Nhà văn Nguyễn Đắc Như ở Trường sa - Ảnh tác giả cung cấp
Tôi còn nhớ trong cuộc hội thảo thương mại tại Sứ quán Việt Nam ở Kiev, giữa đoàn Doanh nghiệp chúng tôi từ trong nước sang, với đoàn đại biểu các nhà doanh nghiệp Việt Nam đang sinh sống và kinh doanh tại Ucraina, ông Đại sứ đã thông báo tóm tắt về tình hình kinh tế của nước chủ nhà.
Đây là một quốc gia có nền công nghiệp phát triển, tuy vậy, nông nghiệp vẫn nổi lên như là một thế mạnh tiêu biểu. Đây là vựa lúa mì lớn nhất Liên Xô trước đây, nhưng từ khi tách ra độc lập năm 1991, sản lượng lúa mì đã giảm sút nhanh chóng. Từ mức 50 triệu tấn năm1990 nay chỉ còn chưa đầy 30 triệu tấn.
Nguyên do chính là vì nhiều nông trường quốc doanh đã lần lượt giải thể, đất đai chia cho các hộ nông dân không sử dụng hết bỏ hoang hóa; hoặc mức đầu tư giảm mà năng suất lúa cũng giảm theo. Tôi nhớ đến chi tiết này, bởi nó liên quan tới một nhân vật mà tôi đã ngẫu nhiên gặp ngay sau đó.
Ảnh nguồn - Internet
Buổi làm việc kết thúc, doanh nghiệp nào cũng muốn mời chúng tôi đi ăn trưa. Không biết nhận lời ai, khước từ ai, cuối cùng đành xé lẻ vài người một tốp. Tôi được Nguyễn Mạnh Tường mời ra xe. Tường là bạn học với tôi hồi Đại học Thương mại, sang đây làm ăn từ lâu, nay mở công ty tại Ôđetxa.
Ra tới cổng đã thấy một người đứng đợi, Tường giới thiệu là Phai, Lê Đình Phai, giám đốc một nông trường trồng lúa mì ở tỉnh Nicôlaiev, hôm nay nghe tin có đoàn doanh nghiệp trong nước sang, Phai đến gặp gỡ cho đỡ nhớ quê nhà. Chúng tôi cùng bước lên chiếc BMW bóng loáng do Phai lái. Chạy vòng vèo chừng mười lăm phút trong thành phố Kiev, xe dừng trước một nhà hàng có cái tên rất ấn tượng Kasablanka.
Phai có khổ người cao to, thô tháp, tóc hoe nâu và cứng. Chiếc răng nanh bọc vàng ánh lên mỗi khi anh nói. Cổ đeo một dây chuyền vàng cỡ bự, và cũng một nhẫn vàng mặt ngọc che lấp đốt ngón tay. Phai nói ngọng, đặc biệt lẫn lộn giữa âm “l” và “n”. Trong lúc nói chuyện anh cười nói oang oang chẳng cần gìn giữ.
Tôi thấy ngại quá, vì thỉnh thoảng mấy người Tây bàn bên nhìn sang với vẻ khó chịu ra mặt. Có lẽ Tường cũng nhận ra điều đó, nên vội vã giới thiệu, Phai hiện là triệu phú lúa mì độc nhất vô nhị người Việt ở Ucraina. Trong tay Phai hiện có 1.500 ha đất canh tác, mỗi năm khiêm tốn cũng có chục nghìn tấn lúa mì, bán đầu vụ sau thu hoạch, có đổ đi cũng thu về triệu USD. Đấy là chưa kể thu nhập từ vụ khoai tây xen kẽ.
Người Việt ở Nga và Đông Âu như tôi được biết, đa phần chỉ có buôn bán, thảng hoặc cũng có người mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chứ còn làm ruộng như trường hợp của Phai đây thì đúng là có một. Tôi nóng ruột muốn được nghe anh kể về mình, nhưng lại sợ cách nói ồn ào, bỗ bã giữa nơi giao tiếp, mà tôi nghĩ là quá sang trọng thế này. Trái với điều lo ngại, Phai nâng ly rượu đề nghị chúng tôi cùng cạn chén, rồi anh chậm rãi kể về mình bằng một giọng trầm trầm đủ nghe.
Anh năm nay bốn nhăm, quê Chí Linh - Hải Dương. Bố tên là Mương. Khi đặt tên đứa con trai đầu lòng, ông bảo mười đời làm ruộng thì cứ đồng ruộng mà gọi. Bố là Mương thì con là Phai, đơn giản dễ nhận. Năm Phai 22, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, đúng đợt xuất khẩu lao động đi Liên Xô, thế là đi.
Sáu năm làm thợ cơ khí ở thành phố Rôstôp trên sông Đông thuộc nước Cộng hòa Ucraina, bao nhiêu lần bố mẹ doạ lấy vợ sẵn cho ở quê, Phai đều viện lý do và thoát được hết. Vừa lao động, vừa buôn bán chạy chợ, thôi thì đủ cả: áo bay, nồi áp suất, phích đá, bàn là, tủ lạnh Xaratôp, xe cuốc Sputnhich, dây mayso... Đủ chuyến lại đóng thùng gửi về Việt Nam.
Kỳ cạch như thế mấy năm trời cũng đủ tiền xây cho bố mẹ ngôi nhà gạch hai tầng to nhất xã. Đùng một cái Liên Xô tan rã, lao động Việt Nam lần lượt mất việc. Dân tỉnh lẻ không sống nổi, anh nào nhanh chân thì chạy về Mat (Maxcơva). Dân Việt Nam lúc ấy ai cũng như ai, buôn đầu chợ bán cuối chợ. Vốn liếng lên dần, đến năm 1993, Phai mua được một gian hàng trong Đôm 5.
Lại đùng cái nữa, năm 1995, Đôm 5 bị cảnh sát OMON kiểm tra hành chính và tịch thu tất cả. Hàng nghìn quầy hàng bị cướp sạch, hàng vạn người mất trắng. Nước Nga ngày ấy như nhà vô chủ, luật pháp vô hiệu, cảnh sát nhiễu nhương. Người Việt buôn bán bị cướp chẳng biết kêu ai, chẳng ai giải quyết. Phai cũng nằm trong số những người trắng tay.
Trong cảnh cùng quẫn ấy, anh bạn Paven người U (Ucraina), công nhân cùng phân xưởng với Phai dưới Rôstôp, và cũng là bạn buôn bán sau này trên Mat, đã rủ Phai quay lại U kiếm sống. Chẳng còn cách nào, Phai đành phải theo bạn về Kiev. Chẳng ngờ “Đất mới, cờ bạc đãi tay mới”, nguyên văn câu nói của anh. Buôn bán ở Kiev hai năm, lưng vốn đã kha khá, Phai mới tính chuyện mở rộng kinh doanh, nhưng mở ra hướng nào thì còn chưa rõ.
Thế rồi cái lần Paven rủ Phai về chơi quê mình ở tỉnh Nicôlaiev, chỉ hai ngày thăm thú đồng ruộng, quan sát cảnh sinh hoạt làm ăn của người dân làng quê nơi đây, sự nhậy bén của anh nông dân Việt được thị trường hóa theo lối Châu Âu, đã giúp Phai phát hiện ra một hiện tượng bất thường.
Đất đai thì cực tốt mà lại bỏ hoang, nông dân cần cù chăm chỉ mà nhiều người phải bỏ ruộng đồng ra thành phố kiếm sống. Tìm hiểu kỹ mới rõ, khi nông trường giải tán, đất chia cho nông dân bình quân 2 ha một khẩu, nhà 5 người đã có 10 ha đất canh tác. Với diện tích bình quân như thế, nhiều gia đình không có đủ nhân lực và vốn liếng mà làm.
Trong cái đêm đầu tiên ở làng Nôvônhixa khi trò chuyện với ông bố Paven, Phai đã ghi vào cuốn sổ tay nhỏ như bao thuốc lá lúc nào cũng để trong túi ngực áo sơ mi, những điều giản dị sau đây: “Chi phí sản xuất cho 1 ha lúa mì một vụ bao gồm hạt giống, thuốc sâu, phân bón, công máy móc (bao gồm máy làm đất, gieo hạt, làm cỏ bỏ phân, gặt đập khi thu hoạch, vận chuyển...), thuế khoá các loại, tất tần tật khoảng 200 USD một vụ. Cộng với tiền thuê đất bằng 20% vốn đầu tư khoảng 40 USD. Tổng cộng từ A đến Z là 240, làm tròn là 250 USD 1 ha một năm “.
Sau khi đã có cái công thức đó trong túi áo, Phai mở ngay cuộc điều tra thị trường về giá lúa mì, đầu vụ, giữa vụ, cuối vụ, ai mua, mua bao nhiêu, thanh toán kiểu gì, năng suất lúa bình quân 1 ha một vụ... Kết quả điều tra cho hay, với năng suất bình quân khoảng 6 tấn lúa mì 1 ha, bán đầu vụ khiêm tốn cũng 70 USD 1 tấn, có bao nhiêu các công ty xuất khẩu lúa mì mua bằng hết.
6 tấn vị chi là 420, cứ cho là 400 tròn đi. Ghép hai đầu lại với nhau ta thấy ngay, cứ mỗi ha trồng lúa mì, mỗi năm một vụ thu lãi 150 USD, so với mức đầu tư 250, lãi suất 60%.
Lê Đình Phai cười tít mắt mà bảo, lãi như thế cũng chẳng thua hêrôin là bao, lại được an toàn. Nhưng đó cũng chỉ mới là công thức, được hay không còn tuỳ vào chuyện thuê đất. Việt Nam thì không thể có, còn ở đây hỏi thuê nông dân lại cực dễ dàng. Ông bố Paven bảo thuê của nông dân ruộng không tập trung, muốn ruộng tập trung phải thuê lại của nông trường, việc đó để ông lo giúp.
Ngay hôm sau có kết quả liền. Nông trường Nakhôtka xã bên có thể cho thuê hai mảnh, một mảnh 280ha, một mảnh 250 ha, ký hợp đồng thuê 5 năm hoặc 10 năm liền cũng được. Tiền thuê đất trả từng năm sau khi thu hoạch xong. Trước khi rời Nicôlaiev, Phai có nói với ông cụ là sau nửa tháng sẽ quay trở lại, nếu thuê được đất, Phai muốn mời ông làm tổng quản lý giúp. Ông cụ suy nghĩ hồi lâu và nhận lời.
Phai cười cởi mở và nói với chúng tôi rằng sự nghiệp làm ruộng của anh ở châu Âu bắt đầu là như thế. Năm đầu được mùa lãi suất trên 80%. Lấy “mỡ nó rán nó”, Phai thuê tiếp 500 ha nữa cho vụ thứ hai. Rồi vụ thứ ba lại ngần ấy nữa. Anh bảo phải dừng ở mức 1.500 ha vì không có người quản lý.
Trong lúc ăn uống vui vẻ, Phai đã mời anh em chúng tôi “về quê em chơi”. Anh bảo nông trường ở Nicôlaiev bây giờ là quê hương thứ hai của mình, đi xa vài ngày nhớ lắm. Chúng tôi cảm ơn và từ chối với lý do thời gian quá eo hẹp, nhưng Phai vẫn nài nỉ: “Các anh buôn bán chỉ hội họp, giao tiếp, ăn nhậu ở khách sạn, ở thành phố, chuyện ấy cũng thường thôi. Chứ cảnh đồng đất, nhà gỗ, rượu thùng, gái quê, các anh không biết, em nghĩ là hơi bị phí đấy! Thôi dịp này không về được thì dịp khác vậy. Nhưng chiều nay thể nào cũng phải đưa các anh về thăm một vùng ngoại thành Kiev, để các anh biết thế nào là nông thôn Tây một tí”.
Rồi Phai gọi người thanh toán tiền, đoạn ào ào lôi chúng tôi ra xe. Cũng chẳng cần biết chúng tôi có đồng ý hay không, cứ thế anh cho xe phóng thẳng ra hướng ngoại thành. Chưa đầy một tiếng sau, chúng tôi đã có mặt ở khu bảo tồn kiến trúc nông thôn Ucraina.
Đấy là một vùng đất nằm sát con đường liên tỉnh Bắc - Nam rộng chừng 150 ha, được bao bọc bởi những cánh đồng lúa mì hoặc rừng bạch dương xen kẽ. Khu bảo tồn ở đây thực chất là một ngôi làng nông nghiệp cổ xưa xứ Ucraina, được dựng lại và bảo tồn nguyên vẹn theo đúng kiến trúc, phong cảnh và cách thức sinh hoạt của người nông dân xưa kia.
Các bạn hãy thử tưởng tượng một ngôi làng cổ được bao bọc bởi những cánh đồng lúa mì, mà vào mùa này chỉ còn trơ gốc rạ. Theo con đường cái lớn dẫn vào làng, ta sẽ gặp những căn nhà gỗ đầu tiên của các hộ nông dân. Những căn nhà gỗ duyên dáng nằm giữa những mảnh vườn trồng cây ăn quả và những luống hoa nhiều màu sắc. Những hàng rào thâm thấp đan bằng cành bạch dương ngăn cách tượng trưng những thửa vườn liền kề.
Một ngôi nhà thờ hoàn toàn bằng gỗ vươn lên cao hơn tầm những hàng cây quanh đấy, thỉnh thoảng lại ngân nga tiếng chuông, như muốn thể hiện sức sống tinh thần của cộng đồng người Ucraina tự ngàn xưa còn đó. Trên một khoảng đất trống ven làng, một chiếc cối xay gió vươn cánh lên khoảng trời bao la tạo một nét ấn tượng đặc sắc trong ký ức của du khách.
Ở giữa làng mọc lên một quán rượu lớn, tường gỗ, mái lá, cửa kính bốn bề. Tiếng đàn phong cầm và tiếng hát nhiều bè vọng ra rộn rã, giọng nữ đi bè trầm thủ thỉ như nói chuyện tâm tình, làm nền cho giọng nam cao vút như cánh chim giữa trời xanh. Chất Ucraina đấy, mượt mà và trữ tình làm sao! Trong quán rượu, các ca sĩ đang múa lượn giữa các dãy bàn, mà vào lúc này đã đông kín thực khách.
Chúng tôi quay ra vườn ngồi dưới hàng bạch dương. Bàn ăn và ghế ngồi đều đóng bằng gỗ thô mộc. Một cô gái chừng hai mươi tuổi, tóc kết đuôi sam vàng ươm, dáng mảnh dẻ như cây bạch dương mới lớn, cô nghiêng thùng rượu vang nhỏ bằng gỗ sồi, rót ra những chiếc cốc bằng gỗ mời từng người chúng tôi, rồi cô hướng dẫn mọi người cách nướng món Xaxưlưc - món thịt cừu nướng nổi tiếng của xứ này.
Được một tuần rượu, các nghệ sĩ ca hát lại trở ra vườn, họ quây quần nhẩy múa hát lượn xung quanh chúng tôi. Một không khí lễ hội dân gian thuần khiết và hào hoa, của rượu ngon, của người đẹp, của giọng hát nồng nàn và cảnh đẹp như tranh, đã hòa quyện vào nhau, rồi thăng hoa như một thứ men thơm ngào ngạt, mật bốc say nồng.
Tiếp đấy, mọi người còn dành thời gian đi tản bộ nhiều nơi trong khu bảo tồn. Một cô hướng dẫn viên giới thiệu, tất cả các công trình kiến trúc ở đây, từ nhà gỗ nông dân, quán rượu, nhà thờ, cối xay gió, nhà chúa đất, xe ngựa... đều là cổ vật gốc. Người ta mua chúng từ nhiều nơi rồi tháo dỡ, vận chuyển và lắp ráp nguyên dạng trong khu bảo tồn.
Trước đây khu bảo tồn do nhà nước quản lý, nay do một chủ tư nhân bao thầu thuê lại trong 30 năm. Người chủ đó cho quy hoạch, thiết kế, sưu tầm các nhà cổ, vật kiến trúc cũ để hình thành nên khu làng cổ như hiện nay. Tất cả các ngôi nhà, quán rượu, cối xay gió làm phòng trọ... đều cho các chủ khác thuê lại để kinh doanh.
Những chủ thuê lại nhất nhất không được thay đổi thiết kế. Muốn sửa sang, phục chế đều phải có giấy phép của chủ thầu. Chỉ mới có ba, bốn năm vào tay nhà thầu quản lý, mà khu bảo tồn đã trở nên nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Trên đường ra xe trở về thành phố, có lúc Phai đã bộc bạch với chúng tôi: “Đất của em phải rộng gấp mười khu làng này, nhưng đã từ lâu em nghĩ, cứ làm ruộng mãi cũng không thể bốc lên được, phải bán nông bán thương mới ăn tiền. Hôm nay đưa các anh về đây chơi để các anh hình dung ra cảnh nông thôn và đồng đất xứ U này thế nào, và cũng là để suy ra là thằng em của các anh sống như thế nào.
Nhưng cũng báo cáo thật với các đại ca, lần này em cũng muốn khảo sát kỹ ở đây hơn, về cách bán nông bán thương của thằng cha chủ thầu ở đây. Các anh không biết chứ, 150 héc đất trong khu bảo tồn này, có giỏi lắm chỉ mất 50 héc làm nhà, làm đường, làm quán rượu, làm nơi vui chơi... còn lại 100 héc đất đồng ruộng, làm phong cảnh đấy nhưng vẫn canh tác trồng lúa mì và bạch dương được cơ mà, có mất đi đâu tí nào?
Em tin là đất đồng ruộng, nó cho mướn cấy rẽ cũng thừa tiền thuê cả khu sinh thái này. Thế là ăn ra toàn bộ cơ ngơi cho thuê dịch vụ. Thằng cha chủ thầu này thế mới là đại bợm, không học nó thì còn học ai?”.
Nghe anh chàng nông dân này diễn dịch mà tôi thấy gai hết cả người. Sao mà nhạy bén và sắc sảo đến thế! Nào ai đã thấy tay chủ thầu mắt ngang mũi dọc ra sao? Nhìn cảnh làng quê trù phú, êm đềm chốn đây, người trần mắt thịt như tôi chỉ cảm được sự nhẹ nhõm để mà thư giãn tâm hồn, để mà bay bổng lên tiên, rồi thì chấm hết!
Thế mà Lê Đình Phai, cũng vẫn cảnh ấy người ấy thôi, mà chỉ một nhoáng đã đọc được hết ruột gan của người làm ra nó, đã phán hết ra vị! Không biết rồi đây Phai còn có chiêu thức gì mới lạ trong kinh doanh nữa không, nhưng chỉ ngần ấy việc anh làm, ngần ấy kiểu anh suy nghĩ mà như tôi được biết, cũng đã đủ để gọi anh là người tài, người làm kinh tế tài ba.
*
* *
Trở về sau chuyến công tác xa nhà, từ đấy tôi cũng không có dịp gặp lại Phai, và câu chuyện về anh nông dân Việt Nam trở thành ông chủ của một nông trường 1.500 ha đất trồng lúa mì tận phía trời Tây, cũng mờ dần trong ký ức. Thế rồi cách đây hơn một tháng, trong lúc làm việc tôi bỗng nhận được cú điện thoại lạ.
Từ đầu máy đằng kia vang lên tiếng cười phớ lớ và câu hỏi là có nhận ra thằng em này không? Bao nhiêu năm trời không gặp mặt, không trò chuyện, thế mà chẳng hiểu vì sao tôi đã nhận ra ngay giọng nói ấy và liền hỏi lại, có phải là con trai ông Mương đấy không? Anh chàng lại cười khành khạch và bảo sẽ đến chỗ tôi ngay bây giờ.
Chưa đầy nửa tiếng, Phai đã có mặt trong phòng làm việc của tôi, anh bảo hôm vừa rồi thu dọn lại giấy tờ cũ mới thấy cái các vidit của tôi rơi ra, nhân tiện hôm nay có việc ở Hà Nội nên ghé vào chơi. Trò chuyện hồi lâu tôi mới hỏi thăm công việc làm ăn ở Nicôlaiev, Phai cho biết mọi thứ vẫn phát triển tốt, nông trường mở rộng thêm 500 ha đất và chuyển thành công ty cổ phần.
Anh để cho Paven góp vốn và giữ trách nhiệm Giám đốc điều hành Công ty, anh rút về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị để dành thời gian về nước thành lập doanh nghiệp mới. Thành lập doanh nghiệp mới? Phai cười hề hề bảo, kiếm tiền nước ngoài không biết đến bao giờ cho đủ. Nay thấy cơ hội làm ăn trong nước thuận lợi nên mới quyết định chuyển một phần vốn về đầu tư kinh doanh, vừa ích nước vừa lợi nhà, lại được gần gũi chăm sóc bố mẹ già và còn là tính chuyện vợ con nhân thể. Nhất cử tam tứ tiện là thế!
Rồi Phai kể cho tôi nghe về doanh nghiệp mới thành lập trên đất Hà Tây cũ do anh đầu tư dưới danh nghĩa 100% vốn nước ngoài, một trang trại chăn nuôi lợn nạc có quy mô 2.000 con nái và khoảng 40.000 lợn thịt xuất chuồng với sản lượng khoảng 4.000 tấn lợn hơi mỗi năm. Đây là một xí nghiệp nuôi lợn theo quy trình công nghiệp hiện đại và khép kín.
Tất cả phân rác được chuyển vào bể Biôga lên men làm khí đốt, cung cấp khoảng 50% nhu cầu năng lượng hoạt động của trang trại. Tất cả nước thải chăn nuôi và sinh hoạt đều được xử lý triệt để trước khi chảy vào hệ thống sông suối bên ngoài.
Hệ thống chuồng trại và thức ăn chăn nuôi đều theo tiêu chuẩn châu Âu, nên sản phẩm thịt xuất khẩu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Âu Mỹ. Xét về quy mô và chất lượng, trang trại này được đánh giá là một trong những cơ sở chăn nuôi lợn nạc hàng đầu trong nước hiện nay... Cũng như lần đầu gặp nhau ở Kiev, Phai lại mời tôi lên thăm trang trại của anh, tôi đã nhận lời cùng đi vào ngày chủ nhật hôm sau.
... Và tất cả những gì tôi đã thấy khi lên thăm trang trại, thực tế có lẽ còn hoành tráng và đẹp đẽ hơn rất nhiều so với những gì Lê Đình Phai mô tả. Với những gì đã mục sở thị, tôi cứ tưởng tượng đến một lúc nào đó, người ta có thể đưa nơi này vào danh mục điểm đến của những tua du lịch sinh thái cũng nên! Đi thăm những nơi chủ yếu như khu lợn nái, lợn hậu bị, lợn trưởng thành, khu y tế chăn nuôi, khu dự trữ và chế biến thức ăn, khu hầm khí Biôga, khu lọc nước thải, khu trồng cây ăn quả, khu vui chơi nghỉ ngơi và ăn uống cho hơn hai trăm cán bộ nhân viên doanh nghiệp..., tôi ghé tai hỏi nhỏ về khoản vốn đầu tư cho cơ sở chăn nuôi này, Phai không giấu giếm cho biết, kể từ khi khởi công giai đoạn một cho tới khi hoàn thiện giai đoạn hai ngày hôm nay, anh đã đổ vào đây hơn 3 triệu USD.
Lại hỏi, với danh nghĩa là doanh nghiệp nước ngoài anh có gặp khó khăn gì trong việc vay vốn của ngân hàng Việt Nam? Phai trả lời là với mức đầu tư thế này, anh chưa phải vay vốn bên ngoài. Tôi cố gắng giữ cho thần thái được bình thản tự nhiên, nhưng có lẽ nét mặt khi ấy lại không giấu nổi sự tò mò như muốn biết, làm thế nào và kiếm ở đâu ra mà anh chàng lại lắm tiền đến thế?
Có vẻ như Phai đã đọc ra ngay sự im lặng trên nét mặt tôi khi anh hề hề cười hỏi lại, tiền ở đâu ư? Để rồi ngay sau đó lại tự trả lời, cũng là “của ruộng đắp lên bờ” cả thôi! Im lặng một lúc anh lại tiếp, kiếm tiền ở nước ngoài nó cũng như một cuộc chơi lớn ấy mà. Nhưng dù có lớn, có vui đến mấy đi chăng nữa, chẳng mấy ai có thể vui chơi suốt cả cuộc đời. Khi đã có đồng tiền trong tay, người mình đều giống nhau ở chỗ, không ai là không nghĩ đến cách chuyển tiền dần về quê để làm một cái gì đó lớn lao và có ý nghĩa hơn.
Lúc còn lao động xuất khẩu thì tranh thủ mua gom hàng tiêu dùng chuyển dần về nhà cho bố mẹ bán đi xây nhà xây sân. Đến khi buôn bán có dấn có vốn thì lại chuyển vốn liếng về đầu tư xây nhà máy, mở khách sạn, thành lập công ty thương mại ở trong nước. Người Việt mình là thế, sống bên Tây, “móc túi” người Tây nhưng lại mang tiền về Ta.
“Của ruộng đắp lên bờ”, tôi đã nghe thiên hạ nói nhiều tới câu thành ngữ này trong những ngữ cảnh khác nhau với những ý tứ khác nhau, nhưng để ví von với cái nghiệp kiếm tiền bên Tây xây nhà bên Ta theo kiểu anh chàng “Việt kiều yêu lước” này thì đây quả là lần đầu.
Sướng thật! Thì ra mấy bác nông phu đất Việt, dù có ô tô nhà lầu, dù có sơn hào hải vị tận nơi góc bể chân trời nào, thì rồi vẫn cứ phảng phất đâu đây cái hương vị hoai hoai của đồng đất quê nhà. Thương nhớ lắm thay!
NGUYỄN ĐẮC NHƯ
|