân tính này. Mùa hè năm 92, ở khu rừng sau trường MGU, khi tuyết tan, người ta phát hiện ra ba xác người châu Á, sau đó xác định được là người Việt bị bọn cướp giết chết, cướp của, cướp hàng rồi vùi xuống tuyết. Một anh Nghiên cứu sinh Trường Ngoại thương, bạn của tôi, sau ngày bảo vệ xong luận án, bị bọn cướp Kapkaz hỏi thăm. Chúng trói anh vào giường, đặt bàn là lên bụng rồi cắm điện. Ki cóp, làm ăn năm năm được ít tiền, giấu trong ngăn đá tủ lạnh, phải chỉ cho ngay chúng trước khi bàn là tăng nhiệt độ, không thì hi sinh tính mạng là cái chắc. Một gia đình sống trong căn hộ ở phố Nagornaia, buổi tối không hiểu vì sao mất điện, anh chồng lọ mọ ra kiểm tra aptomat ngoài hành lang, bọn cướp phục sẵn, dán băng dính bịt mồm anh ta lại, xông vào nhà chĩa súng, trói cả bốn thành viên gia đình vào bếp và khua khoắng tan hoang.
Đi chợ về, rời khỏi metrô, nhác thấy mấy bóng Kapkaz lởn vởn theo sau là bà con ta kinh hồn, bạt vía như thể gặp thần trùng. Các vụ trấn kinh hoàng đối với dân ta làm Xanh (đôla) đã từng khiến biết bao người bị chết oan nghiệt... Khó mà kể hết bằng giấy mực những vụ việc mà bọn cướp Kapkaz, bọn cướp trong các băng đảng côn đồ gây ra cho dân Việt. Ngay đối với người Nga, những tên cướp Kapkaz cũng là những sự ám ảnh thường trực bởi sự táo tợn, sự dã man đến tột cùng. Các vụ cướp ôtô, chôn sống người, đầu độc gần 200 cụ già hồi hưu để chiếm căn hộ và các vụ đặt bom khủng bố... của những kẻ man rợ này tại Matxcơva đã giải thích phần nào lý do của việc tăng cường việc kiểm tra của công an, nhất là trước những ngày lễ lớn. Thỉnh thoảng, lúc bình tâm, xem lại những trang nhật kí mình viết mang tính thống kê thời đó, tôi vẫn còn sởn tóc gáy.
Hôm 21 - 10 - 2005, sau khi Đài Tiếng vọng Matxcơva đưa tin một sinh viên Cônggô học ở Trường Tổng hợp mang tên Lomonoxov bị giết, một sinh viên Việt Nam không có giấy tuỳ thân bị đâm vào ngực bị thương nặng, ông trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Nga gọi điện gấp cho tôi, nhờ các kênh thông tin xác định danh tính và hỏi xem nạn nhân đang ở bệnh viện nào. Mãi đến đêm mới biết được, cậu người Việt bị nạn sinh năm 87, bị bọn đầu trọc đâm bị thương nặng trước cửa ốp Sài Gòn, nơi tháng trước cũng tại đó, một cựu sĩ quan trước học ở trường Đại học Ngoại ngữ quân đội Bình Đà, mang quân hàm Đại uý thời tại ngũ, trong lúc chờ ôtô buýt cũng bị ba thanh niên đầu trọc vô cớ đâm tới chín nhát dao, gục ngay tại chỗ. Các vụ hành hung, giết sinh viên ở Trường Năng lượng, ở Xanh Pêterburg, Rôxtôp, Vôrônhez... đã gây náo động toàn nước Nga.
Theo thống kê sơ bộ, trên toàn cõi Nga ước tính có tới 50 ngàn tên đầu trọc, nói nôm na là có tới 50 ngàn tên phát xít mới, với tôn chỉ, mượn câu thơ Thần của Lý Thường Kiệt để diễn là “Nga quốc sơn hà, Nga tại cư”, nước Nga chỉ để cho người Nga ở, không có chỗ cho người ngoại quốc! Năm 1999 đảng phát xít xuất hiện công khai, có tôn chỉ, biểu trưng, sắc phục, trắng trợn đòi có chỗ trong Đuma! Bọn đầu trọc không dùng súng mà chủ yếu dùng hung khí dao, gậy, nắm đấm sắt và coi người nước ngoài, chủ yếu là dân SNG và châu Á là đối tượng đánh đập, giết chóc. Cứ vào giữa tháng 4, các đơn vị sinh viên ta thường phải nhắc nhở anh em, sắp đến ngày sinh Hitle, bọn đầu trọc thường tổ chức các vụ đánh người, ai đi đâu cũng phải có nhóm bạn, tránh đi đường vắng, tránh đi đêm, về hôm... Thế mà giữa ban ngày, ban mặt, hai sinh viên trường Giao thông Đường bộ (MADI), ngồi trên metrô vẫn bị bọn chúng đánh cho bò lê, bò càng, trước mắt bàn dân, thiên hạ, rồi rút êm, chẳng ai can thiệp.
Ngạo ngược hơn, ngày 7 - 11, trong ngày lễ Đoàn kết quốc gia lần đầu tiên 2007, trong khi Tổng thống Putin đọc lời phát biểu tưởng niệm hai anh hùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Ba Lan, giải phóng Matxcơva, mở đường thành lập triều đại Nga hoàng 1612, thì phía sau quảng trường Đỏ, gần 3000 phần tử phát xít mới biểu tình và giễu qua các đường phố Matxcơva với khẩu hiệu “Đả đảo những kẻ nhập cư”, “Kẻ nhập cư phải chết”... Động thái của chính quyền ngày hôm đó là bắt hai kẻ đứng ra tổ chức cuộc biểu tình và phạt hành chính vì lý do... số luợng người tham gia vượt quá số lượng đã đăng kí trước đó!
Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng một cách nhanh chóng như đường sá, sân bay, nhà ga, nhà ở... thì các khu giải trí Matxcơva mọc lên ồ ạt như nấm mùa thu. Vào thời điểm tháng 7 - 2005, theo báo Final, trên lãnh thổ Thủ đô có tới 58 casinô sang trọng, 2300 phòng đánh bạc Rulet, 72 ngàn máy đánh xèng đặt tại các khách sạn và tụ điểm công cộng, và cứ mỗi ngày lại có thêm một điểm đánh bạc xuất hiện trong thành phố. Nơi đây là thiên đường giải trí, tiêu tiền, nhưng cũng là hang ổ tội phạm. Không ít những người đồng hương chúng ta, từ những kẻ bộn tiền đến kẻ khố dây cũng thường xuyên lai vãng chốn này. Thậm chí ở một casinô cỡ lớn gần ga Bêlôrutxia ngoài các hàng chữ bằng tiếng Tàu, tiếng Anh to tướng, còn có một hàng chữ không kém phần ấn tượng viết bằng tiếng Việt “Kính chào quý khách”.
Chính quyền Thành phố đã có những biện pháp mới rất tích cực, như mở một hòm thư công dân, cung cấp số thêm điện thoại nóng ngoài số 02, để dân phản ánh hiện tượng tiêu cực, nhũng lạm. Đặc biệt, có một sắc lệnh cấm khám xét nơi ở của công dân vào ban đêm, trừ những trường hợp khẩn cấp được trên phê chuẩn.
Công an đang có chiến dịch truy quét mạnh bọn côn đồ và phân biệt chủng tộc, nhất là sau các vụ Lãnh sự Pêru, lãnh sự Trung Quốc và Lãnh sự của ta gửi Công hàm đòi các nhà chức trách phải có biện pháp bảo vệ các sinh viên nước ngoài theo học tại đây. Nhưng chủ yếu là các động thái thực hiện khi việc đã xẩy ra rồi. Các vụ tấn công sinh viên người nước ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗi, trong thông điệp ngày 28 - 9 - 2007 đọc trên truyền hình, Tổng thống đã ngỏ lời xin lỗi gia đình những sinh viên ngoại quốc là nạn nhân của thói côn đồ, phát xít.
Để bảo vệ thành phố Matxcơva rộng mênh mông bể Sở có tới 12 triệu dân và gần hai triệu người vãng lai, qua lại; hơn ba triệu rưỡi xe hơi, bảy sân bay, chín ga tàu hoả, 175 ga tàu điện ngầm... rất cần tăng cường các biện pháp an ninh. Báo Thanh niên Matxcơva số ra ngày 27 - 8 - 2002 trong bài “Cảnh sát ở đâu đông nhất” đã thừa nhận là số lượng công an Matxcơva đông nhất thế giới, xuất phát từ vấn đề trật tự xã hội nóng bỏng của Thủ đô Nga.
Phải công bằng thừa nhận rằng, nếu công an Nga mà không thẳng tay, không có mạng lưới tuần tra dày đặc thì Matxcơva trong những năm hậu Xô Viêt sẽ trở thành bãi đấu trường của Mafia, bọn khủng bố Kavkaz và bọn cướp.
Nếu không có một lực lượng công an lớn như vậy thì khó ai có thể sống yên ở Matxcơva, thành phố sẽ bị biến thành một tổng kho thuốc nổ; bọn Hồi giáo cực đoan sẽ ngang nhiên đe doạ và bắt cóc bất cứ một ai chúng muốn; bọn buôn bán ma tuý sẽ biến thành phố lớn nhất nước Nga thành một chợ trời hêrôin. Ấy là chưa kể các nhà máy nguyên tử, nguồn nước thành phố, sân bay, tàu điện ngầm đều nằm trong âm mưu tấn công của bọn khủng bố.
Một lần trên Metro, tôi ngồi bên cạnh một công an, anh ta chủ động bắt chuyện và có những nhận xét khá đúng và khá tốt về những người Việt Nam anh ta từng gặp. Tôi cảm ơn anh ta và nhắc lại một câu trong một bài báo do một phóng viên Nga từng đến Việt Nam du lịch viết, là “đối với người Việt Nam, nếu bạn cho họ một xu, họ sẽ tìm cách trả lại bằng một rúp”, anh ta đồng ý với tôi và tin điều đó. Tôi cũng cho anh hay rằng, chẳng có nơi nào người Nga lại được yêu quý như ở Việt Nam. Có một thời các quầy sách ngoại văn ở Hà Nội hầu như chỉ bày bán sách Nga; các rạp chiếu bóng chỉ chiếu phim Nga và nhiều mẫu hình của nhân vật anh hùng Nga trở thành biểu tượng của một thế hệ hy sinh và chiến đấu như Pavel Kortraghin, Matrôxôv, Dôia Kôxđêmianxkai... Có thể nói không ngoa, Việt Nam giống như một bảo tàng cuối cùng lưu giữ những hình ảnh tốt đẹp của nhân dân Nga ở nước ngoài. Tôi khẳng định với anh rằng, Người Việt đang làm ăn sinh sống ở Nga đều coi nước Nga như Tổ quốc thứ hai của mình, đều ghi nhớ tình cảm vô giá mà người Nga đã dành cho nước Việt trong quá khứ và cả hôm nay!
Tôi kể cho anh nghe về những ngày lễ Văn hoá Nga được tổ chức tại Hà Nội, những buổi gặp mặt của Hội Những cựu sinh viên và học sinh học ở Nga về, ở đó người ta hát những bài hát Nga truyền thống, người ta đọc thơ Nga, người ta nói đến những kỉ niệm không thể nào phai nhạt, người ta coi nước Nga như Tổ quốc thứ hai của chính mình. Anh rất đồng ý với ý kiến của tôi là, nước Nga, nước Việt không hề có chung một tấc biên giới, không một tấc hải phận, xa nhau hàng ngàn cây số, nhưng chúng ta có một điểm chung, đó là tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Trong câu chuyện, anh nhấn mạnh rằng, phàm những người Nga cũng như cảnh sát Nga nào đã từng tiếp xúc, sống gần người Việt đều cho rằng văn hoá phương Đông, sự trọng nghĩa, sự cần cù và tình thuỷ chung của người Việt rất đáng tôn trọng. Nhưng có phải nhiều người Nga biết được điều đó đâu.
Tôi cũng tâm sự với anh rằng, trước đây qua văn học, phim ảnh, sau này được sống trên đất nước Nga, những người Việt Nam luôn cảm nhận được tấm lòng nhân hậu, vị tha của những người Nga. Tôi dịch cho anh một vài bài thơ tôi viết về làng quê Nga, về người mẹ Nga, về những danh nhân Nga, anh lấy làm xúc động và anh rất ngạc nhiên là những quyển sách của Văn học Việt Nam không thấy bán ở Hiệu sách!
Mười lăm năm qua, kể từ năm 1992 đến nay, không có lấy một tác phẩm văn học nghệ thuật nào của ta được dịch và xuất bản ở Nga, không một bộ phim truyện nào do ta sản xuất được chiếu ở rạp Nga, trong lúc đó thì có tới hàng trăm bài in trên các loại báo, hàng chục buổi phát hình, chuyên moi móc phản ánh những mặt trái của dân ta chủ yếu về lối sống, ăn ở và cư trú bất hợp pháp. Thậm chí chỉ cần gõ trên yandex.ru từ “vietnamxư” sẽ có hàng loạt bài báo viết về người Việt tại Nga, chủ yếu là mặt trái. Quả thật là tự chúng ta khó có cách nào tự thanh minh cho mình, kể cả khi bị phản ánh sai trái, thậm chí là bị lăng nhục. Những ai chưa có dịp gần gũi người Việt, khi xem qua báo chí, truyền hình phơi ra cố ý như vậy, dĩ nhiên vị thế của người Việt trong mắt họ bị hạ thấp vô cùng.
Thật khách quan, cũng phải thấy một điều, người Việt ta ở đây cũng có bao điều chưa ổn, chưa phải trong việc thực hiện luật tạm trú và luật lao động; có bao điều bất cập về sinh hoạt và những hành vi văn hoá, cộng với những vấn nạn bất thành văn khác nữa. Cũng chẳng phải úp mở làm gì, trước đây, báo chí Nga luôn trưng ra cảnh người Việt đầu cơ, tích trữ hàng hoá thời thiếu thốn; sau đó thì buôn bán bỏ qua thuế khoá, ăn ở mất vệ sinh. Cổ nhân bảo: tiên trách kỉ, hậu trách nhân, cũng phải tự sửa mình một cách cầu thị, phải đặt mình trong việc tự vấn người Việt, tự nhận thức lại mình. Giữa thanh thiên, bạch nhật mà nói, nếu đàng hoàng, hợp luật thì việc gì phải lót tay, việc gì phải hoảng hốt trước những thái độ bất nhã. Càng dấm dúi nộp tiền mãi lộ, càng củng cố thói xấu của những kẻ nhận hối lộ và càng tự đánh mất lòng tự trọng, ấy là chưa kể nói những từ to tát hơn là vấn đề quốc sỉ.
Điều an ủi của những người Việt trên xứ người là ở nơi đây, trước bao cảnh nhiễu nhương, vẫn còn gặp rất nhiều công an Nga, những người Nga tốt bụng, thẳng thắn và trung thực. Họ là những người có thu nhập bình thường với mức lương khiêm tốn của ngành cảnh sát. Họ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn và căng thẳng của những người Việt Nam nhỏ bé đang sống trên đất nước họ. Thậm chí họ bất bình với sự ngang trái của những cảnh sát lộng hành. Họ mong muốn những người Việt Nam yêu lao động, yêu cuộc sống thanh bình được ổn định, an cư ở nước Nga. Không có những người như họ, thì liệu những Trung tâm thương mại, những ốp, chợ và dân ta đang cư trú tại đây làm sao trụ được.
Tôi được biết, được thấy những người cảnh sát Nga bảo vệ Nga đứng xếp hàng góp tiền quyên góp cho đồng bào Việt Nam bị bão lụt ở miền Trung ở Xaliut 3. Tôi được nghe nhiều những câu chuyện cảm động về những người Việt gặp nạn được những người Nga nhân hậu cưu mang, chăm sóc và che chở. Tôi từng được biết câu chuyện về một cảnh sát khu vực trên phố Đmitrôvxkoe trên đường về nhà từ công sở, thấy một thanh niên bị đau quằn quại ngồi trong perekhođ (lối ngầm chui qua đường), đã dùng điện thoại di động gọi xe cấp cứu đưa anh ta đến bệnh viện. Người thanh niên đó là một sinh viên Việt Nam học ở trường Xây dựng MGXU, sau khi mổ xong ruột thừa, ra viện, qua số điện thoại lưu lại ở phòng trực bệnh viện, anh đã tìm được người công an nhân hậu đó. Họ trở thành một đôi bạn thân thiết, gắn bó như anh em.
Ở Matxcơva, ai cũng biết trong đêm 7 - 9 - 2002 Tổng Công ty Bến Thành bị lực lượng Công an kinh tế bao vây tịch thu hàng với lý do trong một số quầy có quần áo nhái nhãn Adidas. Trong khi hàng chục lính OMON phong toả, gần một ngàn người Việt đang khiếp đảm về nguy cơ bị mất trắng hàng hoá, thì một Đại tá công an đã xuất hiện khi được Ban Quản trị báo tin. Ông đứng lên bục giữa hành lang, dõng dạc lên tiếng bảo vệ những người Việt Nam, ra lệnh cho những người thi hành công vụ không được đụng đến những người làm ăn, buôn bán lương thiện, không được ngang nhiên mang tài sản của người Việt đi nơi khác. Cử chỉ công minh này của ông đã làm cho những người Việt an tâm, dám dũng cảm bảo vệ tài sản của mình. Chỉ sau đó không lâu, ông bị thuyên chuyển công tác, nhưng hình ảnh của ông vẫn để lại trong lòng bà con những ấn tượng tốt đẹp không bao giờ phai.
Một trong những người tôi thường gặp, đó là ông Đubiaghin Iuri Pêtrovit, Đại tá công an, một nhà hình sự lỗi lạc, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học ngành Luật, tác giả của hơn 40 đầu sách chuyên ngành và sách văn học. Ông đã từng hướng dẫn nhiều luận án Tiến sĩ cho các Nghiên cứu sinh Việt Nam tại Trường công an Kôvchepxki.
Ông tham dự các Hội nghị Khoa học của Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tại Nga, dành cho người Việt một sự ưu ái và đánh giá rất cao phẩm cách của người Việt. Ông bày tỏ sự sẵn sàng đề đạt lên các cấp có thẩm quyền lời thỉnh nguyện và khiếu nại của các công dân Việt Nam đối với các hành vi vi phạm pháp luật của những công an có hành động sai trái. Những người công an Nga chân chính như ông Đubiaghin ở Matxcơva chắc chắn hãy còn rất nhiều.
Không chỉ báo chí không chỉ ở Nga đã nói lên sự bức xúc trong cách giải quyết tình trạng người nhập cư ở Nga, mà ngay cả tờ Washington Times ngày 11 - 11 - 05 viết: “Ở nước chúng tôi luôn luôn tồn tại một nỗi sợ hãi phi lý trước người nhập cư - Anatôly Visnhevxki Giám đốc Trung tâm Dân số và Nhân sinh Matxcơva nói - và mặc dù chính phủ chúng tôi, về mặt nào đó đã hiểu được sự cần thiết của di trú, họ cũng biết rằng người nhập cư là hy vọng cuối cùng cho tương lai đất nước trong lĩnh vực thiếu hụt sức lao động”.
Để bù đắp sự thiếu hụt dân số, mỗi năm, nước Nga cần đến một triệu dân nhập cư, nhiều gấp ba lần mức nhập cư trung bình trong mười lăm năm trở lại đây. Biết thế, việc hợp pháp những người nhập cư, trong đó có người Việt chúng ta, thì gần hai chục năm qua, vấn đề hãy còn bỏ ngỏ. Những người Việt đang làm ăn, sinh sống, học tập trên mảnh đất của tình hữu nghị truyền thống, nơi sinh ra những bậc nhân văn vĩ đại của nhân loại, vẫn mong muốn và tin tưởng một ngày không xa sẽ có một sự văn minh luật pháp, có được một sự đối xử mang tính văn hoá để hi vọng có được hai chữ BÌNH YÊN giữa Thủ đô Matxcơva
2007, Nguyễn Huy Hoàng
|