Tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981. Đã xuất bản 25 đầu sách tryện, thơ; được nhận một số giải thương các cuộc thi sáng tác. Nhưng tôi tự thấy mình không có nhiều năng khiếu và không được trời phú cho tài hoa văn chương như các đồng nghiệp. Tôi viết được là do sự trải nghiệm của hơn 10 năm làm lính biên phòng, hơn 20 năm làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, 10 năm làm Cục trưởng (Cục văn hóa thông tin- Bộ văn hóa ) đi đến các chiến trường được chứng kiến nhiều chiến công và sự mất mát hi sinh của đồng đội, của nhân dân. Đó là vốn sống thôi thúc tôi viết thành tác phẩm.
Gió trầm hương thao thức
Truyện ngắn của Trần Hữu Tòng
Chuyện ấy như một kỳ tích - Chuyện chiến sĩ Hằng không trở về sau trận truy tìm biệt kích. Hằng đã ở lại với đại ngàn. Các thế hệ chiến sĩ bổ sung về đồn Biên phòng đều đau xót. trong cuốn lịch sử của đồn chỉ ghi vẻn vẹn bảy dòng: “Chiến sĩ Trần Văn Hằng hy sinh trong trận đánh biệt kích. Sau trận mưa xối xả rừng có nhiều tiếng động ầm, ào, đá lăn, cây đổ, các chiến sĩ dàn hàng ngang truy tìm dấu vết. Đồng chí Hằng không để lại tung tích ...”.
Ngôi mộ có bia tưởng niệm Hằng, đồng đội đặt ở lưng đồi phía sau đồn là ngôi mộ tượng trưng. Dưới mộ chỉ có một số kỷ vật và tấm ảnh của Hằng.
Đồn trưởng biên phòng Huy Thập và Mai Thiện - người chỉ huy đội đội truy tìm đến nhà cụ Huấn. Nhà cụ ở đầu xóm Kim. Cụ Huấn có mái tóc và chòm râu cũng bạc trắng như mây núi. Cặp lông mày của cụ cũng bạc trắng như hai bông lau cờ. Cụ ngồi trên đệm cỏ trải tấm da hổ lang vàng vằn đen hình trăng khuyết. Trông cụ uy nghi bí hiểm như vị thần núi. Các đầu cột nhà cụ treo đầu nai, đầu hươu, những bộ sừng năm nhánh vút lên những cụm trông hoang sơ, kỳ vĩ. Trên xà gồ phía trước đệm cỏ, cụ gắn đầu con bò tót sừng cong như cánh cung nhô về phía trước vừa thách thức vừa hiếu chiến. Ở cái bàn nước bằng lõi gốc cây gụ hương để ở góc nhà có ống tre đựng lông nhím làm tăm. Bên chiếc gối bông gạo nhồi trong da cáo, cụ để con dao đi rừng đút trong chiếc vỏ bọc da trăn hoa... Đó là những di vật của đời ông đời cha làm nghề thợ săn để lại. Cụ Huấn đã tròm trèm trăm tuổi nhưng chỉ sống một mình từ khi cụ bà về sớm với tổ tiên. Con cháu đã năm lần bảy lượt mời về ở chung, cụ nói: “cơm vợ thì ngon, cơm con thì đắng. Quanh giường có bầy thú đại ngàn túc trực thế là vui rồi”.
Hai chú lính biên phòng vào đến sân, cụ lên tiếng tiếng trước:
- Các chú lại đến hỏi về chuyện chú Hằng phải không? Lão thương chú ấy lắm. Người xóm Kim này ngày rằm còn thắp nén hương nhìn lên rừng xanh khóc chú ấy đấy. Nghĩ đến trận lũ quét năm xưa ai mà quên được chú. Dòng nước đỏ nhuộm máu đại ngàn cuốn phăng nửa quả đồi, cuốn mất gần hết cơ nghiệp cửa dân xóm này. Lúc ấy dân chỉ biết đứng khóc chắp tay vái trời. Ấy thế mà chú Hằng như con rái cá ôm cây chuối vật lộn với dòng lũ. Đến gần kiệt sức, chú mới kéo được mấy đứa bé con vào bờ. Các chú còn nhớ đấy chứ. Sau trận lũ quét ấy chú Hằng bị thấp khớp, tay chân sưng tấy, đau nhức. Lão đã dùng Hoàng Liên, Xuyên sơn giáp (vẩy tê tê) chữa khỏi cho chú ấy đấy. Hễ xuống núi là chú ấy đến với lão. Chú nhận lão là ông ngoại mà. Chú tỉ mẩn hỏi lão đủ điều. Chú ấy hỏi từ gốc cậy, mạch suối đến các lối mòn trong hẻm núi. Chứ hỏi lão để biết những lúc lạc trong rừng rậm thì nhìn cửa tổ kiến, cửa tổ mối mà nhận hướng đi… Lão còn bày cho chú biết quả chanh rừng thì chữa được bệnh hen, hạt nó chữa được rắn cắn. Giờ chú không về nữa ...
- Cụ Huấn nấc lên, nói méo tiếng.. Cụ dùng mu bàn tay gạt nước mắt.
- Thưa cụ. Cụ còn “ bài” nào giúp chúng cháu tìm ra tung tích của Hằng: - Đồn trưởng Huy Thập nhìn cụ Huấn với ánh mắt nể trọng. Giọng anh đượm vẻ buồn. Cụ Huấn nhìn ra phía rừng xa. Tuổi già da cổ cụ nhăn nheo, cằm chảy xệ nhưng đôi mắt vẫn tinh sáng và giọng nói thì rang rảng như tiếng hạt đỗ phơi già nắng rơi trên mâm đồng:
- Các chú ơi. Lão nhớ ra rồi, vùng rừng Nước Nóng này thường có động xai đấy. Các chú có biết thế nào là động xai không? Không à. Động xai là rừng thở dài đấy. Rừng đang im ắng bỗng ông có tiếng ầm ào từ các hẻm núi phát ra làm rung cây, chuyển đá rồi tiếng động chuyển dài trong thung lũng - Cụ Huấn nói sôi nổi ngồi chồm về phía trước như thời trai trẻ.
Chuyện cả trăm năm giữa đại ngàn tích tụ trong cụ được thể tuôn trào như thác nước đầu ngọn sông Ngàn này. Cụ Huấn muốn truyền lại cho tất cả lớp con cháu:
- Thế đấy từ đời ông đến đời bố lão đều nói rằng khi trở trời, khi sắp có gió chướng nghịch mùa thì rừng bực bội thở dài và gọi đó là đồng xai. Rồi trong hẻm núi, lưng núi có những vết nứt sâu hoắm, có vết nứt liền lại ngay. Có vết nứt lần động xai sau mới liền lại. Những cành khô lá mục, cỏ giả che lấp miệng vết nứt đi, nó hệt như một cái bẫy. Cụ Huấn kể nhiều sự tịch về rừng về suối vùng suối này.
Sự tích nào cũng mang màu sắc tâm linh, thần bí. Cụ nói lời nào cũng chí lí cứ như cách ngôn, sấm truyền của tiên tri: Chả thế mà bà con xóm Kim và cả vùng Sơn này nữa đều nói lời tôn sùng cụ: “Dưới gầm trời đại ngàn này chỉ có cụ Huấn là một”.
Nói xong, cụ Huấn đứng dậy đi chậm rãi đến trước bàn thờ Thần Cụ kính cẩn thấp nén hương. Theo cụ, người ở đồng rừng này thờ mẫu Thượng Ngàn (mẹ cây), Mẫu Thoải (mẹ nước), Mẫu Địa (mẹ đất), Mẫu Liễu Hạnh . Bà con gọi nôm là thờ Thần rừng. Bởi ai cũng nghĩ có kiêng có lành có lòng thành có hơn. Cụ trở lại ngồi trên tâm da hổ.
- Thế các chú đi tìm đến những nơi nào rồi?
- Thưa cụ - Đội trưởng Huy Thập trả lời - các chiến sĩ trong đồn, các đơn vị phối hợp đã xuyên cắt rừng sục tìm dấu vết. Các đội sơn tràng của lâm trường đi tư Cầu Treo sàng, từ Cầu Rào Qua, Rào Mắc ra đường biên, từ Khe Kè lên, từ Đèo Keo xuống... Dân quân xóm Kim cũng lặn ngòi ngoi nưóc đến các đầu khe đầu suối, bờ vực, bãi cỏ để tìm nhưng không hề thấy tung tích của Hằng.
Nói đến đó bỗng sống lưng đồn trưởng ớn lạnh. Sự thất vọng dâng lên trong anh. Anh rùng mình như có con vắt xanh bám sau gáy. Mắt anh đau đáu nhìn ra phía rừng xa. Rừng thì vẫn tĩnh lặng mà lòng anh sôi động, cái cảm giác xót nuối người chiến sĩ không bao giờ về nữa hiện lên trong ánh mắt, trong lời nói và cả trong cử chỉ của anh. Ôi. Rừng vẫn đấy nhưng không phải là rừng nữa mà là nơi không biết có ma thuật nào đã cướp mất Hằng. Anh chép miệng và kín đáo khoát một cử chỉ thất vọng. Đối với anh và cả các chiến sĩ trong đồn, Hằng đã để lại kỉ niệm về một việc làm rất đời thường nhưng có lẽ nhiều năm sau anh em còn nhắc. Việc làm ấy lúc đầu có người cười khẩy diễu Hằng là “dở hơi, là chập chập”... Hằng đỏ mặt lên: “Các cậu thử làm như mình xem sao đã. Lúc leo núi tuần tra, mật phục sẽ biết tay nhau. Ba năm sống với ruồi vàng, bọ chó. rận cỏ, vét cây mới có “ công trình nghiên cứu ấy đấy... . Rồi vài người làm thử xem sao.. Thấy có lý. Nhất là lúc luồn lách trong rừng rậm tuy áo quần ướt đẫm mồ hôi nhưng xơ vải, nếp đường may, không cọ xát không làm da thịt ngứa ngáy. Rồi những ngày tuần tra mà đêm ẩm ướt, những đêm mật phục ém mình dưới tảng rêu, nằm trong bụi rậm bọ chét trong cỏ, bọ chó trong lá mục, loài vét rận trọng rêu, trong cây bám vào không còn đường xơ, nếp gấp phía trong áo quần áp với da để ẩn nấp... Thế là từ vài người roi anh em trong đội truy tìm và nay thì cả đồn trưởng Huy Thập cũng mặc đồ lót trái như Hằng… Bất giác Huy Thập nhìn áo mình rồi vờ ho, lau nước mắt để dấu nỗi quặn đau trong lòng, còn miệng thì đắng như ngậm Hoàng Liên. Bởi linh tính như đã mách bảo anh rằng chuyện mất mát này có thể có mối liên hệ với hiện tượng động xai. Chứ chưa chắc Hằng đã gặp ác thú như vài người dự đoán...
Trong khói hương trầm lắng, linh thiêng, cụ Huấn ngồi suy tư. Đôi lông mày như hai đôi bông lau cờ quành hết hai đuôi mắt nhíu lại. Cụ nhìn ra phía rừng. Cái nhìn hoang vắng, mơ hồ... Rồi cụ chuyển tầm mắt nhìn hai người lính biên phòng. Cái nhìn bỗng trở nên tinh tường, từng trải. Cái nhìn không phải chỉ thấy được vật đang hiển hiện trước mắt mà còn nhìn thấy cả những gì sâu xa trong nỗi niềm tâm tưởng của con ngời, cái đang ẩn chứa phía sau sự vật... cũng như ngày nào cụ chỉ thoáng nhìn thôi, hoặc hít ngửi mùi trong ngọn gió núi thôi là biết được ở cánh rừng ấy có loài thú nào đang ẩn mình. Và, trong ánh mắt của người đang đối chuyện với mình, họ đang muốn gì ở mình.
- Lão đoán rằng các chú đang có ý muốn hỏi lão về loài ác thú vùng rừng này phải không?
- Thưa cụ, vâng ạ.
- Thế này nhá. Vùng này có “ông ba mươi đấy. Các chú lạ với cách gọi đó à? Vùng sơn cốc người ta gọi hổ, khải, hùm, cọp là “ông ba mươi”. Một là sợ vía nên kiêng nhắc đến tên loài ác thú ấy. Hai là lão nghe ông bà kể lại rằng xa xưa có tục ai săn diệt được cọp thì được quan thưởng ba mới quan tiền và được dân gọi là “ông” nên mới có cái tên ấy đấy. Lão biết vùng này có một “ông ba mươi lông vàng, chân sau thọt. Có lẽ ông mắc bẫy rồi phá bẫy thoát ra. “Ông” trở thành tinh rồi, dữ lắm. Có một đêm mưa, “ông” về xóm Kim Cương này vạch liếp xông vào nhà một người đàn bà. Chị ta đến ngày sinh đang nằm chung giường với đứa con nhỏ. “Ông” cắn chết đứa con rồi ăn thịt người mẹ. Anh chồng đi họp xóm về soi đèn vào “ông” cắp mồi chạy vào rừng. Các tổ Sơn tràng có đôi ba lần xáp “ông” đấy… Cụ Huấn còn kể ở vùng rừng Nớc Nóng có loại trăn mốc, có con dài đến ba bốn sải tay, rồi còn có cả loài trăn mắc võng nữa, vòng bụng nó to hơn cái ấm tích hãm nóc chè xanh. Hai loài trăn này sống vắt trên cành cây. Nó thường phục các lối mòn bắt sơn dương, bắt hoẵng, bắt được cả khỉ. Cụ đã tận mắt nhìn thấy nó quấn chết con nai bằng con bê rồi xiết đến gãy vụn xương và nuốt hết. Vài ba hôm sau, trăn quấn trên cành cây thông cổ xuống, há rộng mồm xương rơi ra từng đống...Nghe cụ Huấn nói tai Mai Thiện ù lên, bàng hoàng, tim anh như bị bóp nghẹt. Anh tưởng mình rơi xuống vực sâu, chới với, hãi hùng. Nước mắt Thiện trào ra: “Ôi, Hằng ơi. Có lẽ nào Hằng lại bị đau đớn đến thế”. Anh muốn gạt những ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Anh mong rằng Hằng đừng bao giờ như thế.
- Thưa cụ. Chúng cháu có đôi lần được nghe kể về các loài thú ấy. Trong chuyến đi tìm này chúng cháu có chú ý nhưng không thấy nơi nào có xương và các tràng cỏ trên suối là nơi hổ thường tha mồi về vờn xé cũng không hề thấy dấu vết gì. Nói đến những lời ấy lòng đội trưởng Mai Thiện xót xa tê dại: “Hằng đã cứu Thiện trong một tình huống cực kỳ nguy hiểm, mà nay Thiện bất lực chưa trả được cái nghĩa ấy với Hằng”… Đó là chuyện xảy ra trong chuyến tuần tra đầu năm nay. Đêm ấy cả đội mắc võng nằm lại giữa lũng núi. Sáng sớm đám đất dưới võng sên đất, vắt xanh ngóc đầu ngo ngoe hướng lên đáy võng như đám tằm non hướng về ngọn lá dâu. Thiện thò chân xuống toan xỏ vào giầy. Hằng kêu thất thanh “rắn đấy” Thiện vội co chân lên. Một chú rắn lục màu đen bóng nhẫy, mắt lay láy man dại từ trong đế giày ngóc cổ lên. Phóng cái lưỡi đỏ chót ra mổ hụt rồi trườn đi. Thì ra cả đêm chú rắn lục vào ẩn trong chiếc giày ấm áp. Thiện hú vía. Nếu hôm đó bị chú rắn lục mổ thì tôi không biết chuyện gì sẽ xẩy ra với đội trưởng Mai Thiện giữa rừng sâu…Nhớ tới chuyện đó, giọt nước mắt mặn chát của Thiện chảy vào miệng. Đầu anh nặng trĩu. Hai tai anh ong ong như có con tò vò làm tổ. Trống ngực anh rộn lên. Anh cố trấn tĩnh:
- Thưa cụ, hôm ấy cháu đi giữa đôi hình xuyên rừng tiến về phía đường biên. Cánh bên phải là Hằng. Cự ly không xa nhau lắm. Cháu không hề nghe thấy tiếng động. Mà giá như Hằng bị ác thú vồ, quấn thì ít ra khẩu súng và chiếc mũ bông đã rơi lại. Nhưng đây không có gì. - Thiện nói nhọc nhằn.
- Các chú xem, chú ấy có bị giặc bắt không. Ở chỗ đó, tôi biết, gần nơi “phân mao cỏ rẽ” lắm.
- Thưa cụ, chúng cháu đã nghĩ đến tình huống ấy. Nhưng giả thiết nếu Hằng bị bọn biệt kích bắt thì ít ra cũng có sự vật lộn, chứ không dễ dàng gì ... Khi lên đến tọa độ hợp điểm chúng cháu mới phát hiện ra thiếu Hằng..
Cụ Huấn đi thủng thẳng trên bàn thờ Thần rừng thắp tuần hương nữa. Khói hương bay lên. Hút gió núi quẩn lại thành những vòng tròn rồi tản rộng ra như hình những dấu hỏi lớn. Đôi mắt cụ Huấn mơ màng. Cự như nhìn thấy khuôn mặt Mẫu Thượng Ngàn tròn sáng, hiền hoà giống vầng trăng đêm rằm trên đầu núi. Cụ khấn Mẫu, xin Mẫu mở lượng hiếu sinh.
Đồn trưởng Huy Thập và đội trưởng Mai Thiện đi về đồn. Hai người mải miết leo lên dốc núi. Mặt trời chiếu sau lưng, họ như đi theo cái bóng của mình. Nắng ấm áp chan hòa. Nắng làm cho cây cối như xanh thêm. Nắng rơi vàng trên đá. Đá lặng lẽ chìm trong nỗi suy tư. Còn dưới thung xa làn mù sương mờ ảo che biết bao điều huyền bí. Lòng người đồn trưởng trĩu nặng như cây gỗ ngâm nước. Anh thẫn thờ, “Ôi”. Ta đã sống với rừng, con chim kêu dữ, lành khuya sớm; con suối chảy trên dòng đục dưới dòng trong; con nhện giăng mành tơ dọc lối mòn còn nguyên hay đã đứt; rồi những cành cây ở bìa rừng hạt sương có còn đậu tròn trên mặt lá… Tất cả đã quen thân với ta mách bảo lối bình yên cho ta đi. Cả những vật tưởng như vô tri vô giác: vết rêu trên đá, ngọn cỏ bên đường… Giờ đây mong “các người” hãy dẫn đường để ta tìm người đồng đội đang ở đâu…”. Hằng ơi. Hằng ở nơi nào trong đại ngàn sâu thẳm này…”.
Cái đêm đi tìm Hằng, các chiến sĩ đội truy tìm mắc võng nằm đúng nơi Hằng không trở về, đội trưởng Thiện không sao chợp mắt. Anh chìm đắm trong mùi vị ngai ngái của rừng khuya. Có lúc mùi vị đầy thân tình ấm áp của cái tập thể nhỏ ấy như rộn lên. Mùi vị quen thân ấy không phải từ đầu đã đến mà từ chính trong chiều sâu ký ức của anh hiện về. Anh mơ hồ hình dung lại… lúc ấy sao thế nhỉ. Có điềm triệu gì báo trước không? Đó là lúc phân chia vị trí cho các chiến sĩ xuyên rừng, sao anh ngắm nhìn Hằng kỹ thế. Anh nhìn kỹ hơn mọi lần như cố ghi nhớ lấy gương mặt của Hằng. Giờ đây nhắm mắt lại, anh vẫn thấy gương mặt tròn, nụ cười hiền hậu của Hằng. Hằng gọi anh, vẫn tiếng nói nhỏ nhẹ, ấm tình bầu bạn hàng ngày ấy. Tay Hằng cầm chặt lấy đầu võng của anh: “Các anh ơi. Anh Thiện ơi, em ở lại với đại ngàn rồi. Em sẽ trồng hoa, em chọn được nhiều giống hoa thơm lắm…”. Những tiếng nói trong giấc mơ đã đánh thức Thiện dậy. Thiện ngồi trên võng, bàng hoàng, mồ hôi đầm đìa. Xung quanh anh những âm thanh bổng trầm của mây gió, của các loài côn trùng rả rích, của lá rơi xào xạc biến ảo khôn lường; của hằng sa số tiếng muỗi vằn đập cánh như một khúc nhạc não nùng càng làm nỗi suy tư trong lòng anh dâng lên…
Rồi vùng đại ngàn Cầu Treo - Nước Nóng bỗng xôn xao, sôi động bởi nhiều toán người sục sạo tìm trầm. Những buổi chiều mây về núi, gió lạnh rừng hút luồn vào làm cành lá rùng mình, không khí trước buổi đêm rừng nặng nề vắng lặng thì mùi thơm ngọt ngào, thanh tao của trầm hương lan tỏa đẫm hơn. Lúc ấy Huy Thập, Mai Thiện và các chiến sĩ trong đồn nao lòng nhìn ra phía rừng xa, nhớ đến Hằng. Rồi những đêm khuya lúc trăng chỉ còn là một quầng vàng nhạt trên đầu núi, sương đậu trắng trên các vòm cây, con chim từ quy nỉ non, thì mùi thơm của trầm hương thao thức quẩn quanh chòi canh, theo chân người lính tuần tra trên dốc núi. Hương thơm của trầm tựa hồ như từ dưới lòng đất sâu thẳm giữa rừng tỏa ra bốn phương, tám hướng. Hương thơm của trầm như khói đá như mây ngàn, như hơi sương, hơi nước, phập phồng, phảng phất, quấn quýt lấy cành cây đá núi cả năm tháng, cả bốn mùa.
Hai người lính biên phòng lại xuống xóm Kim gặp cụ Huấn. Cụ vẫn ngồi từ bi trên tấm da hổ trước bàn thờ Thần rừng. Cụ nói rằng đã nhiều đêm rồi mùi trầm hương trong gió đã dựng cụ dậy. Cụ nói trầm kỳ là từ cây gió bầu sinh ra. Cây gió bầu bị một loài sâu độc đục thân, cây phải dồn nhựa đến đó chống chọi với sâu. Nhựa tụ lại thành những u cục, lâu ngày nơi đó thành trầm hương. Cụ Huấn kể rằng rằng những người dân đến nơi làm sương chướng khí để khai sơn phá thạch dựng cột tre liếp nứa lập nên cái xóm Kim này chả ai thấy cây gió bầu, cũng chả ai ngửi được mùi trầm thơm trong gió. Cụ Huấn còn nói nơi khỉ ho cò gáy, rừng thiêng nước độc, thịt tru (trâu) bạc, nác (nước) Kim Cương, khải Nậm Tuồng, ma Nước Sốt muỗi vằn đốt chết trâu mộng này, cụ đã theo ông rồi theo bố đi săn thú, cụ thuộc rừng như thuộc từng vạt cây trong vườn nhà. Cụ biết rõ rừng ở đây chẳng có trầm có kỳ gì đâu. Nếu có trầm thật thì từ lâu người ta đã chẳng để cho rừng vùng này yên thân. Cụ Huấn lắc đầu. Đôi lông mày như hai bông lau núi dãn ra, động đậy, cụ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói tiếp:
- Nhưng các chú ạ, vùng rừng này có loài ngận hương sinh trú đấy. Loài thú ấy cũng có mùi thơm. Nhưng thường vào lúc bí bầu rụng rốn, chừng tháng hai ta là đến kỳ con ngân đực động tình. Nó thả hương thơm trong gió để gọi con cái tìm đến. Mùi thơm của nó cũng ngọt ngào quyến rũ lắm gần giống mùi trầm hương, song có gợn hắc, nồng. Bởi mùi thơm của ngận hương tiết ra từ bìu...
Còn mùi thơm trong gió mấy tháng nay sao mà nó ngọt ngào, thanh tao thoảng hương hoa dẻ, hoa móng rồng, hoa lan núi...Cụ Huấn nhìn ra phía rừng xa với ánh mắt mơ hồ - “Hay là thần rừng mới ban cho vùng Cầu Treo - Nước Nóng này giống trầm hương”.
- Nhưng thưa cụ gần nửa năm nay nhiều toán người đi tìm trầm mà chẳng ai gặp!
- Lão cũng nghĩ tới điều kì lạ ấy đấy. Các chú ạ - gương mặt già nua của cụ Huấn trầm xuống, sâu lắng - Lão nghĩ rằng, nợ có đầu, oan có chủ, chú Hằng hiền thảo thế sao lại chịu nỗi oan khiên này. Các chú ơi, ngót trăm năm sống với đất rừng rồi lão biết tạo hoá công bằng lắm, Thần rừng linh thiêng cũng công bằng lắm, không để cho ai thua thiệt đâu. Lão đã ngẫm ra rồi. Con muối vằn độc địa vòng đời chỉ có nửa tuần trăng. Con rắn hổ mang bành thì lại sợ con chồn bạc má ăn thịt, con voi to kềnh càng, sức lực đến thế lại sợ con kiến đen bằng nửa hạt vừng lẫn trong bẹ chuối đang an. Con trăn xiết gẫy vụn xương nai lại phải nhũn ra, đờ đẫn vì giây sắn bằng chiếc đũa. Lão thấy rồi hổ, báo, gấu, ngựa, chó sói đen ác độc gầm rú rung rinh cây rừng đá núi cũng phải sợ cái rùng mình của con nhím đấy. Các chú ạ, thế đấy, các loài ác thú có oai phong hung dữ đến đâu rồi cũng chủ nấu cạo làm thuốc bồi bổ sức cường tráng cho con người. Rừng có luật nghiêm ngặt của rừng đấy. Lão cứ nghĩ gần nghĩ xa về cái hương thơm thần kỳ này. Cụ Huấn đưa mắt nhìn ra phía rừng xanh. Đôi mắt cụ ánh lên nét ưu tư… Buổi chiều sương mù màu sữa non mờ ảo trùm lên thung lũng. Gió núi liu riu xe lạnh. Đất trời đượm màu huyền bí. Cụ Huấn ngập ngừng, cụ lựa lời nói với hai người lính biên phòng:
- Các chú ạ, lão nghĩ rằng người ở lại với rừng thì rừng lưu hương thơm trong gió núi, trong cây ngàn đấy…
Từ hôm ấy trong nhà cụ Huấn bên ban thờ Thần rừng, cụ đặt thêm một bát hương nữa… Những canh khuya gió từ đại ngàn thao thức đưa hương trầm về, cụ Huấn đốt nén hương thơm. T.H.T
(Nguồn Tân văn số 3 - NXB Hội nhà văn tháng 3 - 2013)
|