Nhà thơ Bằng Việt
Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Nội
Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam
Tháng 9 năm 2012 Nhà thơ Bằng Việt đi Mỹ dự lễ Trao giải thưởng Trần Nhân Tông tại Đại học Havard.
Lễ trao Giải thưởng Trần Nhân Tông lần đầu tiên được tổ chức ngày 21-9-2012 tại Đại học Ha-vớt (Mỹ). Tổng thống Mi-an-ma, ông U Thên Xên và bà A-ung Xan Xu Ki, lãnh tụ Ðảng Đối lập - Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) được trao tặng Giải thưởng danh giá này. Tiêu chí của giải thưởng này trao cho 2 người ở 2 phía đối lập, xung đột, bắt tay, hoà giải với nhau nhằm đem lại hoà bình, hạnh phúc, phát triển cho đất nước, người dân. Hòa giải chỉ thực sự được diễn ra khi mỗi bên sẵn sàng bước tới với sự khoan dung, vớ i một tấm lòng cao cả và điều chỉnh để tiến tới sự tương đồng. Trong năm qua Tổng thống U Thên Xên và bà A-ung Xan Xu Ki đã có những nỗ lực để đưa đất nước Mi-an-ma biến chuyển tốt đẹp về chính trị, được thế giới trân trọng, ghi nhận. Đồng thời, giải thưởng Trần Nhân Tông về hoà giải muốn gửi đến lời chúc các vị lãnh đạo Mi-an-ma tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa cho đất nước Mi-an-ma và thế giới.
Lễ trao giải đã quy tụ được nhiều nhân vật danh tiếng đến từ khắp năm châu, với tinh thần hoà giải và yêu thương đã thực sự là một ngày hội lớn, một ngày trọng đại tôn vinh tinh thần hoà giải, tôn vinh Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
CHÙM THƠ THIỀN CỦA NHÀ THƠ BẰNG VIỆT
Tản mạn
về Trúc lâm Đại sĩ
Khuôn mặt người hiền
Làm vua cũng vậy, làm sư cũng vậy,
Làm vua khi Nước giục
Làm sư khi thân nhàn.
Tấm lòng người hiền
Làm vua cũng vậy, làm sư cũng vậy,
Biết thương người, rồi mới thương mình.
Thiên hạ trong tay mình. Mình trong tâm thiên hạ.
Nhất cử nhất động đều minh bạch
Toàn vẹn trước Trời - Đất - Người.
Không vơ vét làm gì, vẫn giàu hơn tất cả,
Không ỷ thế nạt ai, vẫn ngời ngợi cao vời…
Làm vua cũng vậy, làm sư cũng vậy,
Bậc minh triết xuề xòa thư thái sống muôn đời!
Kỷ niệm 704 năm ngày giỗ
Phật Hoàng Trần Nhân Tông (2/2012)
Đọc lại thơ thời Trần
Có chút bùi ngùi không sao cưỡng nổi
Khi đọc lại thơ tám thế kỷ xa rồi :
Người xưa trong hơn ta, tĩnh hơn ta,
Gần bản thể hơn ta
Dầu sống ngắn hơn ta.
“Xuân vũ vô cao hạ,
Hoa chi hữu đoản trường” (1)
Mưa xuân thỏa thuê không phân biệt sang hèn
Hoa chỉ cần tỏa hương, ngắn dài ai để ý!
Minh triết chính từ cảm quan dung dị
Người hòa lẫn thiên nhiên trong triết lý đại đồng!
“Vị minh nhân vọng phân tam giáo,
Liễu đắc để đồng ngộ nhất Tâm” (2)
Có cần gì phải dựng mọi tín điều hóa những bức thành?
Cả Nho - Lão - Phật đồng nguyên, hòa chung dòng chảy,
Chỗ điều tiết cao vời lại chính ở trong tâm ,
Tâm sáng thì Đời sáng.
Người xưa hồn hậu hơn ta
Ít chịu ràng buộc vì thế tục,
Thoát nhẹ như không qua lỉnh kỉnh việc đời…
(Có là gì - việc vị này mất quyền, vị kia làm tổng thống,
Có là gì - chuyện giá vàng leo thang, chứng khoán tụt sàn!)
Ta nhỏ nhen hơn xưa mà đa sự hơn xưa,
Ta tất bật để mà ta tồn tại! (3)
“ Thiên địa do đàn chỉ,
Sơn xuyên đảng thấu thanh
Tạm thời phong vũ động
Kê hướng ngũ canh minh!” (4)
Ai biết nỗi lo thời nào cao hơn,
Ai biết cái nghĩ thời nào cạn hơn?
Ai biết con người đã từng thành khổng lồ
Lại có lúc hóa thành sâu kiến ?
Nhưng thôi! Tiếng gà canh năm vẫn gáy
Nhưng thôi! Thời đại vẫn đang rung chuyển
Mưa thu qua, mưa xuân sắp đến rồi !.
------------------
(1) “Mưa xuân không có cao có thấp/ Cành hoa tự có ngắn có dài”
(Thơ của Trần Thái Tông- Khóa hư lục )
(2) “Chưa đủ sáng thì phân nhầm ra ba giáo lý,
Thấu suốt rồi thì cùng ngộ ra chỉ có một Tâm thôi”
Câu kệ của Trần Thái Tông - Khóa hư lục)
(3) Nhại lại câu của Descartes, nhà triết học Pháp:
“Tôi suy nghĩ, vậy thì tôi tồn tại!”.
(4) “Trời đất chỉ như búng một cái ngón tay,
Non sông chỉ bằng một tiếng dặng hắng,
Lúc này tạm đang còn gió mưa rung chuyển
Cũng như tiếng gà gáy lúc canh năm đó mà !”
(Thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ ).
Vườn Nhật Bản
Đá và rêu
Cách ta đã bảy trăm năm
Huyền hoặc và ám dụ.
Đá ngồi thiền, thẩm thấu lẽ tử sinh,
Rêu lặng lẽ xuất thế và nhập thế,
Ngỡ nước chảy, mà thực không có nước
Sóng cuội, sóng khô, vô tận, vô cùng…
Thanh tĩnh đến mức nghe được chính mình
Vườn ẩn hiện bất ngờ theo nhịp bước,
Những tham, sân, si… đã bỏ quên ngoài cổng,
Chút ghen tỵ hóa công cũng rơi nốt dọc đường.
Cỏ hữu hạn, xanh veo thành bất tử
Lòng hoàn nguyên rửa sạch với thinh không!
Viết tại “Vườn đá” Kyoto, cố đô Nhật Bản.
(Bài thơ này đã được các tăng ni Phật tử chùa Pháp Thủy, Quận 8, TP Hồ Chí Minh yêu mến khắc vào đá đặt trước vườn chùa)
(Nguồn Tân văn số 3 - NXB Hội nhà văn tháng 3 - 2013)
|