Ảnh nguồn - Internet
Năm 1991, dân làng Đình Bảng đang dồn công sức tiền của (xã hội hóa) phục dựng lại Đền Đô để thờ 8 Vua Nhà Lý (đền Lý bát Đế), đồng thời Làng mở lại Hội đền Đô vào rằm tháng 3 âm lịch (tương truyền là ngày đăng quang của Vua Lý Thái Tổ) sau nhiều năm bị quên lãng...Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn (em họ) "ông Từ đền Đô" bảo NK (nhà thơ xóm Đình- chưa là Hội viên VHNT nào cả) : "Anh làm cho 1 bài thơ để kêu gọi cổ vũ Người Đình Bảng đang bươn trải kiếm sống khắp nơi hướng về Làng mà đóng góp xây dựng cho quê Vua Lý hồi sinh trở lại thời giầu có đẹp đẽ nhất vùng Kinh Bắc..." ?
Với gợi "ý" đó , NK tôi trăn trở mấy hôm...rồi hạ bút :
HỘI ĐỀN ĐÔ
Ai đi buôn bán mải mê
Tháng ba hoa Gạo gọi về quê hương
Đền Đô mở hội tưng bừng
Tướng quân Đá Rãi (1) hai ông đang chờ
Thuyền Ròng đi rước Nhà Vua
Kiệu hoa, ngựa bạch mở cờ trống dong
Chừng như ta đợi đi cùng
Váy quê sao khéo buông chùng làm duyên (2)
Trên sông Làng đã đua thuyền
Anh vào xới vật một phen đua tài
Cổng sông ai VỚT (3) hồn ai
Lầu Tây (4) tiếng hát đổ đầy Ao Sen (5)
Khánh Đình Bảng (6) đã vang lên
Cúc cung "hưng, bái" (7) giữa đền trầm vang...
Giáo gươm đòng bác sáng choang
Chừng như Vua Lý hiên ngang giáng trần
Ngựa voi binh mã ầm ầm
Xênh xang bán nguyệt (8) ai cầm múa ca
Ai làm Bà Chúa (9) Làng ta
Ai thành Ông Quận (10) xông pha công đồn
Thuở nào thợ ngả thợ sơn
Đã thành ông Tướng kinh hồn giặc xa...
*
Về đây dự hội Làng nhà
Hát câu Quan Họ đậm đà tình xưa
Anh về vui với cày bừa
Để em tay nải gió đưa phương trời...
*
Tháng ba hoa Gạo đỏ tươi
Trống đền Đô lại hẹn người thăm quê
Tướng quân ĐÁ Rãi đứng kia
Nghìn năm chung thủy canh Bia giữ Đền
Quê , rằm tháng 3 ta -1991
Nguyễn Khôi
-(1) Tương truyền là 2 ông tướng Người Chiêm Thành (tượng cởi trần đóng khố) cầm gươm bảo vệ Vua Lý.
-(2) Thơ Hoàng Cầm "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng".
-(3(4)(5)các địa danh ở Làng gắn với sự tích Trương Chi trên sông Tiêu Tương ở trước Làng.
-(6)Khánh Đình Bảng ở Chùa Đài (chùa Lục Tổ) đánh lên vang xa cả vùng...
-(7) "hưng , bái" tiếng hô lên khi cúng tế
-(8)"Tay cầm bán nguyệt xênh xang" gắn với sự tích Ỷ Lan nguyên phi.
-(9)(10) sự tích vợ Chúa Trịnh nay còn Nhà thờ Bà Chúa ở xóm Trung Hòa.
-(11)(12) gắn với thế hệ trai làng như Nguyễn Đức Nguyện thành tướng Lê Quang Đạo nổi tiếng thời KC chống Pháp- Mỹ.
* ĐÔI LỜI BÀY TỎ ::
Bài thơ viết theo lối Ca dao (diễn ca) gắn với các sự tích của Làng nhằm khơi gợi thức dậy tình quê hương của những người con dân Đình Bảng đang mải mê bươn trải làm ăn buôn bán ở 4 phương trời : "Tháng ba nhắc hội Làng/ trông về chân trời cũ..." Bài thơ có 2 câu độc đáo,mà lâu nay nhiều người cứ tưởng là Ca dao vùng Từ Sơn :
Anh về vui với cày bừa
Để em tay nải gió đưa phương trời
Đây là 2 câu mà NK muốn khái quát về đặc điểm "Người Đình Bảng"( dân Làng buôn) :
-Gái Đình Bảng (vợ) luôn theo các chuyến hàng (buôn chuyến) theo Ô tô, tàu hỏa, máy bay đi khắp 4 phương trời kinh doanh thương nghiệp (phi thương bất phú) từ Lạng Sơn lên Côn Minh, từ Hải Phòng sang Hồng Kông, từ Hà Nội vào Sài Gòn sang Phnôm pênh,
sang Nga, Pháp Mỹ...
- Còn Trai Đình Bảng (chồng) ở quê cai quản nhà xưởng ruộng đồng ( Lò Ngả ruộm the thâm, xưởng dệt, Nhà Máy Bia , nấu rượu Quốc lủi, Sản xuất thuốc lá phi Quốc doanh. Làm Sơn mài , đồ gỗ, sản xuất Giò chả- nem Báng nổi tiếng, SX bánh Xu Xuê (phu thê), làm trang trại trồng trọt, chăn nuôi, thả cá với qui mô lớn sx hàng hoá V.V...đổng thời thay Vợ làm "hậu phương lớn" nuôi nấng dạy dỗ con cái, phụng dưỡng ông bà cha mẹ già...
Thời chiến thì Trai Đình Bảng tiên phong ra trận đánh giặc giữ nước, nhiều người được phong Quận công, tướng lĩnh... Làng được phong 2 danh hiệu anh hùng (1 cho cả Làng và 1 cho Đội thiếu niên du kích Đình Bảng).
Hai câu kết của bài thơ NK muốn nhắc tới quan hệ Viêt-Chiêm, khởi từ đời Nhà Lý. nhà Vua đã có ý định dưa Chiêm Thành hội nhập vào cộng đồng 54 tộc người của nước Đại Việt ta. Bài thơ "Hội đền Đô" đến nay cũng đã được 20 năm, cùng với tập thơ "Trai Đình Bảng" nxb Văn Học-Hà Nội 1995, với 2 câu đề từ của chàng thi sĩ xóm Đình :
Thơ tôi viết tặng Làng tôi
Cả Làng và chỉ một người tôi thương.
nhắm nhắn gửi những ai là "Người Đình Bảng" thì ;
Dù tản mác khắp chân trời góc bể
Góc tâm hồn vẫn gửi gắm nơi quê.
Viết tại Đình Bảng rằm tháng 3 Tân Mão (2011)
Nguyễn Khôi
|